VietCatholic News (29 May 2009)
Deirdre Cornell (1) thuật lại câu truyện cảm động về một người đàn bà Mễ Tây Cơ qua Nữu Ước tìm tung tích đứa con trai 21 tuổi mất tích vào đúng ngày tòa Tháp Đôi bị khủng bố đánh sập.
Tên đứa con trai là Fernando Jiménez Molinar. Vừa tốt nghiệp trung học, Molinar quyết chí kiếm tiền để mở một thương vụ làm ăn. Anh vượt biên qua Mỹ, tới miền bắc nước này, trở thành một công nhân không giấy tờ của Manhattan. Trong vòng hai năm, anh đã trả xong phí khoản vay để trang trải cho chuyến đi và bắt đầu dành dụm cho tương lai. Nhưng đêm 11 tháng Chín năm 2001, anh không trở về căn hộ cùng thuê với đồng hương di dân. Điều ấy khiến bà mẹ ở quê nhà vô cùng lo lắng, bà chỉ biết một điều: sáng hôm đó, Molinar còn lên đường đi trao hàng, và không bao giờ trở lại nữa.
Người đàn bà can đảm ấy đã lo liệu qua Nữu Ước để dò la dấu vết những ngày cuối cùng của con trai mình. Người chủ tiệm thịt nguội nơi Fernando làm việc xác nhận rằng Fernando là một công nhân tốt rồi anh quay mặt dấu dòng lệ tự nhiên tuôn rơi. Không thi thể để nhận diện và không nhân chứng hợp pháp, toàn bộ biến cố vì thế xem ra bất hiện thực và bất tự nhiên biết chừng nào. Các đồng nghiệp của anh sẵn sàng ra tòa làm chứng, nhưng khi người chủ tiệm thịt nguội từ chối ra tòa vì sợ bị phạt về tội sử dụng công nhân bất hợp pháp, nên các đồng nghiệp trên cũng từ chối luôn.
Mẹ của Fernando đành ngủ lại phòng khách một người quen, sống những đêm không ngủ và những ngày thất vọng, cố gắng gỡ cái thế lưỡng nan mà bà và nhiều gia đình khác hiện đang mắc vào. Chưa hết, thêm vào đó, bà còn nặng chĩu với nhiệm vụ không được để ký ức của con bị xóa nhòa. Dù cái chết của con có thể mang lại những món tiền bồi thường lớn lao, nhưng quan tâm chính của bà mẹ này không phải chỉ có thế, mà có ý nghĩa khác. Bà tâm sự rằng điều làm bà ám ảnh là không có giấy khai tử, không có hồ sơ dân sự nào, không có gì chính thức nhìn nhận con bà đá quá vãng. Như thể Fernando chưa bao giờ hiện diện ở trên đời; không những không có hồ sơ nào ghi chép việc anh từ giã cõi đời, mà đến cả sống anh ta cũng không có dấu chỉ nào hết.
Hiển nhiên người mẹ chàng thanh niên này muốn bảo trì ký ức về con trai mình. Các nhà nhân chủng học văn hóa từ lâu vốn chứng minh rằng trong khi việc sinh nở là một biến cố thể lý, thì chức phận làm cha làm mẹ lại là một hiện tượng do xã hội tạo dựng. Hình ảnh một bà mẹ thức đêm tại nhà chờ con, cầu nguyện cho hạnh phúc của chúng, rất tự nhiên trong tâm trí ta; song hình ảnh một bà mẹ tìm tòi đứa con mất tích trong hồ sơ công cộng quả đã phá hết các nguyên mẫu tình cảm.
Nhất là trong tháng Năm, tháng được người Công Giáo dành để tôn kính Đức Maria, không ai lại không cảm phục chiêm ngưỡng chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.
Các hình ảnh về Đức Mẹ
Trong các Phúc Âm, chức làm mẹ của Trinh Nữ Maria đã được trình bày một cách không theo ước lệ chút nào. Phúc âm Mátthêu mở đầu với việc kể lại gia phả của Chúa Giêsu, một gia phả đặt Đức Mẹ bên cạnh nhiều người đàn bà đáng nghi ngại, từng trung thành với giao ước một cách không giống ai. Phúc âm Luca cho thấy một Đức Maria dám phá ước lệ của lối văn truyền tin bằng cách nói lên sự bằng lòng của mình. Trong nhiều bản văn Thánh Kinh, Đức Maria dám đặt câu hỏi; ngài đuổi theo con mình; tham dự tiệc vui; ra lệnh; và nhất là du hành. Nhiều lần. Đúng thế, các đoạn của Thánh Kinh nhắc đến Đức Maria đều được đóng khung bằng những cuộc hành trình. Từ cuộc lên đường thứ nhất lúc ngài “khởi hành và ra đi vội vã” để thăm bà Êlisabét, tới cuộc hành hương dứt khoát tới Giêrusalem và lần sau cùng nhắc tới ngài trong Tông Đồ Công Vụ, câu truyện về ngài lúc nào cũng kèm theo chuyển dịch, từ những thời điểm ý nghĩa này tới thời điểm ý nghĩa kia. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chức phận làm mẹ của ngài đi trọn một vòng hoàn hảo, khi ngài tiếp nhận một lần nữa Chúa Thánh Thần là Đấng thổi sự sống vào cộng đồng đức tin và sai họ lên đường truyền giáo.
Nhiều truyền thống bình dân về Đức Mẹ Đồng Trinh đều có cùng một cảm thức như trên về sức sống và tính kiên cường ấy. Không giống việc tôn kính các vị tử đạo và thánh nhân địa phương, lòng tôn sùng Đức Mẹ, trong Giáo Hội sơ khai, không giới hạn vào các địa điểm địa dư đặc thù. Việc Mông Triệu, từng gợi hứng cho óc tưởng tượng Kitô Giáo ngay từ thế kỷ thứ hai, cũng hàm ý rằng danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa tuy có thể liên hệ tới một nơi chốn nhất định, nhưng không bị độc cực hóa (monopolized, độc quyền), không bị một nơi chốn tưởng niệm duy nhất nào thu hút hết. Khi vượt qua cái biên giới tối hậu ấy bằng cả thân xác và linh hồn, nghịch thường thay, ngài đã được tự do bước sâu vào man vàn nền văn hóa của Kitô Giáo, chăm sóc muôn thế hệ tín hữu đã được trao phó cho ngài săn sóc, ngay từ khi còn ở dưới chân Thánh Giá, theo Phúc Âm Gioan.
Hai hình ảnh của Mễ Tây Cơ, một nổi tiếng một không nổi tiếng bao nhiêu, nói với ta rất nhiều về chức phận làm mẹ liên tục của Mẹ Thiên Chúa. Như xưa ngài đã một lần hợp tác vào việc cứu rỗi loài người, nay ngài mở rộng sự che chở và phù hộ đặc biệt của ngài cho những thành phần dễ bị thương tổn hơn cả.
Juquila và Guadalupe
Tại Oaxaca, bức tượng Thánh Nữ Đồng Trinh Juquila nhỏ xíu, diễn tả Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, hàng năm đang lôi cuốn hơn hai triệu người hành hương đến tôn kính. Khách hành hương từ khắp Cộng Hòa Mễ Tây Cơ, cũng như các di dân từ Vùng Bắc trở về, đã nô nức kéo nhau tụ về đền thánh của ngôi làng nhỏ bé. Họ đi bằng đủ phương tiện: đạp xe, cuốc bộ, hoặc lái xe qua những con đường nguy hiểm, vượt rừng núi nhiều giờ, nhiều ngày và có khi nhiều tuần để tới đây. Bức hình Thánh Nữ Đồng Trinh này từng được người ta yêu mến từ thời Mễ Tây Cơ bị chiếm đóng, vì sự chăm sóc thiết tha của Đức Mẹ dành cho người bản xứ, những người mà ngài năng thăm viếng dưới hìnhh thức một bức tượng cao khoảng một bộ Anh được một vị truyền giáo Dòng Đa Minh rước qua hết mọi nơi. Khi bức tượng được đặt yên vị tại làng Amialtepec, các tân tòng bản địa đua nhau kéo tới căn chòi bằng lá của ngài. Khi ngôi làng bị đốt phá bình địa, bức tượng đã được ‘bình yên’ một cách lạ lùng, tóc chỉ bị cháy xém, mặt và tay bị khói làm đen sạm: thế là Thánh Nữ Đồng Trinh nên giống hệt những người ngài yêu dấu.
Cuối thế kỷ 17, việc mỗi ngày một nổi tiếng của ngài, cũng như việc các giáo sĩ tranh nhau quyền kiểm soát, đã dẫn tới việc rời bức tượng về trụ sở giáo xứ Juquila. Do đó tượng mới có tên là Thánh Nữ Đồng Trinh Juquila. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, đối với lòng sùng kính bình dân, Thánh Nữ Đồng Trinh vẫn tiếp tục “trở về” mái nhà lá khiêm nhường của mình. Cả ngày nay nữa, người ta tin rằng Thánh Nữ Đồng Trinh Juquila vẫn tới lui núi non Oaxaca.
Cái khuôn thước du hành này củng cố hình ảnh Thánh Nữ Đồng Trinh như quan thầy không chính thức của người xuất cư ra khỏi các tiểu bang phương nam của Mễ Tây Cơ. Người hành hương thực hiện chuyến đi cực nhọc tới đền thánh của ngài để được núp dưới tà áo bụi bặm, trải dài từ đôi vai nhỏ xíu của ngài, một hành vi biểu tượng cho sự cầu bầu của ngài trong lúc gian nan họ gặp trên đường đời.
Bức vẽ thứ hai, tức Đức Bà Guadalupe, nổi tiếng vì phong cách vẽ hình Đức Mẹ quả đã vượt qua nhiều biên giới. Bắt đầu với việc ‘xuất khẩu’ các bản sao hình Đức Mẹ từ Mễ Tây Cơ thuộc địa qua Phi Luật Tân, Puerto Rico, các phần khác của Tân Tây Ban Nha và cả Ý Đại Lợi, dịch bản Mễ Tây Cơ về Mẹ Thiên Chúa này (cùng tên với Thánh Nữ Đồng Trinh Guadalupe của vùng Extremadura, Tây Ban Nha), cho thấy một thiên hướng kỳ diệu về di động tính. Gần đây hơn, lòng sùng kính đã lên cao một cách phi thường tại Mỹ nhờ làn sóng các guadalupanos, tức những người sùng kính Đức Bà Guadalupe, ồ ạt kéo tới những vùng trước đây chưa hề quen biết bức ảnh.
Đức Bà Guadalupe luôn chiếm được lòng trung thành đạo hạnh của những người tôn kính ngài. Tuy nhiên, trong lòng sùng kính bình dân, Đức Mẹ không hành động như nữ hoàng Mỹ Châu và nữ hoàng Phi Luật Tân, mà như bà mẹ của họ. Hình ảnh của ngài du hành vạn dặm, đến tận những trang trại của tiểu bang Nữu Ước thượng nguồn, vườn trái cây của tiểu bang Giorgia thôn dã và những xí nghiệp đóng thịt hộp của tiểu bang Minnesota xa xôi, do những người di dân mang theo, những con người tìm được nơi bức ảnh một chứng nhân thân ái cho những vật lộn hàng ngày của họ: Ngài quả là kho lẫm thích đáng cho ký ức cá nhân và tập thể của họ.
Nền tảng đầu hết cho câu truyện Guadalupe đã được truyền khẩu giữ gìn bởi các Kitô hữu bản địa tại vùng Tepeyac. Trình thuật chi tiết nhất được tìm thấy trong cuốn Nican Mopohua (khoảng năm 1556), thuật lại những lần Đức Mẹ hiện ra đầu tiên. Trọng tâm của câu truyện là Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, vừa tới nơi, đã truyện trò với một nhà truyền giáo bản địa, chính là Thánh Juan Diego Cuauhtlatoatzin sau này.
Chặn bước nhà truyền giáo này lúc ông đang đi, Thánh Nữ Đồng Trinh nói với ông bằng tiếng Nahuatl và ủy thác cho ông sứ điệp sau đây: ngài tha thiết có một nơi ẩn dật, một nhà nguyện, một nhà thờ (ba chữ khác nhau trong thứ tự tiệm tiến) được xây dựng tại nơi ngài chọn. Tại đó, ngài hứa sẽ ban tình yêu, sự che chở, sự an ủi và chữa lành trong tư cách một người mẹ cho “tất cả những ai sống tại vùng đất này” và “cả những ai yêu mến ngài nữa”.
Việc Tepeyac được nhà dân tộc học thế kỷ 16 là Fray Bernardino de Sahagún ghi nhận là địa điểm hành hương trước thời Tây Ban Nha là điều không có chi đáng ngạc nhiên cả, vì phần lớn công cuộc truyền bá phúc âm tại Mỹ Châu diễn tiến qua việc xây dựng các ngôi nhà thờ trên các đổ nát của đền thờ bản địa. Điều quan trọng hơn chính là sự kiện các Kitô hữu tân tòng bản địa gọi bức ảnh Đức Mẹ này là “Tonantzin,” (Mẹ Yêu Dấu Của Chúng Con).
Điều đáng chú ý là mặc dù bức ảnh có một ý nghĩa đặc thù, nhưng nó lại thoát được những điều kiện khắt khe của lịch sử. Tấm tilma, tức tấm áo choàng trên đó bức ảnh xuất hiện, vẫn còn nguyên vẹn sau hơn bốn thế kỷ qua, ấy thế mà các nhà khoa học cũng như các nhà sử học vẫn chưa làm sao nhận diện được nguồn gốc mầu nhiệm của nó. Qua sự chú ý mới mẻ hiện nay đối với tấm tilma, người ta mới thấy bức chân dung Đức Bà Guadalupe này (pha trộn đủ các nét Tây Ban Nha lẫn bản địa) mang theo tính biểu tượng hết sức phong phú đối với những người sùng kính ngài. Qua truyện kể và qua hình ảnh, Đức Bà Guadalupe quả đã nói lên một Đức Maria luôn đi tìm con cái mình, giống hệt người mẹ của Fernando lên đường tìm vết chân cuối cùng của con ở Nữu Ước.
Các bà mẹ luôn duy trì được địa vị ưu tuyển khôn sánh khi nói tới ký ức. Thực vậy, một trong những vai trò mà ai cũng phải nhận có tính mẫu thân chính là làm nhân chứng cho ký ức cá nhân của con cái và cháu chắt mình. Các vị trưởng thượng thuộc cả hai giới tính đều có công chuyển giao kiến thức của các thế hệ đi trước, dẫn dắt các thế hệ trẻ đi vào bản sắc tập thể; tuy nhiên, chính các bà mẹ mới là người đặc biệt duy trì được lịch sử con cái mình. Trong các gia đình có đứa con bị mất đi vì thảm họa hay bệnh tật, bà mẹ là người lo lắng sao cho việc mất mát ấy không bao giờ bị gia đình hay cộng đoàn quên lãng.
Kitô hữu tưởng nhớ Đức Mẹ vì Đức Mẹ luôn nhớ tới ta. Khi ta quên khuấy mình là con cái Thiên Chúa, Đức Mẹ luôn nhắc ta nhớ đến bản sắc chân thực của mình: ta là con cái của chính Mẹ Thiên Chúa.
Thánh Nữ Đồng Trinh Maria luôn phủ chiếc áo choàng thời danh lên mọi tín hữu. Việc tưởng niệm Đức Maria, một phụ nữ nông thôn từng vượt qua ranh giới thôn làng để sinh hạ Đấng Thiên Chúa Ở Giữa Chúng Ta và để trở thành chứng nhân cái chết cứu rỗi của Người, thật hết sức phong phú về hình ảnh mà ngài muốn chia sẻ với ta, làm linh hứng cho ta trên đường lữ thứ trần gian. Với lời cầu nguyện bất tận ở bên kia biên giới sau cùng, Đức Mẹ quả là đấng bào chữa cho ta trong một tình mẫu tử vừa nhập thân các nền văn hóa đặc thù của ta vừa vượt lên trên mọi giới hạn của chúng ta về thời gian và địa dư. Ngài chúc lành cho ta, đem ta bình yên qua khỏi ngưỡng cửa cuộc đời.
(1) Deirdre Cornell làm việc lâu năm tại Mễ Tây Cơ, hiện viết cho tập san The America, của các cha Dòng Tên Mỹ (coi số ngày 18 tháng Năm, 2009).
Vũ Văn An
|