Theo lịch phụng vụ Công giáo thì tháng Năm được gọi là tháng Hoa, tháng kính nhớ Đức Mẹ. Người Công giáo khắp nơi trên thế giới, cách riêng là ở Việt Nam có nhiều hoạt động để tôn vinh người Mẹ Thiên quốc từ mẫu là Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh cũng là Mẹ của các Kitô hữu.
Tháng Năm cũng là tháng dành để tôn vinh các người mẹ từng sinh nặng đẻ đau và giáo dục các con nên người. Mẹ! Tiếng gọi thân thương mà ngàn đời mỗi người con không bao giờ quên. Mẹ đã mang nặng đẻ đau và không ngại vất vả gian lao để dưỡng dục chúng ta khôn lớn nên người.
Người Hung-ga-ri, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mừng ngày của Mẹ vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng năm. Người Mỹ, người Canada và dân một số nước khác như Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Bỉ … kỷ niệm Ngày của mẹ vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng Năm. Người Pháp, Algeria, Thuỵ Điển… kỷ niệm Ngày của mẹ vào Chủ Nhật cuối cùng của tháng Năm. Trong bữa tối của gia đình, những người con dâng tặng mẹ chiếc bánh mô phỏng hình bó hoa để bày tỏ lòng thành kính. Nói chung các nước trên thế giới dù văn minh hay lạc hậu cũng đều có một ngày đặc biệt để tôn vinh và tưởng nhớ đến công đức sinh thành và dưỡng dục của các bà mẹ.
Người Paraguay mừng lễ của mẹ vào ngày 15 tháng Năm hàng năm và đây cũng là ngày quốc lễ. Những người con ở xa quê hương thường có những món quà gởi tặng cho mẹ, còn những người con sống trong đất nước thì dù muốn dù không cũng phải trở về để thăm người mẹ sinh thành ra mình dù chỉ là một cuộc gặp ngắn ngủi.
Tôi đã đến Paraguay làm việc truyền giáo được vài năm. Lúc đầu tôi hơi thắc mắc là tại sao anh em linh mục tu sĩ người Paraguay lại không thể xa quê hương làm việc lâu dài như các nhà truyền giáo người Âu châu hay Bắc Mỹ, mà tối đa chỉ làm việc ở nước ngoài khoảng 7 năm là xin quay về lại quê hương phục vụ. Các anh em linh mục trong nước người Paraguay thì cứ hàng tháng hay hai tuần lại xin phép về thăm gia đình. Thỉnh thoảng tôi lấy cái lý thuyết suông của mình để dè bỉu các anh em là thiếu sự hy sinh, từ bỏ mà chỉ biết bám víu cái tạm thời chóng qua. Nhưng dần dần tôi đã hiểu tình gia đình ruột thịt, tình cảm mẹ con của người dân xứ này là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất mà thiếu nó con người không thể sống cho ra người được.
Paraguay nói riêng và các quốc gia vùng Nam Mỹ nói chung rất sùng kính Mẹ. Bởi thế nếu có lễ nào liên quan đến Đức Mẹ đều có rất đông người tham dự. Cũng vì thế vai trò của người mẹ trong gia đình cũng rất quan trọng. Người mẹ luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho những đứa con vì người đàn ông ở Paraguay rất thờ ơ trong việc quan tâm và dạy dỗ con cái hay phó mặc cho mẹ của mấy sắp nhỏ muốn làm gì thì làm. Tỷ lệ người những người mẹ không chồng ở Paraguay chiếm đến hơn 60% nên việc mục vụ cũng phải mềm dẻo và linh động vì nếu chiếu theo luật khi con cái được rửa tội có đầy đủ cả cha mẹ thì có lẽ các linh mục bị thất nghiệp mất! Rất nhiều ứng sinh tu sĩ linh mục chỉ khai trong giấy tờ chỉ có mẹ mà không có cha thì thử hỏi các nhà đào tạo và hữu trách sẽ ứng xử thế nào trong những quốc gia thiếu ơn gọi như Paraguay này.
Từ đầu năm nay tôi lãnh trách nhiệm huấn luyện các chủng sinh. Một số anh em chủng sinh đã nhỏ tôi với tôi rằng họ có thế ở lại bất kỳ ngày nào trong năm ngoại trừ ngày 15 tháng 5 là cho phép họ về thăm mẹ. Nếu tôi không cho phép thì họ cứ về và cũng chẳng cần tu hành nữa. Tôi biết điều họ nói ra là điều sẽ xảy ra thật nếu tôi cấm đoán họ vì đây là cũng là một nét văn hoá đẹp của họ. Qua những nghĩa cử tốt đẹp đó của người dân Paraguay nói chung và của các chủng sinh của tôi nói riêng đã nhắc nhở tôi nhớ đến những người mẹ thân thương của mình.
Mùa mừng lễ mẹ trong tháng 5 này của nhiều nước trên thế giới chẳng ăn nhằm gì với văn hoá Việt Nam vì người Việt nhớ đến ngày của Mẹ được là Rằm Tháng Bảy trong ngày Vu Lan báo hiếu, nhưng hôm nay tôi muốn viết một chút tâm tình để mừng hai người mẹ trần gian của tôi mà tôi đã từng mang ơn trong Tháng Hiền Mẫu của Tây phương và của người Nam Mỹ.
Tôi được sinh ra trong một gia đình mà người mẹ ruột từng là Phật tử nhưng xin trở thành một tín hữu Công giáo vì những lý do riêng mặc dù bị những người thân trong gia đình phản đối và xa lánh. Cũng chính vì lý do đó mà mấy lần tôi không được nhập ứng sinh chủng viện giáo phận với lý do là tôi có người mẹ tân tòng. Dù là người đạo mới nhưng má tôi (tôi gọi mẹ tôi là má) rất đạo đức nên từ nhỏ tôi đã bị lây cái đạo đức nhà quê của bà. Trong thời bao cấp cơm không đủ no, co không đủ ấm, má tôi thường đánh thức tôi vào lúc 4 giờ sáng để đi lễ với bà dù có những lúc trời lạnh thấu xương. Cậu bé tội nghiệp như tôi thuở ấy cứ cằn nhằn và nhiều lần muốn ngủ nướng thêm cho đã giấc trên chiếc giường tre và cái mền rách bên cạnh cái bếp than. Vào lúc ấy tôi nào hiểu được ước nguyện của người mẹ là mong ước tôi trở thành một linh mục của Chúa.
Ngày tôi vào Dòng rồi vài năm sau đó tôi được tuyên khấn lần đầu, má tôi mừng lắm mặc dù phía bên ngoại là những người bà con của má tôi dè bỉu và cho tôi là thằng khùng không có đứa con gái nào thèm nên mới đi tu. Không hiểu vì sao những người bà con phía bên má tôi lại hằn học với người Công giáo nên cũng ghét lây cả má tôi và gia đình tôi. Mãi đến bây giờ người dì ruột của tôi đang sống ở Texas bên Bắc Mỹ cũng chẳng hề nhắc đến tôi vì nói rằng gia đình tôi là người Công giáo nên chẳng còn nhớ đến ông bà tổ tiên gì ráo trọi. Tôi cũng đã cố gắng thăm những người bà con phía ngoại khi tôi có dịp về thăm nhà để hàn gắn những hiểu lầm và giải thích cho những người bà con bên Phật của tôi hiểu rằng đi tu bên Công giáo không hề từ bỏ tổ tiên. Ngày tôi khấn trọn đời rồi nhận chức phó tế vài ngày sau đó, má tôi đã mừng khôn tả và bà đã cầu nguyện với Chúa cho bà sống cho đến ngày thấy tôi được chịu chức linh mục rồi bà chết cũng mãn nguyện.
Ngày tôi chịu chức linh mục và nhận bài sai đi truyền giáo ở Paraguay, tôi hỏi đùa má tôi rằng bây giờ má sẽ cầu nguyện gì với Chúa nữa đây vì má đã mãn nguyện rồi. Bà cười nhưng hơi buồn vì biết rằng tôi sẽ đi xa và không biết ngày nào mới gặp được tôi. Trong chuyến chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất- Sài Gòn ngày tôi ra đi, má tôi đã rất buồn vì bà sẽ không được gặp mặt đứa con yêu dấu của bà trong một thời gian dài.
Kể từ ngày tôi rời Việt Nam, tôi được một người mẹ thiêng liêng ở Bắc Mỹ mà khi tôi còn ở Việt Nam bà đã tế nhị để hoàn toàn cho người mẹ ruột tôi lo lắng. Người mẹ thiêng liêng này cũng đã từng sống nơi đất khách quê người nên bà hiểu hoàn cảnh mới của tôi mà luôn quan tâm, động viên tôi để tôi có thể vượt qua những khó khăn ban đầu nơi đất khách. Những lúc tôi buồn và chán nản muốn buông xuôi vì dị biệt văn hoá thì người mẹ thiêng liêng này đã điện thoại thăm hỏi và trấn an tôi. Bà đã gởi cho tôi những món quà và những món ăn thuần Việt mà nếu từ Việt Nam gởi qua phải mất vài tháng và tốn kém rất nhiều. Bà luôn xem tôi như người con ruột của bà dù tôi và người mẹ thiêng liêng này chỉ được gặp nhau một lần khi tôi còn ở Việt Nam. Bà luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với tôi. Tôi luôn yêu thương và quý trọng người mẹ thiêng liêng này như người mẹ ruột tôi vậy.
Ở đất nước truyền giáo Nam Mỹ xa xôi này thỉnh thoảng tôi có điện thoại thăm gia đình và thăm người mẹ yêu dấu của mình ở Việt Nam nhưng không thể nào hình dung ra được người mẹ mình lúc này như thế nào. Tôi sợ lắm khi nghe những tin không tốt về tình trạng sức khoẻ của má tôi mặc dù sự thật là má tôi lúc này không được khoẻ lắm. Không biết bây giờ má đang làm gì nhỉ? Má có còn đủ sức khoẻ để đi nhà thờ như ngày xưa nữa không? Má có còn ai để đánh thức đi lễ như ngày xưa nữa không? Má ơi, con thương má lắm! Con cảm ơn những gì má đã làm cho con.
Tôi viết những dòng này để mừng các người mẹ thân thương của tôi. Má ơi dù con ở bất cứ nơi đâu thì các má sẽ là chỗ dựa vững chắc của đời con, từng lời kinh nguyện má cầu cho con mỗi ngày là vũ khí giúp con chiến đấu để vượt qua những cơn cám dỗ. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành với má để má luôn có sức khoẻ và đợi ngày con trở về gặp má nhé. Con xin mừng lễ các má.
Paraguay, nhân ngày mừng lễ Mẹ
LM. Trần Xuân Sang, SVD