THÁNG NĂM – DÂNG HOA VÀ NGẮM HOA
Lời Tòa Soạn: LM Đàm xuân Lộ, MM đang truyền giáo tại Nhật Bản. Ngài viết riêng bài này dành cho www.memaria.org. Xin cám ơn cha Lộ. Xin quý vị đọc giả cầu nguyện cho linh mục Đàm Xuân Lộ và Nhật Bản.
Tháng Năm, trong niên lịch của người Công giáo, là Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ Maria. Gọi là Tháng Hoa, vì trong tháng này thường có rước kiệu hoa hoặc nghi thức dâng hoa cho Đức Mẹ. Xét về gốc gác, điều này bắt nguồn từ một truyền thống tiền-Kitô giáo của Âu châu xưa, khi tháng năm hoa nở đầy đồng và người ta có những cuộc lễ tôn vinh Hoa như Nữ thần của mùa xuân ! Người Công giáo “rửa tội” cho tập tục đó, và biến nó thành dịp tôn kính Đức Mẹ.
Chưa từng đến Âu châu vào tháng 5 nên tôi không biết hiện giờ bên đó có còn Dâng Hoa nhiều không. Tôi cũng dốt về hoa, nên không rành ở bển tháng này , vùng nào có nhiều loại hoa gì ! Nhưng từ ngày đến Nhật thì tháng Hoa lại làm tôi liên tưởng ít nhiều tới truyền thống Hanami ở đây, mặc dù không hoàn toàn trùng hợp về thời điểm.
Hanami (viết theo Hán tự là Hoa Kiến) có nghĩa là Xem Hoa, mà cụ thể là hoa sakura (anh đào) . Hình ảnh hoa sakura gắn liền với nước Nhật đến mức nhiều người ngoại quốc (kể cả tôi ngày xưa!) cứ đinh ninh nó là Quốc Hoa (national flower) của Nhật, trong khi thực sự thì quốc hoa của Nhật là hoa Cúc (chrysanthemum). Có lẽ vì đời nó quá phù du, từ nở đến tàn cao lắm chỉ được 2 tuần. Hoa nở vào cuối đông đầu xuân, khi trời bắt đầu ấm lên, và trải dần từ Nam lên Bắc vì càng về hướng bắc mùa đông càng dài hơn ! Trong thời gian hoa nở, người Nhật nào ít ra cũng phải có 1 buổi kéo gia đình hay bạn bè, đồng nghiệp ra công viên, ra bờ suối, bất cứ nơi nào có hoa để trải bạt, bày đồ ăn thức uống ra và…thưởng hoa ! Hồi đầu mới sang, tôi nghĩ đây chẳng qua chỉ là picnic, hay nói nôm na là “nhậu”, còn “hoa kiến” chỉ là văn vẻ làm dáng mà thôi ! Nhưng rồi dần dà tôi đã hiểu ra hơn ý nghĩa mà người Nhật gán cho sự thưởng hoa này.
Hanami phản ánh nhiều nét đẹp của văn hóa Nhật, trên cả 2 phương diện cá nhân và cộng đồng. Theo 1 bài xã thuyết (editorial) trên báo Japan Times cách đây ít năm, “As the blossoms open up, so do people – Khi cánh hoa khai mở, lòng người cũng thế!” Và, “Time spent walking or partying under the falling petals makes most people slow down to reconsider what is essential in life - tản bộ hay đối ẩm dưới cánh hoa rơi là thời khắc để nhiều người sống chậm lại mà cân nhắc điều chi là thiết yếu trong đời” Hơn nữa, hanami là dịp để gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp ngồi lại với nhau, “hiệp nhất” trong tình yêu thiên nhiên và cái đẹp. Mỹ quan (esthetic sense) của người Nhật không thể tách rời khỏi thiên nhiên, và cho dù thực tế đất hẹp người đông buộc họ phải xây dựng những thành phố cực hiện đại như Tokyo thì “For a couple weeks each year, a megalopolis like Tokyo feels transformed into one huge garden… Hanami season reminds everyone that cities are made from more than metal, plastic and concrete. They are also filled with people and trees - Mỗi năm vài tuần, 1 thành phố siêu bự cỡ Tokyo như được hoá thân thành 1 cánh vườn khổng lồ… Hanami nhắc nhớ mọi người rằng thành phố không chỉ được dựng nên bằng kim loại, nhựa dẻo và bêtông, nhưng còn bởi con người và cây cối.”
Nhật bản đi hàng đầu trong lãnh vực điện tử, nhưng “The question arises how simple, little flower petals can provoke an entire nation to put aside their video games, cell-phones & computer screens, but they do. Virtual reality might work for some things, but not for hanami - Người ta tự hỏi làm sao những cánh hoa đơn sơ, nhỏ bé lại khiến cả một quốc gia tạm dẹp qua 1 bên điện thoại di động, màn hình máy tính, hộp game điện tử, nhưng qủa là thế. Hiên thực ảo làm được nhiều điều, nhưng với hanami thì không thay được.” Chẳng những thế, cách nào đó hanami còn mang ý nghĩa chính trị xã hội, “Cherry blossoms function as a kind of democratizing force. Of course, it is easy to pick out the company president at most parties, but at least everyone sits right on the earth. At social gatherings under the blossoms, the hierarchy expressed in the precise arrangement of desks in offices becomes a loose, sometimes sloppy, circle of relative equals. This grounding of socio-economic loftiness creates social flexibility and psychological cohesion than can last through the year – Hanami có tác dụng như 1 sức mạnh dân chủ hoá. Đã hẳn, người ta vẫn dễ nhìn ra ông chủ hãng, nhưng ít ra ai cũng ngôi dưới đất như nhau. Nếu trong văn phòng, cách xếp đặt bàn giấy chỉ rõ thứ bậc phẩm trật, thì khi họp nhậu dưới hoa, mọi người quây quần thành 1 vòng tròn lỏng lẻo và tương đối ai cũng như nhau. Chênh lệch kinh tề xã hội được san bằng tạo nên 1 mức uyển chuyển xã hội & gắn kết tâm lý khả dĩ kéo dài suốt năm.” ! Hệ quả là, “cherry blossom is not only a nice change from business as usual, but an assertion of common humanity – Hanami không chỉ là 1 chốc thư giãn khỏi công việc bình thường, nhưng còn là 1 khẳng định nhân tính chung” Cuối cùng, “hanami reasserts the importance of simple beauty as essential to life… The philosopher Immanuel Kant said that ethics begins with aesthetics. If so, Japan has a rich heritage on which to base its social ethics – hanami tái xác lập tầm quan trọng cốt tủy của cái đẹp đơn sơ trong đời sống… Triết gia Kant đã nói đạo đức bắt đầu từ mỹ cảm . Nếu đúng vậy thì Nhật bản có cả 1 di sản phong phú làm nền cho đạo đức xã hội”!
Tôi đọc khá nhiều báo, nhưng có lẽ chỉ ở Nhật mới đôi khi gặp được 1 bài editorial đầy thi vị như vậy. Tác giả trích dẩn Kant, nhưng toàn bộ lý luận thì rất…nhật bản (very Japanese) và không lấy gì làm chặt chẽ theo tiêu chuẩn logic phương Tây. Nhưng quả thực, có lẽ chỉ ở Nhật việc ngắm hoa mới được nâng lên hàng “quôc hồn quốc túy” như thế. Daisetz T. Suzuki, học giả có công hàng đầu trong việc giới thiệu Thiền Nhật bản với phương Tây, từng đối chiếu 2 bài thơ của Basho (1644-1694, được coi như thi hào số 1 của Nhật, giống như Nguyễn Du của Việtnam) và Alfred L. Tennyson (1809-1892, thi hào Anh) để diễn tả sự tương phản – theo ông - giữa Đông & Tây như sau:
Tennyson viết trong bài “Flower in the crannied wall – Bông hoa trong kẽ tường nứt”
“Flower in the crannied wall, I pluck you out of the crannies, I hold you here, root and all, in my hand, Little flower – but if I could understand What you are, root and all, and all in all, I should know what God and man is. “ Còn Basho có bài hài cú (haiku) “Nazuna” Yoku mireba Nazuna hana saku Kakine kana Suzuki dịch ra là “When closely inspected – a nazuna is flowering – by the hedge” !
Tennyson nhìn thấy bông hoa mọc từ kẽ nứt trên tường, ông ngắt nó ra cả rễ, cầm trên tay ngắm nghía rồi nói với nó rằng ngươi thật nhỏ bé nhưng nếu ta hiểu được ngưoi toàn diện thì ta cũng hiểu được Thượng Đế và Con người !
Trái lại, Basho chỉ nhìn thấy nazuna, 1 loài hoa tí hon tầm thường không ai quan tâm, khi ông chú tâm vào hàng dậu. Chấm hết! Nói cách khác, Tennyson và Basho đều chú ý đến môt thực tại tuởng như không đáng kể, nhưng Tennyson nhìn thực tại với óc truy cứu & muốn phân tích, còn Basho thì nhìn thực tại trong thái độ chiêm niệm & trực cảm !
Suzuki viết cách đây đã hơn 70 năm, và tất nhiên ông có ý đề cao Thiền & văn hóa Nhậtbản trong tương quan so sánh với “Tây phương”. Một điểm Suzuki hàm ý chê Tennyson là ông ta đã ngắt bông hoa khỏi môi trường sống tự nhiên , tức là “giết chết bông hoa” trong nỗ lực muốn tìm hiểu nó. Trong khi Basho vẫn để yên bông hoa tại chỗ, vậy là “tao sống, mày cũng sống”, hơn nữa còn qua chiêm ngắm mà đi đến giác ngộ “chúng ta là một” và thế là “vui vẻ cả làng” !
Nhìn thoáng qua thì Hanami qủa là phù hợp với cái nhìn này. Người Nhật ra cây ngắm hoa, chứ không cắt cành hay bẻ hoa đem về nhà . Nhưng ngẫm lại, thì người Nhật cũng nổi tiếng về nghệ thuật cắm hoa IKEBANA, mà ở đây thì họ cũng cắt, tỉa, ghép, đâm như ai (!) Có lẽ họ không ngắt bẻ sakura là vì nó bé bỏng quá, một bông lẻ loi thì trông chẳng làm sao, mà phải cả cành cả chùm trông mới diễm lệ !
Và thực tế mà nói, khi quan sát một buổi hanami của người Nhật hôm nay, họ có vẻ chú ý đến bia rượu dưới đất nhiều hơn hoa thắm trên cành! Thiết tưởng, câu nói của nữ họa sư Mỹ Georgia O’Keefe (1887-1986) có lẽ cũng đúng cho cả người Nhật, “Nobody sees a flower, really – it is so small. We don’t have time, and to see take time. Like to have a friend, take time. – Không có ai nhìn thấy 1 bông hoa, thực vậy – nó quá nhỏ bé. Chúng ta không có thời gian, và đề nhìn thấy phải tốn thời gian. Cũng như đề làm bạn, cần có thời gian.” !
Người Nhật bây giờ không có thời gian, họ qúa bận rộn. Người ngoại quốc tới đây đều nhận xét rằng người Nhật lúc nào cũng có vẻ hối hả. Một cuộc thăm dò quốc tế mới đây còn cho biết người Nhật thuộc loại ngủ ít nhất thế giới (ngang với người Hàn quốc). Và dù người Nhật nói chung rất nhã nhặn lịch sự, nhưng ai cũng thấy làm bạn với họ thì không dễ dàng gì ! Ngay cả thời giờ cho gia đình họ cũng ít - với họ, công ty quan trọng hơn gia đình!
Điều đáng chú ý trong câu nói của O’Keefe là bà nhìn ra điểm chung nơi việc nhận thức thế giới bên ngoài (to see a flower) và việc tạo lập những quan hệ nhân sinh có ý nghĩa (to have a friend) – đó là thời gian. Mà thời gian là thứ ngày càng thiếu thốn đi trong xã hội hiện đại, và đời sống ngày càng có nguy cơ trở thành vô hồn !
Người Nhật có lẽ rất tự hào là họ vừa tiến bộ vượt bực về kinh tế, kỹ thuật vừa bảo tồn được nét văn hoá truyển thống, nhưng phải chăng một truyền thống đẹp như Hanami cũng đang trở nên vô hồn dần giữa thực tế sống bận rộn của họ ngày hôm nay ?
Trở lại với Tháng Hoa Đức Mẹ của Công giáo. Truyền thống tháng Hoa này khác hẳn so với truyền thống Hanami của Nhật . Tâm điểm của Hanami là Hoa, còn tâm điểm của Tháng Hoa là Đức Mẹ Maria. Người Nhật xem hoa, trên lý thuyết, là vì hoa đẹp chứ không vì gì khác. Người công giáo thì thấy hoa đẹp, nghĩ đến chuyện đem về dâng lên cho Mẹ. Không chỉ Mẹ thiêng liêng, mà cả các bà mẹ thực trên trần thế nữa. Tháng 5 cũng có Ngày Hiền Mẫu, và đây cũng là 1 truyền thống của Tây phương.
Nhưng hai bên có thể bổ túc cho nhau, và cả hai truyền thống hiện nay đều phải đối diện với một nguy cơ chung, khi xã hội ngày một xa rời thiên nhiên và thời gian bị quan niệm chỉ như tiền của “Time is money”!
Điều cần phải làm, theo tôi, là giữ lấy truyền thống với “phần hồn” nguyên vẹn của chúng, chứ không chỉ bảo tồn “phần xác” bên ngoài kiểu “đến hẹn lại lên”!
Với Nhậtbản, cốt lõi của Hanami là “ngắm”, nói theo ngôn ngữ linh đạo, thì đây là Chiêm niệm (Contemplation). Từ chiêm niệm thiên nhiên đi đến lĩnh hội ý nghĩa cuôc đời! Phía Công giáo, cốt tủy của Tháng Hoa là hiến dâng. Truyền thống công giáo không bằng lòng dừng lại ở chỗ dâng hoa thực, mà từ lâu đời đã khuyến khích giáo hữu dâng “hoa thiêng liêng”. Nói như một linh mục nọ, “Mẹ thích hoa xanh của Đức Cậy, hoa đỏ của lòng mến, hoa trằng của sự trong sạch, hoa tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin…” Nơi Hanami, nếu đạt mức diệu cảm, người ta có thể ngỡ mình “đồng hóa với hoa”! Với linh đạo Kitôgiáo, người ta sẽ hiểu như thi hào Goethe của Đức rằng “Con người là hoa của đất - Phải biết sinh trái và dâng mật cho đời” ! Đàm xuân Lộ, MM
|