ĐÀ NẴNG - “
Lòng Thương Xót Chúa” vốn là một cụm từ trên cửa miệng người tín hữu từ ngàn xưa, nhưng Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa chỉ mới xuất hiện trong lịch phụng vụ từ mấy năm nay. Chính xác là từ ngày 30 tháng 4 năm 2000, ngày nữ tu Maria Faustina, “Tông Đồ của Lòng Thương Xót” được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một người đồng hương Ba Lan am tường và mộ mến cuộc đời và sứ mệnh của Chị, tôn phong Chị lên bậc hiển thánh.

Tuy Thánh Faustina mới được tôn vinh chưa được 10 năm, nhưng Thông Điệp của Lòng Thương Xót Chúa mà chị là “cô thư ký bé nhỏ và kỳ diệu” đã được phổ biến rộng rãi khắp năm châu bốn biển. Đặc biệt lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào ngày Chúa Nhật II Phục Sinh đã được cử hành cách trọng thể nhiều nơi trên thế giới.
Chiều nay, 19/4/2009, Chúa Nhật II Phục Sinh, lần đầu tiên Giáo phận Đà Nẵng cử hành Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Các giáo xứ nội thành Đà Nẵng không cử hành Thánh lễ ban chiều, để Cộng đoàn Dân Chúa đông đảo và các linh mục qui tụ về Nhà thờ Chính Toà long trọng cử hành Thánh lễ này cùng với Đức Giám Mục Giáo phận. Giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi phong trào Lòng Thương Xót Chúa đã được phát triển mạnh mẽ từ 5 năm qua, với đoàn đại biểu gần 100 người đồng phục chỉnh tề, hành hương về Nhà thờ Chính Toà để tham dự Lễ Quan Thầy.
Đúng 16g30, khi nắng chiều còn đọng lại gần nửa sân Nhà thờ, đội kèn đồng Giáo xứ Chính toà đã trổi vang đón đoàn đồng tế từ sân Toà Giám mục tiến ra lễ đài trước Nhà thờ Chính toà. Bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa và lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” đơn sơ và nỗi bật trên lễ đài, giúp cho những lời nhập lễ của Đức Giám Mục Gíao phận giới thiệu về ý nghĩa ngày lễ được minh hoạ rõ ràng.
Trong bài chia sẻ, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận, đã vẽ lại khung cảnh ảm đạm của buổi chiều Can-vê xưa, khi Chúa Giêsu đã tắt thở. Ngọn giáo ân huệ của một tên lính đã chính thức kết liễu cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu. “Nước và Máu đã đổ ra”, không lai láng như trên đường Thánh Giá nữa, nhưng là “giọt nước tràn miệng ly” để Lòng Thương Xót Chúa “bùng nỗ”cách tuyệt đối và ngoạn mục. Ngài nói: “Những vết thương do đòn vọt và những mũi đinh có thể đã làm Chúa chết vì đau đớn, nhưng chính mũi đòng đâm thấu trái tim mới làm Chúa chết vì yêu! Nhịp đập nơi quả tim bằng thịt của Chúa Giêsu ngưng lại để những giọt máu và nước cuối cùng tràn ra, cũng chính là lúc nhịp đập của Lòng thương Xót Chúa khởi động cách mãnh liệt để thi ân giáng phúc cho con người.” Tông đồ Tôma đã không cần đặt ngón tay hay cả bàn tay vào những thương tích của Chúa như đòi hỏi trước đây nữa, nhưng Ông đã hoàn toàn bị cảm hoá bởi chính Lòng Thương Xót của Đấng Phục Sinh khi được trực tiếp đối diện với Người.
Kết thúc bài chia sẻ, Đức Giám Mục đã mời gọi Cộng đoàn cùng đứng lên và lặp lại điệp khúc “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”, khi Ngài xướng 34 lời chúc tụng Lòng Thương Xót Chúa do chính Chị Thánh Faustina ghi lại trong nhật ký của mình. Bầu khí cầu nguyện đã nhanh chóng lan toả và chiếm ngự Cộng đoàn cách đặc biệt. “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu …”. Ước gì lời nguyện này vang vọng mãi trên môi miệng và trong cõi lòng mỗi người chúng ta suốt đời, trước mọi thuận nghịch của cuộc sống.
Thánh Lễ kết thúc, Đức Giám Mục cám ơn sự hưởng ứng của Quí Cha và Cộng đoàn Dân Chúa. Ngài chính thức công bố việc cử hành hằng năm cấp Giáo phận Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, và mời gọi mọi người tìm hiểu thực thi những việc đạo đức liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa do Chị Thánh Faustina phổ biến và được Giáo Hội nhìn nhận.