CHÚA NHẬT II
PHỤC SINH
LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúa vẫn thương tôi
Nếu tội lỗi, bất trung và phản bội
làm cho con người chia rẽ, đánh mất tình liên
đới thì lòng thương xót và tha thứ có thể hàn
gắn lại những đổ vỡ do tội lỗi
gây ra. Thực vậy, nếu con người cứ “lấy
oán báo oán, oán sẽ chập chùng”. Cuộc đời
chỉ đong đầy nước mắt bi ai của bạo lực và
chiến tranh.
Tin mừng hôm nay như một lời minh chứng
về lòng thương xót của Chúa dành cho các môn sinh. Chính
lòng thương xót đã nối lại tình nghĩa
thầy trò. Chính lòng thương xót của Chúa đã hàn
gắn lại những đổ vỡ sau tuần
Thương Khó. Với lòng thương xót, Chúa đã nhìn ra
nhu cầu lúc này của các môn sinh là sự bình an của
ơn tha thứ. Bởi lẽ trong đêm tối
vườn cây dầu, các môn đệ đã “tan đàn
xẻ nghé”. Họ như những lính bại trận.
Thất vọng, hoang mang và lo sợ đến nỗi
bỏ Chúa, bỏ nhau. Mỗi người một nơi.
Mặc Thầy, mặc bạn. Đường ai ai nấy
đi. Kẻ lẩn trốn. Kẻ về quê. Tất
cả dường như đã quên lời hứa “nào chúng
ta cùng lên Giêrusalem” để cùng chết với Thầy.
Điều ray rức lương tâm nơi các môn sinh là
mặc cảm tội lỗi. Họ đã hèn nhát bỏ
chạy trong đêm tối vườn Cây Dầu. Họ
đã bán Thầy, chối thầy và bỏ Thầy. Thế
mà, ngay ngày đầu tiên Chúa sống lại, Chúa đã không
sai người đi tìm kiếm và hỏi tội các ông,
nhưng với một lời đầy yêu thương,
Chúa đã nói với những người phụ nữ
đến thăm mồ “Hãy đi báo tin cho anh em Ta. Ta
sẽ chờ họ ở Galilêa”. Chữ “anh em” thay cho
lời trách móc những kẻ phản bội, bất tín,
bất trung. Chữ “anh em” dường như đã xoá
hết những ngăn cách bởi mặc cảm tội lỗi
nơi các môn sinh.
Thực vậy, khi Chúa
hiện ra với các môn sinh, Ngài không hề nhắc tới
những chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Nơi
Phêrô kẻ chối Chúa ba lần. Nơi các môn đệ hèn
nhát bỏ chạy trong đêm tối vườn Cây
Dầu. Nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự
kiểm chứng theo lý luận thuần túy nhân loại.
Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho
các ông. Nếu Chúa sống lại nhưng không tha thứ cho
các ông thì đời các ông sẽ ra sao? Liệu rằng các
ông có dám ngước mắt nhìn thẳng vào Thầy hay
vẫn lấm lét, thẹn thùng đầy lo sợ, bất
an như Adam năm xưa trong vườn địa
đàng.
Hôm nay cũng là ngày kính nhớ “Lòng Thương Xót”
của Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta: hãy sám hối
ăn năn vì những thiếu sót và lầm lỗi
của mình. Hãy tin vào tình thương tha thứ của Chúa
để sửa đổi bản thân nên hoàn thiện
hơn như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn
thiện. Xin đừng tiếp tục xúc phạm
đến lòng thương xót của Chúa. Xin đừng
lợi dụng lòng thương xót của Chúa để
tiếp tục sống buông thả trong những đam mê
lầm lạc, những quan hệ bất chính, những
thói đời gian dối hại người. Một cách
đặc biệt là hãy dâng những hy sinh, lời cầu
nguyện cho các tội nhân được ơn trở về
cùng Chúa. Đó là điều mà Chúa đang chờ
đợi nơi mỗi người chúng ta. Vì thế
giới hôm nay đang bị tục hoá bởi một trào
lưu văn hoá phóng túng và sa đoạ. Người ta
phạm tội nhưng không còn ý thức về việc mình
làm là tội. Người ta dùng thân xác để kinh doanh
kiếm tiền. Hàng đêm vẫn còn đó biết bao cô
gái dùng thân xác của mình để đổi lấy
đồng tiền dơ bẩn. Hàng đêm vẫn còn
đó những chàng trai rải tiền trên thân xác
người khác để thoả mãn thú tính của mình.
Thế giới tục hoá đã biến con người
thành một sản phẩm, một mặt hàng có thể
ngả giá bán công khai nơi đầu đường xó
chợ. Người ta ước tính mỗi năm có hàng
trăm ngàn cô gái tự nguyện và bị ép bán làm dâu cho
ngoại bang để kiếm lấy vài triệu
đồng cho gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Thế
giới tục hoá đã đánh mất sự linh thánh nơi
con người là “nhân linh hơn vạn vật”, nên dẫn
đến tình trạng sát hại thai nhi như những anh
đồ tể giết một con vật vô tri vô giác.
Người ta ước tính hàng năm có hàng triệu thai
nhi bị sát hại ngay trên quê hương với bốn
ngàn năm văn hiến.
Ngày xưa khi dân thành
Sođôma ăn chơi sa đoạ, sứ thần Chúa
được sai đi tiêu hủy cả thành. Ông Abraham
đã nài xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ. Sứ thần
Chúa đã chấp nhận lời thương lượng
của ông: “vì 10 người công chính, Thiên Chúa sẽ tha
phạt cho cả thành Sođoma”,
nhưng khốn nỗi ông không tìm thấy đủ
10 người công chính nên cả thành đã bị tiêu
diệt.
Có lẽ ngày nay Chúa đang cần những con
người có tâm hồn thanh sạch lòng ngay. Chúa cần
những con người như vậy để vì họ mà Chúa nguôi cơn
thịnh nộ trút xuống địa cầu. Điều
đó đã được Chúa mạc khải qua thánh
nữ Faustina. Ngài muốn có nhiều người chấp
nhận lòng thương xót vô bờ bến của Ngài
để máu và nước đổ ra từ trái tim
bị đâm thâu của Ngài có thể tẩy xoá, rửa
sạch tội lỗi, và ban sự sống mới cho
những ai tin nhận nơi Ngài. Ngài muốn có nhiều
người như thánh nữ Fausina, biết dâng những
hy sinh đau khổ của mình như lễ vật tôn
thờ Thiên Chúa và cứu thế gian khỏi cơn
thịnh nộ của Thiên Chúa.
Vâng, thế giới đang tục hoá. Con
người đang đánh mất lương tri của
mình. Tội lỗi ngày một gia tăng. Thiết
tưởng mỗi người kytô hữu không chỉ sám
hối và đền tội cho mình, mà còn cho cả nhân
loại đang lao vào hố diệt vong của đời
sống buông thả và sa đoạ. Chúng ta hãy cùng với
thánh nữ Faustina để thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa,
con xin phó thác cuộc đời con, gia đình con và nhân
loại hôm nay nơi lòng thương xót của Chúa. Chúng con
xin dâng những hy sinh, lời cầu nguyện để bù
cho những tội lỗi nhân gian”. Amen
Jos Tạ duy Tuyền
|