MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: lịch sử
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Biển Đông: Nghìn Trùng Ly Biệt
Thứ Sáu, Ngày 3 tháng 4-2009

Biển Đông: Nghìn trùng ly biệt

Yến Tuyết
Cô bạn gái của tôi,

Chúng ta đang ở trong tháng Tư với cái khí hậu hơi lạ lùng của mùa Xuân Cali, có cơn bão bất ngờ đem đến trận mưa dai dẳng hôm tuần trước. Tháng Tư ở đây bắt đầu với những ngày trời mù mù như đang giữa mùa Thu như thế, làm sao lòng tôi tránh khỏi những bâng khuâng phải không bạn?

Tôi đã từng nói với bạn về những liên hệ rất riêng tư của tôi với tháng Tư: sinh ra trong tháng Tư, đến Mỹ trong tháng Tư, gặp lại người yêu cũ cũng trong tháng Tư. Những ngẫu nhiên dễ thương của đời sống tôi lại xảy ra trong cái tháng định mệnh ấy của cả một đất nước, khiến nó càng trở nên đặc biệt hơn với tôi. Và tôi có thể đoan chắc là bất cứ ai trong chúng ta, phải từ bỏ quê hương ra đi kể từ tháng 4/75 ấy, đều có những xúc động, cũng rất riêng tư, khi nhắc đến tháng Tư này.

Như bạn biết, Ngày Thuyền Nhân năm nay được tổ chức vào một ngày của tháng Tư. Ðây là lần đầu tiên tôi đến tham dự “buổi họp mặt” nghe nói là lần thứ ba này (tôi thật không biết gọi Ngày thuyền Nhân với danh từ gì cho đúng?), vì cũng từng là thuyền nhân, vì tò mò muốn biết người ta làm gì và cũng vì muốn có một đề tài để viết thư gởi bạn tuần này.

Tôi chỉ tham dự phần đầu của buổi lễ vì thời giờ trong hai ngày cuối tuần của tôi cũng như bạn, đầy những dự định và công việc không tên phải thanh toán. Tôi đến để được nhìn lại những hình ảnh đau thương cũ, sống lại trong trí nhớ đã mòn mỏi của tôi: hình ảnh của những người Việt Nam phải bỏ quê hương ra đi tìm một vùng đất tự do, cho dù họ đã phải trải qua bao nhiêu năm tháng dài chịu đựng chiến tranh để hy vọng, thế mà khi hòa bình đến thì đó lại là một cơn ác mộng!

Tôi đã không ngăn được những dòng nước mắt, cứ thi nhau chảy xuống khi nhìn những thước phim trình chiếu cảnh mấy con thuyền đầy ắp người, mỏng manh và bất an được cứu vớt hay may mắn cặp bến. Trên các chiếc thuyền gần như mục nát ấy là những thân người gầy còm, kiệt sức và tơi tả vì đói khát, bệnh tật, mưa gió và vì sự dập vùi tàn ác của những con người mang đầy thú tính, ngoài cái biển khơi cuồng nộ đầy máu và nước mắt đó.

Sự ra đi tìm tự do của người Việt Nam có thể nói là một thiên bi hùng ca của lịch sử dân tộc. Cho nên những câu chuyện xảy ra trên biển Ðông cần phải được kể lại, đã được kể lại và chúng ta khó có thể phủ nhận công lao của người khởi xướng công việc này: Ngụy Vũ, cái anh chàng thanh niên, dưới mắt tôi, hơi lập dị nhưng có tấm lòng đầy ắp tình người.

Thật ra, vài năm trước đây, khi lấy một lớp về “Speech” (diễn thuyết), tôi phải thực hành cách nói chuyện trước ông thầy cùng một nhóm bạn đồng lớp và tôi đã chọn đề tài “Boat People” để nói về, vì sự đặc biệt của nó . Nhờ đó, khi thử tìm tài liệu cho bài tập của mình trên Internet, tôi bất ngờ vào một cái Website có tên “The Boat People Connection”, do một thanh niên trẻ ở Bắc Cali thành lập. Chàng trẻ tuổi này đến Mỹ ở tuổi vị thành niên trong đợt sóng tị nạn bằng đường biển ấy. Bây giờ trưởng thành, cậu muốn làm một cái gì tốt đẹp cho cộng đồng gốc của mình. Tôi cũng đã từng xúc động vô cùng khi được đọc một số chuyện kể về những cuộc vượt biển của người Việt Nam sau tháng 4 năm 1975. Tuy nhiên, vì những câu chuyện này phần lớn viết bằng Anh ngữ nên không được phổ biến cho lắm và có lẽ cũng ít người biết đến Website đó nên không thấy ai bàn bạc về nó.

Cho đến nay, với sự ra đời của hai cuốn sách “Chuyện kể hành trình biển Ðông”, tôi thấy ước nguyện của những người đồng chí hướng: Ngụy Vũ và chàng thanh niên ở San José mà tôi không biết tên ấy, được thành hình một cách dễ thương và đáng khen ngợi.

Cuốn Hành Trình Biển Ðông 1 đã làm cho tôi khóc trên từng trang sách, trăn trở suốt một đêm, tưởng không thể dậy đi làm nổi vì thương cảm quá, buồn quá! Tôi không bao giờ có thể hiểu được tại sao có những con người nhẫn tâm, độc ác như thế trên cõi đời này, và tại sao Thượng Ðế lại để cho những kiếp sống bị đày đọa đến tận cùng như thế! Mà bất hạnh thay, phần đông trong số những nạn nhân vô tội của tội ác khủng khiếp ấy là những người phụ nữ yếu đuối, những mảnh hồn thơ ngây và trong sáng.

Tôi cảm ơn những người viết, nhân chứng sống của những câu chuyện thật. Họ đã có can đảm viết xuống được nỗi thống khổ, đau đớn, nhục nhằn của mình, của đồng bào ruột thịt, để nhắc nhở cho những người may mắn hơn họ là nên mở mắt nhìn xuống cuộc đời để bớt than thở cho cái phần số được ưu đãi của mình, và phải cởi bỏ đi những hờn ghen tị hiềm nhỏ nhen.

Tôi cũng nghĩ xa hơn một chút nữa khi muốn đề nghị rằng, cho dù chuyến vượt biển của bạn và tôi có dễ dàng hơn vì đó chỉ gồm những đói khát nhỏ nhoi, những ngày lênh đênh ngắn ngủi trên biển, không thể nào so sánh được với những kinh hoàng xảy ra cho những người viết trong cuốn Hành Trình Biển Ðông, hay cho những người không thể viết được vì muốn quên đi, thế nhưng tất cả chúng ta đều nên kể lại, nên viết xuống để cho thế hệ mai sau khi đọc lại, hãnh diện là thế hệ cha ông của họ đã phải trả một cái giá khá đắt và có giá trị khi đi tìm tự do.

Tôi còn nghĩ rằng nếu Ngày Thuyền Nhân trong tương lai có được một quỹ học bổng dành cho con em thuyền nhân, những trẻ mồ côi, những người vợ hay chồng không may mắn thì có thể nó còn ý nghĩa hơn bội phần, dĩ nhiên, đó chỉ là một suy nghĩ.

Khi đọc xong những câu chuyện trong “ Hành Trình Biển Ðông”, tôi muốn được cùng bạn thành tâm cầu nguyện cho hàng trăm ngàn thân xác đã bị vùi trong biển sâu được an nghỉ; cho những linh hồn oan khiên được giải thoát - trong số đó có ba đứa cháu thân yêu của tôi - được đầu thai vào những kiếp người hạnh phúc hơn!

Biển Ðông, nghìn trùng con sóng vỗ. Biệt ly với những đoạn trường!

Hẹn bạn thư sau nhé!

(Nhớ lại biển Ðông của tháng 9/81)

Phỏng vấn Ngụy Vũ về dự án “Nhìn Lại Vấn Đề Thuyền Nhân”

Friday, February 06, 2009

Thực hiện: Vũ Ðình Trọng/Người Việt

LTS: Hồi Tháng Giêng vừa qua, bà Reme Grefalda, người lo về sưu tập tài liệu người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương thuộc Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Asian Pacific American Collection, Library of Congress), đã trình bày dự án “Nhìn Lại Vấn Ðề Thuyền Nhân” (“Boat People Retrospective” Project) trong một buổi gặp mặt mừng Xuân do hội Voice of Vietnamese Americans tổ chức tại Annandale, Virginia. Ðây là dự án mà văn phòng của bà đang cộng tác với một số tổ chức trong cộng đồng Việt Nam nhằm đưa tiếng nói của người Mỹ gốc Việt vào trong Thư Viện Quốc Hội.

Theo sự trình bày của bà Grefalda, dự án này đã bắt đầu được bàn thảo từ Tháng Năm năm ngoái giữa bà và một số người trong cộng đồng Việt Nam, với sự tiếp tay tích cực của cô Genie Nguyễn, đại diện cho tổ chức Voice of Vietnamese Americans. Bà cho biết: “Người Việt đã có mặt ở Mỹ một cách đông đảo từ năm 1975, cách đây cũng đã gần 34 năm. Văn phòng của tôi có trách nhiệm thu thập những 'tài liệu gốc' (original materials) từ chính những người làm nên lịch sử nước này. Vì thế nên chúng tôi rất mong có những tài liệu viết hay nói hay thu hình từ chính những người tị nạn Việt Nam, đặc biệt các thuyền nhân, do đó nên dự án mới gọi là 'Boat People Retrospective.'”

Nhân dịp này, phóng viên nhật báo Người Việt được anh Ngụy Vũ, tác giả tuyển tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” về vấn đề này. Sau đây là nội dung buổi phỏng vấn.

NV: Như báo Người Việt đưa tin, vừa qua Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (TVQHHK) đã thông qua dự án “Nhìn Lại Vấn Ðề Thuyền Nhân.” Ðược biết, anh đã từng thực hiện một dự án tương tự từ năm 2002. Xin anh cho biết ý kiến về vấn đề này.

Ngụy Vũ: Khi tôi đọc tin này trên Người Việt Online, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Cả đêm tôi không ngủ vì cứ miên man suy nghĩ. Những gì tôi đã trải qua thật vất vả, mệt nhọc để hình thành tuyển tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” đã tan biến và để lại cho tôi một niềm hành phúc vô biên. Tôi rất vui mừng khi biết TVQHHK thông qua dự án “Nhìn Lại Vấn Ðề Thuyền Nhân,” tuy có trễ so với những gì tôi đã làm, nhưng lịch sử thuyền nhân Việt Nam đã được họ chính thức nhìn nhận. Niềm vui của tôi là tôi đã dấn thân và nhìn ra trước được thảm trạng thuyền nhân Việt Nam. Những gì tôi đã đánh đổi trong suốt những năm qua bây giờ được ghi nhận từ TVQHHK. Tôi không đo lường được sự ghi nhận từ cộng đồng Việt Nam tại Orange County, nhưng qua dự án này, tôi rất vui và tôi muốn chia sẻ, tôi muốn cảm ơn cả ngàn thuyền nhân đã cộng tác với tôi trong thời điểm đó.

NV: Với tuyển tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông,” những tư liệu anh đã thu thập được từ bao năm qua về lịch sử thuyền nhân, anh có dự định hợp tác với những người thực hiện dự án của TVQHHK hay không?

Ngụy Vũ: Tự trong đáy lòng, tôi muốn cống hiến cho họ tài sản quý giá về lịch sử thuyền nhân Việt Nam. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào họ, mục đích của họ, họ có muốn hợp tác và ghi nhận công lao của tôi để dùng tác phẩm đó cho lịch sử thuyền nhân Việt Nam hay không. Với tôi thì không có vấn đề, vì đó là mục đích của tôi. Tôi muốn cho không chỉ là người Việt mà cho cả nhân loại biết về thảm trạng thuyền nhân Việt Nam nên tôi mới tự bỏ tiền ra để thực hiện dự án của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu ban tổ chức dự án của TVQHHK chịu nghiên cứu thì họ sẽ biết tất cả tác phẩm tôi thực hiện đã có trên kệ sách tại TVQHHK gồm hai tập tiếng Việt, một tập tiếng Anh và một tập tiếng Ðức. Mặc dù bản Anh ngữ chưa có cơ hội phát hành vì khi làm tới đó tôi cạn tiền, nhưng tôi cũng cố gắng in một số bản để gởi đến TVQHHK.

NV: Tại sao lại có bản tiếng Ðức?

Ngụy Vũ: Như anh biết, con tàu Cap Anamur của Bác Sĩ Rupert Neudeck, người Ðức, đã gắn liền với trang sử thuyền nhân Việt Nam từ năm 1979. Con tàu này đã vớt được khoảng gần 12,000 người Việt trên biển Ðông, và không ít người trong số này đã định cư tại Ðức. Tôi làm việc này để người Ðức hiểu được thảm trạng thuyền nhân Việt Nam và hiểu tại sao cộng đồng người Việt lại có mặt ở Ðức. Bản tiếng Ðức được phát hành năm 2004, và hầu như các em học sinh, sinh viên Việt Nam tại Ðức đều có cuốn này. Sau khi phát hành, tôi hiến tặng bản quyền này cho cộng đồng người Việt tại Ðức, họ có nhiệm vụ phát hành và phổ biến tác phẩm này rộng rãi. Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của tôi với lịch sử của cộng đồng người Việt tại Ðức.

NV: Hai năm vừa qua, anh không tổ chức Ngày Thuyền Nhân vào Tháng Tư. Tại sao vậy?

Ngụy Vũ: Suốt năm năm trời khi thực hiện dự án “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” tôi đều có Ngày Thuyền Nhân mỗi năm. Hai năm qua tôi không tổ chức được vì hết tiền. Như anh biết, để tổ chức ngày này, phải có ngân sách lên tới khoảng $15,000 nhưng tôi chưa bao giờ kêu gọi sự đóng góp nào cả, vì vậy số tiền mà tôi dành dụm bao năm cũng bị cạn kiệt, thậm chí cho đến giờ này tôi vẫn phải tiếp tục trả nợ. Tuy buổi họp mặt hàng năm không được duy trì nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình.

NV: Công việc gì?

Ngụy Vũ: Hai năm nay tôi đang âm thầm hoàn tất bản Anh ngữ. Ngoài nội dung, tôi phải thu thập hình ảnh. Như anh biết, muốn bỏ hình vào sách, tôi phải mua hình từ TVQHHK, mà hiện giờ tôi không đủ khả năng tài chánh để làm việc này. Tôi muốn cuốn sách này có tiêu chuẩn đúng như một cuốn sách giá trị của Mỹ, có giá trị về cả nội dung và hình thức. Khi mình thực hiện việc gì đó đều có lời qua tiếng lại, đặt vấn đề. Chính cái đó làm tôi suy nghĩ, tôi cũng có chùn bước, nhưng khi làm xong tôi đã tự hỏi là công việc của mình như vậy thì đây là sự ghi nhận hay bài bác. Và sự bài bác như vậy là đến từ cá nhân hay đám đông. Khi tôi đi khắp nơi, các tiểu bang Hoa Kỳ, qua Ðức... rồi hợp tác với các giáo sư Mỹ làm bản Anh ngữ, họ cho tôi thấy rằng công trình của tôi làm rất lớn nên tôi nuôi giấc mộng là tôi phải hoàn thiện những tác phẩm này. Khi tôi nghe TVQHHK bắt đầu thực hiện dự án mà tôi đã làm cách đây năm năm, tôi nhận thấy một điều nữa là những gì tôi làm đều có giá trị, cho nên tôi nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục cống hiến cho lịch sử thuyền nhân Việt Nam bất cứ giá nào. Không cần biết sau này tôi tốn thêm bao nhiêu tiền.

NV: Theo anh thì bao lâu mới hoàn thành bản tiếng Anh?

Ngụy Vũ: Hiện nay, tôi phải làm lại từ đầu, phải dành dụm một khoản tiền khá lớn để mua hình từ TVQHHK, cho nên tôi cần người có lòng với lịch sử thuyền nhân Việt Nam hợp tác để đẩy nhanh tiến trình này.

NV: Cảm nghĩ của anh khi thực hiện dự án “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông?”

Ngụy Vũ: Như anh thấy, khi chúng ta thực hiện một dự án mang tính lịch sử thì nếu đem tiền ra đo lường thì chưa chắc chúng ta thực hiện được. Tôi nghĩ là tôi được ơn gọi, và tôi cũng tin rằng những linh hồn của thuyền nhân Việt Nam đã chết kêu tôi phải làm chuyện đó. Ðến giờ này, khi nhìn lại những gì mình đã làm, tôi nghĩ đó là một giấc mơ. Ðã từng mỗi đêm tôi đọc những bài viết của thuyền nhân gởi về, tôi đã khóc thật nhiều bằng sự xúc động tột cùng. Suốt sáu tháng đầu tiên như vậy, khi tôi nhìn hình đảo Palau Bidong là nước mắt tôi chảy xuống, bởi quãng đời của tôi đã gắn liền với nó. Tôi là người làm không phải vì trí tưởng tượng, tôi là một trong số muôn ngàn nhân chứng. Tôi đã nhìn thấy đồng bào tôi chết một cách tức tưởi trên biển, tôi đã nhìn thấy mấy chục cô gái bị lọt vào bàn tay hải tặc Thái Lan. Nếu quý vị còn nhớ, giai đoạn 1989, 1990 là năm cuối cùng thuyền nhân Việt Nam vượt biên, và tôi may mắn sống sót trong một con tàu khi đến được đảo Palau Bidong. Sau đó, tôi đã hợp tác với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng như cảnh sát ở Thái Lan để mà truy lùng và bắt bọn cướp ở trên biển, cho nên tất cả những điều đó đã trở thành một ám ảnh. Tôi làm việc ghi nhận lại lịch sử thuyền nhân Việt Nam như một nhân chứng, trong nước mắt, và tôn trọng sự thật.

Cà ngàn bài viết gởi về, lọc lại hơn 100 bài tiêu biểu, thể hiện gần như toàn bộ cuộc hành trình tìm tự do trên biển Ðông. Những bài viết được thực hiện trong thời gian mà sự xúc động của thuyền nhân đã lên tới cao điểm. Lần đầu tiên tôi phát động viết “Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông” thì cái cảm xúc của họ vẫn còn nguyên vẹn và lần đầu tiên họ đã viết hết, viết những gì họ đã trải qua. Nhân đây, một lần nữa, tôi cũng gởi lời cảm ơn tất cả những tác giả đó. Tôi muốn họ vui với niềm vui này vì chính họ là người đóng góp cho trang sử thuyền nhân Việt Nam để năm 2009 được TVQHHK nhìn nhận. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để tôi tiếp tục phát triển, và điều này nằm trong con đường mà tôi tiếp tục dấn thân để hoàn thiện bản tiếng Anh.

Những chuyến đi của tôi về Malaysia, Indonesia, rồi cuộc vận động cho 2,000 thuyền nhân Philippines được định cư... đều được xem như trách nhiệm của tôi để ghi lại lịch sử thuyền nhân. Cuộc đời của tôi gắn liền với trang sử đó, và đó là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để tìm kiếm những tư liệu xác thực về lịch sử thuyền nhân Việt Nam.

(Source: Báo Người Việt Online)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hành Trình Tìm Tự Do Vietnamese Refugees’ Journey To Freedom (5/23/2009)
Hàng Tướng Dương Văn Minh (4/30/2009)
34 Năm Sống Trong Sự Sợ Hãi Đã Là Quá Dài! (4/30/2009)
Tin Quan Trọng: Hạ Nghị Viến Hoa Kỳ Công Nhận Ngày Tỵ Nạn Việt Nam Là Ngày 2 Tháng 5 Hàng Năm. (4/29/2009)
Một Chuyến Về Thăm Quê Cũ (4/14/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Vớt Người Biển Đông - Video (4/3/2009)
Thảm Cảnh Rùng Rợn Của Người Vượt Biển Trên Biển Ðông (4/3/2009)
Nỗi Bất Hạnh Đời Tôi (4/3/2009)
Chuyến Vượt Biên Đẫm Máu (4/3/2009)
Đã Có Một Thời Như Thế ! - Nhật Tiến (4/3/2009)
Tin/Bài khác
Nhật Ký 29 Ngày Vượt Biển (4/2/2009)
Hành Trình Đi Tìm Tự Do Bằng Tàu Thuyền Qua Ngã Thái Lan - Nhà Văn Nhật Tiến (4/2/2009)
Hình Ảnh Của Việt-nam Vào Những Năm 1884-1885 (4/2/2009)
Một Đoạn Đời Đau Buồn Của Mc Nguyễn Ngọc Ngạn (4/2/2009)
Thúy Và Ngọc Lan - Vì Hai Chữ " Tự Do " Mà Phải Bỏ Mình Trên Biển. (4/2/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768