Google Search
Local Search
|
|
Bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Thái Bình
|
Bổ nhiệm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Saigon
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Xin mời nghe proshow "Lời Gọi Fatima" do Lm Lê Khắc Lâm thực hiện.
|
Xin chia sẻ cùng quí cha, thày và anh chị proshow "Danh Thánh Đức Maria" do Lm Lê Khắc Lâm thực hiện.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
|
Chiếc Tàu Mang Tên Kg-mayman
|
|
Thứ Sáu, Ngày 3 tháng 4-2009
|
Chiếc tàu mang tên KG-MAYMAN
Thư viện của trại tỵ nạn Leamsing, Thai Lan là một chiếc tàu vượt biên cỡ lớn, có lẽ là của những người ‘đăng ký chính thức’. Một nửa thân tàu được kéo lên bờ và một nửa kia còn nằm dưới nước. Gọi là thư viện chứ thực ra ‘trên tàu’ chỉ có một ít sách báo tiếng Việt còn khá nghèo nàn từ nước ngoài gởi về và một số sách giáo khoa và sách truyện bằng tiếng Anh mà thôi. Nếu tôi nhớ đúng thì trong số sách báo tiếng Việt đã có tờ Trắng Đen và tờ Dân Chúa. Người ta dùng thư viện này như một lớp học và như một phòng hội trong những dịp đặc biệt.
Đứng ở lối vào thư viện, nhìn chênh chếch lên hướng núi, chú Sáu bảo tôi: - Hai năm trước đây khi vào trại này, tôi chưa thấy ngôi nhà thờ kia.
Tôi ngỡ ngàng không hiểu chú muốn nói gì. Chú Sáu là một thương gia đã từng đi buôn ở Thái Lan, Campuchia, và VietNam, nhưng Leamsing chỉ là một trại tỵ nạn nhỏ mà sao chú lại đến đây. Thấy tôi nhìn chú như muốn tìm lời giải thích nên chú nói: - Thì năm 1978 tôi đã vượt biên qua đây rồi, nhưng thấy buồn quá nên tôi qua phía hải cảng bên kia, mua lại dân đánh cá Thái Lan một chiếc ghe rồi trở lại Hà Tiên làm ăn thêm một thời gian nữa.
Chuyện khó tin, nhưng tôi nghĩ chú Sáu không nói dối tôi. Hơn nữa, những công việc chú làm cho tôi thấy điều đó có thể xảy ra được.
Dáng người thấp, nhỏ, nước da ngăm ngăm, rắn chăc, chú Sáu đang ở vào tuổi 40. Chú nói đựoc tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Pháp, và tiếng Tàu. Cô Sáu là người đàn bà rất xinh, luôn vui vẻ và hoạt bát. Cô chú Sáu có hai đứa con trai: Ni lên chín, Tha lên bảy, và một đứa con gái lên hai.
Hồi ở Việt Nam, tôi chỉ gặp chú Sáu một đôi lần và câu truyện cũng rất vắn gọn. Thực ra ít ai gặp được chú Sáu vì chú rất ít xuất hiện và lại di chuyển rất nhanh và kín đáo. Chẳng ai biết chỗ ở của chú: Sài Gòn, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên, Nomphenh … trên ghe, bến xe, trong nhà hay trong trong khách sạn… Ít người gặp được chú vì chú là ông trùm tổ chức vượt biên chuyên nghiệp và dưới tay chú có cả chục tay tổ chức tài giỏi và trung thành khác nữa. Hầu hết họ là những người đã cùng đi buôn với nhau ở vùng vịnh Thái Lan.
Cơn mưa nặng hạt che khuất hòn đảo phía trứơc mặt chúng tôi và dãy núi phía tay pahỉ. Trên lưng chừng của núi, sau làn mưa dày đặc là một ngôi chùa nho nhỏ xinh xinh. Trong chùa ấy có tên của gần 100 thuyền nhân chết trên biển khi tầu của họ bị bão đánh chìm vào ban đêm. Em gái của tôi là một trong 49 người sống sót trong chuyến tầu ấy khi ghe đánh cá Thái Lan chiếu đèn pha cứu vớt từng người. Đó là một trong những chuyến vượt biên chú Sáu tổ chức.
Ba tuần trứớc đây, khi vào trại Leamsing này chúng tôi thấy lò thiêu bên trái cổng trại đang thiêu xác ba bốn người đàn ông bị cướp đập đầu chết còn nằm trên mũi ghe khi ghe cập vào trại này. Chồng của Th. bị chết chìm trên biển vì bọn hải tặc chém đứt cánh tay khi anh cố bám vào mạn ghe. Th. vẫn còn như điên khùng mất hồn. Một tuần lễ sau đó có hai thanh niên bị đẩy xuống biển từ chiếc ghe ấy bơi được vào bờ. Trông họ ngơ ngáo như những đứa bé được khỉ nuôi trong rừng mới về với thế giới loài người. Chú Sáu bảo đó là chuyến vượt biên do Tư Bền tổ chức.
Mưa giảm bớt cường độ. Mặt biển lặng dần và trời sáng hơn. Quay về phía biển tôi hỏi chú Sáu: - Lúc này biển động nhiều hơn phải không? Chú Sáu nhìn ra biển: - Gần tháng Bảy rồi. Động dữ lắm. Mà thằng Út của ông thày sao rồi? Tôi dậy học ở Rạch Giá nên chú Sáu gọi tôi bằng thầy. - Thì nó vào trại Songkla rồi đi định cư ở Canada. Chuyến đi của nó cũng ghê gớm lắm. Bị cướp nhiều lần, nhưng nó còn nhỏ nên không bị cướp đánh, nhưng thằng bạn của nó bị gẫy mấy cái răng và bị ngất xỉu rất lâu vì bọn cướp thấy bạn nó có răng vàng nên đục răng để lấy vàng. Cám ơn chú Sáu đã cho thằng em của tôi đi bằng an. - Ít có chuyến nào là thoát được hết ông thầy ơi. - Chuyến đi của mình là may mắn nhất phải không chú Sáu. …
Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi – Nhơn, Triết, Phúc, Hương, và tôi được đánh thức dậy để tiếp tục cuộc mạo hiểm vượt biên. Ai nấy tỉnh ngủ ngay và nhanh nhẹn di chuyển từ chiếc ‘cà dom’ sang chiếc ‘ghe xiệp’ sau khi cảm ơn chú thím Năm đã ‘giấu’ và ‘nuôi’ chúng tôi đêm qua khi ghe neo lại trong đám lau sậy trên một con kinh gần Rạch Sỏi. Theo ánh sáng đèn pin, chúng tôi nằm sát xuống các khoang thuyền, dưới những khoang ấy đã có một ít ‘khách’ đang nằm bất động như những con cá hộp. Một tấm lưới tanh mùi tôm cá được phủ rất nhanh lên người chúng tôi rồi ghe rồ máy quay đầu về phía thị xã Rạch Giá.
Qua tấm lưới cá, tôi nhận ra thị xã thân yêu đang thức giấc với tiếng xe cộ rầm rì đó đây. Ghe đi qua cầu Sắt, rồi cầu Đúc. Tôi nhớ một bên cầu Đúc này trứơc đây đã bị Việt Cộng gài mìn giật sập làm anh tôi bị thương, phía bên kia thì Nguyễn Xuân Trường, trưởng phòng Công An thị xã chạy vespa đụng tôi bị thương một buổi tối đi uống nước mía. Con đường có nhiều đèn sáng kia chắc hẳn phải là con đường dẫn đến bệnh viện thị xã. Bố tôi đã sống những ngày cuối đời ở bệnh viện này. Tôi cũng từng đi thăm bao người bệnh ở đây. Đào, anh của Đức, bị đứa em trong cơn khủng hoảng lấy dao đâm lủng phổi. Các bác sĩ phải dùng dao lam giai phẫu hai ba lần mới cứu được. Thục, người hàng xóm của tôi bị bể đầu khi chặt tre dựng nhà, máu chảy lênh láng phòng cứu cấp mà không có thuốc cầm. Rồi những người dân lành ở Miệt Thứ bị trúng mìn và lựu đan lúc đi phát cỏ…Nhiều lắm. Chéch về phía biển là sân vận động nơi mà ba người anh hùng phục quốc quân đã bị xử bắn dã man hai năm trước. Những kỷ niệm ồ ạt kéo về thật nhanh. Tôi nhớ đến mẹ già và cảm thấy thương mẹ vô vàn, nhưng phải vội gạt đi những thương nhớ ấy để tâm thần sáng suốt hầu đối phó với những nguy hiểm và bất trắc đang chờ đợi trên đoạn đường dài trước mắt.
Chung quanh chúng tôi cũng có những ghe tàu khác đang nổ máy kéo nhau ra biển cào sò ốc. Trên cầu một vài công an đang tụm lại trò truyện. Biết đâu trong những ghe thuyền kia lại chẳng có những người đang trên đường vượt biên như tôi? Chủ ghe có đút lót cho công an mà tiếng trong nghề gọi là ‘mua bến’ không?
Ghe đi vào biển, bỏ xa dần bờ và các ghe bạn khác. Chúng tôi thoát được bước thứ hai. Bước thứ nhất là trốn xuống ghe ‘cà dom’ đêm qua.
Khoảng một giờ sau thì người chủ ghe bảo chúng tôi ngồi dậy cho đỡ mỏi. Mặt trời bắt đầu lấp ló từ phía trong bờ. Nước bồng bênh ngay bên mặt, bên tay trong gang tấc. Biển mênh mông, đẹp, và thật êm sau hơn một tuần giông bão. Con đò nhỏ nhẹ lướt trên biển như chiếc lá tre cuốn theo chiều gió. Aùnh nắng chiếu xuống mặt nước lăn tăn sóng tạo thành một bức tranh muôn mầu tuyệt đẹp. Tôi thấy mặn mặn trên môi.
Hôm ấy là ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm 1980.
Trước mặt chúng tôi hiện ra hai chiếc tàu lớn. Tại sao lại hai chiếc? Tôi lo quá. Hay tầu lớn đã bị tàu Quốc Doanh chặn bắt lại? Hình ảnh khám lớn với chiếc xe ba gác đầy phân tro chợt hiện ra.
Nhưng không phải. Cả hai chiếc tầu đều là tầu vượt biên do chú Sáu và những người cộng tác tổ chức. Đây là chuyến cuối cùng của nhóm nên mọi người đều mang gia đình theo. Một chiếc tầu mang bảng số PQ, Phú Quốc và một chiếc có bảng số KG, Kiên Giang. Số người trên hai tầu đã khá đông và đang ồn ào gọi nhau như thể đã thoát khỏi vòng kiếm soát của công an biên phòng. Thật vậy biển bao la và chung quanh chỉ có những ‘ghe taxi’ là những ghe nhỏ đưa khách ra tầu lớn đang đênh lênh như những con thiên nga chờ đem vào bờ những tin thư cuối cùng cho người thân còn ở lại. Những người ‘khách da trắng’ thì ngồi hoặc nằm yên một chỗ, còn những ‘khách da ngăm ngăm’ thì đi lại, di chuyển hành lý vì họ đã quá quen với sông nước.
Tôi leo lên được tầu lớn. Cám ơn Chúa. Bước thứ ba đã qua.
Trên tầu, tôi nhận ra nhiều người thân từ Sai Gon, Long Xuyên, và Rạch Giá. Lòng tôi ấm lại. Chị ba Hà Tiên, người cấp cho tôi vé tầu, cầm chặt tay tôi nở một nụ cười, có lẽ nụ cười đẹp nhất trên đời: ‘Chi đi mà bỏ em lại không đành’. Mấy tháng trước chị hay ‘doạ’ tôi: ‘Thôi em ở lại Việt Nam làm người hùng dân tộc đi’. Chị đi mang theo ba đứa con gái: Hường, Kim, Huệ và hai đứa con trai: Phương, Âu. Rinh, con trai lớn nhất của chị đã vượt biên và mất tích. Quang, đứa con trai thứ hai đã vượt biên và đang sống ở Hawaii. Chị Ba là chị dâu của chú Sáu và là một trong những người tổ chức với chú Sáu. Tôi gọi chú Sáu là vì quen miệng gọi theo chị Ba chứ thực ra chú Sáu lớn hơn tôi cả mười tuổi. Có lẽ tôi là người nghèo nhất trong số 177 người vượt biên trên hai chiếc tầu này, nhưng chị Ba đã làm tôi trở thành người may mắn nhất và giầu như mọi người. Trên người tôi lúc ấy chỉ có một bộ đồ cũ và khoảng mười giấy phép đi lại của công ty Xây Dựng Tỉnh Kiên Giang(dĩ nhiên là do tôi tự cấp), không một chút lương thực, không một viên thuốc, không một tí vàng, gia tài cuối cùng là chiếc đồng hồ tôi đã tháo ra và gởi lại cho mẹ già.
Thấy một phần vững bụng, tôi đi thăm hỏi từng người quen. Cha Vũ Đình Trác đang ngồi với đám con cháu. Ở cuối ghe là cha Đinh Công Huỳnh trong bộ đồ bộ đội vẫn còn rụt rè khiếp sợ vì mới ra khỏi trại giam Phan Đăng Lưu chưa đầy hai tuần lễ. Rôi gia đình bác sĩ Thuận, Oâng bác sĩ Tường, bà bác sĩ Tường và gai đình. Sau này tôi được biết chú Sáu tính toán rất kỹ. Chú mang theo với mình hai vị linh mục, bốn vị bác sĩ, hai ông đầu bếp Tàu, và khoảng một chục ngư phủ thiện nghệ vì chú có một kế hoạch rất lớn trong tương lai một khi đã định cư.
Xuống dưới hầm tầu, tôi cũng gặp một vài học trò. Người ta nằm la liệt và mệt lả vì đa số là ‘khách da trắng’ và đã được chuyển ra tầu lớn từ tối hôm trước. Bây giờ tầu đang neo để rước thêm khách nên lắc lư mạnh làm nhiều người nôn ói. Đang nói truyện với Dung, cháu của cha Hoàng Tấn thì một người níu chân tôi: -Anh giúp em với.
Nhìn xuống tôi thấy một thiếu phụ trẻ xinh đẹp và đầy đặn, nước da trắng mịn với làn tóc thề đen xoã đầy trên ngực áo. Trong cơn say sóng, người thiếu phụ vẫn đẹp, một Tây Thi trong lúc đau bụng. Tôi hỏi: -Chị cần gì ạ? -Anh làm ơn cởi áo cho em với.
Tôi nghĩ chiếc áo len trắng dầy kia làm chị khó thở nên giúp chị cởi bớt. Cởi xong chị lại ôm lấy chân tôi: -Anh cởi cho em một cái áo nữa. Tôi nhìn xuống chị và bắt đầu choáng váng. Choáng váng một phần vì sóng và một phần vì ngỡ ngàng trước lời yêu cầu ‘lạ lùng’ của một người đàn bà đẹp tôi chưa hề gặp. Tôi cúi xuống. Chị nói tiếp: -Anh cởi áo cho em rồi cho con em nó bú cái. Thằng bé đang bò khóc ở chỗ kia. Hôm sau tôi mới biết đó là chị Dũng, một chiêu đãi viên hàng không, vợ của bác sĩ Dũng cũng đang nằm bất động phía bên kia vì quá say sóng.
Ổ cuối hầm tầu, tôi cũng nhận ra bác trùm Hoạch, một trong những bà cụ hiền lành nhất mà tôi gặp trong đời. Thấy tôi, bác hỏi: -Tầu đi tới đâu rồi chú? -Thưa bác, tầu còn đang bốc người từ chuyến taxi cuối cùng rồi mới khởi hành.
Bà cụ không nói gì nữa. Miệng lẩm bẩm tiếp tục chuỗi kinh mân côi.
Tầu lắc lư mạnh quá. Không khí ngột ngạt và mùi ói chung quanh làm tôi xây xẩm. Không thể chịu được nưa, tôi trèo lên boong tầu đúng lúc chú Sáu đứng giữa tầu nói lớn: ‘Chúng ta hãy cám ơn thượng đế và cầu xin cho chuyến đi được bình yên. Bà con ta hãy nhìn lại quê hương lần cuối trước khi tầu nhổ neo. Hai ngon núi xanh kia là Hòn Đất và Hòn Me’.
Mọi người im lặng, ngậm ngùi. Quê hương chỉ còn là một chân trời xa mờ với hai ngon núi xanh xanh không tỏ. Biết bao giờ mới trở lại nếu đến được bến bờ tự do. Mà chắc có đến không? Đàng sau chân trời kia biết ai sẽ chăm sóc mẹ gia. Ai ai sẽ xây mộ cho bố, ngôi mộ chưa kịp sửa sau mùa mưa lũ. Bao kỷ niệm buồn vui từ tấm bé, bao nhiêu mộng ước bị chôn vùi. Hòn Đất và Hòn Me kia là những tiền đồn tôi đã từng đi qua với bao bom đạn và mìn chông. Tôi nhớ đến lời hát của một đứa bạn người đất Qui Nhơn khi cả trường chia tay nhau ở Đalat năm 1977: ‘Ra đi mà không biết đi về đâu. Ra đi mà không biết về phương nào. Ta rùng mình vì cô đơn. Ta ngại ngùng vì xa xăm. Ra đi và đi mãi về miền xa. Ra đi và đi mãi chỉ một mình…’
Thật xót xa mà không dám rơi nước mắt.
Hai chiếc tầu rồ ga lướt đi trên biển xanh như hai con cá voi khổng lồ cõng theo đám người trên mình bơi về phía mặt trời chênh chếch trước mặt.
Mỗi chiếc tầu dài khoảng 16 thứơc và được gắn máy ba lốc đầu xanh. Phía sau hai bên hông tầu còn được gắn thêm hai máy phụ hiệu Janmar còn rất mới. Một chiếc tầu được lái bằng bánh lái tay cầm và một chiếc được lái bằng vô-lăng. Trên mũi tầu là một con heo quay thật to với những lén hương cúng vái đất trời còn nghi ngút khói bay. Cái hầm ở ngay phía dưới đựng những cây nước đá, gạo, và nước uống vừa để làm lương thực vừa để dằn cho tầu thăng bằng vì chú Sáu và ban tổ chức biết trước là những người vượt biên chỉ thích ngồi trên boong tầu.
Có những lúc sóng lớn trắng xoá trước mặt và bắn tung làm ướt hết mũi tầu. Khách vượt biên hơi ái ngại, nhưng khi nhìn lên mui tầu, thấy các tài công vẫn tươi cười vui vẻ, tôi biết biển ‘vẫn được coi là êm’. Nước da xạm nắng trời và gió biển, những cánh tay rắn chắc, và đôi mắt sáng quắc của các tài công làm cho mọi người vững tâm. Đúng là: ‘Nhất sĩ nhì công. Lúc vượt biển Đông. Nhất công nhì sĩ…’
Nhưng không phải tài công nào cũng giỏi và luôn gặp may. Chuyến đi của vợ chồng Đào và Trâm, bạn của tôi, hồi tháng trước thật đáng buồn. Khi ghe đến bờ thì hai tài công trẻ đã mất tích. Nghe đâu sau hai ngày hai đêm vượt biển mà chưa thấy bờ, một đám người trên tầu nghi là tài công phản bội lừa gạt đưa bán cho Miên Đỏ nên đã bàn tính ban đêm thủ tiêu tài công và ném xác xuống biển rồi tự lái tầu. Đám người này sau đó tôi cũng gặp trong trại Leamsing. Họ là những người xưa nay tôi vẫn kính trọng và ngưỡng mộ. Chỉ có biển mới biết sự thật. Chị ba định gởi tôi đi trong chuyến đó.
Dấu tích quê hương cuối cùng là đảo Phú Quốc đang theo bứơc với đoàn người vượt biên ở phía chân trời xa xa kia. Nước biển đổi từ mầu xanh lơ sang mầu xanh đen khi nắng chiều xuống dần. Chị Ba giải thích cho tôi: ‘Tầu sẽ chạy dọc theo đất liền và sẽ vào hải phận quốc tế tối nay. Tài công họ giỏi lắm. Với ống nhòm, họ thấy được hải cảng Kongpongchom và Sihanookville dễ dàng nên nhiều khi không cần hải bàn hay hải đồ’. Đúng như lời chị Ba giải thich, Tầu tiến dần về hải phận quốc tế khi đêm xuống. Một hàng đèn nhấp nhánh hiện ra phía trước. Đó là những tầu quốc doanh lớn và những tâu đánh cá Thái Lan. Tôi hơi lo, nhưng vì mệt nen rơi vào giấc ngủ lúc nào không biết. Giật mình dậy thì những đèn sáng ấy đã lùi lại phía đàng sau. Cám ơn Chúa. Bước thứ tư đã qua.
Bình minh lại ló dạng phía sau. Ngày thứ hai trên biển. Trời trong xanh. Nắng gắt hơn, nhưng biển êm sóng nhẹ nên lòng người vẫn tươi mát. Mọi người vui mừng khi biết tầu đã đi được hơn nửa đường đến đất Thái.
Khách trên chuyến tầu này thuộc đủ mọi thành phần và địa phương khác nhau: người Việt, người gốc Tàu, người gốc Miên, người Bắc, người Nam, người giáo sư, người đánh cá, người tu hành, người buôn bán, người giầu người nghèo…nhưng tất cả đều trò chuyện trong yêu thương, trong tương trợ và chia sẻ.
Cha Trác là thầy thuốc nam đang đi tìm một viên Optalidon. Thím Năm đang phát cho mỗi người bị mệt một củ nhân sâm. Bác sĩ Thuận sau một ngày dang nắng đang cầu cứu: ‘Ai có thuốc hạt dưa cho tôi một viên’. Bác sĩ Dũng thì nằm bẹp sau hai ngày say sóng, không đi tiểu được rên la đau đớn. Chúng tôi cạo gió, xoa bóp, châm cứu, điểm huyệt khắp người để giúp anh tiểu. Đến khi vào trại bọn tôi hay gọi anh là ‘bác sĩ gây mê’. Còn tôi thì nói nhỏ với anh: ‘Anh Dũng ơi, em thấy hết mọi sự của anh chị rồi’. Bác sĩ Dũng hiểu ngay, bèn cười trừ: ‘Anh xấu hổ qua. Mai mốt qua Mỹ, chú mày có chuyện gì cứ kêu anh nhá’.
Trên tầu có một người khách ngộ ngộ đó là Lê Hồng Phúc. Nói truyện mới biết ngày xưa Phúc cũng học ở Giáo Hoàng Học Viện. Phúc ra khỏi trường năm trước thì tôi nhập trường năm sau. Phúc giầu hơn tôi vì đã mua được ‘vé tầu’, nhưng trên tầu bây giờ anh chỉ giầu hơn tôi một cây viết máy và những năm tháng tù đày vì tội vượt biên. Phúc giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp. Anh là một trong những thông dịch viên chính trong những trại tỵ nạn Leamsing, Trangsit, và Bangkheng sau này. Phúc là con trai của Cố Đại Tá Lê Quang Tung, Giám Đốc An Ninh Phủ Tổng Thống thời đệ nhất Cộng Hoà. Anh kể cho tôi nghe nhiều huyền thoại của CIA và gia đình sau cái chết đau thương của ông bố tài ba.
Mọi người đang vui vẻ thì từ xa có một chiếc tầu khác đang tiến nhanh về phía tầu của chúng tôi. Ai cũng nhìn thấy làn khói trắng của chiếc tầu lạ ấy và bắt đầu xôn xao rồi nhôn nhao, và lo sợ. Chú Sáu cho mở thêm hai máy phụ và chạy tối đa để tránh. Người ta đem đồng hồ, nhẫn, dây chuyền… gởi tôi mà giờ này tôi cũng không hiểu tại sao. Chị Ba bình tĩnh dặn dò:’Nếu có chuyện gì thì đừng chống cự hay đánh lại. Phải khôn ngoan mới được. Hôm qua có mấy người đòi đem theo súng và lựu đạn, nhưng chị và chú Sáu nhất định không chịu vì mình đông người lại có đàn bà con nít nên không chống cự với hải tặc được. Chị bảo mấy nhỏ cắt tóc ngắn giả làm con trai mà không đứa nào chịu làm hết’. Nói rồi chị lại cười. Tôi thấy trong tay có cả bốn năm chiếc đồng hồ, còn đồ nữ trang thì lẫn cả với nhựa đường nên không phân biệt đượ nhiều ít.
Chiếc tầu lạ cứ xa dần và mọi người bình yên trở lại. Vẫn không ai nhận một chiếc đồng hồ đã đưa gởi tôi. Chị Ba nhìn tôi bảo: -Trong chuyến này có nhiều người giầu lắm. Em thấy những giỏ cói vất bừa ở kia không? Vàng trong đó nhiều lắm. Tôi hỏi đùa: -Vậy còn vàng của chị đâu? -Chị chỉ có mấy ngàn đô-la gom góp được chuyển đi trước rồi. Chỉ mang theo ít cây để lo trên đường thôi.
Nói rồi chị buồn buồn rơi nước mắt. Tôi biết chị nghĩ đến Rinh, đứa con trai lớn hơn tôi mấy tuổi đã mất tích trong một chuyên đi năm ngoái. Như để gạt đi nỗi buồn, chị hỏi tôi: -Em có nhớ người tình ở lại không? -Tình gì đâu chị Ba. Chị biết mà. Em quá trung thành mà lại bất lực vì nghèo nên chẳng dám yêu người ấy đâu. -Sao em không nói chị? -Sao chị không hỏi em? Đúng ra trong em lúc này thì TỰ DO mạnh hơn TÌNH YÊU chị ạ. Mà em sắp có người tình mới tên là Nguyễn thị Niu Len(Newland) rồi. Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi an ủi chị: - Khi đến nơi, em sẽ cố gắng liên lạc để hỏi thăm tin tức về Rinh cho chị.
Mặt trời lại đi trước làm dấu cho chúng tôi như cột mây dẫn đường cho dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập khi xưa. Và lại một buổi tối. Gần nửa đêm thì tầu chạy chậm lại. Tài công bảo tôi: ‘Sắp tới rồi. Chạy chậm lại và vào bờ lúc buổi sáng để tránh bị cướp cạn’. Tin vui được chuyền tai nhau. Mọi người tỉnh hơn và vui mừng. Chị em Sàng cho tôi một ly che đậu xanh thật ngọt và thật nóng.
Hai chiếc tầu cặp lại gần nhau. Chú Sáu ra lệnh: - Cưa bỏ tất cả các máy phụ cho rớt xuống biển. Lăn hết mấy phuy dầu xuống biển luôn. Bỏ luôn mấy bao gạo và những cây đá lạnh. Phá huỷ máy tầu bên đó. Mình sẽ đi vào căn cứ Hải Quân Longyai kia lúc rạng sáng. - Ông Sáu ơi, không phá được máy tầu. - Đổ nước biển vào bình xăng và nhớt.
Máy được phá huỷ xong, người ta lấy dây cột chiếc tầu bị phá máy vào chiếc tầu còn lại và sắn sàng kéo nhau vào bờ khi mặt trời mọc. Chị Ba giải thích: ‘Làm như mình bị nạn và hết lương thực để không bị kéo ra biển trở lại’. Thật là khôn khéo.
Đúng như kế hoạch, tầu chúng tôi đi vào căn cứ LongYai của Thái khi trời vừa sáng. Niềm vui và hy vọng cứ tăng dần khi những dãy núi trước mặt mỗi lúc một rõ hơn. Rồi ghe thuyền dưới nước, cây cối, nhà cửa, và người dân trên bờ hiện ra. Mọi người ôm nhau chờ đợi bước cuối cùng trong chuyến vượt thoát, chờ đợi dấu chấm của mệnh đề: ‘Chúng tôi là những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản và đi tìm tự do’. Chắc không ai quên được lời van xin ấy của Nhơn đang đứng trước mũi tầu.
Hải Quân Thái cho phép chúng tôi lên bờ ngay và dặn mọi ngừoi phải cẩn thận tất cả hành lý vì khi đã dời tầu thì không được phép trở lại nữa. Họ liên lạc với Cao Uỷ Tỵ Nạn giúp chúng tôi ngay vì hình như hai chiếc tầu của chúng tôi là một gia tài rất lớn cho họ.
Đoàn ngừoi vượt biên bước thấp bước cao dắt nhau đi trên miền đất tự do tiến về một đồn cảnh sát gần đó nơi đã có mấy chục người tỵ nạn đang tạm trú. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh một đất nước thanh bình. Đồn binh chẳng có giây kẽm gai và hình như ngừời lính cũng hiền lành hơn.
Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi được ngủ trong màn và nằm trên chiếu của Cao Uỷ Tỵ Nạn.
Sáng hôm sau, toàn trại tạm trú, không phân biệt cũ mới, đừờng bộ đường biển, lương hay giáo, mọi người đồng hát vang bài: ‘Xin dâng lời cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa bao la…’ và cùng nghe: ‘Chúa cho con Trời mới Đất mới…’. Đó là lời hát của cha Trác mới được Hùng Lân phổ nhạc. Tôi hân hạnh được tập bài hát ấy với Triết lần đầu trên miền đất tự do. Công an không tìm được chúng tôi nữa và tầu quốc doanh đuổi kịp chúng tôi nữa. Bây giờ chúng tôi sẽ sống trong tự do và có chết cũng chết trong tự do.
Hai tuần sau đó, trên đường di chuyển đến trại Leamsing, chị ba hỏi tôi: -Em còn nhớ số tầu của mình không? Tôi nhớ, nhưng lại loanh quanh triết lý: -Em nhớ chứ. Đó là chiếc PQ- DAC BIET và KG- MAY MAN. Em gọi một chiếc là Phú Quốc Đặc Biệt vì những chữ không chị Ba ạ. Tầu mình đi không gặp bão lớn. Không bị hải tặc. Không ai bị bỏ sót lại. Không ai trên tầu bị đau yếu trừ anh chàng Vinh lanh chanh nhặn mũi tầu nên bi té ngã. Không ai kêu trách điều gì. Và nhất là trên tầu không có người tình của em. Còn em gọi chiếc kia là Kiên Giang May Mắn thì chị biết rồi đó. Chủ tầu có giầu, tài công tài cải có giỏi, thân tầu có lớn và trang bị đầy đủ mà không gặp may thì vẫn chết trên biển thôi. Mình tới được bến bờ biết đâu lại chẳng nhờ lời cầu nguyên của bà cụ già lâm râm kinh nguyện dưới hầm tầu phải không chị?
Chị Ba cười nhẹ: -Chúa cho thì mới được em ạ.
Rồi đề tài câu truyện của chúng tôi được chuyển sang những chiếc xe mầu mè rực rỡ của người dân địa phương, những ngừời chưa hề thấy chiến tranh và nếm mùi cộng sản. Nhà cửa và quần áo của họ cũng không khác dân Việt bao nhiêu, nhưng trong mắt họ có điều gì rất quí mà dân tôi bên bờ vịnh bên kia không có được.
Tôi nắm chắc vào thành xe như sợ mất một điều gì đang có trong tay khi xe nghiêng nghiêng lượn qua những đường đồi. Đó chính là TỰ DO và VẬN HỘI MỚI.
Mùa Lễ Tạ Ơn
VTT
|
|
Tin/Bài mới
Tin/Bài cùng ngày
Tin/Bài khác
|
|