Làm thế nào để kết hợp thân tình với Chúa Giêsu?
(Chia sẻ trong đại Ultreya tại TTCGVN Giáo phận Orange, Sunday March 22, 2009)
Mùa chay là mùa sám hối ăn năn và cầu nguyện. Vì thế hôm nay tôi xin chia sẻ đề tài ‘Làm thế nào để kết hợp thân tình với Chúa Giêsu trong một xã hội đầy biến động, bạo động và những hình ảnh kích thích ta về mọi phương diện’.
Trong những lần cầu nguyện ở liên nhóm, tôi đã tuyên bố “chia sẻ không được ép buộc, nếu ép buộc thì cũng không nên từ chối”.
Anh liên nhóm trưởng hiểu được ý câu nói này nên đã mạnh tay đẩy tôi ra đây, vì anh biết tôi không thể từ chối, mà đúng vậy. Anh thấy tôi ít về đây tham dự đại Ultreya, nên anh muốn khuyến khích tinh thần hiệp thông của tôi đối với các liên nhóm khác. Không biết làm gì khác tôi cũng đành “nhắm mắt đưa chân, xem Thầy Chí Thánh đưa mình đi đâu”.
Đã mấy mươi năm rồi tôi tự nhủ lòng “đợi đến khi về hưu thì mình sẽ bỏ nhiều thời giờ để phục vụ Chúa” hoặc “khi nào bị Layoff tha hồ ta sẽ dùng thời gian rảnh rỗi để dấn thân cho Tin Mừng”.
Hết ngụy biện này đến ngụy biện nọ, tôi luôn tránh né những việc lành hoặc không nhận lãnh trách nhiệm. Phải mất trên 13 năm tôi mới được thuyết phục để tham gia ba ngày tĩnh tâm Cursillo, và một sức mạnh phi thường nào đó đã đẩy tôi đi, về sau tôi đã cảm nghiệm được sức mạnh đó đến từ đâu và tác giả là ai.
Hôm nay ngồi nghĩ lại, với tình trạng kinh tế suy sụp như thế này, quỷ hưu bổng sụt giảm thê thảm, thì ngày về hưu còn xa vời và biết khi nào mới có cơ hội phục vụ Chúa được? Lỡ ngày mai Chúa thương gọi về sớm thì làm sao? Còn chờ đến khi bị Layoff thì chưa chắc gì có giờ rãnh nữa, hay là lúc ấy phải chạy đông chạy tây đi kiếm việc khác. Không có tiền tiêu thì đâm ra buồn rầu, có còn vui vẻ đâu nữa mà phục vụ Chúa cách hăng say?
Tự xét mình, tôi đã từng xin Chúa biết bao nhiêu ơn lành, mà Ngài đã không từ chối. Tại sao ta không dám dâng cho Chúa những giây phút tốt đẹp nhất của đời ta? Và giây phút tốt đẹp nhất phải là giây phút hiện tại. Ta còn khỏe mạnh, còn đi đứng được, còn đi làm, còn sức khỏe. Tại sao ta lại dâng Ngài những giây phút thừa thải của cuộc đời vậy? Tại sao ta lại không bắt chước Abel mà lại bắt chước Cain? Chờ đến khi về hưu, lúc đó có thể bị tai biến mạch máu não hay bị máu nhồi cơ tim, nằm một chỗ không đi được rồi sẽ tiếc hùi hụi, ước gì ta dâng cho Ngài những giây phút trước khi ta bị như thế này. Có nói chi cũng đã muộn màn rồi.
Trước kia bảo chia sẻ những vất vả cực nhọc trong đời sống, tôi sẽ không ngần ngại tí nào. Nhưng bảo chia sẻ những hồng ân của Chúa ban cho thì tôi rất ngại, và lúc nào cũng mang trong mình hai cái sợ. Sợ với chính mình và sợ người khác. Sợ chính mình vì nghĩ rằng nói về mình thì chẳng khác nào tự kêu tự đại. Sợ người khác bảo mình, là thích khoe khoang, háo danh.
Cho đến ngày nọ tôi gặp một vị đại lương y, chuyện trị những chứng bệnh đường thiêng liêng. Người đã mang đến trong tâm hồn tôi một luồn gió mới và đã lấy đi những mặc cảm sợ sệt. Người đó chính là thánh Ignatio Loyola, xin trích đoạn bài viết của thành Ignatio Loyola như sau:
“Khi thấy đầy tớ Chúa tốt lành và khiêm nhường, đến độ người ấy, tuy tuân hành thánh ý Chúa, nhưng vẫn nghĩ mình thật là vô dụng, nên hắn [ma quỉ] xúi người ấy nghĩ rằng, nếu nói về ơn thánh Chúa ban cho mình, nói về những công việc dự tính và mong ước, thì sẽ phạm tôi háo danh, vì đó là nói về vinh dự của mình. Vì vậy ma quỉ làm sao để người ấy không nói về những ơn lành đã được Chúa ban, và thế là ngăn cản không cho những ơn lành ấy sinh ích nơi người khác và nơi bản thân người ấy, bởi lẽ việc nhớ lại những ơn lành đã lãnh nhận luôn giúp thực hiện những việc cao cả hơn nữa” (Lettera del 18.6.1537. CNHV trang 186).
Thánh Lorenso Giustiniani còn đi một bước tiến xa hơn, ngài viết “Không gì trên thế giới có thể chúc tụng Thiên Chúa và cho thấy Ngài đáng ngợi khen cho bằng sự khiêm tốn trao đổi trong tình huynh đệ những hồng ân thiêng liêng...
Vì thế nếu không muốn vi phạm luật Chúa và bị xét xử như những linh hồn coi rẻ, không quan tâm đến phần rỗi của người anh em, thì những ai đã nhận được ơn thiêng từ trời, phải hết sức cố gắng truyền thông cho người khác những hồng ân Chúa đã ban cho mình, nhất là những ơn có thể giúp để họ trong đời sống trọn lành.”
(Disciplina e perfezione della vita monastica, Rome 1967, p.4. CNHV trang 186).
Nếu anh chị hỏi tôi, duyên cớ nào khiến tôi gặp những lời vàng ngọc nói trên? Trong thi văn VN từ thời tiền chiến có câu : “Gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa”. Trong Tin Mừng “Dù một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài thánh ý Thiên Chúa”. ĐHY Thuận đã làm hẹn cho tôi gặp thánh Ignatio Loyola và Thánh Lorenso Giustiniani.
Qua bài giảng Chứng nhận hy vọng cho Đức Thánh Cha John Paul II và giáo triều Roma năm 2000, ‘Chứng nhân hy vọng’ trang 186, tôi đọc được hai tư tưỏng trên. Sau đó vào internet download được cả cuốn sách của Thánh Ignatio bằng Anh ngữ do công ty ‘Googles.com’ chuyển sang pdf file mà ĐHY chú thích. “Letters & Instructions of St Ignatius Loyola Vol. I, 1524-1547”. Tuy nhiên tôi tìm mãi mà không thấy đọan văn ĐHY trích.
Gởi email và gọi điện thoại sang Texas nhờ một anh bạn thân tên Hồ trí Thức đọc giùm, anh cũng không tìm ra. Nhưng anh cho biết đã email câu hỏi của tôi về cho ĐC Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh, VN, ngài ở dòng Tên trong 40 năm rồi. ĐC Hoàng Văn Đạt email trả lời ngay, ngài cũng trích dẫn câu nói tương tự trên của thánh Ignatio bằng tiếng Pháp và cho biết là trong sách ‘Chứng Nhận Hy Vọng’ đã in sai năm 1537 thay vì năm 1536.
Tôi mở lại sách của Thánh Ignatio và lần này đã thấy đúng như thế. Tôi đã đọc được trọn vẹn bản văn của thành Ignatio mà ĐHY Thuận trích đoạn ngắn nói trên. Tôi vui mừng vô cùng và tạ ơn Chúa vì tôi đã tìm được một thang thuốc huyền nhiệm, tuyệt vời để chữa bệnh cho tôi. Sau đó tôi đã điện thoại đến cơ sở xuất bản Regina ở Misouri và cho biết ‘trục trặc kỹ thuật về in ấn’ với những bằng chúng tôi tìm thấy, họ đã đồng ý sửa chữa lại cho ấn bản sau. Bạn tôi, anh Hồ Tri Thức, cho biết đã liên lạc với một cơ sở xuất bản tại Canada, cũng xuất bản sách ‘Chứng nhân hy vọng’ để cho biết về điều này.
Vậy hôm nay tôi xin chia sẻ với quí anh chị những hồng ân mà Chúa đã ban cho tôi một cách thành thật, không đâu diếm điều gì cả. Làm thế nào để kết hợp với Chúa Giêsu một cách thân tình trong một xã hội đầy biến động và bạo động, tràn đầy những hình ảnh kích thích ta về mọi phương diện?
Khi người ta yêu nhau, họ thường nghĩ đến nhau, nhìn bầu trời nắng đẹp, họ liền tưởng nhớ người yêu, gọi tên người yêu. Có người mong được gọi tên người yêu trong giấc mơ. Nhạc sĩ TCS, trong bốn câu chót của bài Hạ Trắng, ông viết:
“Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi Nắng đưa em về miền cao gió bay Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây Gọi tên em mãi suốt cơn mê này”.
Chính câu sau cùng đã làm tôi chú ý đến nhiều. Trong hành trình đức tin, là một Kitô hữu, và một Cursillistas, chúng ta gọi tên ai trong lúc tỉnh thức, lúc buồn, lúc vui, lúc sầu khổ, thất vọng, chán chê cuộc đời? Câu hỏi này đã hàm chứa câu trả lời rồi. Chúng ta hãy gọi tên Người đã yêu, đã thí mạng sống vì chúng ta, mà lắm lúc chúng ta chưa cảm nghiệm được tình yêu của Người đối với chúng ta.
Nhưng điều tôi muốn đặc ra đây là gọi tên Chúa Giêsu như thế nào, gọi làm sao và nói gì với Ngài? Mỗi ngày tôi dâng lên Chúa nhiều lần một lời nguyên đơn sơ, ngắn gọn và dể nói. “Chúa Giêsu, có Phúc đây”. Buổi sáng nếu hai vợ chồng thức dậy cùng một lúc, tôi nói “Chúa Giêsu có Hồng & Phúc đây”.
Lúc lái xe, lúc ăn trưa ở sở làm, lúc nghĩ ngơi ..., tôi đều gọi tên Ngài và nói như vậy. Lời cầu nguyện này tôi không sáng chế ra, mà tôi bắt chước ĐHY Thuận, khi ngài ở trong tù, vì quá mỏi mệt, ngài chỉ nói “Chúa Giêsu có Thuận đây”. Con đường ấy ĐHY đã đi qua và ngài thấy có kết qua mỹ mãn, tôi chỉ bắt chước làm theo và cũng thấy như vậy.
Lúc biết mình sắp có một tư tưởng, một lời nói hay một hành động xấu hoặc trái lương tâm, tôi nói “Chúa Giêsu, có Phúc đây”. Rất ngạc nhiên, tôi thấy mình có thể dừng lại cách dễ dàng tất cả những gì xấu xa mình sắp nghỉ, sắp nói và sắp làm, mà trước kia tôi không tài nào tránh nổi. Dâng cho Chúa nhiều lần lời nguyện này trong một ngày, tôi cảm thấy tâm hồn thật sự hướng về Chúa Giêsu và kết hợp thân tình với Ngài. Đầu óc, tư tưởng lúc nào cũng nhớ đến Chúa Giêsu.
Nhận thấy tên cực thánh Chúa Giêsu ảnh hưởng thật mạnh đến tâm hồn mình. Tôi tìm về kinh thánh bằng cách vào Internet tìm chữ ‘holy name of Jesus’, ‘Google.com’ đã cho rất nhiều websites về đề tài này, tôi để ý đến Catholic Encyclopedia (Bách khoa từ điển Công Giáo), trong thơ Philipphe., ii 10-11 thánh Phaolo đã viết: ‘như vậy, khi vừa nghe danh thánh Chúa Giêsu cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa’.
Nhìn lại lịch sử các thành tử đạo VN, có á thánh Anre Phú Yên, mà học giả công giáo Phạm đình Khiêm gọi là ‘Người chứng thứ nhất’, nói về cái chết anh dũng của vị tử đạo trẻ và đầu tiên của VN, mới 19 tuổi đời, vừa biết Chúa được ba bốn năm, lúc bị hành quyết, khi chiếc đầu đã bị cắt rời khỏi thân xác, miệng vẫn còn kêu được tên Giêsu vài lần. Có cha Đắc Lộ (Alexander de Rhodes, người đã có công phát triển chữ quốc ngữ) đứng gần chứng kiến làm chứng từ đầu đến cuối, và cha đã ghi lại bằng giấy trắng mực đen rõ ràng. Vậy tên thánh Chúa Giêsu đã ảnh hưởng đến tâm trí của những ai tin vào Ngài biết là dường nào. Anh chị muốn nghiên cứu xin vào http://www.ghphuyen.com/anrephuyen/.
Tìm trong Internet câu thứ hai, ‘Lord here am I’, đây là một lời nói ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa: “Lạy Chúa con đây, Chúa muốn con làm gì?” Nhiều nhân vật quan trọng trong Thánh Kinh thường dùng đến. Từ tổ phụ Giacob trong sách Sáng Thế 46:2 “Thiên Chúa phán với Israel trong thị kiến ban đêm, người phán ‘Giacop, Giacop’. Ông thưa, ‘Dạ con đây”. Sách tiên tri Isaiah 6:8 “Dạ con đây xin sai con’. Sách tiên tri Samuel 3 “Lạy Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.Trong phụng vụ bằng tiếng Anh có một bài hát nổi tiếng do một soạn giả người Mỹ, Dan Schutte viết đó là bài ‘Here I am, Lord’, xin vào http://my.homewithgod.com/heavenlymidis2/here.html nghiên cứu thêm bằng Anh ngữ.
Lời cầu nguyện có hai tác dụng. Tác dụng tâm lý: khi mình xin Chúa thì tâm hồn mình cũng sàn sàn mở ra đón nhận ơn Chúa. Tác dụng siêu nhiên: dựa vào lời kinh thánh Chúa sẽ ban cho chúng ta những gì ta xin Ngài. “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh mà lại cho hòn đá” (Mat 7:9). Nhiều lúc cầu nguyện mình cứ tưởng là Chúa chưa nhậm lời. Những bằng cách này hay cách khác Ngài đã ban cho ta mà mắt trần ta chưa nhận biết thôi. Cũng như hai người môn đệ đi trên đường Emmau, đâu có nhận ra chính Thấy mình đang đi sát bên cạnh, đang chuyện trò thân mật với mình.
Nếu có ai bảo tôi sửa lại câu hát sau cùng trong bài Hạ Trắng, tôi viết như sau: ‘Xin được gọi mãi tên Chúa Giêsu suốt cơn hôn mê này”. Hôn mê (coma) chứ không phải là mê. Tôi đã xin Chúa cho tôi nhớ lời nguyện này trong tâm hồn khi tôi bị hôn mê gần chết, “Chúa Giêsu có Phúc đây’, và tôi tin chắc rằng sẽ có tiếng vọng lại “Phúc ơi đừng sợ , có Chúa Giêsu đây”.
Nếu hiểu được trọn vẹn câu nói của thánh Phaolo “Vì đối với tôi, sống là đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Philipphe 1, 21) thì ta còn sợ gì nữa trước cái chết. Ta sẽ nhìn những thách đố của đời nầy nhẹ như bông hồng. Nhìn cuộc đời dưới ánh mắt đức tin làm cho ta bớt bồn chồn lo lắng hay sợ sệt thái qúa.
Nhân mùa chay thánh, nguyện xin Tình Yêu, Sức Mạnh và Ơn Cứu Độ của Thầy Chí Thánh hằng ngự trị mải trong tâm hồn của từng người chúng ta, và xin đừng để bao giờ chúng ta phải lìa xa cách Chúa.
Xin thân chào và cảm ơn tất cả.
Nguyễn Hồng Phúc,
|