Tin yêu Chúa
Ga 3,14-21
Lm. Giacôbê Phạm Văn
Phượng, OP
Chúa Giêsu dùng
hình ảnh con rắn đồng để ám chỉ
về cái chết cứu chuộc của Ngài. Con rắn
đồng là gì ? Đây là một câu chuyện thời
xưa được Chúa nhắc lại, khi dân Do Thái lang
thang trong sa mạc trên đường về Đất
Hứa, họ đã nhiều lần kêu trách Chúa, họ nói
rằng : tại sao lại đưa họ vào sa mạc
để họ phải khổ như thế này ? Số
người Do Thái lúc đầu ra khỏi Ai Cập
khoảng hơn hai triệu người, con số không
phải nhỏ bé, họ được Chúa ban man-na ăn
mỗi ngày, nhưng rồi họ cũng chán ngán, họ
phàn nàn : chẳng có gì vui, chẳng có gì ngon, chỉ có
mỗi man-na chán ngắt. Khi họ kêu trách Chúa như
vậy tức là họ bày tỏ một tấm lòng hết
tin tưởng, họ muốn quay trở về với
kiếp nô lệ để được ăn củ hành
củ tỏi, họ đã mất niềm tin vào Chúa. Có
lần Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện khắp
nơi và cắn chết nhiều người, khi đó
họ mới nhớ ra tội mình bội tín, bất trung
với Chúa, họ ăn năn và cầu cứu với ông
Mô-sê xin Chúa tha thứ. Chúa động lòng thương
bảo ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng treo
lên cây cao, để bất cứ ai bị rắn lửa
cắn, nhìn lên con rắn đồng này thì được
cứu sống.
Thật ra con
rắn đồng kia chỉ là một thứ kim loại
vô tri vô giác, tự nó không có khả năng hay quyền hành
gì để cứu giúp người ta lúc ấy, yếu tố
cứu giúp người ta chính là đức tin. Việc nhìn
vào con rắn đồng kia là biểu hiệu một lòng
tin vào Thiên Chúa, niềm tin từ bên trong phát ra bên ngoài
bằng cái nhìn, nhờ đức tin mà Chúa đã cứu họ.
Và đó là ý nghĩa của câu Chúa Giêsu nói với ông
Nicôđêmô : “Ngày xưa, Mô-sê treo con rắn đồng
thế nào thì Con Người sẽ bị treo lên như
thế, để nhờ đó những ai tin nhận
sẽ được cứu rỗi”. Nói vậy là Chúa có ý
ám chỉ cái chết của Ngài, Ngài sẽ chết cách nào,
Ngài sẽ bị treo lên thập giá để chuộc
tội cho nhân loại.
Nói rõ hơn,
ngày xưa, dân Do Thái muốn được khỏi
bệnh rắn cắn thì nhìn lên rắn đồng, còn ngày
nay, chúng ta muốn khỏi bị trầm luân, hư mất
đời đời thì chúng ta cần tin vào Chúa Giêsu,
nhận cái chết chuộc tội của Ngài, để
Ngài đem hạnh phúc trường sinh cho. Nói như
vậy là để chúng ta ý thức tình trạng tội
lỗi của mình, nếu chúng ta không biết mình là
người có tội, là người phải cần
tới Chúa, thì cái chết của Chúa cũng giống
như bao nhiêu cái chết khác, không liên quan gì đến mình,
hay cùng lắm chúng ta coi cái chết của Ngài cũng
như cái chết của một vị anh hùng, nếu
như vậy thì cái chết của Chúa sẽ chẳng
ảnh hưởng gì đến chúng ta, thái độ
đó cũng chẳng khác gì thái độ của những
người Do Thái xưa kia nhìn lên rắn đồng
với cặp mắt nghệ thuật, nên vẫn bị
chết. Chúng ta phải ý thức rằng tất cả chúng
ta đều là những tội nhân, bị rớt xuống
vực thẳm, không thể tự cứu nổi mình,
chứ đừng nói cứu người khác, vậy
cần phải có một người ở trên, ở ngoài
cứu vớt chúng ta, đó là Chúa Giêsu, Chúa cứu chúng ta
bằng cách chết thay cho chúng ta, nếu chúng ta tin nhận
như thế là chúng ta đã bắt đầu đi vào con
đường cứu độ của Chúa.
Như
vậy bài học Chúa Giêsu dạy đã quá rõ ràng, đó là
chúng ta phải tin vào Chúa thì mới được cứu
rỗi. Nói tới niềm tin chúng ta thấy sống trên
trần gian này bất cứ ai cũng có niềm tin, lòng tin
hay đức tin. Con người ta sống không thể nào
thiếu vắng điều này, chúng ta không tin điều
này thì tin điều khác, không tin người này thì tin
người khác, chúng ta tin nhau, cha mẹ tin con cái, con cái tin
cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, trường học,
trao đổi xã hội…đều lấy lòng tin làm căn
bản. Từ một em bé đến trường, em có tin
cô giáo dạy học được, em mới đi
học, cuộc sống chúng ta trao đổi hàng quà,
đồng tiền, công thợ…đều đặt vào
lòng tin tưởng nhau, nếu không tin tưởng nhau chúng
ta không thể nào gặp gỡ và nói chuyện với nhau
được. Nói khác đi, chúng ta có gần gũi nhau hay
không, thương yêu nhau hay không, điều đó cũng
tùy thuộc vào lòng tin, chính lòng tin tạo nên hy vọng, tình
yêu, một gia đình cùng một lòng tin “tát bể đông
cũng cạn”. Như vậy, tin là chuyện bình
thường trong cuộc sống, từ đó chúng ta
dễ hiểu lòng tin trong lãnh vực tôn giáo, đối
với chúng ta, đó là đức tin.
Cũng
thế và hơn thế, Thiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng
ta phải có một đức tin sắt son vào Ngài, có
bấy nhiêu thôi, nếu chúng ta không tin Ngài thì tin ai ? tin vào
mình chăng ? tin vào tài trí, hy vọng vào chính mình, vào
đời mình chăng ? Làm như vậy là gánh vàng đem
đổ sông Ngô, là xây nhà trên cát. Chúng ta tin Chúa, chắc
chắn rồi, chúng ta tin lời Chúa, cũng chắc
chắn rồi, nhưng trước hết và trên hết,
chúng ta phải tin Chúa thương yêu chúng ta. Chúng ta tin Chúa
là cha rất gần gũi con cái, đùm bọc, che chở,
quan phòng, rất toàn năng, đó là bấy nhiêu của lòng
tin. Từ lòng tin đó chúng ta bắt đầu yêu Chúa.
Chúng ta tin nên chúng ta yêu, hay yêu rồi tin cũng thế,
chỉ biết rằng lòng tin nâng đỡ tình yêu, và tình
yêu nâng đỡ lòng tin, có tin mới yêu, cũng như có
yêu mới tin.
Chúng ta
đang sống trong Mùa Chay, chúng ta đã đi
được một nửa đường của Mùa
Chay. Mùa Chay kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối, sửa
đổi đời sống. Chúng ta là những
người tội lỗi, chúng ta tin Chúa yêu chúng ta hơn
những người trần gian yêu chúng ta nhất, nên
chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta khi chúng ta xin
lỗi Ngài. Vậy để biểu lộ lòng chúng ta tin
yêu Chúa, chúng ta hãy ăn năn sám hối.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng,
OP
|