RẮn ĐỒng
Ga 3:14-21
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực,
OP
Con rắn
đã bò vào lịch sử nhân loại, để lại
những dấu vết không đẹp. Nhưng có một
con rắn tượng trưng cho uy quyền cứu
độ, chứ không đẩy xô con người
xuống hố diệt vong. Ðó là con rắn đồng trong
sa mạc. "Ông Môsê đã giương cao con rắn trong
sa mạc," (Ga 3:14) để "tất cả
những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó,
sẽ được sống" (Ds 21:9). Con rắn đã
mang một bộ mặt mới kể từ ngày Thiên Chúa
tìm cách cứu con người khỏi hố diệt vong.
TÌNH YÊU BA CHIỀU
Trên cây
thập giá, Ðức Giêsu đã thiết lập
được một tương quan ba chiều với
Chúa Cha, loài người và thụ tạo. Người
đã phải trả một giá rất đắt. Nếu
Thiên Chúa đã không thương yêu thế gian tột độ,
không bao giờ có cuộc hi sinh lớn lao đó. Ðức
Giêsu xứng đáng là một vị thẩm phán tối cao,
có quyền xét xử muôn dân. Nhưng Người đã không
đến với tư cách đó. "Quả vậy, Thiên
Chúa sai Con của Người đến thế gian, không
phải để lên án thế gian, nhưng là để
thế gian, nhờ Con của Người mà
được cứu độ" (Ga 3:17). Sự công
chính đã mang bộ mặt tình yêu. Chính vì tình yêu đó,
Ðức Giêsu đã phải hi sinh tới giọt máu cuối
cùng trên thập giá. Ðó là giá rất đắt. Con Thiên Chúa
đã phải trả cho chúng ta.
"Như
ông Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con
Người cũng sẽ phải được
giương cao như vậy, để ai tin vào
Người thì được sống muôn đời"
(Ga 3:15). Như vậy cuộc hi sinh lớn lao đó
nhằm lập tương quan thân ái với nhân loại và
vạch ra con đường đi tới hạnh phúc
vĩnh cửu. Con đường đó là tin vào tình yêu
Thiên Chúa nơi Con Người chịu treo trên thập giá. Ðó
là con đường thoát vòng tử thần, tới
nguồn sống thật. Chính Ðức Giêsu quả quyết
: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một, để ai tin vào Con của Người thì
khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời" (Ga 3:16).
Thập giá
đã trở thành trung tâm chương trình giải thoát
của Thiên Chúa (Faley 1994: 262). Ngước mắt nhìn lên
thập giá, chính là hướng về nguồn ơn
cứu độ. Bởi vì chính trên cây thập giá Ðức
Giêsu đã mạc khải tất cả sự thật
về bản tính mình. "Khi các ông giương Con
Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi
Hằng Hữu" (Ga 8:28). Ðức Giêsu chính là Ðức Chúa
và nguồn sống cho vạn vật và con người. Không
tin vào chân lý đó tức là tự lên án chính mình. "Quả
vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến
thế gian, không phải để lên án thế gian,
nhưng là để thế gian, nhờ Con của
Người, mà được cứu độ" (Ga
3:17). Chính cây thập giá sẽ phân nhân loại làm hai
hạng người tin và không tin. Thập giá không phải
là dấu chỉ của án phạt. Nhưng không tin cái
chết của Ðức Giêsu có sức mạnh cứu
độ mới dẫn tới hư vong. "Ðức Giêsu
là cơ hội chứ không phải là nguyên nhân" (Fahey
1994:263) của việc phán xét. Cây thập giá là một
biểu tượng cho mọi người thấy tình yêu
Thiên Chúa mãnh liệt tới mức nào.
Như
vậy cây thập giá đã chứng tỏ tình yêu riêng
của Ðức Giêsu (Ga 13:1) và cả tình yêu Thiên Chúa Cha
đối với nhân loại. Tình yêu là động lực
chi phối toàn bộ sứ mạng Ðức Giêsu
dưới thế. Tình yêu trở thành hồng ân vĩ
đại, vượt quá tầm hiểu biết.
Quả
thực, "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất
mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì
sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được
cùng sống với Ðức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em
được cứu độ" (Ep 2:4-5). Trong
nguồn ân sủng đó, chúng ta trở thành "con cái ánh
sáng" (Ep 5:8). Bởi vì chính Ðức Giêsu là "ánh sáng
đã đến thế gian" (Ga 3:19). Không phải ai
cũng đón nhận được hồng ân cao cả
đó. Thực tế, "người ta đã chuộng
bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều
xấu xa" (Ga 3:19). Chính việc làm đã tạo thành
một bản án đeo vào cổ họ. Số phận
thật tang thương ! Ðịnh mệnh thật khốc
liệt !
Nhưng trong
quá khứ, ngay lúc bi tuyệt vọng nhất, dân Chúa đã
thực hiện tất cả giấc mơ. Chỉ
một mình Thiên Chúa mới có thể tạo nổi lịch
sử ! Thực vậy, "để lời Ðức Chúa
phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia được hoàn toàn
ứng nghiệm, Ðức Chúa tác động trên tâm trí Kyrô,
vua Ba tư" (Sb 36:22), để vua "ra lệnh
phục hồi Giuđa, hồi hương dân cư và tái
thiết đền thờ" (Fahey 1994:261). Bởi đó
tin vào Thiên Chúa không bao giờ tuyệt vọng. Thiên Chúa luôn
có sẵn những giải pháp tốt đẹp nhất.
TRỜI BỪNG SÁNG
Thiên Chúa chính
là nguồn hi vọng cho những ai tin tưởng
tuyệt đối nơi Người. Nói khác, niềm tin
và hi vọng luôn đi song đôi. Tin là con đường
dẫn tới sự sống. Ðức Giêsu đã củng
cố tinh thần những ai run sợ trước
thần chết : "Ai tin vào Con của Người thì
khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời" (Ga 3:16). Ðức tin trở thành một
thành phần cần thiết của cuộc sống. Theo
Martin Luther, "đức tin là một thực tại
sống và bởi thế gồm những nhân đức
thương yêu và hi vọng, kinh nghiệm sống hiệp
nhất với Thiên Chúa, và khát vọng sống kết
hiệp với Chúa tới muôn đời" (Cook 1995:512). Chính
vì thế, không tin, cuộc sống trở thành trống
rỗng và vô vị.
Khi tin, con
người sẽ thấy mình vươn tới
đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa đã
giải thoát chúng ta không những khỏi ách nô lệ
tội lỗi, nhưng còn khiến chúng ta tự do yêu
thương nhau và bởi đó đem ánh sáng Thiên Chúa
chiếu soi trần gian (Disciples in Mission, Homily Guide, Lent Cycle
B 1999:19). Từ tình yêu tới tình yêu. Từ ánh sáng tới
ánh sáng. Sống trong tình yêu là đi trong ánh sáng. Ðức Giêsu
muốn chúng ta là "ánh sáng cho trần gian" (Mt 5:14). Nguồn
cung cấp ánh sáng chính là tình yêu, một tình yêu phải
được sự thật giải thoát. Ðó là lý do
tại sao Chúa nói "kẻ sống theo sự thật, thì
đến cùng ánh sáng" (Ga 3:21). Ði trong tăm tối
trần gian hay sống dựa trên sự lừa
đảo, gian dối, không thể tìm được
nguồn sống và nguồn sáng đích thực. Do đó
cuộc đời mãi mãi là nô lệ.
Muốn thoát
khỏi cảnh nô lệ lầm than đó, phải "tin
tưởng và xác tín rằng chỉ một mình Thiên Chúa
mới có thể cứu chúng ta. Tin là phó thác những
chương trình hiện tại và vận mệnh
đời đời nơi Ðức Kitô. Tin là vừa xác tín
lời Chúa có thể thực hiện và cậy dựa vào
quyền năng biến đổi của
Người" (Life Application Study Bible 1991:1878). Một khi
xác tín như thế, chúng ta sẽ thay đổi toàn
bộ, từ não trạng đến cái nhìn và nếp
sống. Từ nay không còn gì xảy ra ngoài chương trình
đầy tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ta sẽ
"bắt đầu lượng định tất
cả sự việc xảy ra theo nhãn quan vĩnh
cửu" (Life Application Study Bible 1991:1878).
Hơn
nữa, tin tưởng còn có nghĩa là "làm chứng cho
tình yêu Thiên Chúa toàn thắng trên quyền lực sự
dữ trong chúng ta và trên thế giới" (Disciples in
Mission, Homily Guide, Lent Cycle B 1999:19). Niềm tin không bao
giờ bất động hay tiêu cực, nhưng luôn thúc
đẩy con người đi tới tha nhân và hi sinh
bản thân để lôi kéo mọi người vào cuộc
sống hạnh phúc và đầy yêu thương của
Thiên Chúa. Không có niềm tin ấy, người ta chỉ tìm
cách hi sinh tha nhân cho những mục tiêu trần tục. Ðó
là điều những người vô thần đã làm.
Ðứng trước đài kỉ niệm Holocaust ở
Giêrusalem, tưởng nhớ hằng triệu nạn nhân vô
tội của chũ nghĩa Nazis, ÐGH Gioan Phaolô II nói :
"Chỉ có chủ thuyết không có Thiên Chúa (vô thần)
mới có thể tính kế và thực thi sự tiêu diệt
toàn bộ khối người như vậy"
(VietCatholic 23/3/2000). Những hành động cuồng
điên đó không những phát xuất từ niềm tin vô
thần, nhưng còn là kết quả của những
thất vọng lớn lao. Thất vọng đã xô
đẩy mọi người vào thất vọng.
Nhưng
"ngay trong những giờ tuyệt vọng, không phải
mọi ánh sáng đều đã tắt hết đâu"
(Gioan Phaolô II, VietCatholic 23/3/2000). Lý do vì ngay lúc khốn cùng và
nguy hiểm nhất, người tín hữu vẫn có
thể thưa với Chúa : "Con đây vẫn tin
tưởng nơi Ngài, lạy Chúa, con dám thưa rằng :
Ngài là Thượng Ðế của con." (Tv 30:15) Nói lên
được điều đó thật là can đảm. Ngày
nay vẫn còn rất nhiều tâm hồn can đảm
như thế nơi những Kitô hữu trên quê hương
Việt Nam.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP
|