Cha Joe Devlin: LINH MỤC CỦA THUYỀN NHÂN VIỆT NAM
Bài viết này đuợc giản lược, thêm vào các đề mục, và trích dẫn tựa trên bài viết “Joe Devlin: The Boat People’s Priest “ của giáo sư Larry Englemann (giảng dạy tại Đại học San Jose State University). Nội dung bài viết của giáo sư Englemann là những chứng từ được ghi lại từ nhiều cuộc viếng thăm cha Joe Devlin lúc sinh thời.
Nếu như người tị nạn Việt Nam từng trân trọng trước tấm gương rạng ngời của một Gildo Domini người Ý, đã dành gần như trọn cuộc đời linh mục để phục vụ cho người tị nạn Việt Nam; của một Pierre Ceyrac người Pháp, vị linh mục mẫn cảm luôn xúc động chẩy nước mắt ra khi nói đến thân phận đau thương của người tị nạn Việt Nam mà cha đã phục vụ vào những năm đầu thập niên 80 ở các trại đường bộ bên Thái Lan; thì trong bài này, chúng tôi đề cập đến linh mục Joe Devlin là một người Mỹ, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, cũng như đưa ra được một “lối nhìn nhân bản” về tất cả mọi hoạt động mà cha đã cống hiến cho thuyền nhân tị nạn Việt Nam. NĐK
JOE DEVLIN LÀ AI ?
Sau 5 năm thi hành sứ vụ tại vùng châu thổ sông Mê-kông, linh mục người Mỹ thuộc dòng Tên Joe Devlin đã trở thành một nhân vật gắn liền với thuyền nhân Việt Nam sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ vào ngày 30-4-1975. Linh mục Joe Devlin là một trong những người Mĩ sau cùng rời khỏi Nam Việt Nam. Và cùng năm ấy, cha trở thành vị linh mục quản nhiệm người tị nạn Việt Nam tại Camp Pendleton, bang California. Năm 1979 cha đến trại Song Khla là một trại tị nạn nằm dọc theo bờ biển miền Đông Thái Lan. Chính nơi đây, cha mau chóng trở thành “linh mục của thuyền nhân”, hướng dẫn và coi sóc các thuyền nhân là những người may mắn sống sót sau những chuyến hải trình vô cùng gian khổ từ Việt Nam sang Thái Lan. Năm 1990 cha Joe Devlin về hưu và sống ở thành phố Los Gatos, bang California. Khi các thuyền nhân cư ngụ trong vùng khám phá được cha Joe Devlin cư ngụ gần đó, họ đã tổ chức những buổi họp mặt dành cho cha với sự tham dự của hàng trăm người mà trước kia cha đã giúp đỡ họ.
Cha Joe Devlin đã từ trần vào ngày 23-2-1998 Thứ Tư Lễ Tro- lúc ấy cha đang phục vụ giáo dân gốc Á tại Our Lady of Peace Church thuộc thành phố Santa Clara, bang California.
MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Biến cố 30-4-1975 xảy đến giữa lúc cha Joe Devlin đang thi hành mục vụ tại một ngôi làng có hàng ngàn cư dân ở vùng Phan Thiết được 5 năm trời. Trước đó, cha là người theo dõi sát tình hình nên biết rõ những chuyển biến liên quan đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Vào đầu mùa Xuân năm 1975, khi những người lính Mỹ sau cùng rời khỏi Nam Việt Nam, thì nhiều người trong đó có cha Joe Devlin nghĩ rằng khi lực lượng Hoa Kỳ bỏ đi, tất nhiên sẽ kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, bởi lẽ mọi phương tiện yểm trợ chiến tranh như quân trang quân dụng, vũ khí đạn dược, máy bay và tàu chiến… phần lớn đều lệ thuộc vào lực lượng Hoa Kỳ.
Cha Joe Devlin cũng còn được chứng kiến tận mắt lực lượng Cộng Sản từ từ tiến công xuống miền Nam Việt Nam vào Tháng Ba và tháng Tư năm 1975. Vào lúc đó cha cứ tưởng miền Nam rồi ra sẽ được chia cắt bởi một hiệp định tương tự như hiệp định năm 1954 phân chia Bắc Nam. Cha đã hình dung lằn ranh chia cắt đó sẽ ở về phía Bắc của Sài Gòn, và như thế, mọi người vẫn còn có thể thành lập một lực lượng kháng chiến sau lằn ranh giới đó. Thế rồi cha suy luận chính phủ Hoa Kì sẽ có thể trở lại nhằm hỗ trợ kháng chiến Việt Nam. Nhưng… tất cả thuần chỉ là mơ tưởng!
Chính phủ miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ nhanh chóng và bất ngờ. Một viên chức tình báo CIA đến tận ngôi làng nơi cha Joe Devlin đang ở, ra lệnh cho cha phải rời bỏ nơi đó để về Sài Gòn. Về đến Sài Gòn, cha Joe Devlin vào ngay tòa đại sứ Hoa Kì, gặp ông George Jacobson để xin cho bằng được đi về lại ngôi làng để cứu đám dân ở vùng quê Phan Thiết. Cha được ông ta cho phép đi chuyến bay về Nha Trang và rồi họ bỏ cha xuống Phan Thiết. Cha trở về ngôi làng giữa tiếng hoan hô vang dậy của người dân khi họ nhìn thấy bóng cha trở lại với họ.
Cùng ngày hôm đó, một viên chức thuộc cơ quan viện trợ Hoa Kì USAID cho hay họ sẽ có 2 trực thăng đưa tất cả người Mĩ đi, nếu cha muốn, họ cũng đưa cha đi. Đến giờ trực thăng lên đường, cha Joe Devlin ẩn mình sau một thân cây. Không tìm được cha, trực thăng rời địa điểm ngay sau đó. Cha còn nhìn thấy trực thăng cất cánh. Vào lúc đó, cha nghĩ “cha cần phải ở lại với dân làng.”
Sau đó, cha Joe Devlin liên lạc được với viên tỉnh trưởng để xin ông ta bảo vệ đưa dân làng đi di tản. Viên tỉnh trưởng từ chối vì vào thời điểm ấy, quân đội được dùng vào mục tiêu chiến đấu chứ không phải bảo vệ dân làng. Ngày hôm sau, cha lấy $1500.00 từ quĩ Cơ quan Cứu trợ Công giáo (Catholic Relief Agencies), mua 3 chiếc tàu. Cha cùng với dân làng lên tàu, đi bọc quanh khu vực kẻ thù chiếm đóng để men theo đường biển về đến Vũng Tàu.
Cảm nhận chiến tranh sắp đến hồi kết thúc, cha về lại Sài- Gòn, đi vào toà đại sứ Hoa Kì để xin phương tiện đưa 250 dân làng đang chờ chực ở Vũng Tàu đi lánh nạn Cộng Sản. Tòa đại sứ không đáp ứng lời yêu cầu vì họ cho rằng dân làng không phài là những đối tượng đe dọa chính quyền Cộng Sản sau này, vả lại trước mắt, toà đại sứ còn phải lo di tản cho cả 200,000 người.
Sáng ngày 29 tháng Tư, đường Sài Gòn Vũng Tàu bị tắc nghẽn. Cha Joe ý thức rằng sự có mặt của một người ngoại quốc giữa đám dân làng ở vùng quê Phan Thiết, có thể sẽ gây thiệt hại cho họ khi Cộng Sản chiếm đóng. Chính vào lúc ấy, cha quyết định rời khỏi Việt Nam.
LINH MỤC CỦA THUYỀN NHÂN TỊ NẠN
Cha Joe Devlin được một người đưa đến Hotel dành cho các viên chức CIA ở. Cha được lính canh cho vào bên trong, rồi từ đó đi lên sân thượng chờ trực thăng đưa đi. Từ nơi đây, cha chứng kiến tận mắt cảnh tượng chiếc máy bay chuyên chở C-5A bốc cháy rồi đâm nhào xuống đất tạo thành đám khói dầy đặc và ngọn lửa bốc lên thật cao.
Kế đến, cha leo lên một chiếc trực thăng hướng đến phi trường Tân Sơn Nhứt, được vào ở tại Tổng Hành Dinh MACV tại sân quần vợt. Sau đó, một trực thăng lớn đưa 70 người trong số đó có cha, đi khỏi vào khoảng 6:30 chiều để bay ra chiến hạm USS Midway. Nơi đây, cha chứng kiến cảnh trực thăng chuyển vận người đến, rồi lại đưa người đi khỏi chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Từ chiến hạm USS Midway, cha cũng đã nhắn về người đang trách nhiệm ở Camp Pendleton là nơi đang chứa nhiều người tị nạn Việt Nam, để xin cho cha một việc làm giúp đỡ người tị nạn mà không cần phải trả lương.
Sau đó, cha về Los Angeles, rồi San Francisco và về Utah. Thế rồi, một cú điện thoại gọi đến cho hay chính phủ đang cần một phối trí viên làm việc cho người công giáo Việt Nam ở Camp Pendleton. Cha Joe Devlin đến nhận việc tại Camp Pendleton từ tháng Sáu năm 1975 cho đến khi trại này hoàn toàn đóng cửa cũng vào Giáng Sinh năm đó.
Rời Camp Pendleton, cha đến San Jose để giúp người tị nạn Việt Nam cho đến năm 1979. Công việc cha làm thời gian đó là: chăm sóc người nghèo khổ, tìm chỗ ở cho người tị nạn, mua thức ăn cho họ, dạy Anh ngữ cho người lớn và trẻ em. Ban tối thì cha đi đến tận nhà thăm viếng họ. Trước kia cha từng là một giáo chức nên cha muốn dạy học cho trẻ em. Cha mang sách học của chúng ra, cùng với chúng ôn lại những gì học trong lớp. Bắt đầu từ đứa lớn nhất, rồi đến đứa kế tiếp, rồi đến đứa bé nhất. Cứ như thế công việc này choán hết phần lớn thời giờ làm việc của cha.
Nhờ tiếp xúc và làm việc với dân chúng mỗi ngày như thế, cha Joe biết được nhu cầu họ cần, và cha cố gắng đáp ứng bằng cách đưa họ đi xin giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện bác ái khác nhau.
Làm việc giúp đỡ họ, nhìn thấy họ dần dần lớn lên và trưởng thành, đạt được nhiều thành quả , trở thành các công dân Hoa Kì gương mẫu góp phần xây dựng đất nước tự do này. Cha Joe chia sẻ: “Người Mỹ thật may mắn có người Việt Nam đến tị nạn. Tất cả những ai làm việc với người Việt Nam đều nhìn thấy được điều ấy.”
Thế rồi một biến cố xảy đến tạo một bước ngoặt cuộc đời: một người bạn báo tin cho cha Joe hay cha Bạch (?) là một linh mục quen với cha Joe Devlin từ Việt Nam, đã vượt biên đến được một trại tị nạn bên Thái Lan, và mong muốn cha Joe sang đó giúp người tị nạn. Cha Joe Devlin liền viết thư cho cơ quan quốc tế cứu trợ người tị nạn để xin đến giúp đỡ người Việt Nam tại Thái Lan.
MỤC VỤ TẠI TRẠI SONG KHLA THÁI LAN
Năm 1979, lần đầu tiên cha Joe Devlin đến Thái Lan mặc dù cha không chắc có được ở lại làm việc lâu dài hay không. Cha gia nhập Tổ chức Công giáo Thái giúp cho người tị nạn (COERR)
Cha Joe Devlin đến trại tị nạn Song Khla, nằm ở bờ biển phía Đông thuộc miền Nam Thái Lan thuộc Vịnh Xiêm La (Siam). Nơi đây cha giúp người tị nạn bằng cách nhận thư từ tiền bạc từ các thân nhân của họ chuyển đến, đổi ra tiền Thái, rồi mang vào trại tị nạn trao cho người nhận thư để họ tiêu dùng mua hàng tại ngôi chợ nhỏ nằm ngay bên trong trại tị nạn. Cha cũng dùng tiền có dư ra để giúp đỡ hàng ngàn nạn nhân khác, phần lớn là các cô gái còn rất trẻ, bị hải tặc hãm hiếp, cũng như để giúp đỡ các trẻ em mồ côi không còn cha mẹ, hay vượt biên một mình.
Khi cha Joe mới tới, trại chỉ có độ 7000 người, sau này con số tăng lên 8000 người, và số người được đi định cư ở nước thứ ba được chuyển đi từ từ. Ban đầu thì có tới 4, 5 cơ quan cứu trợ ở đó, chẳng hạn như Hội Y Sĩ Không Biên Giới chăm sóc sức khỏe, cơ quan Cứu trợ Công giáo chăm sóc về dụng cụ thuốc men. Nhưng sau đó chính quyền Thái siết chặt không nhận bất cứ cơ quan nào khác ngoại trừ tổ chức Cứu trợ Công giáo, và cấp giấy phép cho họ chỉ được ở lại thêm 3 năm. Người Thái muốn tống khứ dẹp hết các trại tị nạn. Họ không muốn người Việt Nam dùng Thái Lan như một bàn đạp để tái định cư ở một nước thứ ba. Chính quyền Thái muốn chấm dứt tình trạng này, nhưng họ không thể thực hiện được ý định này mãi cho đến khi hoàn toàn đóng cửa các trại tị nạn vào năm 1986.
Nhiều người không biết điều này là có một số rất đông thuyền nhân đã tử nạn ngoài biển khơi trên đường đi tìm tự do. Con số thống kê chính xác bao nhiêu thì không ai được rõ, nhưng theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, thì có khoảng 400,000 thuyền nhân, tức 25% đã bỏ mình trên tổng số những người tị nạn được đi định cư ở một nước thứ ba.
MỘT BẢN TƯỜNG TRÌNH ĐẦY MÁU VÀ NƯỚC MẮT CỦA CHA JOE DEVLIN VỀ THUYỀN NHÂN TỊ NẠN TẠI TRẠI SONG KHLA THÁI LAN
“Mỗi buổi sáng chúng tôi đi dọc theo bờ biển, và kìa là những xác người- đàn ông –phụ nữ và trẻ em- trôi dạt lên bờ suốt đêm qua. Đôi khi con số lên đến hàng trăm, trông tựa như những que củi. Một số người trong họ là các cô gái đã bị bọn hải tặc hãm hiếp rồi quăng xuống biển cho chết đuối. Thảm kịch này không bút mực nào tả cho xiết! Chúng tôi lôi xác họ lên bờ đem đi chôn với lời nguyện cầu cho hương hồn họ. Mỗi sáng mỗi thấy chuyện này xảy ra đến độ đôi lúc tôi chán ghét phải thức dậy vào ban sáng khi phải nhìn thấy những xác người luôn ở đó. Tôi tự hỏi liệu có ai nơi cảnh giới này có thấu chăng … hoặc để mắt đến. Đôi khi có người vẫn còn sống do một phép mầu nào đó. Họ nằm trên bãi cát, kiệt sức rồi bất tỉnh. Thân xác họ trôi dạt vào ban đêm, và rồi chúng tôi làm cho họ hồi sinh, đỡ lấy họ khi nhìn thấy họ. Họ tưởng chúng tôi là những thiên thần, nhưng chúng tôi chỉ là những nam nhân hay phụ nữ biết quan tâm đến họ”
“Lẽ dĩ nhiên thời tiết làm tăng thêm số tổn thất của thuyền nhân. Con thuyền thật tồi tàn. Đôi khi người tị nạn lại bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt lại, kéo con tàu ngược về Việt Nam rồi tống giam người vào tù. Tuy nhiên, hải tặc có lẽ là sát thủ tệ hại nhất. Hải tặc chận lại gần như mỗi một con tàu. Trước tiên chúng lục soát vàng bạc, thậm chí còn bắt mở miệng để nậy răng vàng. Kế đến là để mắt đến các cô gái trẻ. Bọn hải tặc cũng lo sợ bị bắt, nên cách tốt nhất để khỏi bị bắt là hủy bỏ tang chứng là con tàu và người đi trên đó, ngay cả việc ném các cô gái xuống biển khi cả bọn chán chê.”
“Đôi khi bọn chúng còn chuyền tay hãm hiếp nạn nhân cả hàng trăm lần từ tàu này chuyển sang sang tàu nọ cả 10 ngày trời. Rồi chúng dùng dây thừng cột nạn nhân thả xuống nước rồi kéo lôi nạn nhân theo sau con tàu cho đến khi nạn nhân chết đuối rồi chúng cắt giây. Có khi bọn chúng cắt cổ nạn nhân ném xuống biển, hoặc chỉ quăng thẩy họ xuống biển. Bọn người này thuần là những dân chài. Chúng cầm giữ cô gái trong suốt thời gian đánh cá cho đến một lúc chúng vất bỏ nạn nhân như vất rác. Chính vì thế mà có những xác người trôi dạt lên bờ hay biến mất giữa lòng biển cả.”
“ Chúng tôi thả những đóa hồng trên mặt nước rồi dâng thánh lễ cầu nguyện cho những người qua đời trên biển cả với nỗ lực tưởng niệm cùng vinh danh những con người bất hạnh. Khi chúng tôi được tin hải tặc giết tất cả mọi người đi trên một con tàu nào, chúng tôi đi ra bãi biển tưởng niệm họ vào ngày hôm đó. Chúng tôi thường làm như thế mỗi tuần một lần khi còn ở Thái Lan.”
“Tôi nhớ có lần một người đến nói với tôi thuyền nhân là những kẻ không nhà. Lúc ấy tôi đang trong tình trạng xuống tinh thần, và tôi đã nói:”Không, thuyền nhân có nhà đấy chứ. Nhà họ nằm nơi đáy biển.” Đó là nơi hàng vạn người trong họ kết thúc đời người. Đấy là một thảm kịch gần như vượt khỏi trí hiểu biết con ngườ.i”
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI SONG KHLA
Khi con số thuyền nhân trong trại được chuyển đi gần hết chỉ còn lại 37 người, thì một vấn đề nghiêm trọng khác rình chờ những người còn ở lại. Lúc còn đông người thì chính người tị nạn là một lực lượng ngăn chống bọn hải tặc đột nhập từ bên ngoài. Một khi bọn chúng biết được số người trong trại còn lại quá ít ỏi, chúng có thể đột nhập vào ban đêm để cưỡng bách các phụ nữ, đang khi chính quyền Thái lại không cho phép cha Joe được ở lại trong trại tị nạn vào ban đêm. Chính vì thế, cha Joe đã bí mật cùng với một nhân viên cứu trợ người Ấn, và một người Nhật, cỡi xe máy dầu lẻn vào trại. Cảnh sát Thái Lan không cho phép người bên ngoài ở lại trong trại vào ban đêm là vì họ nghĩ những người này có thể hãm hại các phụ nữ trong đó, đang lúc thực tình cha và 2 cộng sự viên đang cố gắng bảo vệ họ. Khi vừa đến gần trại, cha Joe cùng 2 người bạn tắt đèn xe đứng chờ tín hiệu từ trong trại. Nếu thấy tín hiệu từ người tị nạn bên trong cho biết không có cảnh sát Thái ở bên trong, thì 3 người vào trại và ngủ qua đêm để đề phòng bọn hải tặc tấn công. Cha làm như thế là vì nếu như bọn hải tặc đột nhập, nhìn thấy có người ngoại quốc ở đó, bọn chúng phải kiêng dè mà bỏ đi. Cha và 2 người bạn tiếp tục lẻn vào trại cả tháng trời như thế. Điều quan trọng đối với cha và 2 người bạn đi theo cha là các phụ nữ bên trong trại không còn bị khủng bố thêm một lần nữa.
Sau đó nhờ quan hệ tốt với cảnh sát, nhờ có viên cảnh sát trưởng biết điều cùng với đám nhân viên phần đông có tinh thần kỷ luật khá, cộng với việc cha Joe biếu xén ít tiền cùng ít phẩm vật, nên những người có liên hệ tới trại tị nạn đều vui vẻ và đối xử tử tế với nhau.
Cuối cùng thì chiếu khán nhập cảnh của cha Joe hết hạn vào năm 1986. Người Thái muốn đóng cửa trại tị nạn, và họ muốn cha rời khỏi nơi này. Vì thế cha Joe quay về lại Hoa Kỳ với hi vọng sẽ được cử đi hoạt động cho người tị nạn ở một nơi khác, nhưng điều ấy không thành. Coi như cha đã làm xong công việc. Họ nói cha đã già rồi, nhưng cha vẫn nghĩ cha chưa già.
MỘT LỐI NHÌN NHÂN BẢN
Dưới đây là nguyên văn lời chia sẻ của cha Joe Devlin rất đáng để những nhà truyền đạo phải quan tâm suy nghĩ: “Tôi không hề đặt những gì tôi đã thực hiện lồng vào văn mạch tôn giáo. Để diễn tả ý tưởng ấy thì có một thành ngữ nổi tiếng như sau: Primum est esse, quam esse tale, nghĩa là “có trở thành cái gì đi nữa thì trước hết bạn phải tồn tại”. Với người tị nạn thì tôi nghĩ điều quan trọng hơn đối với tôi ít là giữ cho họ được tồn tại, cho họ hiện hữu trước khi tôi nỗ lực khiến cho họ trở thành người công giáo, hay bất kì cái gì khác. Đối với tôi, người theo đạo Phật hay Công giáo, hay bất kì đạo nào khác, hoàn toàn không có gì khác biệt. Tôi đang nỗ lực giúp cho họ tồn tại. Vì như thành ngữ diễn tả, tiên vàn bạn cần phải giúp một người tồn tại trước khi bạn nỗ lực làm cho họ trở thành một cái gì khác. Một người nam hay một người nữ cần tự mình có thể sống trước đã, trước khi họ có thể trở thành bất kì cái gì khác.
Vì thế nỗ lực tôi đang thực hiện, tiên quyết không phải là một nỗ lực tôn giáo. Tôi không muốn làm thay đổi tôn giáo của bất kì ai. Tôi muốn người đó thực hiện theo suy nghĩ riêng của mình, và rồi làm theo điều anh ta nghĩ là chính đáng. Nhưng trước tiên cần đến một bước đi thật quan trọng trong đời họ, đó là làm cho người đó tồn tại, giữ cho họ đứng dậy, và là huynh đệ của họ. Tôn giáo không hẳn được hiểu theo nghĩa cố gắng thuyết phục ai trở thành một cái gì. Mà chỉ là cho phép người đó được tồn tại.
“Thân mẫu tôi là tấm gương về vấn đề này. Tôi luôn luôn thật sự quan tâm đến việc giữ cho một người được tồn tại, tôi quan tâm đến việc giúp cho họ sinh tồn hơn là làm cho họ hướng về nội tâm hay nỗ lực làm cho họ trở thành người công giáo. Tôi cảm thấy họ có lí do riêng để sống và có ý tưởng riêng về những gì họ muốn làm sau này. Đó là chuyện của họ. Thực sự không phải là chuyện của tôi, tôi luôn cảm thấy như thế. Thế nhưng suy nghĩ ấy không được rất nhiều người đồng thuận.”
“Tôi không cảm thấy được thánh linh hướng dẫn trong bất kì việc gì tôi làm. Thực vậy đó. Tôi không nhìn việc tôi làm cho người Việt Nam theo quan điểm tôn giáo. Tôi có cầu nguyện nhưng không nhiều lắm. Và lời tôi cầu nguyện không luôn luôn được đáp lại. Tôi không bao giờ mong đợi có sự can thiệp từ trời cao trong chiến tranh Việt Nam. Tôi chỉ cảm nhận rằng Thiên Chúa đứng dậy rồi nói: “Bạn ơi, bạn phải làm việc riêng của bạn. Vậy bắt tay vào việc đi.” Và vì thế tôi đã làm việc việc của tôi.”
“Bạn thấy nhìều nhà truyền giáo trên truyền hình luôn đứng dậy rồi nói, “ bạn cầu nguyện rồi Thiên Chúa ở cùng bạn” và tất cả những gì tương tự như thế. Tôi biết chắc chắn điều này là bạn phải làm công việc của bạn. Thiên Chúa không làm thay cho bạn. Ngài đang canh chừng.”
“Tôi cũng không nhìn những gì xảy ra theo ý nghĩa từ trong Thánh Kinh, cũng không theo ý nghĩa tiên tri, cảnh cáo hay gì gì khác. Tôi thật sự không phải là một người sùng đạo (I’m not a really truly strong religious person). Đó có thể là một điều nguy hiểm khi nói ra, vì thiên hạ dễ hiểu sai (that may be a dangerous thing to say, because people will take it wrong). Thật khó diễn tả điều ấy một cách chính xác. Thật khó giải thích. Tôi chỉ muốn thiên hạ sống chung với nhau, sống trong an bình và có phẩm giá. Đó là tất cả những gì tôi hằng mong muốn. Đó là tất cả cuộc đời tôi xoay quanh. Và tôi nghĩ đó là điều chúng ta nhắm đến- nỗ lực giúp đỡ con người.
“Nhiều người Việt Nam tìm thấy có sự tương đồng về kinh nghiệm của riêng họ với những thống khổ trong sách Gióp. Tôi biết có một trong những thiếu nữ còn trẻ đã bị hải tặc hãm hiếp, đánh đập rồi quăng xuống biển Nam Hải, đã tìm thấy niềm an ủi trong truyện ông Gióp. Cô nói với tôi, “Cha Joe, cha có nghĩ đời sống người Việt Nam tương tự như sách ông Gióp?” Tôi đã trả lời tôi cũng nghĩ như vậy.”
“Tôi nhận được gì từ việc tôi đã làm? Tôi có thể nói với bạn thực sự thì không có được nhiều bằng tưởng lệ. Tôi nhận được một mớ bảng khắc chữ từ người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, cùng một mớ những thứ khác. Dầu vậy, tôi chưa hề nhận được gì từ các tổ chức của người Hoa Kỳ. Nhưng không hề gì. Rốt cuộc thì những thứ ấy có gì tốt không? Bạn có ăn được đâu nào? Tôi liệu làm gì với những thứ ấy? Và có mối hiểm nguy trong việc nhận được các phần thưởng đó. Bạn dễ tin rằng đấy là phần thưởng cho những gì bạn làm, có đúng vậy không? Chẳng bao giờ nên nghĩ như thế. Không hề bao giờ có phần thưởng cho những gì làm đúng. Khi chuyện đó xảy ra thì chính bạn là người nhận được phần thưởng của bạn không đúng lúc.”
“Tôi nghĩ những người tôi đã từng giúp đỡ họ, đôi khi có nhớ đến tôi. Tôi nghĩ tôi sống nơi trái tim họ. Phải chăng thật là một điều dễ thương khi được sống trong trái tim con người? Tôi có thể nhớ gương mặt họ nhưng không nhớ tên. Tôi không thể ngay cả nói ngôn ngữ của họ, nhưng tôi biết chắc họ nhớ tôi, nhớ lòng tử tế, nhớ việc tôi làm, và tôi sống nơi trái tim họ. Nếu họ nhớ đến tôi, một ngày nào đó tạo cho họ được niềm hứng khởi để có thể họ cũng làm việc thiện. Nếu họ bắt tay làm việc thiện, thì vào lúc họ làm, đấy chính là lúc những gì tôi đã làm đáng làm đấy chứ. Ngay cả nếu như họ không làm việc thiện, nếu như họ quên tôi, thì những gì tôi làm vẫn đáng làm, phải vậy không các bạn?”
Nguyễn Đông-Khê
|