MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Giáo Dân Việt Nam Đặc Biệt Tôn Kính Đức Mẹ (1)
Chủ Nhật, Ngày 8 tháng 2-2009

Giáo dân Việt nam đặc biệt tôn kính Đức Mẹ

xuanha.net

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria,

Chắc anh chị em đã hơn một lần nghe thuật lại lời các nhà Truyền giáo Âu châu ca tụng giáo dân Việt Nam rằng:

"Giáo dân Việt Nam rất sùng kính Đức Mẹ".

Vậy điều khen lao ca tụng trên đây có đúng không?

Nếu đúng, thì tại lý do nào?

Giờ đây, tôi muốn cùng với anh chị em tìm hiểu sơ qua về hai đề tài đó bằng hai khía cạnh như sau:

1. Tình Mẫu tử nơi người Việt Nam

2. Những chứng minh hùng hồn về mối tình cao cả đó.

 1. TÌNH MẪU TỬ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Trước hết, tôi muốn đề cập đến:

A. Tình mẫu tử tự nhiên:

Anh chị em thân mến,

Xin anh chị em cho tôi biết: Có ai trong anh chị em đã ở dưới lỗ nẻ mà chui lên không nhỉ?

Chắc chắn là không có ai rồi. Vì như lời tục ngữ Việt Nam đã nói:

"Con người có mẹ có cha

 Chẳng ai lỗ nẻ để mà chui lên".

Như vậy, mọi người chúng ta đã biết rõ: Chúng ta đã được sinh ra bởi một người mẹ. Mà đã có mẹ, tức là có con. Đã có mẹ có con, tất nhiên phát sinh ra tình Mẫu tử, tức là tình mẹ thương con, tình con yêu mẹ. Tình mẫu tử đó, phát sinh ngay từ lúc bà mẹ thụ thai, dần dà mối tình thiên phú đó tăng triển theo thời gian và viên mãn khi một vế lìa đời.

Suốt chín tháng trời ròng rã, người con chỉ sống nhờ khí huyết và hơi thở của mẹ. Mẹ ăn uống con được hưởng; mẹ hô hấp con được nhờ.  Mẹ đau con khổ, mẹ vui vẻ con hân hoan.

Anh chị em có thấy không: từ khi đứa con lọt lòng mẹ cất tiếng khóc chào đời, cho đến khi biết đi, đứng, chạy nhảy, nô đùa, thì nhất cử, nhất động đều cậy nhờ bà mẹ. Mẹ cho ăn, cho bú, mẹ thay quần áo; mẹ tập cho biết bò, biết đứng, mẹ dắt tay để con chập chững bước đi.

Riêng đối với người Việt Nam chúng ta, mối tình Mẫu tử đó lại càng trở nên thắm thiết mặn nồng hơn nữa, vì bà mẹ luôn luôn ẵm bế con, nưng niu mơn trớn con trên cánh tay, nhất là nuôi con bằng sữa mẹ. Đứa con đã uống tình mẹ qua giòng sữa, qua ánh nhìn và vòng tay của hiền mẫu.

Không phải như các bà mẹ Âu Mỹ hay những nước văn minh vật chất, họ chỉ nuôi con bằng sữa bò hay sữa nhân tạo; sau khi sinh con ra, liền trao cho người vú, hay người ở chăm sóc nuôi dưỡng. Các bà mẹ Việt Nam đã thực hiện đúng câu tục ngữ Việt Nam:

"Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm". Và "Công mẹ nuôi con bằng trời bằng biển".

Theo các nhà tâm sinh lý: Nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa của mình, thì mối tình mẫu tử giữa mẹ và con sẽ trở nên đậm đà, thắm thiết và bền bỉ.

Các bà mẹ Âu Mỹ thường khuyên con cái khi đến tuổi thành niên, ra sống riêng để tự lập thân.

Nhưng các bà mẹ Việt Nam thì khác, chẳng những chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mà suốt đời vẫn muốn cho con cái sống chung với cha mẹ. Nếu vạn bất đắc dĩ con cái phải đi ở riêng, thì mối tình mẫu tử hằng theo sát con mọi nơi và mọi lúc.

Chắc anh chị em đã thấy rõ: Có bà mẹ Việt Nam nào già lão hay yếu bệnh mà muốn lìa xa con cái? Có bà nào muốn vào sống trong nhà dưỡng lão đâu? Họ chỉ thích sống bên con, bên cháu, để mẹ con, bà cháu tíu tít bên nhau suốt ngày.

Đến ngày tư ngày Tết, mẹ con, bà cháu quây quần bên nhau, tình mẫu tử lại càng đầm ấm nhộn nhịp hơn nữa.

Và lỡ ra Chúa gọi bà về, thì một bức màn tang vĩ đại phủ kín đại gia đình. Những vành khăn tang được khoác lên đầu con cháu, cả đến những đứa cháu mới bước đi lẫm chẫm cũng đã bị phủ đầu bằng một vành tang, là dấu hiệu, là bảo chứng mối tình mẫu tử.

Anh chị em không thể tìm thấy mối tình mẫu tử thắm nồng bộc lộ ra bên ngoài như thế tại các gia đình Âu Mỹ.

Đúng như câu ca dao Việt Nam:

"Công cha như núi ngất trời,

 Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông".

Núi non dù có cao ngất trời, người ta cũng đo lường được.

Trái lại, nước ngoài biển Đông, tức là biển Thái Bình, thì mênh mông, bao la, bát ngát, làm sao người ta có thể đo lường hoặc tính đếm cho được!

Chắc chắn đã có lần anh chị em nghe lời giới thiệu ngọt ngào, truyền cảm, đầy xúc động của ca sĩ Thanh Lan trong băng nhạc chủ đề Quê hương và Lòng Mẹ như sau:

"Mẹ là dòng suối ngọt ngào."

"Mẹ là bóng mát dịu dàng."

"Mẹ là nguồn thương yêu bất tận."

"May mắn thay là những người còn mẹ."

"Mất mát thay là những người thiếu mẹ."

"Mỗi người chúng ta hãy dành một Bông Hồng cài áo Mẹ."

"Tất cả chúng ta đều trở nên bé nhỏ dưới ánh mắt, trong vòng tay và trong tình thương yêu bao la như biển cả của mẹ."

"Mẹ đã che chở cho chúng ta trong những vinh nhục của cuộc sống, qua những sóng gió của cuộc đời."

Nhạc sĩ Y Vân, trong nhạc phẩm Lòng Mẹ, đã miêu tả tình mẹ bao la bát ngát như biển Thái Bình.  Ai nghe cũng mủi lòng rơi lệ.

"Lòng Mẹ" (Từ và Nhạc của Y Vân).

Ôi! bài ca thật cảm động. Nhưng như anh chị em đã biết, lời ca có hay, ý nhạc có xúc tích mấy chăng nữa, nếu đem so với sự thực, còn kém vô cùng. Chỉ có ai đã nếm hưởng mới thấu hiểu một phần nào mối tình mẫu tử bao la vĩ đại như trời biển đó mà thôi.     

Tích Chuyện 

Tôi xin kể cho anh chị em nghe một câu chuyện rất cảm động tôi đã được chứng kiến hồi còn là một Chủng sinh tại Việt Nam vào năm 1950.

Tôi có một ông Bác họ, tên là Ngữ. Gia đình Bác chỉ có hai người con, anh Hiếu 16 và chị Thảo 13 tuổi. Tuy gia đình nghèo túng, Chúa cho làm ăn đủ sống qua ngày, mặc dầu lam lũ, nhưng hai bác vẫn lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Bác gái thương yêu và cưng chiều chị Thảo lắm lắm. Bác vẫn khoe với bà con lối xóm rằng: Cô Thảo là công chúa và là cục cưng của bác. Nhìn vào hai người con, ai cũng tưởng rằng thuộc gia đình khá giả: Quần áo luôn mới mẻ, sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng. Nhưng, nếu nhìn vào cha mẹ, thì khác xa nhau lắm: bác trai và bác gái ăn mặc rất bình dị, đơn sơ, ăn uống thanh đạm. Tất cả sức lực đều dồn hết cho hai con cưng, chỉ mong sao cho con cái luôn được đầy đủ, sung sướng, học hành tấn tới, là hai bác thỏa mãn rồi.

Bỗng một hôm: "Họa vô đơn chí", sự khốn khó đã đến với gia đình hai bác. Chị Thảo bị cảm hàn nặng. Hai bác đã hết sức lo lắng chạy chữa, để con gái cưng của mình mau bình phục. Nhưng dù bác sĩ cao tay hay thuốc thang linh hiệu mấy, bệnh tình của chị Thảo chẳng những không thuyên giảm, mà mỗi ngày một tăng. Hai bác đã phải miễn cưỡng đưa con gái cưng đi nhà thương để chữa trị. Và bác gái, bỏ cả công việc làm ăn, ngày đêm túc trực bên con. Bác đã lấy tình Mẫu tử thắm nồng trùm phủ trên con gái cưng, với hy vọng con mình mau khỏi bệnh.  Nhưng: "Mưu sự tại nhân, mà thành sự tại Thiên". Thiên Chúa và Đức Mẹ đã vội ngắt Bông Huệ xinh đẹp trắng trong đó về Trời. Sau một tháng chữa trị, chị Thảo đã từ giã cõi đời trong vòng tay ấm áp và dưới cặp mắt sưng u đẫm lệ của người mẹ hiền đã mất ăn mất ngủ vì con.

Hôm lễ an táng chị Thảo, dân làng đã đi rất đông. Bác gái Ngữ, mặc dầu thân mình đã kiệt quệ vì thiếu ngủ thiếu ăn, lại vì buồn bã mất con, bác đã nhờ hai đàn ông khoẻ mạnh nâng đỡ hai bên, giúp bác đi lễ an táng.

Từ nhà bác tới nhà thờ, và từ nhà thờ tới nghĩa trang chỉ xa bằng nửa cây số, thế mà, mặc dầu đã có hai người khoẻ mạnh đỡ hai bên, bác gái đã ngất xỉu và ngã quỵ đến 4 lần!

Nhưng, khi vừa tới nghĩa trang, thì một sức mạnh phi thường đã giúp bác gái hành động như một lực sĩ:

Vừa khi quan tài đặt xuống đáy huyệt, chưa kịp kéo dây lên, bác gái Ngữ đã vuột khỏi tay hai người canh giữ, hùng hổ lao mình xuống huyệt sâu, nằm úp mặt trên quan tài, gào thét tên con, bắt con phải sống lại, làm cho không biết bao nhiêu cặp mắt rơi lệ!

Phần tôi, cũng không cầm nổi giọt lệ, đã để nó tự do tuôn trào, lòng đầy xúc động.

Ôi! tình mẹ yêu con mạnh mẽ và trào tràn biết chừng nào! Hôm nay kể lại chuyện có thật này, lòng tôi lại bồi hồi xúc động.

B. Tình Mẫu tử siêu nhiên

Kính thưa toàn thể anh chị em!

Như anh chị em đã biết, trái tim của người mẹ, bất cứ một người mẹ trần gian nào, đều là vực thẳm của tình yêu và lòng tốt lành nhân ái.

Còn về trái tim của Đức Maria thì phải nói sao đây?

Thánh Gioan Vianney, cha sở xứ Ars đã quả quyết với chúng ta rằng: "Trái Tim Mẹ Maria đầy tình thương xót, âu yếm chúng ta đến nỗi nếu đem tất cả tình yêu của các bà mẹ hợp lại mà so sánh thì cũng ví như một tảng nước đá đặt bên cạnh Trái Tim thực sự của Đức Mẹ vậy".

Phong tục và tập quán người Việt Nam đã tạo cho người Việt Nam lòng hiếu thảo đối với các bà mẹ, để đền đáp lại mối tình mẫu tử nồng thắm của người mẹ trào tràn trên con cái Việt Nam.

Về phương diện siêu nhiên cũng thế, giáo dân Việt Nam đã học biết tình hiếu thảo phải có đối với Người Mẹ trên trời, là Đức Maria, ngay khi người tân tòng mới gia nhập đạo Công Giáo. Và mối tình cao cả đó, đã tăng triển theo thời gian.

Anh chị em có tin không: Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng: Không một người Công Giáo Việt Nam nào mà không biết, không nhận và không mến yêu Đức Mẹ.

Chúng ta cũng có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng: Lòng sùng kính Đức Mẹ một cách chân thành và thắm thiết đó đã thấm nhập vào tâm khảm giáo dân Việt Nam ngay từ thời các nhà Truyền Giáo Âu châu bắt đầu gieo rắc hạt giống Phúc âm trên đất Việt Nam. Lòng sùng kính đầy hiếu thảo và đầy tình mẫu tử đó dần dà đã ăn sâu vào tim óc, vào huyết mạch, vào cốt tủy giáo dân Việt Nam.

Nhờ sẵn có lòng hiếu thảo đối với người mẹ trần gian, lòng hiếu thảo đối với Người Mẹ trên trời đã lớn dần và tăng triển rất mạnh mẽ và bền lâu.

Trước tiên, giáo dân Việt Nam được hấp thụ lòng yêu mến sùng kính Đức Mẹ bằng lần hạt Mân Côi do các cha Dòng Đaminh truyền bá. Và từ đó, mọi giáo dân say sưa lần hạt. Nhiều người nhà quê bình dân không có đồng hồ, kém học thức, chỉ biết tính quãng đường dài bằng mấy tràng hạt họ đọc dọc đường.

Tiếp đến, các nhà Truyền Giáo thuộc Hội Thừa Sai Paris Pháp đã giúp giáo dân tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm bằng những hang đá Lộ Đức với tượng Đức Mẹ chấp tay xưng mình: "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".

Về sau, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã dẫn dắt giáo dân Việt Nam đến quây quần khấn xin với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Từ năm 1942, Phong trào FATIMA được phổ biến khắp thế giới, giáo dân Việt Nam lại đua nhau lắng nghe và thi hành mệnh lệnh của Mẹ bằng việc tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ. Nhất là từ ngày Dòng Đức Mẹ Đồng Công được thành lập, thì phong trào tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ lại được phát triển khắp nơi một cách mạnh mẽ.

Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng: Suốt ngày đêm, từ Bắc chí Nam, từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mâu, nơi nào có giáo dân Việt Nam, thì nơi đó văng vẳng lời kinh cầu xin với Đức Mẹ, hoặc tiếng hát tung hô thánh danh và nhân đức Đức Mẹ.

Đáp lại, tình Mẫu Tử nồng thắm của Mẹ Maria đã trào tràn chan hòa trên đoàn con cái Việt Nam, chẳng những người Công Giáo, mà cả lương dân, hoặc anh chị em thuộc các tôn giáo bạn cũng được hưởng tràn trề tình yêu thương săn sóc của Đức Mẹ.

Giờ đây, chúng ta hãy trưng dẫn những minh chứng hùng hồn.

2. NHỮNG CHỨNG TÍCH HÙNG HỒN

Tục ngữ Việt Nam có câu:

"Nói có sách, mách có chứng".

Giờ đây, tôi cũng muốn chứng minh với anh chị em lời các Nhà Truyền Giáo Việt Nam đã ca tụng giáo dân Việt Nam có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt.

* Riêng cá nhân:

- Không một người Công Giáo nào mà không thuộc Kinh Kính Mừng và cách thức lần hạt.

- Đa số giáo dân Việt Nam, nhất là nữ giới và thiếu nhi, mỗi người đều có một Tràng Chuỗi để lần hạt, hoặc bỏ trong túi áo, trong ví, hay là đeo ở cổ.

- Nhiều giáo dân Việt Nam đeo ảnh vảy Đức Mẹ hay làm phép lạ, hoặc ảnh thay áo Đức Bà.

- Nhiều phụ nữ Việt Nam còn đeo áo Đức Bà. Ở miền Trung, áo Đức Bà được thêu bằng chỉ ngũ sắc chung quanh ảnh Đức Mẹ, và các thiếu nữ, cũng như các bà già, thích đeo vào cổ ngoài áo dài.

- Nhiều bà có tuổi, ở nhà rảnh rỗi coi nhà, hoặc giữ cháu cho con cái đi làm, các bà thường lần hạt nhiều giờ để kính Đức Mẹ.

Có thể nói được rằng Kinh Mân Côi đã nẩy mầm và phát triển theo tuổi đời của giáo dân Việt Nam.

* Các gia đình:

Xin kính mời anh chị em đi theo tôi vào thăm các gia đình Công Giáo Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này: Không một gia đình Công Giáo nào mà không có tòa Mẹ, bàn thờ Đức Mẹ, hoặc ảnh tượng Mẹ. Chẳng những một tượng, một ảnh Mẹ, mà nhiều nhà còn trưng bày rất nhiều ảnh Mẹ đủ mọi tước hiệu nữa.

Tòa Mẹ tại tư gia thì trang hoàng đèn, nến, hoa, cảnh rất lộng lẫy trang nghiêm và đẹp mắt.

Có nhiều gia đình không những có một bàn thờ, một tòa Mẹ chính ở nhà khách, mà còn có tòa phụ ở phòng ngủ hoặc nhà cơm nữa.

Có nhiều gia đình đã tôn vương Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ.

Ảnh tượng về Mẹ giáo dân Việt Nam ưa trưng bày nhất là ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tượng Đức Mẹ Lộ Đức và ảnh, tượng Trái Tim Mẹ.

Anh chị em có biết không: nhiều gia đình Công Giáo Việt Nam còn có thói quen rất tốt lành là mỗi tối quây quần trước tòa Mẹ, đọc một ít kinh cần rồi lần hạt chung với nhau. Sau đó, một bài hát về Mẹ được đồng ca, mặc dầu gồm nhiều bè dị giọng, nhưng cùng chung một tình yêu mến Mẹ thắm thiết và chân thành.

Có một số gia đình khác, nếu không phải đi làm sớm, họ cũng đã tụ họp lại trước tòa Mẹ sau khi thức dậy ban sáng, để dâng mình và gia đình cho Mẹ, rồi đọc kinh lần chuỗi chung với nhau.

Không những chỉ có người lớn như ông bà cha mẹ đọc kinh chung, mà đại đa số gia đình, đã đọc kinh chung tập thể: già, trẻ, lớn, bé. Gia đình Công Giáo Việt Nam quả thật là gia đình riêng của Đức Mẹ.

Giờ đây, tôi muốn đề cập đến

* Các Trung Tâm Thánh Mẫu:

Mặc dầu Đức Mẹ chưa lần nào hiện ra công khai và trang trọng với con dân Việt Nam, nhưng các Đền Thờ, các Trung Tâm, nơi hành hương kính Đức Mẹ trên toàn quốc Việt Nam thì đầy dẫy khắp ba miền.

Tại miền Bắc: Chúng ta thấy có Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Thái Hà ấp, Hà Nội, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

Ở Bùi Chu, có Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Nhai.

Tại miền Trung: Một Đền Thờ vĩ đại và tân trang đã được xây cất tại Bảo Nham thuộc tỉnh Nghệ An, để ghi nhớ ơn Mẹ đã cứu giáo dân thoát cơn bách hại của Văn Thân.

Rồi đến Đền Đức Mẹ Trà Kiệu tại quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Đền Thánh La Vang, Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc, tại Quảng Trị, nơi mà tương truyền rằng Đức Mẹ đã thân hiện với một nhóm nhỏ giáo dân thời bách hại đạo, để an ủi và nâng đỡ họ và ban cho họ rất nhiều ơn.

Tại miền Nam: Chúng ta có Đền Đức Mẹ La Mã, Bến Tre, nơi có ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hay ban ơn lành.

Tiếp đến Trung Tâm Đức Mẹ Fatima tại Bình Triệu, tỉnh Gia Định, nơi đã thu hút khá đông giáo dân cũng như lương dân tìm về để cầu xin, khấn hứa. Nơi Mẹ đã ban rất nhiều ơn lành cho kẻ kêu xin.

Chúng ta còn phải kể Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Sàigòn, nơi có trụ sở Dòng Chúa Cứu Thế, cũng là nơi thu hút khá đông giáo dân Việt Nam tìm về để khấn xin.

Anh chị em nên nhớ kỹ điều này.

Mặc dầu tại các Trung Tâm Thánh Mẫu vừa kể trên không được diễm phúc Đức Mẹ thân hiện để ban truyền sứ điệp mới như ở Lộ Đức, Fatima hay La Salette. Thế mà, giáo dân Việt Nam, một giáo dân biệt tôn Đức Mẹ, đã không quản ngại đường xa trắc trở, cũng không ngán lệnh cấm cản của bạo quyền vua chúa vô đạo, ghét đạo, hay bọn Cộng sản vô thần, họ nhất quyết và hăng hái tìm về Đất Mẹ, để thỏ thẻ nỗi lòng, nài xin Mẹ ban ơn cứu giúp.

Bây giờ chúng ta hãy hướng về

* Giáo dân Việt Nam tại hải ngoại:

Như chúng ta đã thấy rõ: Vì Cộng sản vô thần chống và đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo, cho nên giáo dân Việt Nam mới đành lòng rời bỏ quê hương, tạm sống ở quê người đất khách, nhưng họ nhất quyết không lìa xa, không rời bỏ lòng mến yêu tôn sùng Đức Mẹ.

Tạm cư nơi nào có Đền Thờ hoặc Trung Tâm Đức Mẹ, thì giáo dân Việt Nam, không ai bảo ai, đua nhau đến kính viếng, tạ ơn và khấn xin. Không mùa hè nào mà không có một vài phái đoàn Việt Nam, hoặc đi chung hay đi riêng, đến Trung Tâm Lộ Đức, Fatima để khấn xin cùng Mẹ.

Tại Trung Tâm Đức Mẹ Sầu Bi ở Portland thuộc tiểu bang Oregon, năm nào cũng tổ chức cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ, đã qui tụ hàng ngàn người Việt Nam khắp nơi tìm về.

Tại Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ ở Carthage, thuộc tiểu bang Missouri, một thành phố trầm lặng, số dân chỉ gần 12 ngàn người, đa số là những người hưu trí, thế mà hằng năm đã có từ ba ngàn lúc ban đầu, đã nhảy vọt lên tới ba chục ngàn người Việt Nam tìm về quây quần trên đất Mẹ, một mảnh đất chật hẹp, khô chồi, đá ngầm nhiều hơn là đất, nhưng đã thấm nhuần tình Mẫu Tử giữa Đức Mẹ Maria, Mẹ Hiền Chí Ái và đoàn con di tản Việt Nam từ bốn phương trời, kể cả Âu châu, Úc châu và Mỹ châu.

Giờ đây tôi xin hỏi anh chị em:

Cái gì đã lôi cuốn giáo dân Việt Nam, sức mạnh nào đã thúc bách họ bỏ công ăn việc làm ùn ùn kéo nhau về vùng đất khỉ ho cò gáy đó, để rồi phải chịu thiếu ăn, mất ngủ, thiếu thốn mọi tiện nghi vật chất? Các nơi đó, cũng chẳng thấy ông cha, thầy dòng hay bà sơ nào làm phép lạ như những vị Thánh sống cả?

Câu trả lời rất đúng:

Đó là mãnh lực của Tình Mẫu Tử, một tình yêu thắm thiết, đậm đà và nồng cháy giữa Mẹ và con, giữa đoàn con dân Việt Nam đang đau khổ quằn quại tại quê nhà, hay đang phiêu bạt khắp bốn phương trời, với Bà Mẹ Hiền yêu quí nhất, là Đức Trinh Nữ Maria.

Như thế, chúng ta có thể hợp lời cùng các nhà Truyền Giáo Âu châu mà kết luận một cách minh nhiên rằng:

Giáo dân Việt Nam biệt tôn, tức là sùng kính Đức Mẹ Maria một cách đặc biệt.

MỘT LINH MỤC VIỆT NAM VỠ SỌ

Tôi xin kể cho anh chị em nghe một câu chuyện có thật sau đây:

Ngày 22 tháng 5 năm 1932, có hai linh mục tại Bắc Việt Nam vào dự tuần tĩnh tâm đặc biệt tại Trụ sở Dòng Xitô Phước Sơn, thuộc tỉnh Quảng Trị. Đó là cha Phương và cha Mục.

Ngày bế mạc, hai cha đã rủ nhau về Đền Thánh Đức Mẹ La Vang tại Quảng Trị, Trung Việt Nam, để tạ ơn Đức Mẹ.

Sau khi cầu khấn tạ ơn Mẹ trước bàn thờ chính, hai cha đi xem quang cảnh Đền Thánh. Để quan sát rõ hơn và bao quát toàn vùng, cha Phương đã lên tháp Đền Thánh.  Khi leo lên tầng tháp trên hết cao 6 thước, cha Phương bị trượt chân té ngửa xuống nền Đền Thờ, cha bị vỡ sọ, một vài mảnh sọ văng ra, một đầu gối bị dập, ống chân bị gẫy quặp lại, máu me chảy lai láng, nạn nhân nằm bất tỉnh trên nền nhà thờ.

Cha Quản Nhiệm Đền Thánh La Vang lúc đó là cha Trung, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, Pháp, đã cấp tốc cho người lên nhà thương thị xã Quảng Trị để mời bác sĩ Phạm Văn Huy tới. Nhưng thật là xui xẻo, bác sĩ Huy đi vắng. Nỗi lo lắng bao trùm Đền Thánh của Mẹ! Nhưng cha Quản Nhiệm không thất vọng, đã đặt hết niềm tin tưởng vào Mẹ La Vang, một người Mẹ đầy tình thương.

Đến 8 giờ tối, bỗng có tiếng kèn xe vang lên từ xa vọng lại Đền Thánh, cha Quản Nhiệm liền sai người ra đường đón xe, thì ra, đó là xe của bác sĩ Hasle người Pháp, quản đốc nhà thương thị xã Huế, đi săn thú đang về qua Đền Thánh.

Bác sĩ Hasle vào tận nơi quan sát, rồi vội vã chở nạn nhân tới nhà thương Quảng Trị, đồng thời đánh điện tín, mời bác sĩ Huy về ngay.

Thế rồi, cả hai bác sĩ Pháp - Việt đã tận tụy chữa trị cho cha Phương. Nhưng cả hai ông đều nhận xét rằng: "Nếu cha Phương qua khỏi được chỉ còn nhờ phép lạ mà thôi".

Quả thực, phép lạ đã xảy ra trước sự ngạc nhiên của hai bác sĩ và của mọi người. Chỉ sau 10 ngày chữa trị, cha Phương đã bình phục, đi lại như thường.

Cả hai bác sĩ Việt - Pháp đều đồng thanh tuyên bố:

"Đây là ơn thiêng trên trời, là phép lạ Trời ban qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, chứ chẳng bác sĩ nào có tài chữa trị khỏi cách lạ lùng như vậy".

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương nước Việt Nam, xin Mẹ cầu bầu cho đồng bào Việt Nam chúng con luôn luôn sống hiếu thảo và ngoan hiền với Mẹ mãi mãi.

Chân thành cám ơn toàn thể anh chị em.

Lm. An Bình, CMC

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Father Jose: Life After Death Experience. (2/10/2009)
Đức Mẹ Hiện Ra Tại Lourde (lộ Đức), Nước Pháp (2/10/2009)
Hành Hương Đến Đền “lộ Đức Phương Đông” Để Cầu Nguyện Cho Sự Sống Và Chống Lại Vấn Nạn An Tử (2/10/2009)
Phép Lạ Lộ Đức Và Bác Sĩ Alexis Carrel (2/10/2009)
Lòng Từ Mẫu Bao La Của Đức Mẹ Lộ Đức (2/10/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ # 37 (chương 331-336) (2/8/2009)
Tin/Bài khác
Người Mẹ Kiện Bác Sĩ Vì Họ Vứt Thai Nhi Còn Sống Vào Thùng Rác. (2/6/2009)
Đức Mẹ Ở Giáo Xứ Bến Đá, Vũng Tàu, Việt Nam Chảy Nước Mắt Máu Ngày 24/1/2009 (2/6/2009)
Mẹ Tất Cả Mọi Người (2/5/2009)
Ngày Quốc Tế Dành Cho Các Bệnh Nhân: Giới Thiệu Đền Thánh Đức Mẹ Bullsbrook (2/5/2009)
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, # 36 (chương 327-330) (2/5/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768