MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả nguyễn duy an và phạm tín an ninh
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
NDA # 13: Đi Cưa
Thứ Năm, Ngày 5 tháng 2-2009

Đi Cưa


Vừa đi lễ Chúa Nhật về, cha tôi đã kêu đi theo sang nhà bác Khang để bàn chuyện cưa cây, xẻ ván làm lại căn nhà “hương hỏa”. Bác tôi mới dọn về Bình Giả được 2 năm nay, đang ở tạm trong căn nhà nhỏ và cũ kỹ của ông bà nội để lại. Cha mẹ tôi kính trọng bác lắm, vì “quyền huynh thế phụ”, nhưng tôi thì sợ bác nhiều hơn là kính trọng.

- Mự mô rồi, răng không sang ăn cơm luôn? Thanh chạy đi mời mự sang ăn cơm.

- Để con đi cho.

Tôi nhỏ nhẹ lên tiếng rồi quay trở về. Tôi chỉ muốn kiếm cớ để khỏi phải ngồi nói chuyện với bác trong lúc chờ đợi. Khi hai mẹ con tôi sang nhà bác, chị Thanh và bác gái đang sắp cơm , còn cha tôi và bác trai đang châu đầu vào một tờ giấy vẽ hình căn nhà mới. Kể cũng lạ, bác tôi không giống những người khác trong làng! Ở đây, người ta chỉ bàn nhau sơ sơ rồi kiếm cây làm nhà chớ có ai vẽ vạch chi mô. Bác tôi, ngược lại, đã vẽ sẵn hình căn nhà cả trong lẫn ngoài, rồi tính trước coi hết bao nhiêu cột, bao nhiêu kèo...

Mẹ tôi bước đến giúp bác gái và chị Thanh, tôi cứ đứng lớ ngớ không biết phải làm gì lúc này. May quá, bác Khang kéo cha tôi đứng lên:

- Ăn đã rồi ta lại bàn tiếp... Khương vô đây ngồi cháu.

- Dạ.

- Thằng Bình mô rồi Thanh?

- Chắc anh nớ còn cà phê, cà pháo với mấy đứa ca đoàn. Chúa Nhật mô cũng rứa mà cha.

- Ừ. Cái thằng ni ăn rồi chỉ đi rông. Mai mốt Khương giúp bác dạy cho hắn làm ăn với nha. Ăn rồi cứ đàn địch suốt ngày thôi.

- Thì hắn cũng như ông khi tê rứa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” chơ lậy.

- Bà ni thật. Thôi, ta đọc kinh rồi ăn, không cần chờ hắn.

Tôi nghe mấy câu nói qua, nói lại của hai bác thấy cũng hay hay. Tôi cứ tưởng nhà bác lúc nào cũng đạo mạo nghiêm trang, chớ đâu biết “họ” vui vẻ như ri mô. Hơn nữa, ở nhà thì cha mẹ nói tôi phải “noi gương anh Bình”, sang đây thì bác lại bảo tôi chỉ vẽ cho anh Bình làm ăn. Mâu thuẫn quá!

Cả nhà mới cầm đũa thì anh Bình vác cây đàn guitar về:

- Chào chú thím ạ. Ồ, cả Khương nữa. Nhà mình vui quá. May mà con về kịp, nếu không thì lỡ một dịp “đoàn tụ gia đình”.

- Cái thằng! Cất đàn đi rồi ăn cơm. Tau nói bao nhiêu lần rồi, mi cứ học ở mô cái kiểu nói lai căng rứa? Mự thì kêu là mự chớ thím với thiếc chi rứa?

- Cha nói vậy chớ nhiều o mê cái giọng “lai lai” của con lắm đó.

- Ngồi ăn đi, chỉ giẻo mồm thôi! Tuần tới bắt đầu đi theo Khương tập cưa cây, xẻ ván chuẩn bị làm nhà.

- Dạ được. Chi chớ cưa thì con mần mau lắm.

- Anh chỉ có cua là giỏi chớ cưa thì được mấy hơi.

Chị Thanh “kê” anh Bình một câu, tôi thấy vui vui...

- Mi đừng có lộn xộn nha. Tau kể lại với thằng Kính, nói hấn hồi lễ hỏi lại thì có mà nằm khóc cả năm, rồi phải vô ca đoàn hát “Kinh Thương Xót”.

- Cái quân ni lạ thật. Anh em với nhau mà cứ như chó với mèo thôi. Mà cái thằng Bình ni răng cứ bắt em mi vô ca đoàn mãi rứa? Nó không thích thì thôi, với lại mấy tháng nữa lấy chồng rồi còn hát hò chi nữa.

- Cha không biết chớ anh Bình ngạo con đó. “Kinh Thương Xót” là tiếng lóng của mấy anh nớ đó. Làm như ta đây giỏi tiếng La-Tinh! Biết có một chữ “kyrie” rồi bớt xén để chê mấy người không ai lấy đó cha nạ.

- Mi càng ngày càng ba trợn ra Bình nạ. Coi thằng Khương mà học theo. Cứ học ba cái thứ lăng nhăng ở mô về rồi mẹ mi lại nói là tại tau. Đúng là “con hư tại mẹ!” Khi mô cũng binh con chằm chặp, chỉ có cha hắn là xấu thôi.

Bây giờ tôi mới khám phá ra nhà bác tôi vui thật chớ không như tôi tưởng, và tôi cũng không còn sợ bác như trước nữa. Tôi cũng bắt đầu nghĩ khác về anh Bình vì tôi chưa bao giờ nói chuyện riêng hoặc tâm sự gì với anh ấy, mặc dầu hai gia đình chỉ ở cách nhau một con đường đất rộng chừng 5 mét bề ngang. Tôi phải nói thật lòng mình là tôi không ưa anh nứ, nếu không muốn nói là ghét... cho đến bữa ni. Từ ngày gia đình bác tôi dọn về Bình Giả, mẹ tôi cứ lấy anh ấy làm gương bắt tôi phải noi theo. Hễ tôi làm gì trái ý, câu nói đầu môi của mẹ là “mi chỉ có ăn hại thôi, nỏ bằng một góc anh Bình!”

Tôi khó chịu lắm, nhưng vì sợ “cá không ăn muối cá ươn” nên chỉ biết cúi đầu nhận lỗi, không dám nói lại nửa câu vì “con cãi cha mẹ trăm đường con hư!” Tôi cũng không biết phải làm sao cho vừa lòng cha mẹ. Ruộng vườn, nương rẫy cũng một tay tôi cày cấy, vun trồng và gặt hái mang về. Gia đình tôi cũng có của ăn của để chớ đâu đến nỗi nào. Hết mùa mưa, tôi theo bạn bè kiếm cây, xẻ gỗ bán kiếm thêm tiền cho mẹ, nhưng bà vẫn phân bì, vì “coi anh Bình mi tề, vừa thong dong thoải mái, lại vừa tiền bạc rủng rỉnh, rồi muốn cưới o mô cũng được. Cứ như mi thì khi mô choa mới có cháu nội mà bồng!”

À, thì ra rứa! Mẹ tôi khó chịu vì thấy tôi không bồ được o mô cả, còn anh Bình thì nghe đồn “làng Một vài o, làng Hai cũng có, còn trong họ thì ai có con gái cũng chỉ mong anh ấy đến chơi”. Nếu tính theo ngày sinh tháng đẻ thì tôi còn lớn hơn anh ấy một tuổi, và cả hai đều học cùng lớp, rồi thi rớt Đại Học cùng một năm, nhưng vì vai vế họ hàng nên tôi phải gọi “hấn” bằng anh! Trước khi dọn về Bình Giả, không biết anh nứ học được ở mô cái nghề châm cứu và kiếm thuốc nam bậy bạ, vừa nhàn vừa có điều kiện gặp gỡ, quen biết nhiều người, đương nhiên trong số đó có nhiều o đẹp. Đôi khi tôi cũng nghi “hấn” lợi dụng nghề nghiệp để nắm tay, nắm chân mấy o, nhưng không có gì làm bằng chứng, chỉ tức thầm trong bụng vì mình không được tốt số như “hấn” mà thôi...

Hôm sau, tôi rủ thêm ba đứa bạn khá thân cùng vác cưa vô rừng cắt cây chuẩn bị làm nhà cho bác. Vừa ra khỏi nhà, thằng Khoa đã lên tiếng tiếng trước, vì hắn vẫn được tiếng là “mau mồm mau miệng” nhất trong bọn:

- Hân hạnh được làm quen với anh Bình. Em là Khoa, còn đây là Toàn và Quyết. Nhà em là bạn của thằng Khương nên tôn anh làm đại ca luôn cho tiện.

- Tuỳ bây. Nhưng mà bây phải dạy tau vài thế cưa cây chớ không ông già cứ cằn nhằn mãi, nghe điếc cấy con ráy quá! Hỏi cu Khương thì biết.

- Anh nói rứa chớ ở nhà mẹ lại nói em là sang bên bác mà học với anh Bình tề.

- Ôi thôi... mấy bà nhà mình thì nỏ biết mô mà mò, cứ “đứng núi này trông núi kia cao!”

Toàn cũng lên tiếng thêm vào:

- Anh Bình học cưa làm chi cho cực tê nạ. Rờ rờ vài cấy kiếm tiền thuê nhà em làm cho như ri không khỏe hơn à?

- Thì rứa... nhưng ông già cứ bắt phải đi theo để cu Khương hắn dạy cho. Bốn đứa bây mần răng thì mần, miễn răng tau biết kéo cưa là được rồi, chớ tau cũng có ham chi cái nghề cưa kẹo ni mô.

Nghe anh Bình nói tiếng Trung, Quyết ngạc nhiên lắm, lên tiếng hỏi:

- Anh Bình cũng nói được tiếng Trung à? Rứa mà nhà em cứ tưởng anh nỏ biết.

- Biết chớ răng lại không. Tau chỉ nói lai giọng Bắc một tý để gây ấn tượng với các em thôi.

- Nỏ trách chi có o mô đẹp anh mần hết, nhà em cứ ngồi trơ mép ra.

- Nói tầm bậy! Không nghe cha giảng đó à: Công Giáo là chỉ một vợ một chồng.

- Vợ thì một nhưng bồ nhiều cũng được chớ?

- Tau không biết, lên cha mà hỏi.

Thằng Khoa lúc nào cũng nhanh nhẩu hơn, nên hắn dụ:

- Dừ ri nầy... Nhà em dạy cho anh Bình kéo cưa, rồi anh chỉ lại cách “cưa” đêm nha?

- Đêm thì túi mò rồi thấy đàng mô mà cưa, hư gỗ hết về ông già lại cằn nhằn khó chịu lắm. Với lại đêm tau còn phải đi chơi nữa. Cưa ban ngày được rồi!

Cả bốn đứa chúng tôi bật cười ngặt nghẽo vì đánh lừa được anh Bình. Tôi thấy cũng tội nghiệp ông anh họ của mình nên giải thích:

- Nhà em nói “cưa đêm” là đi o gái đó.

- Mẹ bây! Ăn với nói. Tán gái thì nói là tán gái chớ lại cưa với kéo mần răng tau biết được... Với lại dạy răng được mà dạy? Bây thích đứa mô thì đến nhà chơi nói chuyện chớ tau biết chi mà dạy.

- Tự nhiên vô nhà họ rứa được à? Anh đi châm cứu chữa bệnh còn có dịp chớ nhà em thì mần răng?

- Hê. Đừng nói tầm bậy! Chữa bệnh là chữa bệnh, cua đào là cua đào. Không lộn xộn rứa được.

- Nhưng mà anh cũng quen được nhiều o trên làng Một, làng Hai lắm chi?

- Quen thì có, nhưng tau có bồ ai mô. Đi chơi cho vui rứa thôi. Phải 30 tau mới cưới vợ. Thôi, đến rừng rồi. Bây lo chỉ cho tau cưa thật đi, rồi đêm về muốn lên nhà o mô tau đưa đi.

- Đi với anh thì còn làm ăn chi được. Như lần trước anh đưa Khương lên nhà o mô trên An Hà đó. O nớ cứ lo nói chuyện với anh, nhà em chỉ ngồi nhìn, uống nước cho lắm vào, túi về tức bụng ngủ không được.

- Rứa bây muốn răng? Thôi khỏi. Để túi về đi cụ thể với tau. Tau chỉ cách cho bây chớ không vô nhà ai cả. Dừ lo sắp đồ dạy cho tau cưa... cây.

* * *

Tối hôm đó cả bọn chúng tôi lên chợ làng Hai ngồi uống sinh tố và học hỏi cách “cưa đêm” với anh Bình. Vừa uống, anh Bình vừa nói:

- Không đi cả đám như ri được. Bây đi cả chùm rứa con gái nỏ biết chọn đứa mô. Hai thằng vô một nhà. Có đối tượng mô chưa? Còn không thì tau dắt đi vô đại vài nhà rồi về ngủ. Bây quần tau cả ngày nhoọc lắm. Hai tay, hai chưn mỏi nhừ tử rồi nì.

Thằng Khoa đã nhắm sẵn đối tượng nên trả lời nhanh lắm:

- Em với thằng Quyết vô nhà ông Nhâm Gia Hòa. Bữa trước lên thuê cu Tùng đưa máy xới đi kéo sắn, em thấy bé Hằng em hắn đi học ở Thành Phố về thấy sọi lắm. Dừ mần răng mà cưa được?

- Mi quen thân với cu Tùng, nói hấn giới thiệu cho, đi lòng vòng mần chi cho nhọc xác.

- Thân sơ chi mô, chỉ đi thuê hấn kéo lúa, kéo bù rứa thôi.

- Dừ ri: Hai thằng bây đi sang bên nớ, ngó coi thằng Tùng có ở nhà không... Phải chắc ăn là hấn không có nhà. Tau nghĩ giờ ni hấn cũng đi cưa đêm như bây rồi. Có khi hấn lại đang cưa em mi ở nhà đó tề. Nhưng cứ dò trước cho ăn chắc.

- Rồi răng nữa? Chạy về đây lại à?

- Chi mà nhặng lên rứa. Để tau lên kế hoạch cho rồi đi: Khi biết chắc là thằng Tùng không có nhà, nếu mà cha mẹ hấn cũng đi nhà thờ chưa về thì bảo đảm. Bây phải biết là con gái đi học Thành Phố về ít bạn ở đây, bây phải lợi dụng thời cơ mới được. Vô nhà cứ làm như đi thuê thằng Tùng đi kéo chi đó. Hắn không có nhà, mà nếu cha mẹ cũng đi nhà thờ rồi thì em Hằng phải ra tiếp khách chớ răng dừ. Cứ rứa mà tiến.

- Rứa mình xưng hô, ăn nói ra răng?

- Mi gặp “người đẹp” rồi chi? Nếu em nhận ra thì tới luôn, bằng không thì cứ hỏi lăng nhăng chi đó, phải tuỳ cơ ứng biến chớ. Chẳng hạn như: Bữa ni anh xui không gặp được anh Tùng, nhưng lại may quá mới được gặp Hằng. Đại khái rứa, rồi theo đà mà tiến tới. Cũng như bây dạy tau cưa cây đó, bắt đầu nhè nhẹ, khi mô mám sâu rồi mới kéo mau được chớ lậy.

- Xong rồi mần răng?

- Thì cứ ở đó chơi nói chuyện, khi mô đã rồi thì về, mai đi cưa cây tiếp cho tau.

Hai thằng còn ấp a, ấp úng một hồi nữa mới chịu ra khỏi quán. Anh Bình nói theo:

- Can đảm lên chớ, bộ con gái nó ăn thịt được bây răng mà rụt rè e lệ rứa?

Nói rồi anh cười khì khì, quay sang phía tôi:

- Hai thằng bây răng đây?

Tôi vẫn còn run lắm, nên ngồi im chờ Toàn lên tiếng:

- Em để ý o Hương con ông bà Đình trên chợ đó, nhưng mần răng mà vô nhà chơi được?

- Thì vô kêu cửa.

- Lỡ ông bà ra rồi mần răng?

- Bây lù khù rứa! Thì hỏi có o Hương ở nhà không? Nhà con là bạn quen với o Hương đến chơi...

- Có quen mô! Hay anh Bình đi với nhà em đi.

- Tau đau nhừ cả người nỏ muốn đi mô cả. Mi muốn thì phải nhào vô chớ. Không nghe mấy bà nói à: “Muốn ăn thì lăn vô bếp.” Cứ lăn vô, hắn không ưng thì lăn sang nhà khác. Chưa chi mà đã rụt vòi rồi thì còn “cưa với kéo” chi nữa.

- Đi Khương.

- Khoan đã. Nếu thằng Toàn chấm o Hương rồi thì thằng Khương phải nói giúp vô nghe chưa. Bạn bè giúp nhau là rứa. Chớ không phải cả hai thằng cùng tranh nhau một o thì không ra thể thống chi cả.

Tôi phải mau mắn đính chính:

- Em nỏ dám mô.

- Thì tau dặn trước rứa. Bây phải nhớ là con gái đứa mô cũng thích ngọt cả, đừng có ăn nói như “dùi đục chấm mắm nêm” là không xong mô. Tìm cách mà khen nó đẹp hay có duyên. Nhớ chưa?

- Nhà em đi hết rồi, anh răng?

- Tau lái xe về ngủ. Tau lỡ hứa với bây rồi chớ không thì giờ ni đã mần một giấc rồi. Đi cưa cả ngày nhoọc chết cha luôn!

- Anh nói rứa bác nghe được bác la cho đó.

- Chớ tau nói sai à? Bây đi đi, tiền bạc để đó tau.

* * *

Hôm sau, năm anh em lại đưa nhau vô rừng cưa tiếp. Anh Bình không quen làm việc chân tay nên có vẻ mệt mỏi lắm, cứ ngồi trên xe bò ngủ gà, ngủ gật. Bốn đứa tôi mỗi đứa mang một tâm sự riêng về chuyến đi “cưa” tối qua, nhưng không đứa nào dám mở miệng. Vô tới nơi, anh Bình lên tiếng:

- Tau giả vờ ngủ coi bây có bàn bạc, rút tỉa kinh nghiệm chi không, mà nỏ thấy chi cả. Rứa răng rồi? Thằng Khoa nói trước đi coi “em về từ Thành Phố” có chịu chàng trai thôn Bình không mồ?

- Thất bại ê chề! Nhà em về ngang thấy anh Bình và hai thằng ni còn ngồi trong quán nhưng mắc cở quá không dám vô, chạy một mạch về nhà luôn.

- Răng rứa?

- Đúng như anh lên kế hoạch, em Hằng ra mở cửa và mời vô nhà, xong hắn kêu chị Thuỳ ra tiếp khách. O Thuỳ nứ chắc lớn hơn nhà em nên chỉ dám hỏi anh Tùng và nhờ nhắn lại là nhà em cần thuê kéo cây, mai mốt lên lại, xong dọt ra về luôn.

- Răng không ngồi chơi với o Thuỳ?

- Mình nhỏ hơn làm răng mà cưa được.

- Thì cứ thử thời vận chi lậy. Ngu như bò! Với lại o Thuỳ cũng sẽ biết là bây vừa tầm với em Hằng hơn, chắc sẽ gọi cô em ra tiếp khách, hoặc ít là mang nước ra, rồi mi gợi chuyện khen vài câu là mở màn được rồi.

- Biết rứa thì đi với anh cho rồi.

- Thôi. “Thất bại là mẹ thành công”. Túi ni làm lại.

- Nhà em nỏ dám mô.

- Răng rứa? Bộ hắn ăn thịt mi được à?

- Nhưng làm rứa rầy chết. Túi mô cũng vô họ biết ngay.

- Thì càng tốt, khỏi mất công nói. Họ biết rồi thì mình tiếp sang màn hai.

- Còn màn hai nữa à?

- Chớ răng nữa. Kịch còn có màn ni, màn tê nữa là kiếm vợ. Cũng phải làm quen, biết tên biết tuổi, rồi thân hơn tý mới anh anh em em, rồi thương nhau, rồi đi hỏi, đi cưới...

- Anh nói răng nghe dễ rứa?

- Mi không muốn thì thôi. Tau mà vô rồi đừng có ghen tầm bậy nha. Anh em giúp nhau thế mà không dám thì còn làm ăn chi nữa.

- Anh vô đi. Được nhà em còn mừng cho. Em nhìn thấy thì mê rứa chớ nỏ hy vọng chi. Mình tay chân cục mịch, ăn nói nỏ ra răng cả, chỉ có cưa cây thì giỏi chớ chuyện nớ coi bộ khó quá. Người ta sang cả rứa, mình mần răng mà với đến được anh.

- Rứa kiếm đứa khác đi. Túi ni về cưa tiếp. Còn thằng Toàn răng?

- Cũng được, mà o nớ coi bộ thích thằng Khương hơn em.

- Răng lạ rứa? Thằng Khương phản thùng à?

Tôi vội vàng đính chính:

- Không có mô nạ. Em nhớ lời anh dạy là phải nói giúp vô cho bạn bè, mà em có biết nói chi mô, cứ ngồi im rứa, làm o Hương cứ hỏi em mãi.

- Rồi kết quả răng?

- Biết mô! Nhưng mà em nỏ ưng. O nớ nói nhiều quá. Mẹ em cứ dặn đi, dặn lại là “đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng điếc tai xóm làng” nên em sợ lắm.

- Tau có nói mi lấy hắn mô mà sợ. Tập làm quen năm bảy o rồi so sánh, kén chọn chớ có phải vô một o là cưới luôn mô mà run như cầy sấy rứa?

- Răng bữa trước anh nói “Công Giáo là một vợ một chồng”?

- Tau có nói mi lấy nhiều vợ mô! Làm quen vài ba o để biết cách nói chuyện xã giao thì tội lỗi chi. Mi cù lần rứa khi mô mới kiếm được vợ. Túi ni mi đi với tau.

- Rứa thì nhứt rồi. Em chỉ cần ngồi coi anh để học theo là được rồi.

- Dừ thì nói hay lắm, sớm mai lại rên rỉ là cứ ngồi nhìn, uống cho đầy nước vô tức bụng ngủ không được lại chửi thầm như lần trước. Bây thật nỏ ra răng cả! Bữa ni về sơm sớm một chút. Cưa nhiều quá tau đau cả người túi về không đưa bây đi được mô.

* * *

Bốn đứa tôi ngồi trong quán chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy anh Bình bước vào. Miệng cười tủm tỉm coi bộ đắc ý việc chi đó. Vừa kéo ghế ngồi, anh quay sang bảo tôi:

- Dừ thằng Khương đưa mấy đứa sang nhà o Hương chơi đi. Đằng nào bây cũng quen rồi, tau phải đi đàng ni một tý. Chừng 8 giờ tau sang nhà con Hương đưa bây đi đợt hai.

- Thôi đi. Cho nhà em đi theo anh luôn không được à?

- Tau kẹt. Mi biết răng tau vô trễ không?

- Ai kêu anh đi châm cứu à?

- Có mô? Mới “cưa” thử em Hằng coi răng. Dừ phải rán thêm một tý.

- Anh thì ăn chắc rồi!

- Bây làm như thằng anh ni “báu” lắm đó! May hắn chưa chửi cho một trận rồi vác mặt mo mà về là phúc rồi.

- Răng rứa?

- Con nớ hắn ra răng nớ. Không biết có phải thuộc loại “hai hệ” không nữa. Tau kêu hấn là người đẹp hấn cũng không ưng, xưng anh thì hấn nói tui chỉ có anh Tùng thôi. Nghe có điên tiết không chớ. May mà chị Thuỳ ở mô về, tau chuyển hệ.

- Rồi răng? Nghe hấp dẫn hầy.

- Lải rải coi mồ. Đưa ly nước đây tau mần một hớp coi. Nói nãy dừ khô cả cổ rồi.

Thằng Khoa nghe nói đến em Hằng lại run run cảm động:

- Rứa anh cứ ngồi nghỉ đi, túi ni nhà em nghỉ cưa cũng được.

- Hừ. Ngồi răng được. Tau phải trở lại đưa hai chị em ra đây ăn chè.

- Rứa à. Cho nhà em ngồi đây coi với.

- Coi chi mà coi. Ngồi ăn chè nói chuyện tý rồi về chớ ai làm chi mà coi. Con người ta nhà gia giáo chớ có phải “quân hồi vô lịnh” như mấy thằng bây mô nà.

- Rứa anh Bình định mía ngọt “xơi” cả cụm à?

- Cái thằng! Ăn nói tầm bậy tội chết. Tau phải năn nỉ mãi chị Thuỳ mới đồng ý đưa em Hằng ra đây ăn chè đó, đừng tuởng bở.

- Khó khăn rứa thì mần răng nhà em cưa được?

- Mi hay nhụt chí anh hùng quá. Phải nhớ là “có công mài sắt có ngày nên kim”. Thôi, bây sang nhà con Hương đi, ngồi đây bể mánh tau hết.

- Răng anh nói túi ni anh đưa em đi chung mà?

- Thì mình phải biết người biết ta chớ. Gặp phải cái vụ “đa hệ” ni tau cũng chưa biết mần răng đây, cho bây theo có khi lại chết cả chùm thì khốn. Thôi ri, bây ở đây cũng được nhưng phải đổi vô bàn trong xa nớ, để em khỏi nhận ra thằng Khoa với thằng Quyết. Tau đi đây, lo mà đổi bàn đi nghe chưa.

Anh Bình đi rồi, tôi nói ba đứa kia muốn ngồi lại coi thì ngồi, tôi ra lấy xe về. Đến như anh Bình mà còn gặp khốn khó với nghề “cưa đêm” thì tôi mần răng mà học cho được. Chi bằng về nhăm nhắm trong họ coi có o mô đường được, nói mẹ nhờ người mai mối cho rồi. Cưa làm chi cho thêm rắc rối. Đứa mình ưa thì nó ghét mình, đứa thích mình thì mình lại không ưng. Thêm vào đó, đi cưa cây cả ngày cũng đủ đừ người rồi, túi đến lại theo anh Bình học nghề “cưa đêm” thì chắc ho lao chết sớm. Anh ấy biết châm cứu rồi bốc thuốc nam tầm bổ chớ tôi có biết chi mô. Về ngủ sớm cho khỏe, mai đi cưa cây làm nhà “hương hỏa” cho bác Khang.

Nguyễn Duy-An

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lạy Mẹ… Con Không Đi Mỹ (3/16/2009)
Lá Thư Tình Dưới Ấm Nước (3/15/2009)
Kỷ Niệm Đi Cưa Ở Thôn Bình (3/14/2009)
Khi Người Lao Công Quét Dọn Thuyết Trình (3/12/2009)
Hoa Tím Bằng Lăng (3/11/2009)
Tin/Bài cùng ngày
NDA # 19: Hình Như Là Tình Yêu (2/5/2009)
NDA # 18: Gia Tài Của Cha Tôi (2/5/2009)
NDA # 17: Giáng Sinh Tìm Người Không Quen Biết Ở Edmonton (2/5/2009)
NDA # 16: Gặp Lại Người Xưa (2/5/2009)
NDA # 15: Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (2/5/2009)
Tin/Bài khác
NDA # 9: Chuyện Tình Cờ (2/1/2009)
NDA # 8: Chọn Ngành – Chọn Nghề (2/1/2009)
NDA # 7: Chọn Ai Bây Giờ? (2/1/2009)
NDA # 6: Cha Già Kiều Và “cậu Bé Nghịch Ngầm” (2/1/2009)
NDA # 5: Bơ Vơ Mùa Hè 1972 (2/1/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768