Một kinh nghiệm đi máy bay về Việt Nam
"Khi 'OK' không có nghĩa là... 'OK'"
LTS.- Câu chuyện dưới đây, xảy ra vào những ngày cuối Tháng Mười Hai, 2006, cho một người Việt Nam hiện đang sinh sống tại California. Câu chuyện liên quan đến ba phía, anh Tiếng Timothy Tô, hãng hàng không Cathay Pacific Airways và một đại lý bán vé máy bay tại Little Saigon, California. Sau khi xem xét tất cả các yếu tố liên quan đến câu chuyện, nhận thấy đại lý bán vé máy bay đã thực hiện tất cả trách nhiệm của mình đối với khách hàng, việc nêu tên cụ thể có thể dẫn đến những hiểu lầm và thiệt hại không cần thiết, Người Việt quyết định không nêu tên đại lý này trong bài phóng sự điều tra của mình.
WESTMINSTER - Tiếng Tô sẽ không bao giờ quên được ngày ấy! Khuya 12, rạng sáng 13 Tháng Mười Hai, 2006, tại nhà riêng ở Placentia, California, anh Tiếng nhận được điện thoại từ Việt Nam: Thân phụ anh qua đời tại Ðà Nẵng.
Tiếng gọi điện thoại cho em gái, Tô Thị Ba, đang sinh sống tại Texas. Hai anh em sẽ bay chuyến bay sớm nhất về Việt Nam. Tiếng gọi vào hãng Boeing, nơi anh đang làm việc, xin nghỉ để về Việt Nam dự đám tang. Thân phụ anh sẽ được chôn vào ngày 16 Tháng Mười Hai, 2006. Bằng mọi giá, cả hai phải có mặt tại Ðà Nẵng trước ngày 16. Họ có hai ngày để về đến Việt Nam.
Sáng sớm 13 Tháng Mười Hai, Tiếng đến một đại lý vé máy bay tại Little Saigon. Anh mua hai vé đi Việt Nam, một cho anh, một cho em gái. Hai anh em sẽ bay trên chuyến bay của hãng Cathay Pacific Airways. Cùng ngày, em gái anh nhận được vé. Cô bay từ Houston về Los Angeles. Từ Los Angeles, hai anh em, theo dự kiến, sẽ cùng bay về Việt Nam. Hai vé máy bay mua gấp, giá lên đến $1,535 một vé.
12 giờ 20 phút khuya ngày 13, rạng sáng 14 Tháng Mười Hai, Tiếng đến phi trường. Mọi thứ sắp đặt đâu vào đó. Tiếng yên tâm sẽ về đến Việt Nam trước khi thân phụ anh được chôn cất.
"Xin lỗi, vé của ông là vé 'standby'," một đại diện của Cathay tại phi trường Los Angeles nói với Tiếng. "Chuyến bay không còn chỗ."
Tiếng chưng hửng: "Vô lý, vé máy bay của tôi 'confirmed'." Tiếng đưa vé máy bay của mình. Trên chỗ ghi status chuyến bay, rõ ràng có hai chữ "OK."
Trên vé máy bay, hai chữ "OK" đồng nghĩa với "Confirmed," tức là vé có chỗ ngồi chính thức.
Nhân viên hãng Cathay vẫn khẳng định, vé của Tiếng 'standby.' Và anh có hai chọn lựa: đi vào chuyến ngày mai, hoặc trả $3,000 để đi "first class" của chuyến hôm nay.
Tiếng không chọn hai đề nghị ấy, anh tự cho mình một quyết định khác: hủy bỏ chuyến đi và sẽ làm rõ mọi chuyện với hãng Cathay và đại lý bán vé. "Tôi cần phải về kịp chôn cất cha tôi. Tôi phải đi chuyến này, hoặc sẽ không bao giờ đi nữa." Tiếng nói.
Máy bay cất cánh đúng giờ. Em gái Tiếng sẽ về Việt Nam một mình, sẽ kịp đưa thân phụ đến nơi an nghĩ cuối cùng. Tiếng, một mình ra bãi đậu xe phi trường. Tiếng lấy xe, lái về nhà trong đêm khuya.
Anh khóc! Anh sẽ không được gặp thân phụ lần cuối. Tiếng sang Hoa Kỳ từ năm 1975. Anh đã về Việt Nam vài lần thăm gia đình, thăm cha. "Nhưng lần này," Tiếng nói, "là lần cuối cùng tôi được gặp ông."
Mỗi người con chỉ có một người cha. Anh khóc khi nhớ về cha. Thân phụ anh sẽ không thấy anh lần cuối cùng, trước khi đi vào lòng đất.
Tiếng đến Người Việt. Anh muốn nhật báo Người Việt tìm hiểu chuyện này. "Ðây là vết thương riêng của tôi. Nhưng rồi đây, những người Việt Nam khác thì sao?" Tiếng trình bày.
Anh cho Người Việt xem tất cả giấy tờ liên quan đến chuyến đi của anh. Vé máy bay ghi rõ: Tiếng Tô, đi chuyến bay 881 của hãng Cathay Pacific Airways lúc 12:20AM ngày 14 Tháng Mười Hai, 2006; quá cảnh Hong Kong. Từ Hong Kong, Tiếng sẽ đi tiếp chuyến bay 767 về đến Sài Gòn. Cả hai chuyến bay đều có "status" OK.
Tài liệu của đại lý bán chiếc vé máy bay cho Tiếng cũng ghi rõ: tất cả các chuyến bay đi Việt Nam và về lại Hoa Kỳ đều được xác định "OK," tức là có chỗ ngồi chính thức.
Khi liên lạc bà Linda Peng, Customer Relations Supervisor khu vực North Americas, của hãng Cathay Pacific Airways, Người Việt yêu cầu hãng máy bay cung cấp những tài liệu và thông tin liên quan đến ông Tiếng Tô. Bà Peng cho biết: "Luật của hãng không cung cấp thông tin của hành khách mà không có yêu cầu chính thức của hành khách."
Anh Tiếng, ngay lập tức, viết một bức thư gởi thẳng đến bà Peng, ghi rõ: "Tôi yêu cầu Cathay Pacific Airways cung cấp tất cả và ngay lập tức những thông tin liên quan về tôi cho Nhật Báo Người Việt." Vài ngày sau, bà Peng cho Người Việt biết: "Hãng Cathay đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Thông tin về ông Tiếng Tô sẽ được cung cấp cho Người Việt ngay sau khi Cathay hoàn tất điều tra."
Trong lúc chờ đợi kết quả điều tra nội bộ của Cathay Pacific Airways, đại lý bán vé máy bay cho Tiếng vẫn khẳng định họ làm đúng. Nói với Người Việt, đại diện đại lý cho biết: "Vé chúng tôi bán cho ông Tiếng là vé có chỗ ngồi chính thức. Tôi nghĩ rằng, việc này có trục trặc kỹ thuật, đến từ phía Cathay."
Ngày 17 Tháng Giêng, 2007, Linda Peng gọi lại Người Việt, cho biết "Ðã hoàn tất việc điều tra nội bộ." Trong buổi phỏng vấn vào buổi tối cùng ngày, Người Việt đặt thẳng câu hỏi cho Cathay.
"Ai là người có lỗi trong vụ Tiếng Tô?"
"Cathay!" Bà Peng xác nhận ngay lập tức. Bà Peng giải thích rằng, hệ thống dữ liệu truyền thông tin hành khách của Cathay bị trục trặc. Vì lỗi kỹ thuật này, nhân viên Cathay Pacific Airways không nhận được "status OK" của Tiếng Tô. Chính từ lỗi này, Cathay đã khẳng định Tiếng có vé "standby," thay vì "confirmed."
Bà Linda Peng nói với Người Việt: "Chúng tôi thực sự 'shocked' khi vụ này xảy ra. Chúng tôi rất ân hận về chuyện xảy ra với ông Tiếng. Chúng tôi muốn xin lỗi ông."
Bà Peng cho biết thêm lỗi kỹ thuật này, cho đến lúc trả lời phỏng vấn của Người Việt, phía Cathay vẫn đang tìm hiểu. Bà Peng cho biết: "Chúng tôi sẽ tìm hiểu thật kỹ để bảo đảm một tai nạn như thế này sẽ không xảy ra lần nữa."
Ngày hôm sau, Tiếng nhận được thư gởi từ hãng Cathay Pacific Airways. Bức thư có đoạn: "Ðại diện hãng hàng không Cathay Pacific Airways, chúng tôi xin gởi lời chia buồn đến sự ra đi của thân phụ ông." Trong bức thư ấy, Cathay Pacific ngỏ lời xin lỗi đến ông Tiếng: "Chúng tôi biết rằng, bất cứ lời giải thích nào cũng không thể xóa bỏ được những điều đã xảy ra. Chúng tôi gởi bức thư này, hy vọng được có cơ hội giải thích lý do, và nhất là được xin lỗi ông."
Bức thư giải thích cũng cho biết thêm, đại lý bán chiếc vé máy bay cho Tiếng đã làm tất cả những gì có thể để bảo đảm Tiếng được lên máy bay đúng ngày giờ. Thư viết: "Ðại lý bán vé đã đặt vé đúng và đã đích thân liên lạc đại diện Cathay để bảo đảm rằng ông [Tiếng Tô] sẽ đi chuyến bay 881 vào ngày 14 Tháng Mười Hai."
Bức thư xin lỗi kết luận: "...chúng tôi chịu trách nhiệm toàn bộ chuyện này."
Cathay Pacific Airways, bên cạnh bức thư, cũng đã bồi hoàn cho Tiếng trong một chương trình có tên "Goodwill."
Anh Tiếng nói với Người Việt: "Chuyện này xảy ra cho cá nhân tôi, nhưng tôi nghĩ về cộng đồng mình. Tôi không muốn một chuyện tương tự xảy ra cho người Việt Nam." "Cũng là một kinh nghiệm! Lần sau, cho tôi cũng như cho bất cứ ai đi Việt Nam, chúng ta cần gọi lại cho hãng máy bay 24 tiếng đồng hồ trước chuyến bay để lấy cho được confirmation number."
Tại Việt Nam, gia đình đã an táng thân phụ anh Tiếng vào lúc 3 giờ chiều ngày 16 Tháng Mười Hai, 2006. Thân phụ anh qua đời ở tuổi 88.
(Tin NV)
|