MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả nguyễn duy an và phạm tín an ninh
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
NDA # 5: Bơ Vơ Mùa Hè 1972
Chủ Nhật, Ngày 1 tháng 2-2009

Bơ Vơ Mùa Hè 1972

Sau 25 năm trời xa cách, tôi liên lạc được với anh Đặng Viết Tính người Xuân Mỹ, Làng Ba hiện đang định cư tại Calgary, Alberta, Canada nhờ trang web Bình Giả. Trong một lần nói chuyện điện thoại, anh Tính bảo tôi:

- Anh còn nợ chú một bịch muối từ mùa hè năm 72.

- Anh nói gì? Em không nhớ chi cả.

- Thì hồi đó chú nhờ anh cầm về một bịch muối cho ông bà, nhưng lúc dành nhau lên trực thăng về Bình Giả, anh đã làm rớt mất... Mẹ chú đọc thơ rồi lên hỏi muối đâu, anh mới sực nhớ là đã làm rớt mất rồi!

- Ồ. Vậy bây giờ anh phải trả cả vốn lẫn lời nha...

Anh em chúng tôi cười xòa trong điện thoại rồi cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày bơ vơ ở Bà Rịa vào mùa hè 1972. Anh Tính đề nghị tôi viết lại những kỷ niệm của thời xa xưa ấy, nhưng tôi cứ lần lữa mãi. Tôi không viết ngay được vì còn phải tìm kiếm thêm một vài dữ kiện cần thiết cho bài viết. Hôm nay tôi mạo muội ghi lại một vài “kỷ niệm” của đám trẻ con đi học xa nhà bị kẹt đường không về Bình Giả được... Ngoài việc chia sẻ với thế hệ đàn em những vui buồn của chúng tôi hồi còn nhỏ, tôi cũng muốn nhân cơ hội này viết lên đây “lời tri ân chân thành” của cá nhân tôi cũng như bạn bè đối với gia đình ông bà Phạm Như Huệ, Đại Uý Cao Hùng Quân và những vị ân nhân khác đã “cưu mang” bọn nhỏ chúng tôi trong những ngày bị kẹt đường.

* * *

Từ Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc (Long Khánh), tôi hớn hở xách va-li về quê nghỉ hè. Lúc tới bến xe ở Chợ Mới (Bà Rịa) mới biết là đường về đã bị kẹt ở Bình Ba! Không phải chỉ một mình tôi là người Bình Giả bị kẹt lại, nhưng tôi là đứa nhỏ nhất trong đám “du học sinh” từ các nhà dòng, chủng viện, hoặc các trường nội trú về nghỉ hè đang ngồi lây lất ở bến xe hôm đó. Một số trở lại Sàigòn, một số ra Nam Đồng (Vũng Tàu) ở nhờ bà con... Chúng tôi cũng gặp một vài người lớn “bị kẹt đường”, và họ cho biết hằng ngày vẫn có trực thăng bay đi bay về Bình Giả, hoặc ở sân bay nhỏ của Tòa Hành Chánh tỉnh Phước Tuy (phía Chợ Cũ) hoặc tại trung tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp (phía Long Điền). Tới chiều tối, còn lại 7 đứa nhỏ chúng tôi vẫn ngồi tại bến xe vì “không có nơi nương tựa”; và thật may cho tôi: Trong số đó có anh Đặng Viết Tính người Xuân Mỹ, Làng Ba lúc đó đang tu tại dòng Phước Sơn về nghỉ hè và cũng bị kẹt lại... Vốn là “đàn anh” trong Ban Giúp Lễ ở Làng Ba, và cũng học lớp cao hơn tôi, nên anh Tính đã tự nhận lấy “trách nhiệm và bổn phận” phải săn sóc lo lắng cho “thằng đàn em” trong lúc hoạn nạn.

Xin thú thật với mọi người là tôi không ưa anh Tính cho lắm (!) vì ngay từ những ngày đầu mới được vào Ban Giúp Lễ ở Làng Ba, tôi đã bị những anh lớn, trong đó có anh Đặng Viết Tính, bắt nạt “tơi bời khói lửa”. Ỷ là những người giúp lễ lâu năm, từ thời cha Đinh Quốc Thuỵ còn làm chánh xứ Vinh Trung - trước khi gia đình tôi dọn về Bình Giả - các anh ấy bày ra đủ trò để “hành hạ ma mới,” trong đó có tôi, và nhất là anh Phạm Văn Bộ (Tiến, anh cũng là con của cha Trần Đình Trọng, học trên tôi một lớp, bây giờ là linh mục thuộc Dòng Don Bosco ở Gò Vấp, Việt Nam). Đã có lúc tôi và anh Bộ “nói nhỏ” với nhau là mai mốt “mấy thằng ni già yếu rồi, anh em ta phải tẩn cho một trận để trả thù!” Một trong những trò chơi rất nguy hiểm và tôi rất sợ là trò đốt muỗi! Mấy anh chàng “lớn tuổi” này thường thức khuya hơn bọn “trẻ con ma mới” chúng tôi... Chờ lúc mình đã ngủ say, mấy anh chàng này lấy những que diêm bẻ ngắn bớt, đốt lên rồi cắm vào đùi, vào tay... lửa bén lên, nghe đau đau, đưa tay đập như đập muỗi, làm que diêm đang còn lửa dính chặt vào da đau lắm. Có khi bị bỏng nữa! Mặc dầu hay “bắt nạt” đám nhỏ chúng tôi, nhưng với “người ngoài” các anh ấy lúc nào cũng tỏ vẻ là “đàn anh” bênh vực đám nhỏ chúng tôi để không bị những đứa trẻ khác trong làng hiếp đáp. Hễ đứa nào lộn xộn, tôi cứ dọa sẽ mách anh Ý, anh Châu, anh Thôn, anh Tính... là tụi nó sợ không dám làm gì tôi cả.

Trở lại chuyện kẹt đường...

Đám nhỏ đi học xa nhà chúng tôi, lúc về quê nghỉ hè thường mỗi đứa chỉ còn vài trăm bạc trong túi, đủ tiền đi xe và ăn vặt, hay nhiều lắm cũng chỉ đủ tiền mua tý quà cho em út ở quê nhà. Việc đầu tiên hôm đó là phải giải quyết cái dạ dày đang trống rỗng, và nhất là tìm chỗ để ngủ nhờ qua đêm. Lúc đó tôi chẳng phải lo lắng gì, mặc dầu chưa biết ăn gì, hay ngủ ở đâu. Tôi cứ lè kè theo sát anh Đặng Viết Tính, tới đâu hay tới đó. Tôi ngồi giữ va-li quần áo và sách vở để anh Tính đi hỏi thăm, tìm nơi tạm trú... và cùng lắm thì ngủ ở “đình chợ” cũng được, nhưng mai mốt lấy tiền đâu để mua thức ăn! Năm đó ở Làng Ba có anh Hồ (cháu gọi cha Trọng bằng Cậu) và anh Phúc (con ông bà Diện người Yên Đại) đang học thi Tú Tài ở Bà Rịa, nhưng chúng tôi không biết địa chỉ chỗ trọ của hai người, và nếu biết cũng chưa chắc chủ nhà đã cho mình ngủ nhờ! Tới gần tối thì có đứa đề nghị đi vào chợ cũ, tìm tới nhà sách Vinh Đức của ông bà Phạm Như Huệ cũng gốc người Bình Giả để xin ngủ nhờ. Trong số 7 đứa chúng tôi, chẳng ai quen biết một người nào trong gia đình ông bà Huệ cả, nhưng một điều tôi rất ngạc nhiên và cảm phục tấm lòng của gia đình ông bà chủ tiệm sách Vinh Đức là họ đã sẵn lòng “cho khách lạ đỗ nhà”. Mặc dầu chúng tôi tự túc việc ăn uống, nhưng có thêm 7 đứa nhỏ ngủ nhờ và tắm rửa trong nhà cũng không phải đơn giản. Nguyên việc chúng nằm ngan ngác phía sau nhà cũng đã phiền hà lắm rồi; thêm vào đó, chúng tôi còn phải tắm rửa, giặt giũ quần áo cũng rắc rối lắm. Rồi còn tiền điện, tiền nước, và nhất là sự ồn ào náo nhiệt vì mấy đứa đang tuổi lớn ở với nhau lúc nào cũng gây gỗ, cãi cọ...

Về sau tôi quen với một trong những người con của ông bà Phạm Như Huệ là anh Phạm Xuân Cảnh, vì anh cũng đi học ở Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc. Gia đình anh hiện đang định cư tại Atlanta, Georgia, nhưng tôi cũng chưa nói chuyện với anh Cảnh về bài viết này, tôi sợ anh Cảnh không bằng lòng cho tôi viết về gia đình anh ấy vì đức khiêm nhường và “làm phúc tay phải không cho tay trái biết”, hay nói theo kiểu người Bình Giả là “rầy” lắm! Tôi đã suy nghĩ và quyết định phải viết lên đây để ca ngợi tấm lòng “sống đạo” đích thực của gia đình ông bà Phạm Như Huệ và các anh chị. Tôi xin thú thật với mọi người là sau 33 năm, tôi đã quên mất tên tiệm sách và cũng không nhớ đầy đủ tên họ của ông bà chủ tiệm Phạm Như Huệ; và tôi cũng không dám hỏi anh Cảnh. Tôi đã gọi điện thoại hỏi ông bà Đinh Quang Hân là cha mẹ vợ của anh Cảnh để viết lại cho chính xác... Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành hồn xác cho đại gia đình của những vị ân nhân đã âm thầm giúp đỡ chúng con và rất nhiều người khác nữa trong thời kỳ gian nan khốn khó.

Mỗi lần về thăm Bình Giả, hay nói chuyện với những người Đồng Hương Bình Giả, rất nhiều người đã ca ngợi sự thành công của gia đình anh Cảnh, tôi càng xác tín thêm rằng: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Những khi nghe nói về tấm lòng quảng đại của gia đình anh chị Phạm Xuân Cảnh đối với anh em họ hàng, hay quê hương xứ sở hoặc bà con đồng hương, tôi càng cảm nhận được câu nói của người xưa là đúng, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Tôi viết lên những dòng này để chia sẻ những tấm gương sáng của “dân ta” cho thế hệ tương lai. Tôi chia sẻ với mọi người mặc dầu chưa chính thức được sự đồng ý của các ân nhân, nhưng tôi không thể không viết, vì người mình rất ít nói về điều tốt hay gương sáng của người khác cho nhau nghe... Và đây là một trong những cái “ít ỏi” đó. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những người đã làm phúc cho chúng con, đặc biệt là cho linh hồn những người quá cố được về hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên Đàng.

Cũng tại tiệm sách Vinh Đức này, đám trẻ chúng tôi gặp được một vị ân nhân khác rất đặc biệt. Đó là Đại Uý Cao Hùng Quân gốc người Xuân Phong. Đại Uý Quân lúc đó đang làm việc tại tiểu khu Phước Tuy và ở trọ tại nhà sách Vinh Đức. Khi biết đám trẻ chúng tôi bị kẹt đường không về được, ông đã dẫn lên Tòa Hành Chánh, nhận là con cháu để xin giấy giới thiệu, nhờ sắp xếp giúp phương tiện trực thăng để về quê. Chỉ tiếc một điều là chức vị của ông không lớn lắm nên chúng tôi cũng chẳng được chính quyền giúp đỡ, vì người ta chỉ ưu tiên cho quân đội và những người làm việc trong chính quyền... Nhưng tấm lòng quảng đại của ông đại uý này không dừng lại ở đó. Chính ông là người đã chỉ cho chúng tôi biết tìm đến “quán cơm xã hội” để được ăn no với giá cả rất rẻ; và khi biết chúng tôi không còn tiền, chính ông đã tự ý “lột lon” của mình để vào mua cơm cho chúng tôi ăn. Ông đã phải từ bỏ chức vụ sĩ quan của mình để giúp đỡ những đứa trẻ bơ vơ, vì nếu đeo lon đại uý mà vào ăn cơm “xã hội” thì kỳ cục quá. Từ đó, sau những giờ vất vả chạy ngược chạy xuôi từ sân bay Tòa Hành Chánh ra sân bay Vạn Kiếp cầu may kiếm được một chỗ ngồi hiếm hoi trên trực thăng để về quê, chiều chiều chúng tôi thường đi theo ông đại uý Quân ra quán cơm “xã hội”, vừa đi vừa hát nghêu ngao: “Này Cao Hùng Quân tiến lên, bờ cõi vang lừng câu chiến thắng...” Đương nhiên không phải chiều nào chúng tôi cũng được may mắn vì nhiều hôm Đại Uý Quân phải đi họp hay hành quân đâu đó. Nhiều người chê ông Quân chỉ là đại uý kiểng, và thường uống rượu nhiều hơn ăn cơm, nhưng thử hỏi nếu không gặp được ông, chúng tôi làm sao có được những bữa cơm đầy tình nghĩa trong thời gian khốn khổ vào mùa hè năm đó! Tôi không bao giờ gặp lại ông Quân từ mùa hè năm 1972...

Trong lúc tìm tài liệu cho bài viết này, tôi đã hỏi “Cu Châu” vì biết hắn là người Xuân Phong, và cũng mang họ “Cao Hùng”:

- Cu Châu có biết ông Đại Uý Cao Hùng Quân người Xuân Phong không?

- Bác ruột của em đó. Bác ấy đã mất ở California mấy năm nay rồi!

Nguyện xin Chúa thưởng công cho vị ân nhân đặc biệt của chúng con được về quê thật trên Trời, “vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước.” (Mt. 25, 35)

“Đói thì đầu gối phải bò”. Mặc dầu chỉ là một đám trẻ bơ vơ, chúng tôi cũng đưa nhau tìm đến văn phòng Hội Đồng Tỉnh Phước Tuy xin giúp đỡ vì đây là những vị được dân bầu ra làm đại diện để lo cho dân. Chúng tôi cũng tìm đến văn phòng dân biểu Trịnh Anh Linh để xin trợ giúp... Chúng tôi lang thang từ nhà thờ tới trường học, từ Tòa Hành Chánh tới trung tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, từ nhà sách Vinh Đức tới bến xe ngoài Chợ Mới (Bà Rịa), gặp ai cũng cậy nhờ xin xỏ, nên có những người Bình Giả làm việc ngoài tỉnh hễ gặp chúng tôi là tránh mặt vì sợ bị quấy rầy! Trong thời gian lang thang “đầu đường xó chợ” đó, anh Đặng Viết Tính đã tìm gặp được anh Hồ (cháu gọi cha Trọng bằng Cậu) và anh Phúc (con ông bà Diện người Yên Đại, Làng Ba) nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng được các anh “đãi” một bữa cơm “vừa phải” rồi uống thêm nước trà với “đường Quân Tiếp Vụ” cho no bụng. Nghĩ cũng khổ, hai anh cũng chỉ là những học sinh trọ học xa nhà nên chẳng có điều kiện gì để giúp thêm mấy đứa em út bơ vơ lúc đó. Nhưng đúng như lời người xưa đã dạy, “một miếng khi đói bằng một gói khi no,” nên tôi xin ghi nhận ân tình của các anh vào tâm khảm để cầu nguyện cho các anh và gia đình, đặc biệt là anh Phúc đã được Chúa gọi về từ 30 năm nay.

Trong những ngày bơ vơ và đói khổ giữa mùa hè năm 1972, tôi mới thực sự “thương” và kính phục người đàn anh Đặng Viết Tính, mặc dầu anh ấy cũng chỉ lớn hơn tôi có vài ba tuổi. Anh ấy đã lo lắng chăm sóc cho tôi như một đứa em ruột, chẳng bù với hồi tôi mới vào Ban Giúp Lễ ở xứ Vinh Trung anh ấy cũng “đì” tôi dữ lắm. Tôi biết có những lần anh ấy đã bẻ cho tôi một khúc dài hơn khi chia nhau một ổ bánh mì, nhường cho tôi phần cơm ít ỏi còn sót lại trong nồi, hay bênh vực che chở cho tôi khi bị mấy đứa trẻ khác bắt nạt...

Một thời gian sau, anh Nguyễn Văn Bộ (Anh Bộ cũng người Làng Ba, học ở Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc cùng lớp với tôi, là con của cha Đinh Quốc Thuỵ; bây giờ là linh mục, đang làm giám đốc trung tâm Hành Hương Bãi Dâu ở Vũng Tàu, Việt Nam) ghé lên hỏi thăm tin tức Bình Giả đã rủ tôi và anh Tính đến xin ở nhờ chỗ cha Đinh Quốc Thuỵ ở Long Hải. Anh Tính quyết định ở lại để chờ máy bay về quê. Nhưng bây giờ tôi tự hỏi không biết có phải anh Tính không dám về ở với cha Thuỵ vì vẫn còn sợ những cái bạt tay của ngài lúc anh ấy mới vào Ban Giúp Lễ thời cha Đinh Quốc Thuỵ còn là cha xứ ở Làng Ba. Trước khi theo anh Bộ về Long Hải ở nhờ cha Thuỵ, tôi gom góp mấy đồng tiền lẻ còn lại, mua một bịch muối và viết thư nhờ anh Tính mang về dùm. Tôi mua một bịch muối vì chúng tôi nghe biết ở Bình Giả vẫn có sẵn lúa gạo, thịt bò, thịt heo, thịt gà... chỉ thiếu muối và nước mắm. Đương nhiên anh Tính đã nhận lời giúp tôi, và vì tấm lòng tốt đó mà anh ấy còn nợ tôi một bịch muối cho tới bây giờ, như anh ấy đã nhắc lại với tôi cách đây mấy tháng. Không biết rồi đây anh Đặng Viết Tính sẽ phải trả lại cho tôi bịch muối thế nào cho xứng đáng với giá trị của bịch muối anh ấy làm mất cách đây 33 năm? Nếu tính cả vốn lẫn lời, chắc bây giờ số muối ấy phải lớn lắm! Nhưng rồi tôi biết phải làm sao để trả lại cho anh Đặng Viết Tính những ân tình của ngày ấy... Những khúc bánh mì, những ly nước trà đường, những chén cơm tình nghĩa... và còn nhiều lắm, tôi không biết diễn tả làm sao cho đầy đủ được tấm lòng của anh đã dành cho tôi lúc đó. Thôi thì chỉ biết nhớ đến nhau trong kinh nguyện, và thăm hỏi nhau thường xuyên hơn để giữ mãi tình anh em làng nước. Được không anh Tính?

* * *

Lời Kết: Thường thường những ân nhân làm ơn cho người khác không bao giờ trông mong được báo đền; và cũng không nhớ tới những người mình đã từng giúp đỡ. Ngược lại, người thọ ân phải ghi nhớ và tìm cách báo đáp bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trôi dạt giữa dòng đời, nhiều khi chúng ta “hay quên”... Đó là lý do tôi viết lại những dòng này như một lần nhắc nhở cho chính tôi phải luôn luôn cầu nguyện cho những vị ân nhân trong đời. Tôi muốn viết lại bây giờ vì sợ mai mốt lại “quên hết”. Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ với thế hệ đàn em của tôi những gương tốt của người Bình Giả để chúng ta cùng nhau học hỏi và noi theo; và cũng để chính thức nói lời “tri ân” tới những vị ân nhân trong cuộc đời của tôi... Nếu không có những vị ân nhân đó, có thể tôi không còn phải là tôi như ngày hôm nay.

Nguyễn Duy-An

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
NDA # 14: Dở Dang Tình Thôn Nữ (2/5/2009)
NDA # 13: Đi Cưa (2/5/2009)
NDA # 12: Đại Học Hay Học Đại? (2/5/2009)
NDA # 11: Cuộc Hẹn Đêm Giao Thừa (2/5/2009)
NDA # 10: Con Đặt Đâu Cha Mẹ Ngồi Đó (2/5/2009)
Tin/Bài cùng ngày
NDA # 9: Chuyện Tình Cờ (2/1/2009)
NDA # 8: Chọn Ngành – Chọn Nghề (2/1/2009)
NDA # 7: Chọn Ai Bây Giờ? (2/1/2009)
NDA # 6: Cha Già Kiều Và “cậu Bé Nghịch Ngầm” (2/1/2009)
NDA # 4: Bồng Em (2/1/2009)
Tin/Bài khác
Một Lần Nữa (1/22/2009)
Ls: Tình Chiến Hữu (1/14/2009)
Tình Yêu Và Cây Thánh Giá (1/9/2009)
Con Đặt Đâu Cha Mẹ Ngồi Đó (8/12/2008)
Nhớ Về Trại Tỵ Nạn Galang (8/5/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768