MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Kính Sợ Nhưng Không Sợ Hãi
Thứ Tư, Ngày 28 tháng 1-2009

Kính Sợ Nhưng Không Sợ Hãi

Đỗ Trân Duy

Thông thường dù với cách diễn tả xúc động thế nào, sợ hãi không bao
giờ có thể là mối giao cảm thân thiện. Bản năng phòng vệ khiến con
người tránh né những cái gieo kinh hoàng cho họ. Nhưng trong thánh
kinh, từ Cựu Ước qua Tân Ước, có lẽ không có mối cảm xúc nào được nhắc
tới nhiều lần bằng nỗi sợ hãi Thiên Chúa. "Chúng ta biết Thiên Chúa
rất đáng sợ" (2Cor 5:11), vì "trong công đồng thánh, Thiên Chúa là
Đấng đáng sợ nhất" (TV 89:7). Theo lý luận, nếu sợ hãi Thiên Chúa,
người ta sẽ đẩy Thiên Chúa ra xa. Càng sợ hãi Thiên Chúa, cái hố sâu
ngăn cách giữa họ và Thiên Chúa càng lớn.

Nhưng điều đó lại không xảy ra. Lạ hơn nữa các giáo phụ lại khuyên
chúng ta "hãy sợ hãi Thiên Chúa". Sẽ lầm to nếu chúng ta vội cho rằng
đó là trạng thái giằng co của mâu thuẫn tâm lý. Thật ra cách nói "sợ
hãi" chỉ là lối diễn tả bị vướng mắc trong hạn chế khái niệm của ngôn
từ. Rõ ràng là rất nhiều trình thuật "sợ hãi Thiên Chúa" không đông
cứng trong sợ hãi, nhưng mở tung ra một không gian mới. Lời khuyên
"hãy sợ hãi Thiên Chúa" chính là một lối giảng thuyết trực tâm, mà sự
thức tỉnh chỉ phần nào được sáng tỏ qua những suy niệm thần học.

Ngõ Cụt Của Lòng Sợ Hãi

Trước hết chúng ta cũng cần nhìn rõ cái bản chất u ám của sự sợ hãi.
Mọi sinh vật, dù hạ đẳng, đều biết sợ hãi khi gặp tai biến. Con người
là sinh vật có đời sống tâm lý phức tạp nên có nhiều nỗi sợ hãi hơn
cả. Người ta sợ những sự kiện cụ thể như sợ kẻ dữ, sợ thiên tai, sợ
chết… và hằng trăm thứ sợ tâm lý như sợ già, sợ bóng tối, sợ lạc lõng…
Nói chung đó là phản ứng tâm sinh lý của bản năng phòng vệ. Nó xảy ra
khi ta đối diện với một thực tại mù mờ bất khả tiên đoán. Ta sợ vì
không biết điều gì sẽ xảy đến cho mình. Thánh Matthêu kể rằng bọn lính
canh mồ Đức Giêsu khi thấy hai thiên sứ xuất hiện thì sợ hãi run lẩy
bẩy, hầu chết đến nơi (Mat 28:4).

Một hiện tượng đáng nói là sự sợ hãi thường có nơi những tâm hồn nhạy
cảm gần như bệnh hoạn. Với não trạng khủng hoảng kinh niên, họ xây
dựng một đức tin u mê dựa trên sự sợ hãi. Nhà phân tâm C.G. Jung đã
vin vào sự kiện này để phê bình tôn giáo. Theo ông tôn giáo chỉ là
loại thuốc an thần hỗ trợ tâm lý cho những kẻ yếu bóng vía. Tôn giáo
đã cung cấp đủ mọi loại biểu tượng dũng mãnh cho kẻ nhút nhát và bệnh
tâm thần ẩn núp. Theo thời gian, tôn giáo biến dạng trở thành nơi gieo
rắc kinh hoàng cho con người. Lịch sử đã cho thấy nhiều tôn giáo đầy
dẫy thần linh. Các tín đồ sống cả đời trong bất an vì chỉ sợ lỡ làm
điều gì trái ý thần thánh. Nỗi sợ hãi u mê đè ép tín đồ khiến họ kiệt
quệ thay vì giúp họ thăng tiến.

Dĩ nhiên chúng ta không phủ nhận có thái độ sợ hãi như vậy nơi một số
người. Nhưng mớ thần kinh bất an đó không đủ lý lẽ để giải thích về
chủ đích của tôn giáo. Jung đã sai hoàn toàn. Nếu tôn giáo chỉ là một
kỹ thuật chữa bệnh, nó đã mất bản tính và đã xụp đổ từ lâu. Trái với
nhận định của Jung, một tôn giáo đích thực luôn luôn có sức mạnh giải
phóng tín đồ thoát khỏi mọi thứ sợ hãi từ ý thức đến vô thức. Con
người đến với tôn giáo để tìm nguồn yêu thương và hy vọng. Thế giới
vắng bóng Thiên Chúa là một thế giới hoang tàn vì không có hy vọng.(1)
Suy ra nếu con người đến với tôn giáo qua lòng sợ hãi họ chỉ làm mất
giá trị của tôn giáo.

Nỗi sợ hãi cũng xảy ra nơi những người có đức tin lành mạnh. Nó phản
chiếu tâm trạng khủng hoảng của người phạm tội. Chẳng hạn sau khi ăn
trái cấm, Ađam-Evà giật mình khi nghe tiếng Chúa gọi "Ngươi ở đâu?" Họ
kinh hoàng vì sợ bị trừng phạt, sợ bị cản trở sự phát triển tự do, sợ
bị chết dữ. Nỗi sợ hãi này là dấu vết của tri thức và của luật lệ, mà
con người bị kẹt trong thế thụ động. Diễn tiến của sự sợ hãi này không
có chiều sâu và ngừng lại nơi bản án của vị thẩm phán. Nó không phải
là dạng sợ hãi của mặc khải mà con người chủ động muốn có sự sợ hãi.

Hiểm họa của sự sợ hãi là nó làm tê liệt khả năng sáng tạo khiến tâm
linh không thể tiến hóa. Đức Giêsu nêu rõ vấn đề này qua dụ ngôn người
đầy tớ vô dụng. Khi chủ đi xa, ông trao cho anh đầy tớ nén bạc để thay
ông làm tăng tài sản. Thay vì tự do trong sáng tạo, anh đầy tớ sợ làm
trái ý chủ sẽ bị họa, nên không dám làm gì. Khi chủ về hỏi tới, anh
trả lời, "Thưa ngài, tôi biết ngài là người hà khắc… nên tôi sợ, tôi
dấu nén bạc dưới đất. Nay xin ngài lấy lại" (Mat 25:14-25). Đức Giêsu
đã khổ tâm về điều ngộ nhận này. Ý của Người là đừng sợ hãi Thiên
Chúa. Khi lãnh nhận ơn đức và tin mừng thì phải mở rộng cửa, vung tay
chuyển tin mừng canh tân thế gian, để làm cho phong phú. Nếu không
chúng ta sẽ phá hủy chính cái tài sản đã được nhận lãnh.

Sợ hãi hoặc sẽ bỏ tù con người, hoặc con người sẽ vong thân trong ám
ảnh sợ hãi. Diễn tả cách nào cũng thấy con người là nô lệ cho sự sợ
hãi. Kẻ nô lệ phục tòng chủ vì sợ không phải vì yêu. Kitô hữu không
nhận lãnh thần khí nô lệ để phải sống trong sợ hãi, mà là thần khí
nghĩa tử để được gọi Thiên Chúa là Abba (Rom 8:14-15). Với tình yêu
trọn vẹn thì không có sợ hãi.

Tuy nhiên chúng ta không ai mà không có tội, cho nên không ai mà không
cảm thấy bất xứng, với một cường độ nào đó, khi đối diện Thiên Chúa.
Vì vậy Kitô hữu chúng ta quả thật đã "thờ phượng Thiên Chúa trong kính
sợ, vui mừng, và run rẩy" (TV 2:11). Nhưng với ai thật lòng yêu Abba,
Thần Khí nghĩa tử sẽ chuyển sự rối loạn giác quan qua không gian siêu
việt "kính sợ Thiên Chúa". Kính sợ không phải là sợ hãi, nhưng mang
một ý nghĩa khác. Chúng ta kính sợ Thiên Chúa bởi vì "kính sợ Thiên
Chúa là một kho tàng" của sự huyền nhiệm (Isa 33:6). Mà "sự huyền
nhiệm ấy Thiên Chúa chỉ dành cho những ai biết kính sợ Người" (TV
25:14).

Kính Sợ Thiên Chúa Là Gốc Của Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến

Tiếng Hebrew có nhiều danh xưng khác nhau để nói về sự sợ hãi như
pachad, yave (kinh hãi. Mal 3:16; Yob 3:25; TV 119:120) và yirah,
kabad (kính sợ. Yôn 1:16; TV 90:11; XH 20:12). Tuy nhiên các dịch giả
kinh thánh đều dịch một cách giản dị là "sợ" (fear). May mắn tiếng
Việt chúng ta có hai chữ "sợ hãi" và "kính sợ" nên có thể phân biệt
được hai tâm trạng khác nhau. Sự sợ hãi của khiếp đảm không có chiều
sâu để lý giải đức tin, đức mến, và đức cậy.(2) Cái sợ hãi mà chúng ta
muốn nói tới là sự kính sợ, tức nỗi sợ hãi của mặc khải. Một trạng
thái bao gồm sự kinh ngạc, sự tôn kính và sự ngưỡng phục.

Kính sợ Thiên Chúa không phải là một ý niệm trừu tượng, hay một kiến
thức đạo đức, nhưng là một kinh nghiệm sống động đang có tại đây và
ngay bây giờ (Gal 2:20). Đó là niềm vui mời gọi Thiên Chúa vào tâm hồn
và vào lịch sử trần thế. Đó là tâm trạng của con thơ vừa yêu, vừa sợ,
vừa tin tưởng, vừa tôn kính cha mẹ (KN 20:12; 1Phê 2:17). Kính sợ
Thiên Chúa phản ảnh tâm thức hướng về siêu việt. Vì vậy người ta chỉ
có thể chiêm niệm lòng kính sợ Thiên Chúa chứ không thể đưa ra một
định nghĩa gẫy gọn, hay khai triển thành một luận thuyết.

Cảm nhận khởi đầu của kính sợ Thiên Chúa là niềm tin Thiên Chúa đang
hiện diện. Đức tin này cho chúng ta một cảm giác bình an, phó mình
cuốn hút trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự sống hốt nhiên là một
nguồn vui vì nó có mục đích và hy vọng. Con người không chỉ sống bằng
những gì thuần túy nhân loại nhưng còn bằng ân sủng và Lời Chúa.

Cùng lúc là linh cảm về sự huyền nhiệm của Thiên Chúa. Điều này xảy ra
vì "thiên thần của Thiên Chúa bao quanh những ai biết kính sợ Người"
(TV 34:7). Linh cảm này không phải là nỗ lực do con người tự khởi động
mà có. Tiên tri Ysaya tiết lộ lòng kính sợ Thiên Chúa là ơn ban tặng
từ Chúa Thánh Thần (Ysa 11:1-2). Còn Thiên Chúa cho biết: "Ta đặt sự
kính sợ Ta trong lòng chúng để chúng không lìa xa Ta" (Giê 32:40). Như
vậy, việc chúng ta có thể làm, trong ý thức tự do, là hoàn toàn tin
cậy và mở lòng ra để ân sủng "kính sợ Thiên Chúa" tràn vào.

Vì yêu chúng ta, nên Thiên Chúa không muốn xa chúng ta. Đó là lý do
Người cấy đức kính sợ vào tâm hồn chúng ta. Vì vậy khi chúng ta ngây
ngất trong trạng thái kính sợ Thiên Chúa cũng là lúc tâm hồn chúng ta
rung động trong tình yêu. Về phía Thiên Chúa, "Người sẽ hoàn mỹ ước
nguyện cho những ai biết kính sợ Người" (TV 147:11). Về phía chúng ta,
yêu mến là sợ làm đau lòng người yêu. Đức Giêsu muốn chúng ta vì yêu
mà nghe lời Người, chứ không phải vì sợ, "Nếu ngươi yêu ta, ngươi hãy
giữ điều răn của ta" (Gio 14:15). Như vậy có sự liên kết giữa kính sợ
và đức mến. Yêu mến mà không kính sợ thì không bền vững. Sợ mà không
có yêu sẽ trở thành nô lệ. Yêu mến trong kính sợ khiến linh hồn bám
chặt vào Thiên Chúa và không muốn mất Chúa.

Những linh hồn biết kính sợ Thiên Chúa sẽ chỉ có yêu thương và nhường
nhịn lẫn nhau. Những người không kính sợ Thiên Chúa, họ chỉ có những
khủng hoảng sợ hãi từ chính họ và những gì xung quanh họ. Họ sẽ hăm hở
khai thác tài vật và bóc lột lẫn nhau. Họ sẽ xây tháp cao để tích trữ
tài sản và để ẩn mình trong đó hưởng thụ. Họ sống tách biệt với tha
nhân. Họ là nơi tạo ra bất công và hận thù. Rồi vì cạnh tranh ích kỷ,
họ sẽ giết lẫn nhau hay tự giết chính họ. Nếu không thể tin tưởng vào
Thiên Chúa thì họ không còn có thể tin tưởng vào bất cứ cái gì, kể cả
chính họ, và đó là nguồn gốc của chiến tranh.(3)

Kính Sợ Thiên Chúa Là Sự Khôn Ngoan

Sách Khôn Ngoan đưa ra một lý giải đầy ấn tượng: "kính sợ Thiên Chúa
là khởi đầu của sự khôn ngoan" (KN 1:7). Có lẽ chúng ta nên mượn cảm
nghiệm của thánh Phaolô để tiếp cận ý tưởng kỳ diệu này. Đã có thời
Phaolô tưởng mình là người khôn ngoan. Đến khi nghe tiếng Đức Giêsu
gọi, ông thất kinh đang ngồi trên lưng ngựa rớt xuống đất. Trong trạng
thái kính sợ Thiên Chúa tràn ngập tâm hồn, ông tỉnh ngộ. Sau đó thánh
giải thích, sự nhận biết Thiên Chúa mới đích thực "là sự khôn ngoan
của chúng ta". Chân lý vĩnh cửu từ Thiên Chúa vượt xa mọi sự thông
thái trần thế (1Cor 1:19-30). Thánh cảnh cáo, ai sống theo khôn ngoan
thế gian, chỉ là kẻ "điên rồ", vì sẽ không nhận được Thần Khí Thiên
Chúa. "Thần Khí của khôn ngoan và trí tuệ" (Isa 11:2).

Như vậy không thể có hiểu biết chân lý siêu việt nếu không được điểm
đạo bằng lòng "kính sợ Thiên Chúa". Càng tha thiết kính sợ Thiên Chúa
bao nhiêu càng hiểu Lời Chúa bấy nhiêu, và ngược lại. Các vị tu đức
thần bí, như thánh Gioan Thập Tự Giá, biết rõ điều này hơn ai hết. Sự
khôn ngoan bắt đầu từ sự bừng tỉnh nhận ra quyền năng siêu việt tối
cao của Thiên Chúa và cái giới hạn nhỏ nhen của tri thức con người. Vì
con người nhận ra vị trí thụ tạo mỏng dòn của mình, nên "kính sợ Thiên
Chúa [trở thành] nguồn suối của sự sống" (CN 14:27). Kính sợ Thiên
Chúa cũng là đầu nguồn của đức tin, vì Đấng cội nguồn là giải đáp cho
mọi vấn đề. Ân sủng của đức tin là sự cứu rỗi và "chúng ta nhận được
một vương quốc không thể lay chuyển" (DT 12:28).

Kính sợ Thiên Chúa là sự khôn ngoan vì sẽ kích động óc sáng tạo của
chúng ta trong chiều hướng phát triển nhân cách. Chúng ta nhận ra giá
trị tâm linh của đời sống và giá trị của thế giới. Chúng ta sẽ không
ngoảnh mặt lại với thế gian. Chúng ta sẽ có thể yêu thương những kẻ
không đáng yêu và không đáng tin tưởng. Nói cách khác chúng ta sống
hoà nhập vào Thiên Chúa, như cành nho nối liền với thân nho, để tiến
hóa nhân cách. Vì cần thiết như vậy, nên các giáo phụ mới kêu gọi
chúng ta, "Các con hãy lại đây, hãy lắng nghe, ta sẽ dậy các con biết
kính sợ Thiên Chúa" (TV 34:11). Nếu kính sợ Thiên Chúa chỉ là sự kinh
hoàng của giác quan thì chẳng cần phải học, vì ngay cả thú vật cũng
biết sợ hãi. Nhưng kính sợ là cách sống tâm linh, cho nên cần phải học
mới biết. Ngược lại "chỉ những kẻ ghét khôn ngoan mới chọn không kính
sợ Thiên Chúa" (CN 1:29). Vậy "hãy tỏ ra lòng biết ơn dâng lên Thiên
Chúa lòng kính sợ để làm đẹp lòng Người" (DT 12:28).

Kính Sợ Thiên Chúa Sẽ Hết Sợ Hãi

Nếu mỗi khi tưởng nhớ đến Thiên Chúa chúng ta chỉ có lòng sợ hãi, thì
nhận xét của Jung về tôn giáo không phải là những lời trống rỗng. Kitô
Giáo, vào thời trung cổ, đã có thời đặt nặng sự giáo huấn vào chủ đề
trừng phạt. Lối nghiêm huấn kết án đã vô tình gieo rắc sự sợ hãi trong
lòng tín đồ. Thiên Chúa không còn là Đấng yêu thương và tha thứ nhưng
là vị quan tòa nghiêm khắc thích soi mói để kết án và trừng phạt.
Nguồn gốc của sự sợ hãi này là sự diễn dịch lạc hướng về mặc khải kính
sợ Thiên Chúa. Đáng tiếc quan niệm này vẫn còn tồn tại nơi một số cộng
đồng khép kín. Nhiều phụ huynh vẫn khai thác đề tài hỏa ngục để răn đe
con cái và dùng nghi thức phụng sự làm phương cách trừng phạt. Chẳng
hạn bắt kẻ phạm lỗi đọc một tràng kinh Mân Côi để "đền tội". Có thể kẻ
phạm lỗi đã cảm thấy bị ép buộc phải trả bài đọc kinh ngoài ý muốn,
nhất là khi "bị" đọc kinh đền tội quá nhiều. Có thể họ đã tin rằng tội
được tha nhờ thi hành án phạt. Có thể họ đã không nhìn ra tội được tha
là nhờ ở tình yêu của Thiên Chúa. Thánh sử Gioan khuyên, "Trong tình
yêu không có sợ hãi. Tình yêu trọn hảo xua đuổi sợ hãi, bởi vì sợ hãi
giả định có sự trừng phạt. Ai còn sợ hãi thì không trọn hảo trong tình
yêu" (1Gio 4:18).

Khi kính sợ Thiên Chúa, chúng ta cũng không còn lý do để sợ hãi cuộc
đời, ngay cả Satăng và các tà thần, cho dù chúng có thể giết chết
chúng ta. Đức Giêsu đã trấn an, "Đừng sợ kẻ chỉ giết được xác. Hãy sợ
Đấng có thể hủy diệt cả xác lẫn linh hồn" (Mat 10:28; Luc 12:4-5). Câu
nói không thuần là lời đe dọa hay giảng giải trí thức, nhưng là một
mặc khải tình yêu. Đức Giêsu đã chiến thắng quyền lực Satăng và sự
chết. Nếu cần sợ hãi, Thiên Chúa mới là đấng duy nhất tối cao trong vũ
trụ đáng để sợ hãi, nhưng Thiên Chúa lại không muốn chúng ta sợ hãi
Người (Ysa 8:12-13). Gương các thánh tử đạo đã chứng tỏ uy lực tâm
linh không sợ hãi quyền lực bóng tối, không sợ thế gian, và không sợ
cái chết, nhưng kính sợ Thiên Chúa trong yêu thương và tự do.

Khi kính sợ Thiên Chúa chúng ta cũng không còn sợ hãi kẻ dữ. Chúng ta
tin rằng những lời thóa mạ của chúng không phải là tiếng nói quyết
định cuộc sống. Trên đầu kẻ dữ vẫn còn lời công chính của vị thẩm phán
tối cao. Vững tin hơn, vì Đức Giêsu đã nói, "Đừng sợ vì Ta ở với con"
(CV 18:9). Đối lại, chính lòng vững tin của chúng ta lại là phương
cách răn đe những kẻ dữ tâm hồn chai đá. Chúng ta nhắc cho chúng biết,
vẫn còn một tòa chung thẩm đang chờ đợi phán xét, mà chắc chắn chúng
không thể trốn thoát. Chúng sẽ chùn tay lại. Người xưa không thiếu gì
người đã có kinh nghiệm "Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi
ai? Chúa là Đấng phù trợ kíếp sinh tôi, tôi phải sợ chi ai" (TV 26:1).
Vậy "hỡi những ai kính sợ Thiên Chúa hãy xưng ra, vì tình yêu của
Thiên Chúa tồn tại muôn đời" (TV 118:4).

Kính Sợ Thiên Chúa Là Linh Đạo Tu Đức

Sách Cách Ngôn nói, "Kính sợ Thiên Chúa là thù ghét tội lỗi" (CN
8:13). Ở đây chúng ta lại có thêm một định nghĩa đầy ấn tượng về kính
sợ Thiên Chúa hướng về chiều tu đức. Kính sợ Thiên Chúa tạo nên một
định lực tu đức rất thâm trầm nhưng mạnh mẽ. Nếu chúng ta kính sợ
Thiên Chúa và nếu Người ở khắp mọi nơi, chúng ta sẽ không làm điều sai
trái trước sự hiện diện của Người (HC 36:1). Thánh Yob cũng thú nhận
rằng vì kính sợ Thiên Chúa mà xa lánh tội lỗi (Yob 1:1-8). Đến đây,
chúng ta thấy rõ nghĩa hơn câu nói, xem ra bí hiểm, của thánh Phaolô
khi khuyên dân thành Philipê, "Hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà làm nên
sự cứu rỗi của anh em, vì ấy là Thiên Chúa tác động trong anh em theo
Thánh Ý và làm hài lòng Người" (Phi 2:12-13).

Nếu sống với lòng run rẩy, vậy Thiên Chúa không còn là một thần linh
của quá khứ. Lòng kính sợ giúp ta hiện tại hóa Thiên Chúa, điều mà
thần học gọi là vĩnh cửu hóa hiện tại. Rõ ràng hơn, kính sợ Thiên Chúa
là hằng ngày đi trong đường lối của Chúa và yêu Chúa. Thiên Chúa trở
thành con đường hiện thực và là sự thật của đời sống hiện tại (Gio
14:6). Vì vậy những ai biết bước đi trong công chính là những người
biết kính sợ Thiên Chúa (CN 14:2).

Về mặt tích cực, biết kính sợ Thiên Chúa là biết đặt trọng tâm vào
những giá trị đích thực để khỏi rơi vào nếp sống ích kỷ và vô vọng.
Kết quả là chúng ta không sống theo cung cách tách biệt giai cấp,
nhưng góp phần tạo sự thiện lành cho thế giới. "Bởi khiêm nhường và
kính sợ Thiên Chúa là sự giàu có, là danh dự và là sự sống" (CN 22:4).
Đó là linh đạo tu đức.

Đức Giêsu nói gánh của ta nhẹ nhàng. Satăng diễn dịch lại cho chúng ta
thấy gánh của Thiên Chúa nặng nề đáng sợ vì Thiên Chúa muốn đày đọa
con người. Nếu sợ Thiên Chúa, chúng ta sẽ mắc bẫy Satăng. Nhưng nếu
biết kính sợ Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết định tâm suy nghĩ lời Giavê,
"Đừng sợ vì ta ở cùng ngươi" (Yêr 1:8). Đức Giêsu sau đó lập lại, "Ta
sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mat 28:20). Trong thánh lễ
hằng ngày các linh mục cũng nhắc nhở "Chúa ở cùng anh chị em". "Ở
với", "ở cùng" là ngôn ngữ của tình yêu khi không muốn xa nhau, khi
không muốn đào hố sâu ngăn cách. Chúng ta nên thật sự cảm nhận sự khôn
ngoan này.

nguon:nuocviet.online

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Ánh Sáng Đẩy Lui Bóng Tối (1/31/2009)
Satan, Mi Là Ai? (1/31/2009)
Chúa Giêsu Kitô-lời Thiên Chúa Uy Quyền (1/31/2009)
Nụ Cười Thanh Thản Tâm Tư (1/29/2009)
Lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ (1/29/2009)
Tin/Bài khác
Hành Trình Đức Tin (1/27/2009)
Mùa Xuân Im Lặng Trong Ðôi Guốc (1/26/2009)
Sống “năm Thánh Phaolô” (1/26/2009)
Lời Chúc Tết Của Thiên Chúa (1/26/2009)
Lì Xì Cho... Chúa Giêsu (1/26/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768