Mang Theo Lời Kinh Mẹ Đọc Trong Đời
Trần Thu Miên
Là người Công Giáo từ thuở chào đời. Mẹ dạy đọc kinh khi chưa biết nói. Được ăn học cả thời niên thiếu ở tu viện khổ tu Châu Sơn, Đơn Dương, Tuyên Đức. Nhưng niềm tin của tôi đã có lúc lung lay tận gốc rễ. Đã có những giai đoạn trong cuộc đời, tôi sống như người chưa bao giờ biết Chúa. Tôi quên đi nhà thờ mỗi tuần, hay có đi cũng chỉ vì ánh mắt hay nụ cười giai nhân. Mặc dù trong cơn khốn khó gian nan, tôi vẫn cầu xin. Niềm tin những lúc như thế là niềm tin ích kỷ bởi vì tôi chỉ nghĩ đến tôi, chỉ cầu xin cho riêng mình.
Đức tin tôi lung lay xáo trộn trọn tuổi hai mươi vì đời đã cho tôi lo âu sợ hãi, hoang mang nghi ngờ, và chán chường tuyệt vọng. Đối diện với cuộc chiến ở quê hương, với cái chết của người quen, với xáo trộn xã hội, với bất công, và đe dọa làm tôi mất niềm tin vào cuộc đời. Rồi từ mất mát này đến mất mát nọ, tôi xa dần tôn giáo, xa dần những sinh hoạt đức tin tưởng như không bao giờ quên được.
Một buổi sáng chủ nhật ở Đà Lạt, lúc đó đang theo học năm đầu ban triết ở đại học, thức dậy trong cơn chán đời trầm trọng, tôi quyết định bỏ lễ. Sau đó, cả tuần áy náy bất an về việc bỏ lễ. Rồi một tuần, hai tuần, ba tuần trôi đi; Tâm hồn dần già chai lỳ. Việc bỏ đi lễ chủ nhật không còn làm tôi băn khoăn áy náy nữa. Sau này lớn lên, mới nhận thức rằng người ta phải mất nhiều thời gian, công sức để học làm những việc đạo đức, nhưng nếu bỏ ngỏ không tiếp tục thì chẳng bao lâu tâm hồn ta chai đá và việc làm đạo đức quen thuộc sẽ trở nên vô nghĩa nhàm chán.
Mùa giáng sinh cuối cùng trước khi rời quê hương, tôi đi lễ nhà thờ Con Gà với vài người bạn. Đến nhà thờ trễ. Đứng cuối nghe thánh ca. Nhưng tâm hồn không còn rung động như lúc hát hay nghe thánh ca trong những đêm giáng sinh ở đệ tử viện Châu Sơn Đơn nữa. Đó là lần đầu tiên, tôi đến nhà thờ với trái tim người vô đạo. Từ sau lễ giáng sinh đó, tôi bắt đầu khoảng đời không còn niềm tin, xa rời tôn giáo. Quê hương cũng chuyển mình vào mùa ly loạn, tàn khốc cực kỳ. Tin chiến tranh, tin động viên, tin về tham nhũng, tin về những mất mát, thua trận, chạy lan ra như những đợt sóng thô bạo đẩy xô vào lòng người đã ngập ứ những hoang mang, chán chường, nghi ngờ, mệt mỏi.
Theo sóng người tản cư, tôi đi không định hướng, không mục đích rõ ràng. Vẫn thầm đọc kinh trong những đêm di tản lênh đênh ngoài biển. Lúc đó tôi tưởng chuyến đi của mình đầy hãi hùng nguy hiểm. Sau này nghe chuyện vượt biên của người nhà, bạn bè, và người quen mới biết cuộc ra đi của mình chả có gì đáng nói. Nhưng nếu không có Chúa quan phòng tôi đã không tới bến bờ bình an, dù chuyến đi xuôi chảy dễ dàng.
Những ngày đầu tại Hoa Kỳ là thời gian hoang mang, buồn nản. Tuy thế, vì dư đầy vật chất so với quá khứ ở quê nhà, tôi xa rời tôn giáo. Trong những phút kinh hoàng ở quê hương hay trên đường di tản tôi đã cầu nguyện nhiều bao nhiêu thì nay giữa đời bình an no đủ, tôi càng ngày càng không còn cầu nguyện và sống đạo như xưa. Thỉnh thoảng những lúc tuyệt vọng hay cô đơn quá, tôi mới cầu nguyện. Có những khi bị cuốn lôi vào dòng đời điên loạn, ham vui, lo cơm áo, tương lai, tôi quên bẵng Chúa trong đời. Tưởng như đời sống chỉ cần công ăn việc làm vững vàng, bằng cấp, danh vọng, cửa nhà, vợ con là đủ. Nhu cầu vật chất và mộng ước trần gian đã nhiều lần đẩy xô tôi ra ngoài niềm tin tôn giáo.
Cũng may, tôi đã được nuôi dưỡng bằng lời kinh của mẹ tôi, người đàn bà chất phác quê mùa, nhưng niềm tin sắt đá, vô biên. Mẹ mù chữ, nhưng thuộc lòng kinh bổn. Mẹ không may mắn được cầm trên tay cuốn Thánh Kinh, nhưng thuộc nằm lòng những lời Kinh Thánh mẹ nghe đọc ở nhà thờ. Mẹ không hiểu Giáo Lý, không biết Thần Học, mù tịt về Giáo Luật, nhưng mẹ sống bắng đức tin Công Giáo và sống vì đức tin ấy mỗi ngày. Tôi đã nghe mẹ nói ngàn lần: "Con hãy nhớ, được lời lãi cả thế gian, mà chết mất linh hồn thì ích gì!" Có những lúc bất chợt nhớ mẹ, tôi nghe rõ trong hồn, giọng mẹ đọc kinh rề rề, thành khẩn. Còn nghe cả tiếng cầu xin thì thào trên môi mẹ. Không quên được giọng mẹ hát thánh ca sau những buổi kinh tối gia đình, nghe quê mùa, mộc mạc, nhưng sống động, tin yêu, thành kính. Nhiều lúc tôi nghĩ mẹ lẩm cẩm, chỉ biết tin và giữ đạo mù quáng. Nhưng sau này lớn lên, tôi mới nhận thức rằng, niềm tin chân thành đơn sơ là niềm tin vững mạnh, bền lâu.
Niềm tin tôn giáo trong tôi đã chuyển mình thay đổi theo tuổi đời. Khi bước vào tuổi ba mươi, tôi bắt đầu nhận ra đời sống thu nhỏ dần, và nhu cầu tâm linh cũng nảy mầm theo sự nhận thức mới về cuộc đời. Niềm tin tôn giáo trở lại mạnh mẽ hơn lúc bước vào tuổi bốn mươi. Tôn giáo càng ngày càng trở nên nhu cầu tâm linh cần thiết. Càng ngày tôi càng thấy mình bé nhỏ lại. Càng ngày càng thấy niềm tin chính là tình yêu. Và chỉ có niềm tin và tình yêu mới đem lại bình yên. Càng ngày càng nhớ và thương những lời kinh, tiếng hát quê mùa của mẹ. Càng ngày càng khám phá ra gia tài vô giá mẹ cho là những câu kinh những bài thánh ca mẹ dạy thuở ấu thơ.
Cảm ơn mẹ đưa con vào đời bằng những lời kinh nguyện đơn sơ. Xin cho con đi hết cuộc đời với trái tim của người biết cảm nhận được hồng ân Chúa qua nụ cười tiếng khóc trẻ thơ, qua vỗ về an ủi của người yêu, qua chia sẻ thân tình của bạn bè, qua lắng lo đùm bọc của gia đình. Và xin cho con luôn luôn nhìn thấy Chúa trong mọi hòan cảnh, nơi chốn cuộc đời.
nguon: nguoivietboston.com
|