MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: lịch sử
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ls: Sàigòn Ngày Trở Lại
Thứ Hai, Ngày 12 tháng 1-2009

Sàigòn Ngày Trở Lại.

  1978

Niềm mơ ước thê thiết của tôi rồi cũng có lúc trở thành sự thực . Tôi
được tạm tha . Chuyến xe đưa tôi trở lại Sài Gòn khởi hành từ Bảo Lộc,
một tỉnh lỵ cao nguyên, nơi tôi đã bị giam giữ nhiều năm . Tôi quá mệt
và quá đói nên cứ gục người mà ngủ, trên một chiếc xe đò bẩn thỉu và
chật chội .

Khi tôi tỉnh giấc, xe đã vào đến Hố Nai . Ngay từ khi còn bé, trên
những chuyến xe đi từ Đà Lạt xuống Sài Gòn . Vẫn những hình ảnh quen
thuộc lại hiện ra trước mắt . Từng căn nhà nho nhỏ nối tiếp nhau, với
vài ba cây ăn trái và khoảng sân rào dậu chung quanh . Qua một con
đường lỗ chỗ ổ gà, xe chạy thật chậm . Tôi nhìn kỹ hơn vào từng căn
nhà và suýt kêu lên vì thảng thốt . Trên mọi bức tường chính diện đều
có vẽ một lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ . Bên trong, cạnh ảnh Chúa lồng
khung kính còn có thêm tấm ảnh chân dung của Hồ Chí Minh . 1954-1975:
hai mươi mốt năm, thời gian tuy có dài nhưng vẫn chưa đủ an toàn cho
một lần chạy chết . Hố Nai, Gia Kiệm, Giốc Mơ, Phước Tỉnh …và bao
nhiêu địa danh nữa không còn là nơi nương náu an bình cho những người
dân miền Bắc di cư . Họ đã bị cộng sản bắt lại ngay giữa miền Nam .
Tôi chưa kịp tìm hiểu về những đòn thù mà họ đã và sẽ phải chịu đựng,
nhưng chỉ cần nhìn cảnh tượng những giáo dân ngoan đạo phải treo cờ và
chưng hình của kẻ thù không đội trời chung bên ảnh Chúa, cũng đủ cho
tôi cảm nhận được thấm thía nỗi uất hận trong lòng những người không
may đó .

Từng ngôi nhà thờ xưa cũ vẫn còn nằm cách quãng dọc theo quốc lộ .
Tháp chuông rêu phong, buồn tủi . Sân cỏ vắng vẻ đìu hiu . Hình tượng
Chúa trông vẫn nhân từ nhưng không dấu được nỗi ưu phiền, trên thập tự
. Lạy Chúa con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ở trên Trời . Kính
xin ngài xót thương cho hàng chục triệu tín đồ đang bị vùi dập khốn
đốn trên phần đất quê hương tù ngục này, cũng xin ngài đoái thương cho
cả dân tộc bất hạnh của con . Nếu thực đây là thánh ý thì nhiều năm
qua đã là một thời gian thử thách đủ dài cho một kiếp nhân sinh ngắn
ngủi rồi !

Đức Tu vắng lặng, thưa người . Đường phố chỉ phơi bày một nếp sống cầm
hơi . Tôi chạnh nhớ đến những ngày cả tỉnh Biên Hoà đông vui náo nhiệt
mà thấy não lòng . Rồi xe bắt đầu đi vào xa lộ . Đường rộng thênh
thang . Không còn những đoàn xe vận tải, du lịch ngược xuôi tấp nập .
Cũng hết rồi hình ảnh của những cô cậu choai choai chở nhau bằng xe
Honda chạy những đường lả lướt: ghé Thủ Đức ăn nem, lên Biên Hòa ăn
bưởi, rồi về hồ tắm Thiên Nga ngồi nhìn đùi nhìn ngực nhau chơi . Hết
giờ chơi lâu rồi thì phải ?

Thảng hoặc, cũng có vài cái xe đò chạy ngược chạy xuôi chiều, chất
chứa đầy nhóc khách hàng, quang gánh và khoai củ . Những chiếc xe cũ
nát, ì ạch, nặng nề chuyển bánh được nhờ vào thùng nhiên liệu tròn,
cao hai ba mét. gắn ở phía sau .

- Đi mấy cái xe chạy bằng than kiểu này đỡ hao tốn xăng dầu cho Nhà
Nước và …ấm lắm đó nha !

Có hành khách buột miệng thốt lên một nhận xét mỉa mai . Nhiều nụ cười
nửa miệng, nở vội trên những gương mặt xanh xao, mệt mỏi . Mùa Đông ở
một nơi có tuyết mà được chen chúc nhau trên xe đò với thùng than rực
lửa như vậy thì ấm cúng và hạnh phúc thật . Tiếc thay, Sài Gòn không
có mùa đông !

Cách Mạng Về, thật sự, đã có lúc là niềm ước mơ làm ấm lòng không ít
những người dân miền Nam cùng khổ . Bây giờ thì Cách Mạng Về đến nơi
lâu rồi . Chắc chắn đâu có ai viễn vông đến độ nghĩ rằng Đảng sẽ gắn
máy lạnh trên xe đò quốc doanh, nhưng cũng chả người nào ngờ được rằng
Nhà Nước lại nỡ đặt nguyên cả cái thùng than rực lửa vào sau những
chiếc xe luôn luôn chật ních người như thế . Đến nông nỗi này thì e
rằng ấm quá . Giá Cách Mạng đừng về thì hay hơn .

Xe đến Thủ Đức . Thủ Đức – Sài Gòn 12 KM . Cái bảng xanh nho nhỏ với
giòng chữ trắng đã úa màu vẫn còn nằm nguyên ở vị trí cũ . Tôi cúi mặt
tránh ánh mắt soi mói của một tên công an lưu thông đang đứng ở ngã tư
. Không dưng mà thấy nhớ và thương quá một thằng …quân cảnh !

Bên phải là đường dẫn vào chợ Thủ Đức, bên trái là đường dẫn vào
trường Bộ Binh . Tôi nhìn mãi vào con đường nhỏ vắng lặng đó và tưởng
như tim mình đập hụt liền mấy nhịp . Khi còn là sinh viên sĩ quan, tôi
rất sợ và chán ngán những ngày tháng sống ở quân trường . Trời ơi, lúc
hớn hở vác ba lô về đơn vị làm sao tôi ngờ được rằng lại có một buổi
trưa mình cúi mặt đi qua trường cũ với cái tâm cảm bùi ngùi đến thế !

Đã có lúc tôi vô cùng thành thực khi nghĩ rằng: Chiến tranh là một
hình thức sinh hoạt tồi tệ nhất của loài người ! Sự hà khắc, bạo ngược
của chủ nghĩa cộng sản đã dạy cho tôi một quan niệm mới: trong nhiều
trường hợp người ta bắt buộc phải cầm súng để chiến đấu đến giọt máu
cuối cùng: nếu đây không phải là điều vinh dự thì vẫn là bổn phận cần
thiết . Chao ôi, có phải tôi đã biết đến điều này muộn màng quá rồi
không ? Bây giờ tôi mới thấy khát khao được cầm súng chiến đấu chống
cộng sản dưới một lá cờ !

Xe chầm chậm chạy qua cầu Rạch Chiếc . Giòng sông đục vẫn hiền hòa
chuyển mình dưới nắng . Hai bên bờ ô rô, dừa nước vẫn xanh um . Tôi đã
có lần ngâm mình dưới giòng nước đó khi thực tập bài học Đại Đội Vượt
Sông . Tự nhiên mà nhớ đến ông già Heraclite: "Người ta không bao giờ
tắm hai lần trong cùng một giòng sông" . Thời gian qua đã bao nhiêu là
nước chảy qua cầu rồi ? Như mới hôm nào tôi còn là một cậu sinh viên
sĩ quan vừa tròn hai mươi tuổi . Bây giờ tôi đã sắp ba mươi . Gần ba
mươi năm cằn cỗi, tang thương, thảm hại dù chỉ mới sau ba năm phải cắn
răng để chịu lãnh những trận đòn thù .

Có cái cảm giác hoa mắt và choáng váng đến bất chợt . Tôi nhắm vội và
gục đầu vào ghế xe . Thời gian gần đây - thỉnh thoảng – tôi vẫn phải
đứng gục đầu vào cán cuốc vài giây khi bị choáng váng và hoa mắt như
vậy . Rồi tôi lại vội ngẩng đầu lên, tiếp tục mở lớn mắt

Nhìn cảnh vật hai bên đường . Bỗng dưng tôi sợ rằng mình gục xuống
thình lình rồi không bao giờ còn trỗi dậy được nữa . Tôi không thể và
không có quyền gục ngã vào lúc này, khi mà quê hương còn đầy bóng giặc
. Bằng mọi giá tôi phải sống chứ . Mạng sống bây giờ là vũ khi duy
nhất mà tôi còn có được để đối phó với kẻ thù . Dù thế nào chăng nữa
tôi nhất định không câm nín, chấp nhận thân phận của một kẻ chiến bại
cho đến hết đời .

Xa đến Nghĩa Trang Quân Đội . Pho tượng Tiếc Thương không còn đặt ngay
trước cổng . Điều này làm tôi hài lòng . Chỉ mong kiệt tác này đã được
vùi chôn ở một nơi nào đó . Nghệ thuật là sản phẩm của con người .
Ngợm không thể và không có quyền thưởng thức . Hai chữ tiếc thương
cũng không còn đủ ý nghĩa trước mộ phần của những chiến hữu đã hy sinh
. Bây giờ ngoài sự tiếc thương, những người sống sót còn có bổn phận
phải căm thù, và hận thù này phải được trả bằng máu mới cam lòng những
người đã khuất .

Tôi nhìn sâu vào phía trong . Khoảng cách khá xa nên tôi không thấy gì
được rõ ràng, ngoài một vùng um tùm cỏ dại . Chắc tất cả các mộ bia
rồi cũng đều phải ngả nghiêng dưới những gót chân dày xéo . Trời ơi,
làm sao em biết bia đá không đau . Tôi thốt nhớ đến lời nhạc của Trịnh
Công Sơn mà muốn rơi nước mắt . Tôi thương cho những kẻ đã thẳng lưng
chiến đấu cho đến chết, và xót cho người nhạc sĩ tài hoa đã phải gập
lưng để còn sống sót dưới một chế độ bạo tàn, mọi rợ !

Cuối cùng xe đi vào trung tâm thành phố . Đường Đinh Tiên Hoàng, rạp
chiếu bóng Đakao – may quá - vẫn còn . Chỉ mất đi những khung vải
quảng cáo quen mắt thật to và đẹp . Thay vào đó là những khung hình
nhỏ xíu, sơn phết lem nhem, trông bẩn thỉu và bần tiện, với những tên
tài tử vô danh, xa lạ: A-li-cốp, Bô-nhi-sô-lốp và gì gì đó …. Không
dưng mà tôi thèm được nhìn lại những khuôn mặt mà đã có lúc mình vốn
không ưa : Lý Tiểu Long, Vương Vũ, Alain Delon, Hùng Cường, Út Bạch
Lan hoặc bất cứ ai !

Tiếp đến là đường Hiền Vương . Những tiệm phở đều đóng cửa dù bảng
hiệu vẫn còn nguyên hình những con gà vàng với chấm mắt đen . Trông
chúng cũng có vẻ ngơ ngác như chưa kịp hiểu hết cái cảnh đời tang
thương dâu bể .

Xe dừng lại ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ . Tôi chợt để ý có sự thay đổi .
Đường Hiền Vương đã trở thành Võ Thị Sáu; và Pasteur có tên mới là
Nguyễn Thị Minh Khai . Dãy xe phở bò ở cuối con đư ờng này cũng không
còn nữa . Có lẽ chị Sáu không thích ăn phở gà và chị Khai thì kiêng cữ
thịt gà; hoặc giả, phở - nói chung – là một món ăn có quá nhiều thịt
mỡ và thiếu mùi vị cách mạng nên cả hai chị đều không ưa . Vì vậy tôi
đoán từ ngày mang tên hai chị thì tất cả những hàng phở trên hai con
đường này đều sụp tiệm !

Cái gọi là cách mạng tháng 04 năm 1975 kể ra cũng mang lại cho nhân
dân lao động ít nhiều bình đẳng . Lịch sử bây giờ không còn là nơi
dành riêng cho vua chúa hay một giai cấp đặc quyền, đặc lợi nào nữa .
Hiền Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực …. đều đã bị đẩy xê ra
chỗ khác cho anh Trổi, anh Phong, chị Khai, chị Thối …. nào đó nhào
vào lịch sử !

Sau khi chống Pháp, chống Mỹ, chống Nước Bạn Trung Quốc Vĩ Đại và bè
lũ phản động quốc tế, chương trình được tiếp nối bởi những công cuộc
xâm lăng những nước xã hội chủ nghĩa anh em nho nhỏ nằm kề . Đảng và
Nhà Nước đã và đang luôn luôn tạo cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân đi
vào lịch sử . Chả biết bao giờ thì trên mới quyết định cho mọi người
được nghỉ xả hơi để hưởng Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc ? Và nếu thực sự
có một lúc như vậy thì e rằng số liệt sĩ xếp hàng đi vào lịch sử sẽ
đông hơn thường dân . Thế nào chả có cảnh xô đẩy, chen lấn, dành giật
đánh nhau đến vỡ đầu chảy máu, hoặc lại xảy ra chuyện chợ đen, chợ đỏ,
rất có phương hại đến tinh thần và đạo đức cách mạng . Nếu nhờ vào hên
mà Đảng chưa đẩy toàn dân đến bước đường diệt chủng, thì rồi lại cũng
đến tội cho lũ sử gia con cháu – sau này . Tụi nhỏ - chắc chắn - chả
thế nào viết lại được những trang sử dễ coi .

Xe vẫn vào bến Pétrus Ký, với cái tên mới là Lê Hồng Phong . Sự hỗn
loạn xảy ra trước khi xe kịp ngừng bánh . Chừng hai mươi người đàn bà,
lôi thôi, lam lũ vừa chạy theo xe vừa nhao nhao hỏi:

- Có cái gì bán không ? Có mang trà, cà phê, gạo hay lê-ghim không cậu ?

Tôi lắc đầu, cười bối rối khi phải đối diện với những khuôn mặt đỏ gay
đang thò sát vào thành xe . Tôi chưa hiểu ra câu hỏi của họ . Những
hành khách khác cũng lắc đầu cười; họ cười mà như mếu:

- Không, không có gì đâu . Ở nhà mãi sốt ruột không chịu được thì đi
thử, vậy thôi . Chúng nó làm kinh bỏ mẹ, còn ai mà dám bán mua gì nữa
. Có mà sạch vốn và rũ tù ấy chứ, chả chơi đâu .

Chiếc xe gần như đứng khựng lại giữa một hàng rào xích lô đạp, xích lô
máy, Honda ôm ở vòng ngoài; và một vòng những người đàn bà lếch thếch,
nhễ nhại sát xung quanh . Sau một hồi xoay trở khó khăn, vô hiệu;
người tài xế bất lực, đưa tay quệt mồ hôi trán, thở dài:

- Trời, đã nói là không có trà, cà phê, gạo bắp gì đâu mà . Tụi nó xét
đột xuất ghê thấy mẹ cả tuần nay rồi, bộ mấy bà không biết sao mà hỏi
hoài vậy ? Buôn bán cái con khỉ gì nữa ở cái thời buổi chó má này !

Câu nói có vẻ thấm . Những bà bán hàng dãn dần ra . Giữa cái vẻ im
lặng bất chợt của họ, tôi thấy rõ trong ánh mắt từng người nỗi chán
chường và tuyệt vọng . Tôi mủi lòng nghĩ đến những người thân yêu: mẹ
và chị của mình . Ôi, những người mẹ và người chị Việt Nam một đời tảo
tần, đôn đáo, chịu thương chịu khó trăm chiều để giữ cho dân tộc tôi
khỏi bị diệt vong . Họ đã âm thầm chịu đựng hy sinh qua biết bao nhiêu
là biến cố đau thương dồn dập xảy ra trên cái phần quê hương bất hạnh
này rồi ? Lịch sử khang trang vẫn thường không có chỗ để dành cho
những người đàn bà Việt Nam anh dũng và vô danh đó .

Rồi đến lượt những khuôn mặt đàn ông đen đủi, gầy gò thò hẳn vào khung
cửa, ngay khi xe dừng bánh:

- Xích lô đạp, xích lô máy, xe ôm …. Nè thầy Hai ơi . Xe tui chạy bằng
xăng đàng hoàng, không có chết máy giữa đường đâu …. Có cái gì trên
mui không ? Tui đỡ xuống nha ?

Sau cái biến cố nghiệt ngã tháng tư năm 1975, chả hiểu Đảng đã bố trí
cho bao nhiêu đồng chí công nhân lao động xe xích lô và xe ba gác nhảy
bổ vào guồng máy lãnh đạo để …mị dân ? Nhưng riêng ở bến xe Sài Gòn
chiều hôm ấy thì số lượng những người phu xe muôn đời khốn khổ có vẻ
đông gấp ba lần ngày chưa cách mạng . Và giai cấp công nhân vô sản bây
giờ trông rách rưới, gầy ốm hơn xưa nhiều quá . Cách họ chào đón khách
hàng nghe cũng ân cần và khẩn thiết hơn . Đời sống hiển nhiên là khó
khăn và vô vọng cho mọi giới người . Vậy mà hiện tại ở nhiều nơi,
ngoài Việt Nam, vẫn có người cứ tưởng đây là cuộc cách mạng của giai
cấp công nông !

Xích lô, xe ôm bây giờ không còn là những phương tiện vận chuyển phổ
thông nữa . Chả mấy ai còn đủ khả năng tài chính để phiêu lưu trên một
chiếc xích lô đạp từ bến xe về đến tận nhà . Hầu hết hành khách đều
khệ nệ ôm hành lý đi bộ vài trăm mét ra ngã Bảy hoặc đường Trần Quốc
Toản để đón xe lam hay xe buýt .

*

* *

Và đây là Sài Gòn . Sài Gòn là Sài Gòn chứ hoàn toàn và tuyệt đối
không có dính dáng đến cái tên Hồ Chí Minh thối tha chết tiệt nào cả .
Sài Gòn trong một thời gian ngắn tôi được cho phép tạm để chờ ngày đi
Kinh Tế Mới .

Tôi đạp xa đi loanh quanh giữa trung tâm của Thủ Đô . Tôi đi, nhìn, và
sống trong nỗi bàng hoàng đau đớn của một kẻ chỉ còn quyền tạm trú
trên quê hương đang dãy chết của mình .

Dưới mắt tôi mấy năm đốt đuốc soi rừng, Sài Gòn vẫn còn phồn thịnh lắm
. Tôi ghé vào cà phê Mai Hương . Cà phê pha vợt lạt lẽo vô duyên . Tôi
"cắn răng" mua thêm hai điếu thuốc Lucky . Qua khói thuốc tôi chợt có
cảm tưởng rằng bây giờ rất có thể là một buổi chiều nào đó của những
năm 1973, hay 74 … Mấy năm tù đày chỉ tựa như là một giấc ngủ trưa
ngắn ngủi . Tôi chỉ vừa thức giấc, sau một cơn … ác mộng !

Ở mặt tiền của những con phố chính, không có gì đổi thay rõ nét lắm .
Đường phố chỉ thiếu đi những loại xe có động cơ, và thiếu những người
lính với đủ mọi quân phục, sắc phục khác nhau . Thỉnh thoảng, tôi vẫn
thấy những tà áo dài thướt tha, một vài cái jupe ngắn, hai ống quần
jean bó sát một cặp đùi thon . Vẫn có những chiếc sơ mi soie Pháp,
quần serge-Anglais cắt khéo, và những bộ mặt nhởn nhơ, vô tư y như
những con cá đang bơi lội trong chậu kính .

Chả hiểu bây giờ ở Đài Bắc, ở Vọng Các, ở Hồng Kông …các cô các cậu
choai choai ăn diện ra sao ? Riêng ở Sài Gòn thời trang không có gì
thay đổi . Cách ăn mặc của người dân Sài Gòn
(một-số-rất-ít-những-người-dân-Sài-Gòn), sau 1975 không bao giờ có thể
bị coi như là old-fashion hoặc out-of-date . Trong bức màn sắt, thời
gian và thời trang đều có khuynh hứng chuyển động lùi . Nhờ Đảng vận
dụng sáng tạo ra nền kinh tế quà biếu nên đã đổi bức màn sắt thành bức
màn tre, và giữ cho thời trang đứng mãi được một chỗ . Thường, người
ta đi theo thời trang y như là người mù đi theo con chó . Vì vậy, khi
chó cũng đã bị cột chân bởi những thứ xiềng xích cách mạng, như sổ đi
lại, giấy thông hành …thì thời trang - tất nhiên – cũng phải đứng yên
một chỗ !

Và trong khi toàn quốc đang dãy chết dưới sức đè nặng của búa liềm
cộng sản thì một số rất ít những con người may mắn vừa kể đã mang lại
cho đường phố ở trung tâm Sài Gòn một chút sinh khí . Cái sinh khí tuy
thảm thương nhưng cuồng nhiệt của những con người đang sống vội . Họ
sống như sợ rằng ngày mai sẽ không còn được sống . Ngày mai có thể họ
sẽ vào tù . Ngày mai sẽ phải có lệnh đổi tiền và kiểm kê tài sản .
Ngày mai sẽ ngưng chế độ gửi quà . Họ sống như không có ngày mai !

Mặc dù đã rơi xuống gần đến đáy của sự tuyệt vọng và khốn khổ người
dân Việt còn nỗi lo sợ và ám ảnh khủng khiếp: họ vẫn cứ sợ rằng đường
lối và chính sách của cộng sản còn nhiều thay đổi, và mỗi lúc sẽ một
thêm hà khắc, tàn độc hơn . Tất nhiên những kẻ cư ngụ ở Sài Gòn đeo
nặng nỗi ám ảnh và lo sợ này hơn bất cứ ai . So sánh một cách tương
đối, Sài Gòn vẫn được coi như là … thiên đường của Việt Nam; hay nói
đúng hơn trong cái ngục tù bao la có tên gọi là Đông Dương . Sài Gòn
mới chỉ là tầng đầu địa ngục !

Bây giờ thì tôi hiểu, hiểu thấm thía bốn chữ phồn vinh giả tạo mà cộng
sản Hà Nội vẫn thường dùng để mai mỉa nền kinh tế của miền Nam, Việt
Nam trước ngày họ đến được đây . Còn gì giả tạo hơn cái sinh khí mong
manh mà người cộng sản bắt buộc phải hà hơi tiếp sức để Sài Gòn chưa
lăn đùng ra chết ? Đúng là Sài Gòn của tôi vẫn sống . Cái vẻ tươi sáng
của một con cá nằm trong tủ lạnh . Cái vẻ giả sống như khuôn mặt ướp
của con cáo Hồ Chí Minh đặt trong lồng kính .

Sài Gòn chỉ còn là biểu hiệu cho cái nền kinh tế chưa kịp tàn lụi của
cả miền Nam . Sài Gòn vẫn thoi thóp với những điểm sống hổn hển hội tụ
nơi những con phố chính, để che đậy cho số phận của mấy chục triệu
người dân đang ngoắc ngoải chết dần mòn ở những công trường hay nông
trường heo hút . Dầu vậy, cái vẻ hào nhoáng bề ngoài của Sài Gòn vẫn
đủ sức để lòa mắt được những ký giả ngoại quốc mới vào nghề, ít kinh
nghiệm nhưng lại nhiều thiên kiến !

Dù sao hai lần đổi tiền và mấy lượt kiểm kê tài sản, người cộng sản
chưa vét được ráo nạo hầu bao của người dân Sài Gòn . Đảng và Nhà Nước
vội vàng cho lệnh hồi sinh Thanh Thế, Givral, Majestic … dưới hình
thức những cửa hàng ăn uống quốc doanh, với mục đích tạo cho Sài Gòn
còn có vẻ là một nơi sống được, và để móc túi những kẻ có tiền .

Một bữa ăn đàng hoàng, gần đủ no, tính theo giá chính thức khoảng
chừng nửa số tiền lãnh được hàng tháng của một công nhân viên có tiền
lương trung bình, và gấp năm lần tiền phụ cấp mà một anh bộ đội được
phục vụ hàng tháng . Đối tượng phục vụ của nhà nước chuyên chính vô
sản vẫn chỉ là những kẻ có hay còn tài sản . Cái định luật khắt khe
này – dù ở thiên đường vô sản – cũng miễn có loại trừ !

Tôi tiếp tục đạp xe đi chỗ này, chỗ nọ ….

Công trường Quách Thị Trang, bây giờ mới đúng là ghế đá công viên dời
ra đường phố, người già ho hen nằm thiu thiu ngủ và em bé lõa lồ khóc
tuổi thơ đi . So sánh với những lời nhạc "tiên tri" đó, chỉ có điều
khác là còn thêm cái cảnh của ba ông công an áo vàng, tay lăm lăm tiểu
liên Tiệp Khắc, lui tới đi tuần; dù vậy, trên tất cả mọi băng ghế đều
chật người nằm hay ngồi ngiêng ngửa . Mặt họ hốc hác, tóc cháy vàng
hoe, mắt lờ đờ mệt mỏi . Quần áo họ mặc trên người thì rách tả tơi và
hôi hám .

Cuộc thi đua để tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ
nghĩa – coi bộ - có nhiều người bỏ cuộc hoặc cương quyết không tham dự
. Chắc chắn những phần tử chống đối tiêu cực, lừng khừng, lười biếng
này rồi sẽ có lúc bị "nhân dân" trừng trị đích đáng . Nhưng bây giờ
thì …. chưa . Bởi lẽ, họ đông quá . Hơn nữa Nhà Nước cũng chưa rảnh để
triệu tập những toà án nhân dân lên án giới người này .

Đảng đang còn bận thanh toán cho kỳ hết tụi tàn dư ngoan cố của Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam và thanh trừng nội bộ, cùng với hàng ngàn thứ
chuyện rắc rối nhức đầu khó gỡ khác ở miền Nam .

Lãn vào giữa những khuôn mặt chảy dài của người dân miền Nam là những
khuôn mặt tỉnh táo đến độ ngơ ngác của người dân miền Bắc, mà phần lớn
là bộ đội . Họ đến miền Nam bằng nhà ga Sài Gòn; xuống khỏi xe lửa họ
đi thẳng ra công trường Quách Thị Trang . Có thể là họ phân vân không
biết là sẽ phải đi đâu và về đâu ? Cũng có thể là họ còn quá bỡ ngỡ và
nhức đầu bởi cái sinh hoạt náo nhiệt của một rừng xe … đạp hay xe gắn
máy ở Sài Gòn . Mới có ba năm, chứ không phải là ba chục năm Đảng trị
nên Sài Gòn vẫn còn vui vẻ và phồn thịnh hơn Hà Nội nhiều lắm .

Đầu đường Hàm Nghi: Chợ trời quần áo . Không hàng quán, không kiosque,
chỉ có những chiếc poncho trải vội với đủ thứ y phục của nam, phụ,
lão, ấu … Tất nhiên, toàn là đồ cũ ! Bảnh nhất là những chiếc áo
chemise hay quần tây được treo trên móc và cầm chắc trên tay người bán
. Dù chắc chắn là đã trải qua hai ba đời chủ, những bộ quần áo này sau
khi được giặt ủi lại vẫn còn có giá và được coi như bộ đồ ăn nói của
nhiều người dân Sài Gòn .

Huyền thoại về nhà máy dệt Nam Định, sau bao nhiêu năm được đài phát
thanh Hà Nội, báo Nhân Dân và nhiều tờ báo phản chiến khác ở miền Nam
thêu dệt đã khiến cho người dân Sài Gòn ngỡ ngàng khi nhìn thấy y phục
rách rưới, và vá víu của người dân Hà Nội . Và cái huyền thoại này
chết không kịp ngáp ngay trên một hè phố, bày bán quần áo cũ, ở miền
Nam . Nhân dân cả hai miền, có thể vẫn còn bất đồng ý kiến với nhau về
vài chuyện lẩm cẩm, nhưng tất cả đều cùng nhau lùng sục tìm mua cho
bằng được áo quần cũ may bằng vải … ngụy !

Giữa đường Hàm Nghi: Chợ trời đồ sắt và đồ điện . Người ta bày bán mọi
thứ vật dụng cần thiết: từ cái căm xe đạp cũ cho đến piston của máy
chạy dầu, có khả năng dùng để …. vượt biên ! Mỏ lết, kềm bấm, bạc đạn,
bù lon …đủ kiểu đủ cỡ được bầy biện nơi đây đều phải theo tiêu chuẩn
kỳ lạ là tuyệt đối cũ . Vật liệu do những công ty quốc doanh sản xuất
là coi như miễn có khách hàng . Người ta mua dụng cụ về để dùng chứ
không phải để …vứt đi !

Nếu không tìm được những phụ tùng origin của Nhật hay của Mỹ thì đành
xài đồ made in Cholon . Còn cái gì làm tại Hà Nội hay Hồ Chí Minh City
thì xin để nhà nước xuất khẩu cho nhân dân tiến bộ thế giới mua xài .
Con dân Việt Nam "chúng em" thì chả dại . Đã ở mấy năm trong chăn, chả
lẽ lại chưa biết rằng chăn có rận ! Có một hiện tượng cần phải được
ghi nhận: vài tháng sau khi vồ được miền Nam thì báo chí và đài phát
thanh Hà Nội bớt hẳn cái chuyện ba lô, khoe khoang khoác lác về những
hoạt động rầm rộ của nhà máy thép Thái Nguyên . Chả hiểu rằng cũng có
lúc vẹm biết ngượng mồm hay vì trước một thực tế quá phũ phàng như vừa
mô tả thì ngay cả những con vẹt cũng biết rằng tốt hơn là nên khép mỏ
lại .

Sôi nổi, hồi hộp và bi đát nhất là cảnh những chợ trời thuốc tây, ở
cuối đường Nguyễn Huệ hay đầu đường Trương Công Định . Không đâu mà
chuyện mua bán lại diễn ra với nhiều gian nguy và bất trắc như ở nơi
đây . Chỉ cần một chút sơ xẩy, hoặc thiếu may mắn khi có chiến dịch bố
ráp là cả người bán lẫn người mua đều có thể bị bắt đi cải tạo, với
tội danh là: mua và bán hàng quốc cấm !

Xin đừng ai hiểu lầm rằng Đảng và Nhà Nước ngăn cấm nhân dân uống
thuốc . Không hề có chuyện vô lý đó . Trên chỉ muốn rằng tất cả mọi
chuyện - kể cả chuyện đau bệnh thuốc thang - phải được diễn ra trong
vòng trật tự và kiểm soát được, thế thôi . Nếu ai mắc bệnh thì cứ mang
sổ gia đình (có tên mình trong đó) đến phường khóm để ủy viên y tế
định bệnh rồi bán thuốc . Vì tiêu chuẩn lương thực giống nhau nên sau
khi ăn vào người dân chả có lý do gì phát bệnh khác nhau được . Bởi
thế, bệnh gì rồi cũng được phát chung một vài loại thuốc giống y như
nhau thôi . Sau chừng mười lần như vậy mà bệnh không thuyên giảm và
nếu bệnh nhân vẫn còn sống, họ sẽ được cấp giấy giới thiệu để khám
bệnh tại nhà thương . Nơi đây, sau nửa ngày chờ đợi bệnh nhân sẽ được
gặp bác sĩ . May thì gặp một ông bác sĩ tốt nghiệp ở đại học y khoa
Sài Gòn, không may thì gặp phải một ông bác sĩ tốt nghiệp ở đại học y
khoa Mát-Cơ-Va hay Hà Nội . Vô phước hơn nữa thì có thể vồ nhầm một
ông bác sĩ tốt nghiệp ở …cục R . Họ cũng chẩn bệnh, cho toa và muốn
sống thì khôn hồn cầm ngay toa thuốc chạy ra … chợ trời ! Những tiệm
thuốc tây quốc doanh, nếu có mở cửa thì cũng để cho vui, chứ ít khi có
thuốc bán lắm . Và lỡ mà có bán thiệt thì chưa chắc đã có người dám
mua . Nước ngọt do Nhà Nước làm đã khiến cho vô số người vong mạng .
Bệnh chứ bộ điên sao mà đi uống thuốc tây quốc doanh !

Suy tính hơn thiệt chán rồi cũng phải đưa ra chợ trời thôi . Tất nhiên
là tốn bộn tiền . Trong trường hợp không có tiền thì chắc chết, chết
chắc ! Có ở nơi đâu trên cuộc đời này mà những kẻ không tiền vẫn còn
sống được ?

Và đây là chợ sách . Cả kho tàng văn hoá miền Nam bây giờ còn được xếp
nằm thoi thóp ở hai bên lề đường Bùi Quang Chiêu, dài đâu chừng trăm
mét . Bán sách cũ ở đây có môn bài và phải nộp thuế đàng hoàng . Đảng
và Nhà Nước có giao trước là chỉ được bán những loại sách khoa học, kỹ
thuật, thể dục thể thao hay thuần túy nội trợ đó nha . Sách khoa học -
tất nhiên - là có khách, kể cả khách ngoại quốc như Nga Sô, Hung, Bảo,
Ba Lan …. Ai mà không biết khoa học của khối cộng đi sau tụi tư bản
đâu cỡ chừng hơn một thập niên ! Chỉ cần lật vài trang cuốn sách Đường
Vào Khoa Học, hay xem qua tuần báo Khoa Học Phổ Thông của "thầy" Phạm
Hoàng Hộ là người ta có ngay một khái niệm rõ ràng về hai chữ … lạc
hậu !

Chỉ thị của Nhà Nước về việc buôn bán sách cũ - tất nhiên – là không
được chấp hành . Đảng bảo sao mà nghe vậy thì có mà chết đói . Bên
cạnh những cuốn sách giáo khoa vớ vẩn, những tác phẩm vô thưởng vô
phạt; người ta vẫn dễ dàng tìm được Arthur Koesler, Solzhenitsin,
Remarque, Georghiu …. Nguyên bản hay bản dịch . Những nhà văn chống
cộng của miền Nam như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Phan Nhật Nam …rõ
ràng được ái mộ và tìm đọc một cách cẩn thận hơn xưa . Nhà Nước càng
chi tiền nhiều cho bộ Thông Tin thì tinh thần kháng cộng của nhân dân
càng mãnh liệt . Đã đến lúc mà mọi công tác thông tin, tuyên truyền
của người cộng sản đều đã mang lại những tác dụng rất phản tuyên
truyền . Người dân miền Nam không ngu dốt và dễ gạt như Đảng mong đợi
. Sự bịp bợm, khoác lác của Nhà Nước chỉ làm cho lòng người thêm uất
hận và căm thù mà thôi .

Loại sách Học Làm Người đã dần mất khách vào những năm cuối của Nền Đệ
II Cộng Hòa, nay lại được phục hưng . Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần
và Hoàng Xuân Việt lại tiếp tục là những soạn giả được giới trẻ yêu
chuộng . Cái mệnh danh là "Đạo Đức Cách Mạng" chỉ làm lóa mắt được một
thiểu số người trong một thời gian ngắn, những ngày sau đó thì người
ta nhờm tởm . Không có một chủ thuyết nào cảm được lòng người và đủ
sức biện minh cho những hành động dã man, tàn độc diễn ra hàng ngày
dưới mắt dân chúng . Thế hệ trẻ Việt Nam, dầu sinh ra trong thời gian
ly loạn, và trưởng thành trong thời buổi nhiễu nhương, khi còn điều
kiện lựa chọn, họ phân biệt được ngay đâu là chân và đâu là ngụy ! Thà
là phải dành dụm tiền bạc hàng nửa tháng, phải tìm kiếm cả tuần lễ mới
mua được một bản dịch của André Maurois, Luiser Rinser hay Lâm Ngữ
Đường …., viết về một nghệ thuật sống nhân bản, chứ không ai chịu nổi
cái lối sống theo "Năm Điều Bác Dạy" hoặc bước vào tiệm quốc doanh để
mua những "tác phẩm" của nhà xuất bản Thanh Niên hay Phụ Nữ bán với
giá rẻ mạt là vài chục xu .

Thêm một hiện tượng nữa về sách vở cần được ghi nhận là tất cả những
sách viết về phép Tân Dưỡng Sinh của Ohsawa đều trở nên hiếm hoi và
cao giá . Lý do thì vô cùng giản dị . Sống ở một xã hội mà vài tháng
người ta mới có dịp nhìn thấy thịt cá một lần, và gạo thóc là một loại
thực phẩm xa xỉ thì ăn cơm với gạo lức muối mè, hay tuyệt thực đúng là
một phương cách dinh dưỡng rất đáng được mọi người lưu tâm .

Điều vô cùng an ủi là chợ sách Bùi Quang Chiêu – Calmette đông đúc hơn
bất cứ loại chợ trời nào khác . Cái thứ tình cảm ngược xuôi theo đúng
luật đi đường của Nhà Nước phơi bày ở những tiệm sách quốc doanh bị
khinh bỉ, coi thường một cách không dấu diếm . Khách hàng của loại này
chỉ là những người buôn bán hàng rong . Họ cần giấy tờ gói xôi hay gói
bánh mì . Sách vở của người cộng sản dùng để đọc chơi vài phút cho
biết, trong cầu tiêu, rồi dùng luôn vào việc chùi đít thì còn khả dĩ,
chứ đọc hoài cũng bị buồn nôn hay táo bón .

Dù vậy, có một sự thực mà không ai có thể phủ nhận được: dưới chiêu
bài "Bài Trừ Văn Hoá Mỹ Ngụy", người cộng sản đang tận dụng bạo lực để
cố bóp cho chết văn học và văn hoá Việt . Những cuốn sách cũ – dù được
trân trọng cất dấu, giữ gìn bởi một số người - vẫn cứ rách nát và thất
lạc dần dần theo ngày tháng ! Trong vòng vây khốn của bạo quyền, tính
mạng con người cũng hoá mỏng manh . Ước vọng cố bảo vệ văn hoá dân tộc
qua sách vở - gần như – đã trở thành một điều không tưởng . Có trông
mong vượt thoát khỏi vòng tù ngục . Chắc chắn là dù ở chân trời góc bể
nào đi nữa, những kẻ ra đi thế nào cũng có cái quyền tự do tối thiểu
để có thể tiếp tục nuôi dưỡng và khai mở một nguồn mạch cho cái giòng
sinh mệnh của nền văn hoá Việt đang bị bóp nghẹt, nơi chính quê hương
của nó . Cầu mong cho những kẻ ra đi sẽ làm được công việc cần thiết
tối thiểu này . Thì cũng cứ cầu mong vậy, chứ sao tự thâm tâm tôi vẫn
cứ thấy …lo lo !
*

* *

Tôi rời bỏ những con phố chật chội đông người . Tôi thèm nhìn lại được
một mảng trời có lãng đãng mây trắng, qua những tàn lá me xanh . Tôi
đạp xe ngược đường Trương Công Định, qua Nguyễn Du rồi đi mãi đến tận
Tú Xương . Có những ngôi biệt thự mở tan hoang cửa . Ở cổng vào, người
ta đọc được trên một cái bảng nhỏ vài giòng phấn trắng, nắn nót những
chữ đại khái như: Cà phê, Chè, Thạch, Trà đá … giá bình dân ! Bên
trong kê bày mấy chiếc bàn con cùng vài chiếc ghế cọc cạch . Khi nhìn
vào bên trong, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một vài tiểu thư đang ngồi
…ngáp gió !

Trong những ngày niên thiếu hoa mộng, tôi vẫn có những buổi chiều đạp
xe qua những con đường vắng lặng này . Tôi nhớ rõ là lúc đó mình đứng
ngẩn trông vời áo tiểu thư, luôn luôn khuất rất vội sau cổng cao,
tường kín . Bây giờ cách mạng đã phá đổ tường, mở bung cửa sắt; tuy
vậy, tôi vẫn chỉ đạp xe ngang qua chứ không hề có ý dừng lại để bước
vào bên trong . Tôi sợ, sợ phải nhìn thấy cảnh những tiểu thư khuê các
…chạy bàn ! Sự thực là lòng tôi cũng còn đôi chút bâng khuâng, vương
vấn; nhưng thôi, xin đành hẹn nhau một kiếp xa xôi nào khác vậy . Còn
trong kiếp này thì nhìn lại nhau làm chi cho nó thêm đau . Sau chuyện
đổi thay tang thương dâu bể này thì cuộc đời của mấy nàng, cũng như
cuộc đời của chính tôi, kể như là … chấm hết !

Thảm thương hơn nữa là những cái biệt thự người vào kẻ ra tấp nập .
Soong chảo móc đầy tường chính diện . Áo thun, quần lót giăng mắc khắp
mọi nơi . Nhìn qua là một thằng điên cũng phải hiểu rằng ngôi nhà đã
được tập thể hiện quyền làm chủ tập thể mất rồi . Cứ bỏ chừng năm sáu
ông bà cán bộ cộng sản vào bất cứ nơi đâu chừng hai tuần lễ, nơi đó sẽ
biến thành một cái …nhà thổ ngay tức khắc !

Tôi lại băn khoăn tự hỏi, chả hiểu là những tiểu thư khuê các chủ nhà
giờ đã phiêu bạt nơi nào ? Có thể là nàng đã trở thành tổ viên của một
cái hợp tác xã nào đó ở những vùng kinh tế mới; có thể là nàng đã vùi
thây trong lòng biển trên đường đào thoát khỏi thiên đường; cũng có
thể là nàng đã trở thành một "waitress", hoặc đang lo nhuộm tóc và đổi
tên cho hợp với phong tục và thủy thổ nơi những vùng xa lạ !

Thảng hoặc, trên những đại lộ quí phái đó tôi lại bắt gặp một giàn hoa
giấy đỏ tươi màu xác pháo . Màu hoa thắm quá nên dù không phải là thi
sĩ, tôi vẫn không tránh được cái thương cảm bâng khuâng:

Đình thụ bất tri nhân tận khứ
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa

Thương ơi:

Cây có biết đâu người đã vắng
Xuân về vẫn nở cánh hoa xưa .

Gió đã gây gây lạnh . Tôi thốt nhớ bây giờ đã là tháng Mười Hai . Thảo
nào, hoa giấy nở . Lại thêm một mùa Giáng Sinh nữa đến, ở một nơi mà
Chúa đã khước từ . Tôi thấy đói nên theo đường Công Lý về lại trung
tâm thành phố . Chiều đã xuống chạng vạng . Phải nhìn thấy "Saigon by
Night" mới hiểu được thấm thía thế nào là đổi đời thế nào là tàn tạ !

Quốc Tế, Bồng Lai đều đóng cửa . Queen Bee , Đêm Màu Hồng, Hòa Bình,
Paramount, Tour D'Ivoire đều cũng chả còn . Sao bỗng nhớ cái màu ánh
đèn vàng ấm của phòng trà, tỏa nhẹ trên một tấm khăn bàn thật trắng,
trên đó khép nép một bình hoa tươi nho nhã, và sóng sánh một ly rượu
màu hổ phách . Tôi công nhận là mình khá ham chơi và hơi phù phiếm .
Đã vậy, có lúc tôi còn thành thực tin rằng đời sống – đôi lúc – cũng
cần có những giây phút phù phiếm cần thiết chứ ? Khổ nỗi, quê hương
tôi nghèo khốn quá . Người cộng sản đã dẹp bỏ những nơi giải trí tốn
kém này . Tôi cũng đành đồng ý vì họ có lý khi làm như vậy . Nhưng sau
đó thì chuyện gì xảy ra và Sài Gòn về đêm còn gì ?

Xin thưa, chả còn gì cả ngoại trừ vô số những kẻ ngủ đường . Bên cạnh
những ông anh bà chị ngủ đường chuyên nghiệp, còn có vô số những người
"bụi đời bất đắc dĩ" . Họ vừa mới bị nhà nước mượn nhà với cả trăm lý
do khác nhau . Những người này sống bằng cách nào - đối với tôi - thực
là một chuyện khó hiểu . Tôi hài lòng khi thấy họ nằm chờ chết ở lề
đường . Như vậy vẫn còn hơn là đi tìm những cái chết chóng vánh ở vùng
kinh tế mới !

Một hình ảnh lạ đập vào mắt khiến tôi thắng vội xe . Dưới gầm một
chiếc Molotovav, hai ba chú bộ đội đang lui cui chụm lửa nấu cơm . Dù
bây giờ . Dù bây giờ Sài Gòn đã tối tăm u buồn đi nhiều lắm, nhưng
hình ảnh một đống lửa lập lòe, soi sáng một nồi cơm độn bắp vẫn là
điều coi rất là không ổn . Tưởng sau Đại Thắng Mùa Xuân 1975 thì cuộc
đời của các đồng chí bộ đội có gì thay đổi chứ ? Còn nếu vẫn cứ lui
cui với củi lửa ngô khoai ngay giữa phố Sài Gòn thì thà là ở luôn
trong rừng Trường Sơn, mặc cho muỗi đốt, mà đời lính – may ra – còn có
đôi chút ảo tưởng về lý tưởng hay chính nghĩa !

Sau khi kiếm chuyện để đổi tiền và kiểm kê tài sản năm bảy lượt ở miền
Nam, một thằng đui cũng thấy rằng cái được người cộng sản mệnh danh là
cách mạng – thực chất – cũng chỉ là một vụ kinh doanh mà Đảng đã mượn
vốn là máu xương của mọi tầng lớp nhân dân . Tưởng đâu là sau khi làm
ăn trót lọt rồi thì những kẻ sống sót cũng phải được chia chác chút
đỉnh cả vốn lẫn lời chứ . Đâu có ai ngờ sự thể lại thê thảm đến là như
vậy . Từ bé đến giờ tôi đã xem ít nhất là một trăm truyện và phim ăn
cướp . Tôi chưa hề thấy cái đảng cướp nào ăn dơ ở bẩn và đối xử với
đàn em khốn nạn như Đảng Lao Động Việt Nam .

Tôi tiếp tục chầm chậm đạp xe về . Lòng mỗi lúc một thêm não nề và uất
hận . Lại thấy nhớ, thương và phục cụ Nguyễn Du quá sức . Thảm cảnh
của Sài Gòn hôm nay, chỉ có hai câu Kiều này là diễn tả được trọn vẹn
và chính xác:

Lạ gì một thói sai nha
Làm cho khốc hại chả qua vì tiền


Tưởng Năng Tiến

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Ls: Tình Chiến Hữu (1/14/2009)
Ls: Tiếng Gọi Cấp Cứu Trong Đêm Giao Thừa (1/14/2009)
Ls: Tình Nghĩa, Nghĩa Tình (1/13/2009)
Ls: Chào Mẹ (1/13/2009)
Ls: Mẹ Chồng Tôi (1/13/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Ls: Cô Giáo Ngụy (1/12/2009)
Tin/Bài khác
Câu Chuyện Ptan # 10: Nỗi Buồn Mùa Thu (1/3/2017)
Ls: Ptan # 8: Ba Dòng Nước Mắt (1/3/2017)
Ls: Câu Chuyện Ptan # 6, Người Con Gái Phú Hòa (1/3/2017)
LS: Bài Ca Vọng Cổ (1/11/2009)
Phó Thác (1/10/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768