Bối cảnh lịch sử của biến cố Fatima: Sự bùng nổ của phong trào cộng sản vô thần
Chúng ta đã biết rằng vào năm 1917 vì tình mẫu tử tha thiết đối với con cái loài người, Mẹ Maria đã đích thân hiện ra tại Fatima với ba trẻ chăn chiên đơn sơ thánh thiện để qua trung gian của các em, Mẹ nhắn gửi đến nhân loại Sứ Điệp khẩn cấp của Trời Cao. Nhưng để hiểu rõ được Sứ Điệp cao cả ấy, trước hết chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh lịch sử của nó, tức hoàn cảnh thực tiễn cụ thể của xã hội vào lúc Đức Mẹ công bố Sứ Điệp của Ngài. Hay có lẽ nói đúng hơn, hoàn cảnh thực tiễn cụ thể của xã hội đã đòi buộc Đức Mẹ phải công bố những biện pháp cần thiết để giúp cho các con cái loài người của Mẹ có điều kiện ứng phó kịp thời và hữu hiệu. Đó chính là sự bùng nổ của phong trào cộng sản vô thần tại Mạc-tư-khoa, thủ đô nước Nga.
Đúng vậy! Nếu quả thực Ernst Hello có lý khi ông đã có lần viết rằng sự sợ hãi là con đẻ của tội lỗi, thì chúng ta sẽ hiểu rõ được tại sao bộ mặt của thời đại chúng ta ngày nay đang biểu lộ một sự sợ hãi mà không sao diễn tả hết bằng lời được, thì bấy giờ chúng ta mới ý thức được rằng điều kiện để có thể vượt lên trên được sự sợ hãi đó chính là phải nhìn nhận tội lỗi của mình, tương tự như Ét-ra trong khi dâng Của Lễ Chiều Hôm lên bàn thờ Thiên Chúa, đã công khai xưng thú tội bất trung của dân tộc ông: «Lạy Chúa, con thật xấu hổ thẹn thùng khi ngẩng mặt lên Ngài. Lạy Chúa, vì tội chúng con quá nhiều, đến nỗi ngập đầu ngập cổ, tội lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời. Từ thời tổ tiên chúng con cho tới ngày nay, vì chúng con đã mắc tội nặng nề và phạm tội, …nên chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt xấu hổ như ngày nay» (Er 9,6-7).
Đi vào cụ thể, tội lỗi của lục địa Âu Châu, «một nơi ánh sáng văn minh Kitô giáo từng đã chiếu tỏa trong bao thế kỷ qua »(1), chính là đã loại bỏ căn tính Kitô giáo của mình để hoàn toàn chạy theo vật chất, tôn thờ vật chất và tìm cách tục hóa mọi lãnh vực trong các sinh hoạt xã hội của mình. Trong Thông điệp đầu tay của ngài gởi toàn thế giới khi vừa lên ngôi Giáo Hoàng, ĐTC Piô XII đã so sánh bóng đêm tội lỗi đang bao trùm lấy nhân loại với sự tối tăm đã phủ xuống trên khắp nơi khi Đức Giêsu tắt thở trong đau thương trên Thánh giá (x. Mt 27,45). Trong bức Thông điệp đó, Đức Piô XII cũng cho thấy rằng thế giới Kitô giáo thời trung cổ đã nhận ra được «những bất hòa, những xáo trộn và các cuộc chiến tranh», nhất là đã nhìn nhận được rằng những tiêu cực đó là hậu quả của tội lỗi. Trong khi đó, thời đại tân tiến lệch lạc, vật chất và vô thần ngày nay thì ngược lại, đã tự cho mình hoàn toàn lành mạnh, ổn định và hợp lý trong mọi lãnh vực, từ lãnh vực cá nhân cho đến lãnh vực xã hội.
Do đó, cái thảm họa vô cùng nguy hại của kỷ nguyên chúng ta ngày nay, trước hết không do ở chỗ nó đã phạm bao tội lỗi và còn tái phạm nữa, nhưng là do ở chỗ nó đã không nhận ra được tội lỗi của mình và không biết ăn năn hối cải. Như thế, kỷ nguyên ngày nay của chúng ta đã phạm một tội vô cùng nặng nề đến nỗi không thể tha thứ được, đó chính là tội đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần (x. Mt 12,31). Và cũng vì vậy, thế kỷ XX đã trở thành kỷ nguyên của phong trào cộng sản vô thần, mà các hậu quả tai hại của nó còn kéo dài đến ngày nay, mặc dù đế quốc đỏ Sô Viết đã hoàn toàn tan rã.
1. Bản tuyên ngôn của phong trào cộng sản
Bản tuyên ngôn của phong trào cộng sản được công bố vào tháng 2 năm 1848 tại Luân Đôn/Anh Quốc, đã một thời là khởi đầu của niềm hy vọng tràn trề cho một cuộc cách mạng trên khắp thế giới trong tương lai, là bản kinh Tin Kính đầy hứa hẹn cho giai cấp vô sản, cho những người vô gia cư, bần cùng đói khổ. Người ta có thể nói được rằng đó là một bản Tin Mừng vẹn toàn, bất khả ngộ, cho công cuộc cách mạng đổi mới xã hội nhân loại với một niềm xác tín mới: Con người chiếm giữ quyền lực tuyệt đối, ngoài con người ra không còn gì nữa! Đúng như Ludwig Feuerbach (1804-1872), triết gia vô thần người Đức đã khẳng định: «Homo hominis Deus est» - con người là Thiên Chúa của con người!
Nhưng người ta cũng phải xác nhận rằng bản tuyên ngôn cộng sản này không phải là một bản văn chứa đựng tính cách khoa học cũng không phải là một sự biểu lộ quan điểm cá nhân của tác giả. Trước hết, bản tuyên ngôn là một bản cáo trạng, mãnh liệt lên án chống lại sự áp chế của một trật tự xã hội theo hệ thống chủ nghĩa cá nhân tự do, đã thẳng tay bóc lột tầng lớp nghèo và tạo điều kiện cho tầng lớp giàu càng giàu thêm.
«Hỡi tầng lớp công nhân thợ thuyền trên khắp thế giới, hãy đoàn kết lại! Hãy làm cho thế giới phải rùng mình khiếp sợ trước cuộc cách mạng cộng sản!»
Đó là một trong những lời hô hào ở Luân Đôn xưa kia, được gởi tới tầng lớp công nhân ở Âu Châu và trên khắp thế giới, là phải đứng lên đạp đổ chế độ phong kiến và bẻ gãy ách nô lệ. Đó cũng chính là dấu hiệu manh nha cho công cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu trong tương lai, một cuộc đấu tranh đã từng để lại những hậu quả vô cùng tang thương, bi thảm và vô nhân đạo tại một số lớn các nước trên thế giới, nhất là tại Nga Sô, tại Đông Âu, tại Trung Cộng hay tại các nước cộng sản khác, đã khiến cho hàng triệu người dân lành bị chết cách oan uổng. Cũng vì thế, ở miền Bắc Việt Nam vào các năm 1953-1954, sau khi nhà nước ra chính sách «Cải cách ruộng đất và phát động quần chúng đấu tranh», hàng trăm ngàn người dân lành đã bị ghép vào thành phần «địa chủ bóc lột» hay «cường hào ác bá», và đã bị đấu tố trước các tòa án nhân dân, bị đày ải khổ sai chung thân hay bị xử tử cách bất công, khiến nhà nước đã phải ra chính sách «Sửa sai», để làm nguôi sự căm phẩn của dân chúng.
Chính do tinh thần đấu tranh giai cấp quá khích, người ta đã không ngần ngại biện minh cho bao cuộc nội chiến quốc-cộng (quốc gia và cộng sản) thảm khốc tại một số lớn các nước, khiến cho bao gia đình: con cái mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con trai. Những sự cố đó đánh dấu sự khởi đầu công khai của kỷ nguyên phong trào cộng sản.
Dĩ nhiên, người ta sẽ thiếu khách quan khi tìm cách cho rằng phong trào chống đối lại sự đàn áp và bóc lột bất công do những người cộng sản khởi xướng là hoàn toàn xấu và tiêu cực. Chính Đức Giáo Hoàng Piô XI trong Thông điệp gởi thế giới để chống lại phong trào cộng sản vô thần, cũng đã phải nhìn nhận rằng người ta không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến chủ thuyết cộng sản đã mạnh mẽ lan rộng khắp nơi, bởi vì với một lý tưởng sai lầm về sự công bằng và quyền bình đẳng, phong trào cộng sản đã thực sự chống lại những bất công trong xã hội và nhất là đã hứa hẹn sẽ xóa bỏ những bất công đó cũng như sẽ cải thiện cuộc sống của giai cấp công nhân(2).
Đức Giám Mục Fulton Sheen đã thẳng thắn nhìn nhận rằng mặc dù là một ý thức hệ vô thần, nguồn gốc của chủ thuyết cộng sản đã xuất hiện như một sự hiện thực cách mạng trong một thế giới Tây phương tội lỗi. Ngài viết: «Thế giới Tây phương chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của triết lý chủ thuyết cộng sản và về cuộc cách mạng cộng sản. Trong toàn thể nền triết học cộng sản không hề tìm thấy một ý tưởng nào có tính cách Nga Sô cả. Xét từ bản chất của nó, nền triết học đó hoàn toàn mang tính cách trưởng giả tây phương, duy vật và tư bản.»(3).
Đúng vậy, chính thế giới Tây phương chắc chắn phải chịu trách nhiệm về tình trạng tồi tệ thảm hại của giai cấp công nhân cách đây hơn hai thế kỷ. Nikolai Berdjajew (1874-1948), triết gia người Nga về tôn giáo và lịch sử, đã có lý khi ông đánh giá chủ thuyết cộng sản là một sự biến dịch cụ thể của những sứ mệnh bất thành nơi Kitô giáo, ông viết: «Khi chê trách những người cộng sản là vô thần và đàn áp chống đối tôn giáo, các Kitô hữu không thể bắt những người cộng sản phải gánh chịu trách nhiệm một mình về làn sóng vô thần đó được. Khi phải ra đứng trước toà án tối cao, các Kitô hữu chắc chắn sẽ không thể là quan toà hay kẻ tố cáo được, nhưng là xuất hiện như những tội nhân đầy thống hối»(4).
Khuynh hướng tục hóa càng ngày càng bành trướng của não trạng Âu Châu, vốn đã bắt nguồn từ thời phục hưng và thực sự đã đạt tới tột đỉnh của nó vào đầu thế kỷ 19 và rồi qua triết học và qua toàn bộ văn chương trong hàng chục thập niên qua, đã được coi như một hình thức bày tỏ tư tưởng và thái độ sống một cách duy nhất bất khả kháng. Qua sự chối bỏ Thiên Chúa, con người vào thế kỷ 18 đã tuyên bố loại trừ tất cả mọi tính chất luân lý đạo đực do tôn giáo truyền bá. Sự phân biệt giữa tốt và xấu theo quan niệm cổ truyền bị bãi bỏ, nếu không nói là hoàn toàn bị phủ nhận. Tốt là điều làm lợi cho con người, còn xấu là điều làm hại con người. Giai cấp chiếm hữu mới phủ nhận một cách vô ý thức trách nhiệm bó buộc của luật luân lý Kitô giáo trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống thương mại và đời sống kinh tế. Giai cấp chiếm hữu còn chối bỏ mọi can thiệp của Nhà Nước vào trong các nghiệp vụ buôn bán của họ, vì họ đã quan niệm lầm lẫn về quyền tự do cá nhân của mình.
Vâng, người ta còn biện minh cho cả những cách thức thu tích của cải trần thế một cách bất công trên sự đau khổ của đồng loại với những ngụy biện giả dối cho rằng sự giàu có thịnh vượng là dấu chỉ hữu hình sự kén chọn đặc biệt của Thiên Chúa, còn sự đói nghèo rõ ràng là sự chúc dữ của Thiên Chúa(5). Như thế, Phúc Âm Đức Giêsu Kitô hoàn toàn mất hết giá trị và không còn đất đứng nữa, và phải nhường chỗ cho chủ nghĩa vật chất thô thiển. Cả đến lời chúc phúc cho tinh thần nghèo khó của Phúc Âm cũng bị loại bỏ và được thay thế vào đó là sự thần thánh hóa việc chiếm giữ của cải vật chất đời này. Như vậy, qua đó các giá trị luân lý Kitô giáo bị phá đổ. Điều đó cho thấy rằng bây giờ - xét một cách tổng quát - sự tiến bộ mang tính cách đa dạng và bất ngờ trong lãnh vực kỹ thuật rất có thể là một rào cản cho sự thăng tiến của con người trong lãnh vực luân lý và đạo giáo.
Đàng khác, một số lớn quần chúng nhân dân cũng đã tỏ ra xa lạ với Giáo Hội. Bởi vậy, họ đã dễ dàng bị lôi cuốn bởi những lý thuyết và chủ trương sai lầm đó và họ đã thích thú đón nhận chúng như một học thuyết mới mẻ. Về điểm này, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã viết: «Có lẽ nhiều người đã không ý thức được khi lìa bỏ giáo huấn của Đức Kitô là sẽ bị thu hút và bị lôi cuốn bởi những hình ảnh giả dối mới mẻ khác trong những cách thức trình bày hấp dẫn. Những cách thức trình bày đó đã coi sự lìa bỏ giáo huấn của Đức Kitô như một sự giải phóng khỏi vòng nô lệ từng giam cầm con người từ trước tới nay. Nếu thế, hoặc họ đã không nhìn thấy trước được những hậu quả đau đớn khi người ta tìm cách thực hiện một sự thay đổi thật đáng buồn giữa sự thật có khả năng giải phóng con người, với sự sai lạc chỉ chực nô lệ hóa con người; hoặc họ đã không nghĩ rằng ai chối bỏ luật lệ vô cùng khôn ngoan và đầy tình phụ tử của Thiên Chúa cũng như chối bỏ giáo huấn luôn có tác dụng hợp nhất và nâng cao con người của tình yêu Đức Kitô, thì sẽ vô tình bị rơi vào ách độc đoán của một sự khôn ngoan nghèo nàn giới hạn và hay thay đổi của phàm nhân. Một đàng người ta nói đến sự tiến bộ, nhưng đàng khác người ta lại làm điều thụt lùi; từ tình trạng phát triển, người ta lại hạ thấp xuống; từ sự tiến lên cho tới tột đỉnh cao, người ta lại trở thành nô lệ. Người ta đã không chịu nhận ra rằng tất cả mọi nỗ lực vất vả của con người trong việc tìm cách thay thế luật lệ Đức Kitô bằng luật lệ phàm nhân, sẽ là một việc làm hoàn toàn vô ích »(7).
Và người ta đã không chờ đợi lâu những hậu quả tai hại cụ thể của sự thoái hóa đó. Qua sự đàn áp vẫn được tiếp tục kéo dài trong một chế độ tư bản kiểu mới với chiếc «mặt nạ dân chủ», các tầng lớp công nhân vẫn nghèo, vẫn phải tiếp tục sống trong sự khốn cùng và vẫn mang nặng trên mình nỗi lo lắng cho miếng cơm manh áo của cuộc sống hằng ngày. Như vậy, ngày nay bên cạnh giai cấp trưởng giả vô thần lại xuất hiện thêm giai cấp vô sản vô thần nữa. Và qua đó sân khấu cho thảm họa của cuộc cách mạng thế giới đã được dàn dựng. Nếu Đức Giáo Hoàng Piô XI đã có lần gọi tình trạng đó là «Xì-căn-đan của thế kỷ», thì nay đã trở thành thực tại cụ thể. Nhiều người công nhân là tầng lớp đã quay lưng lại với Giáo Hội, đã bỏ đạo. Họ đã xa lìa tôn giáo chân chính của Đức Giêsu Kitô đã từ Trời Cao mang đến và cúi đầu chạy theo một thứ tôn giáo hão huyền của Các-Mác và Ăng-ghen. Những người công nhân bồng bột đó gia nhập phong trào cộng sản vốn thù nghịch chống đối Tôn Giáo, mà biểu tượng không phải là tượng Thánh Giá, nhưng là liềm búa.
Bản tuyên ngôn cộng sản năm 1948 không những đã kích động được con tim của tầng lớp công nhân, nhưng còn cống hiến cho họ một chương trình hành động cụ thể, dễ hiểu và khả thi. Những người công nhân vốn từng bị khinh bỉ và bị xúc phạm một cách vô cùng đau đớn, bỗng nhiên giờ đây lại tìm gặp được ý nghĩa sâu xa cho cuộc sống bất hạnh của mình. Họ nhìn thấy được lý tưởng của đời mình không phải được ghi tạc tận các ngôi sao trên vòm trời, nhưng đang nằm gọn trong bàn tay một cách rõ ràng và cụ thể; một lý tưởng mà họ có thể diễn tả được bằng những lời nói đơn sơ, bằng những khẩu hiệu đầy quyến rủ, và nhất là vì lý tưởng đó họ còn có thể hăng hái lao động không chút mệt mỏi, còn có thể chấp nhận chịu đau khổ và sẵn sàng chấp nhận cả cái chết nữa. Ngay cả khi phải đối mặt với một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hầu như bất khả chịu đựng, họ vẫn cảm thấy như được chính lý tưởng đó nâng đỡ và dìu dắt, họ vẫn cảm nhận được tận sâu trong đáy linh hồn mình sức mạnh của một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả và mới mẻ củng cố, đó là: Họ cần phải giải phóng thế giới ra khỏi mọi bất công và thiết lập lại một thiên đường đã bị đánh mất: Thiên đường cộng sản!
2. Học thuyết cộng sản
Dựa trên nền tảng duy vật biện chứng, học thuyết cộng sản cho rằng dòng lịch sử nhân loại hoàn toàn lệ thuộc vào sự đồng nhất và bất đồng của những lực lượng đối kháng, và cũng vì thế, tinh thần bản tuyên ngôn cộng sản năm 1848 đã hoàn toàn loại trừ tất cả mọi giải pháp ôn hòa trong lãnh vực cách mạng xã hội, đồng thời gạt bỏ tất cả mọi hình thức dung hòa dựa theo sự hợp lý của sự việc như một hành động thiếu thực tế. Tinh thần cách mạng theo chủ thuyết cộng sản không bao giờ chấp nhận biện pháp nửa vời, tức biện pháp hòa giải hay dung hòa. Trong trường hợp nếu có hòa giải, thì đó cũng chỉ là một giải pháp vá víu tạm thời và chỉ có tính cách chiến thuật trong khi chờ đợi thắng lợi cuối cùng mà thôi. Cách mạng cộng sản chân chính là phải phá đổ hoàn toàn cái cũ tận nền móng, để xây dựng lên cái mới trên một nền móng mới. Nói cách khác, giai cấp tư bản và giai cấp công nhân vô sản không thể cùng đội trời chung. Một trong hai giai cấp đó bắt buộc phải hoàn toàn bị đào thải hay hoàn toàn bị loại trừ, và nhất định đó phải là giai cấp tư bản.
Bởi vậy, công cuộc phát động mặt trận đấu tranh giai cấp giữa chủ nghĩa tư bản và tầng lớp công nhân cần phải được hiện thực như một đòi hỏi cấp bách của sự diễn biến và tiến triển lịch sử, trong đó không loại trừ tính cách bạo động. Vâng, để đẩy nhanh cuộc chiến thắng sau cùng của tầng lớp vô sản và để thiết lập được một xã hội mới vô giai cấp, tất cả mọi phương tiện chẳng những đều được coi là hợp pháp, mà còn cần thiết phải sử dụng nữa, nếu như tình huống đòi hỏi, vì tất cả «cuộc thánh chiến đó chỉ nhắm phục vụ sự tiến bộ của nhân loại»(8).
Qua đó, chúng ta thấy rằng một động lực khủng khiếp, phát xuất từ học thuyết chủ nghĩa duy vật biện chứng sử quan đã được thành hình. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thẳng thắn gọi đó quả là «một chủ thuyết thần bí đã khéo léo biết dùng những lời hứa hão huyền để lôi kéo các tầng lớp quần chúng hào hứng chạy theo mình»(9). Chủ thuyết thần bí hay người ta cũng có thể gọi là sự mong đợi được giải thoát này thực ra là một đóng góp của não trạng người dân Nga lúc bấy giờ vào công trình xây dựng lên tòa nhà chủ thuyết cộng sản. Walter Schubart đã so sánh thái độ của não trạng người dân Nga như là một sự tự hiến, ngược lại với sự tự chủ của người Tây Âu. Tự thẳm sâu trong đáy lòng mình, người Nga sống thiên về tình cảm hơn là lý trí. Cũng vì thế, chủ thuyết duy vật khô khẳng phát xuất từ Tây Âu lẽ ra khó lòng đâm rễ sâu được vào quan niệm của người Đông Âu như Nga Sô. Hơn nữa, vì người Nga sống thiên về tình cảm, chứ không nặng óc suy lý theo khoa học tự nhiên, nên thường dễ bị ảnh hưởng bởi những sự kỳ bí lạ lùng. Vì thế, người Tây Âu nhiều khi đã không khỏi bỡ ngỡ trước bản tính hay thay đổi thất thường của người Nga. Hơn nữa, khác với bản tính tự lập và thiên về cá nhân của người Tây Âu, người Nga mang nhiều sắc thái đoàn thể xã hội hơn và luôn mong muốn cho xã hội nơi mình sinh sống phải đạt được tình trạng hoàn hảo. Vì thế, một khi xã hội đó không đạt tới được mức độ hoàn hảo lý tưởng như họ mong muốn, thì họ tỏ ra bất đồng và giận dữ, và họ hăng say đem hết mọi nỗ lực để cải thiện. Đó cũng là lý do tại sao văn hào cách mạng Fjodor M. Dostojewskij (1821-1881) được gọi là «nhà triết học vĩ đại nhất của nước Nga»(10).
Vì lý do đó, thời gian từ hậu bán thế kỷ XIX đến gần hết hậu bán thế kỷ XX mà chúng ta đang đề cập đến ở đây, phải được gọi là kỷ nguyên cộng sản, bởi vì chủ nghĩa Mác-xít đã tìm gặp được tại Nga Sô chỗ đứng vững chắc và thuận lợi cho học thuyết cách mạng về kinh tế và xã hội của mình.
Một cách khách quan mà nói, những người cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản không hề nghĩ rằng học thuyết cách mạng vô sản mang tính cách toàn cầu của họ lại có thể tìm gặp được Nga Sô như là một «bản doanh» hay như một «ngòi châm» cần thiết. Thực ra, dựa theo nền tảng của học thuyết cộng sản, thì ngọn lửa cách mạng phải được bùng cháy trước hết tại các nước có nền kỹ nghệ hàng đầu thế giới ở Tây Âu, tức là một nơi những căng thẳng và mâu thuẩn giữa tầng lớp tư bản và tầng lớp công nhân đã lên đến tột đỉnh. Trong khi đó, người ta có thể nói được rằng Nga Sô vào lúc bấy giờ hãy còn là một nước nông nghiệp lạc hậu.
Nhưng dưới các triều đại thối nát của Nga Hoàng bất tài lúc bấy giờ, Nga Sô bị rơi vào một tình trạng cực kỳ khó khăn: Xã hội và nền kinh tế của đất nước hoàn toàn bị băng hoại, bị phá sản. Và thảm họa to lớn cuối cùng đã thực sự xảy ra, là vào đúng khi đức tin Kitô giáo đã từ lâu chỉ còn hiện diện trên hình thức, còn trong thực tế đã trở nên xa lạ và mất hết sức lôi cuốn đối với đại đa số người dân, thì nước Nga - vì muốn đạt được những canh tân kinh tế và xã hội cần thiết - bó buộc phải chạy theo các nước Tây Âu, những nước mà vào lúc bấy giờ cũng đang đem hết mọi nỗ lực vào công cuộc cải cách xã hội và kinh tế, nên càng ngày càng lơ là và bỏ bê lãnh vực tôn giáo(11); trong khi đó các luồng tư tưởng cấp tiến, tự do và vô thần lại bành trướng mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác-xít duy vật đã được xâm nhập vào nước Nga như một miền đất phì nhiêu mầu mỡ. Và do sự nối kết chặt chẽ giữa chủ nghĩa duy vật Tây Âu với nguyện vọng mong được giải thoát của Đông Âu, một phong trào quá khích đẫm máu đã bùng nổ như chúng ta đã từng chứng kiến trong suốt lịch sử Liên Sô và các nước cộng sản chư hầu kể từ năm 1917.
Như vậy, từ những học thuyết cộng sản về kinh tế và xã hội đã dần dà biến thành một thứ đức tin cộng sản. Bởi vậy, Hamish Fraser, một đảng viên cộng sản kỳ cựu đã viết: «Một sự kiện quá rõ ràng là nước Nga Sô Viết được coi như biểu tượng cụ thể của đức tin mang tính cách thiên sai, một đức tin tiềm ẩn trong chủ nghĩa Mác-xít cách mạng»(12).
Ngoài Đức GM Fulton J. Sheen, còn có Linh Mục Gustav A. Wetter, dòng Tên - qua các sách báo và các bài thuyết trình của ngài – cũng đã lôi kéo sự chú ý của Tây Phương về tính chất ngụy tôn giáo của chủ nghĩa duy vậy biện chứng sử quan(13). Linh Mục G.A. Wetter đã trình bày cho thấy chủ nghĩa duy vật biện chứng hoàn toàn khác với chủ nghĩa duy vật thông thường, vì nó mang tính cách loại trừ hoàn toàn niềm xác tín tôn giáo. Nói cách khác, vật chất được thay thế cho Thiên Chúa, nghĩa là vật chất được đặt vào địa vị Thiên Chúa. Vật chất là Thiên Chúa. Vật chất là sự thiện hảo tối thượng; ngoài vật chất ra không còn gì tốt lành nữa. Trong một sự phát triển liên tục và không bao giờ ngừng, vật chất sản xuất ra từ đời đời tất cả những gì đang hiện hữu, kể cả tinh thần. Khả năng sáng tạo của sự tiến hóa vô tận này – một sự tiến hóa luôn tìm tiến tới sự hoàn hảo cao độ - là chính vật chất mang tính cách nội tại, nghĩa là vật chất tự hiện hữu và tự tồn tại trong chính mình.
Qua đó, người ta thấy rằng, theo chủ nghĩa duy vật biện chứng thì không hề có đệ nhất tác nhân ngoại tại, mà Kitô giáo gọi là Thiên Chúa. Tự bản chất của nó, vật chất là Thiên Chúa của chính mình; vật chất được vận hành bởi những sức mạnh đối kháng nội tại trong chính mình. Chính những sức mạnh đối kháng đó luôn luôn tự sản sinh ra không ngừng và nhờ thế chúng đã sản xuất ra được khả năng cần thiết cho sự phát triển cao độ. Điều đó dẫn tới một hậu quả là chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng tất cả mọi hữu thể đều «từ dưới» mà có, ngược lại với giáo lý của Kitô giáo vốn dạy rằng vũ trụ được tạo dựng nên «từ trên», tức do một vị Thiên Chúa, Đấng tự hữu và hằng hữu, ngoại tại và vượt trên vật chất.
Nếu Phúc Âm Kitô giáo quả quyết: «Từ ban đầu đã có Ngôi Lời», thì chủ nghĩa duy vật biện chứng lại khẳng định: «Từ ban đầu đã có vật chất». Cả hai, Kitô giáo và chủ nghĩa cộng sản, đều nhắm tới việc giải phóng con người và tự thần thánh hoá chính mình như mục đích sau cùng. Tuy nhiên, cả hai lại tìm đạt tới mục đích bằng những cách thế và trong những tình huống hoàn toàn khác nhau.
Kitô giáo mong đợi sự giải thoát con người khỏi vòng nô lệ của tội nguyên tổ «từ trên cao», như là ơn thánh của Thiên Chúa ban cho. Trong khi đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng lại chờ đợi sự giải phóng như hiệu quả chín mùi của một sự phát triển «từ dưới thấp», nghĩa là từ phía con người. Nói cách khác, đối với người Kitô hữu, sự giải thoát khỏi tội lỗi là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban; trái lại, đối với người cộng sản, sự giải phóng nhân loại khỏi tội nguyên tổ của hệ thống tư bản, phải là kết quả tất yếu của những phát triển thuần túy nhân loại. Vì thế, hậu quả chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa là một điều không thể tránh được, như Linh Mục Wetter đã viết: «Chính sự thể đó chứng minh cho thấy rằng, khi tranh đấu dưới ngọn cờ duy vật biện chứng sử quan, chủ nghĩa cộng sản đương nhiên tự coi mình có thể trở thành một thể loại tương tự tôn giáo, và vì thế phải tìm cách loại trừ bằng bất cứ giá nào mọi hình thức tôn giáo khác. Ngoài vị thần duy nhất là vật chất với tất cả những yêu sách tuyệt đối của nó, chủ nghĩa cộng sản không chấp nhận bất cứ thần thánh nào khác nữa»(14).
Và như trong các cuộc đấu tranh cụ thể cho công cuộc cách mạng toàn cầu, trong sự xung đột về ý thức hệ của kỷ nguyên cộng sản cũng không thể có sự dung hòa được. Chỉ có hai mặt trận, đó là:
1. Một bên là lời mời gọi của đức tin Kitô giáo, của lòng tin tưởng phó thác và của tình bác ái, với khẩu hiệu: «Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi.»
2. Một bên khác là lòng kiêu hùng và sự hận thù bất hòa giải trước giai cấp đối kháng của mình, với khẩu hiệu ngược lại: «Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ta.»
Đó là hai quan điểm hoàn toàn đối kháng nhau và vì thế chúng sẽ không bao giờ có thể đi tới một sự hòa hợp hay một thỏa hiệp sống chung chân thành và bền lâu. Giữa hai bên sẽ không bao giờ có sự đồng hữu thực sự. Vâng, xét về mặt lý thuyết, về mặt ý thức hệ hay giáo lý, thì khoảng cách giữa Kitô giáo và chủ nghĩa cộng sản là quá lớn, khó có thể bắc lên một nhịp cầu được. Tuy nhiên, trong lãnh vực thực hành của cuộc sống cụ thể hằng ngày, như việc bài trừ các tệ nạn xã hội, việc lành mạnh hoá xã hội, hay việc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nhân sinh, v.v… sự cộng tác giữa những người cộng sản và những người Kitô hữu không những là một điều có thể, nhưng còn là một điều cần thiết và phải làm. Hơn nữa, ngày nay - như chúng ta đều chứng kiến - ý thức hệ cộng sản đã mất hết tính chất quá khích thủa ban đầu và đang trên đường thoái hóa và biến thể để tiến tới một tân chủ nghĩa xã hội tự do; nhưng nhất là sứ mệnh Phúc Âm hóa mà Chúa Cứu Thế đã trao phó cho Giáo Hội «các con hãy đi khắp thế gian và làm cho muôn dân thành môn đệ của Thầy» (x.Mt 28,19) không hề chủ trương phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ hay chính kiến.
3. Thế giới cộng sản
Đối với chủ nghĩa cộng sản, thế giới nhân loại đang chìm đắm trong trầm luân khốn khổ. Vâng, đối với người Kitô hữu những bất hạnh do tội nguyên tổ gây ra cho nhân loại thế nào, thì đối với những người cộng sản đó lại chính là hệ thống kinh tế tư bản. Vì thế, để đổi mới và kiện toàn thế giới, người cộng sản thâm tín rằng mình có bổn phận phải tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa tư bản. Và phương tiện hữu hiệu để hiện thực được những mục tiêu «thiêng liêng» đó là cuộc cách mạng toàn cầu; còn tất cả mọi phương tiện khác đều chỉ dùng để phục vụ cho phương tiện trọng yếu duy nhất đó mau đạt tới thắng lợi sau cùng mà thôi. Tiếp đến, cũng thế, tất cả mọi mục tiêu khác chỉ còn là những mục tiêu thứ yếu trên con đường tiến tới sự hoàn tất cuối cùng của một thế giới đại đồng và vô giai cấp, một thiên đường cộng sản. Về điểm này một đảng viên cộng sản khác đã viết: «Toàn bộ ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản và bao gồm trong đó cả nền luân lý cộng sản nữa, đều tùy thuộc công cuộc giải phóng tầng lớp công nhân thợ thuyền. Mục tiêu sau cùng của người cộng sản là xây dựng chế độ cộng sản, là mang lại hạnh phúc tối đa cho tầng lớp công nhân, và dĩ nhiên không chỉ trong huyền thoại ảo tưởng, nhưng là thực sự thiết lập một cuộc sống đầy sung sướng hạnh phúc trên quả đất này.
Cuộc chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản không tự nhiên mà có được, nhưng người ta chỉ có thể đạt tới được sự chiến thắng đó bằng cuộc xả thân đấu tranh chống lại tất cả những sức mạnh và những hủ tục phản động của thế giới cũ. Trên con đường tiến tới được mục tiêu cao cả và đúng đắn đó với một mức độ tột đỉnh, người ta cần phải có nhiều pháo đài kiên cố, cần phải trung kiên trong các thử thách khó khăn và cần phải hy sinh gian khổ nhiều. Đối với những người chiến sĩ chiến đấu cho quyền lợi của tầng lớp công nhân, chiến đấu cho quyền lợi của tầng lớp thợ thuyền, thì việc chỉ thụ động ngồi chờ một tương lai tốt đẹp sáng sủa và một niềm hy vọng trống rỗng, hoàn toàn là một điều xa lạ, không thể chấp nhận được. Các chiến sĩ cộng sản không bao giờ chờ đợi sẽ đạt tới được mục tiêu đấu tranh của mình bằng một khuôn mẫu có sẵn, chứ không cần phải đấu tranh gian khổ và không cần phải vất vả lao động.» Trên đây là một đoạn quan trọng nói về vũ trụ quan của chủ nghĩa cộng sản, được trích từ bản Quốc Tế Hùng Ca «L’Internationnale», với những lời đáng ghi nhận như sau:
«Không Đấng nào cao cả cứu được ta,
«Chẳng Thần thánh, chẳng vua chúa, chẳng quan tòa.
«Để thoát khỏi cảnh khốn cùng ô trọc,
«Tự chúng ta phải vùng lên tranh đấu, hỡi các bạn!»(15).
Điều đó chứng minh cho thấy rằng một người cộng sản chân chính, nghĩa là một người cộng sản đầy thâm tín về ý thức hệ của mình, sẽ không bao giờ có thể thay đổi được quan điểm của mình để tiếp nhận một quan điểm khác vì nhận ra quan điểm đó tốt và hợp lý hơn quan điểm của mình. Đối với anh, hoặc chỉ có anh hiện hữu với quan điểm ý thức hệ của anh, hoặc là anh phải chết, chứ không thể có giải pháp thứ ba, chẳng hạn như sự liên hiệp hay dung hòa, v.v... Đó chính là điểm quá khích và sai lầm của một ý thức hệ. Và hậu quả tai hại của nó cũng đã được chứng minh qua sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Sô cũ và ở các nước Đông Âu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ở đây người ta nghi ngờ đặt ra một câu hỏi: Giá như chế độ cộng sản ở Liên Sô và ở Đông Âu khi ý thức được cao trào dân chủ của con người hôm nay đang bùng lên như vũ bão, mà biết tự canh tân và tự thích nghi với tình huống mới, thì có lẽ sự sụp đổ mau lẹ đó đã không xảy ra? Nhưng sự thể đã không thế!
Vì vậy, phải chăng đó là một bài học đắt giá mà các nước cộng sản cuối cùng hiện nay, như Trung Quốc, Việt Nam và Cu-Ba đã biết lợi dụng được, khi các nước này đang từ từ loại bỏ một số lớn quan điểm ý thức hệ ảo tưởng và sai lạc của mình, hầu không bị tụt hậu trong đà tiến bộ nhảy vọt của cả nhân loại ngày nay, như chấp nhận mở cửa hội nhập quốc tế, sống chung hòa bình với các dân tộc khác trong tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, loại bỏ chính sách bao cấp độc đoán và chấp nhận nền kinh tế thị trường tự do của tư bản, v.v…?
Nhưng điều đó lại kéo theo một thực tại mâu thuẫn khác, đó là một khi chủ nghĩa cộng sản từ bỏ mục tiêu chính yếu từng được theo đuổi của mình là thống trị thế giới, cùng với phương tiện chủ yếu duy nhất là cuộc cách mạng toàn cầu, và nhất là chủ trương sống chung với chế độ tư bản, nếu không nói là tự tư bản hóa chính mình, thì mặc nhiên chủ nghĩa cộng sản đã tự tuyên bố cáo chung và giải thể!
Nếu thế, phải chăng ngày nay chúng ta sẽ không còn phải lo lắng bận tâm tới học thuyết cộng sản nữa, một học thuyết đã từng chi phối não trạng và cuộc sống của gần một phần hai nhân loại trong suốt trên dưới bảy thập niên qua?
Dù cho học thuyết cộng sản đã chính thức tự giải thể, và nếu ngày nay còn hiện diện thì chỉ hiện diện trên giấy tờ và trên hình thức mà thôi, nhưng người ta cũng đừng quên rằng, các ảnh hưởng và các hậu quả tiêu cực hiện nay, như: nền kinh tế của đất nước bị rơi vào tình trạng lạc hậu, chậm tiến, bị băng hoại, nhưng nhất là tình trạng luân lý và tôn giáo hoàn toàn bị suy đồi phá sản, v.v…, do học thuyết đó để lại ở Nga cũng như ở các nước thuộc khối Đông Âu, thì còn cần phải nỗ lực trong rất nhiều thế hệ nữa mới mong hàn gắn lại được phần nào. Vì thế, Đức GM Sheen đã có lần gọi thế giới cộng sản là «thân mình mầu nhiệm của Antichristus».
Cuối cùng, một điều quan trọng mà chúng ta không được phép quên, là mọi biến cố - dù to hay nhỏ và dù quan trọng hay tầm thường – đã, đang và sẽ xảy ra trong vũ trụ, trong cuộc sống của từng người hay của cả nhân loại, đều không xảy ra ngoài sự an bài của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, Đấng tự hữu và luôn hiện hữu trong vũ trụ cũng như trong cuộc sống của nhân loại và của mỗi người, dù cho nhân loại có tin nhận và thờ kính Người hay không. Vâng, tất cả mọi sự xảy ra trong vũ trụ này, đều nằm trong tầm kiểm soát tuyệt đối và đầy uy quyền của Thiên Chúa Toàn Năng.
Điều đó được chứng minh rõ ràng qua hiện tượng: Trong khi vào ngày 10.10.1917, Hội đồng Cách mạng Bôn-xờ-vít ở Nga Sô đã nhất trí quyết định sẽ dùng bạo lực tổ chức một cuộc nổi dậy vào đêm 25. rạng ngày ngày 26.10.1917, để lật đổ chế độ Nga Hoàng và thiết lập một chế độ cộng sản vô thần, hoàn toàn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì vào ngày 13.10.1917, qua trung gian của Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa đã công khai thực hiện một phép lạ vĩ đại trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn người trong khắp toàn vùng Fatima: Phép lạ mặt trời vào đúng ngọ đã bỗng chốc quay cuồng múa nhảy một cách kỳ lạ và bắn tung toé ra chung quanh đủ mọi thứ màu sắc rực rỡ, giữa những tiếng kêu la đầy hoảng hốt sợ hãi của đám đông.
Phải chăng khi Thiên Chúa đã công khai thực hiện một phép lạ cả thể như thế - ngoài mục đích là để mọi người tin sự kiện Fatima là thật, như lời Đức Mẹ đã hứa cùng ba trẻ - lại không muốn chứng minh rằng: Dù cho con người có chối bỏ sự hiện hữu của Người, thì Thiên Chúa vẫn luôn còn đó, thì Thiên Chúa vẫn luôn là Thiên Chúa, vẫn luôn là Chúa Tể càn khôn, và vẫn luôn là Thẩm Phán Tối Cao cầm quyền xét xử muôn dân thiên hạ? Tiếp đến, sự thể chủ nghĩa cộng sản vô thần ở Liên Sô cũ và ở các nước Đông Âu bị sụp đổ toàn diện vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước và nước Nga đã thực sự ăn năn trở lại, cũng chính là một chứng từ hùng hồn biện minh cho sự kiện Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima vào năm 1917 để gởi tới toàn thể nhân loại những sứ điệp quan trọng và khẩn cấp, là một sự thật hiển nhiên. Vì chính tại Fatima, Đức Mẹ đã loan báo trước là: «Sau cùng Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng… Nước Nga sẽ ăn năn trở lại.»
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục giáo phận Köln ở Đức đã tâm sự: «Tôi chỉ biết đến Fatima qua nghe nói mà thôi, nên tôi phải thú thật là tôi chẳng thấy tâm hồn rung động gì cả. Nhưng vì tôi mới chuyển từ Berlin về Köln được 9 tháng, trước khi chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ, nên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhờ tôi chủ sự cuộc hành hương vĩ đại vào ngày 13.5.1990 tại Fatima, sau khi chế độ cộng sản cáo chung. Ngài nói rằng tôi là Giám Mục của Berlin, nên cũng làm Giám Mục của hai hệ thống xã hội khác nhau, hệ thống cộng sản và tư bản. Và Đức Thánh Cha nói: ‘Đức Hồng Y rất xứng đáng chủ sự cuộc hành hương Fatima’. Chính ở đây tôi đã khám phá ra được Sứ Điệp đặc biệt của Fatima đối với thế giới tân tiến ngày nay là gì, đó là: Một nửa năm trước khi chế độ cộng sản ở Đông Âu dập tắt đi ánh sáng – ánh sáng đức tin – thì ở phía tận cùng Âu Châu, tức ở Fatima, qua sự hiện ra của Mẹ Thiên Chúa, ánh sáng đó lại được thắp sáng lên cho cả Âu Châu. Và Mẹ Maria đã không hiện ra ở các Đại Học, Mẹ không mang đến cho các vị giáo sư Sứ Điệp của mình, nhưng Mẹ đã hiện ra trong khung cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày vất vả, đến với những em bé nghèo khó, nhưng lại có một tâm hồn đạo đức sống động. Chính các em bé đó đã được Mẹ Maria trao phó cho một Sứ Điệp làm thay đổi Âu Châu và cả thế giới; nói cách khác, nhờ sự phù trợ của Mẹ, chế độ cộng sản đã giải thể, và Mẹ Maria lại thắp sáng lên ánh sáng ở Đông âu. Chính Sứ Điệp siêu nhiên Fatima đã có sức mạnh làm thay đổi cuộc sống chính trị và nhân bản tân tiến ngày nay một cách lạ lùng mà không một nhà chính trị nào có thể ngờ tới được.»(16)
Nếu vậy, ở đây, người ta có cần tự hỏi nữa hay không, là: Phải chăng sự kiện chế độ cộng sản thuộc khối Đông Âu, bắt đầu từ Đông Đức, đã tự thoái hóa và tan rã hoàn toàn cũng vào tháng 10 (năm 1989) chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thuần túy nhân loại?
Nhưng một điều mà người ta có thể khẳng định được một cách chắc chắn rằng, hai biến cố quan trọng có liên quan đến vận mệnh và sự tồn vong của cả nhân loại, cùng đã xảy ra vào tháng 10 năm 1917 – biến cố Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima và cuộc nổi dậy của phong trào cộng sản vô thần ở Nga Sô – phải có liên hệ chặt chẽ với nhau, mặc dù hai biến cố đó mang trong mình hai sứ điệp của hai thế giới hoàn toàn đối kháng:
* Một bên đã công khai minh chứng rằng, ngoài thế giới vật chất hữu hình, còn có thế giới siêu nhiên vô hình và vĩnh cửu nữa, và qua đó chứng minh cách mặc nhiên sự hiện hữu của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã tạo dựng nên con người và toàn thể vũ trụ, hữu hình cũng như vô hình, trong tình yêu vô biên của Người. Chính Người là Đấng chỉ muốn con người luôn yêu thương nhau và tha thứ cho nhau, để cùng nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay trên cõi đời này.
* Còn một bên khác lại khẳng định chỉ có thế giới vật chất hữu hình mà thôi. Ngay từ khởi nguyên đã có vật chất, vật chất đã hiện hữu và ngoài vật chất ra không còn gì khác nữa. Qua đó, họ đã phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa Tạo Hóa. Theo họ, tất cả những gì xảy ra trong vũ trụ đều là kết quả tất yếu phát xuất từ những sức mạnh đối kháng nội tại tiềm ẩn trong vật chất, chứ không do bất cứ một sức mạnh toàn năng ngoại tại nào khác. Cũng vì thế, để thiết lập một thế giới lý tưởng và thuần nhất, thế giới cộng sản đại đồng, họ hoàn toàn dựa vào nguyên tắc đối kháng cố hữu, tức sự đấu tranh giai cấp và loại trừ giai cấp bằng bạo động.
Nhưng ngày nay, tuy chủ nghĩa cộng sản không còn là mối đe dọa nguy hiểm thực tiễn cho nhân loại như vào đầu tiền bán thế kỷ XX nữa, nhưng chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa xác thịt, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa khủng bố đội lốt tôn giáo do những phần tử Hồi giáo quá khích chủ xướng, v.v…,vẫn luôn là những mối đe dọa vô cùng nguy hiểm cho tương lai và cho sự hạnh phúc chân chính của nhân loại hơn bao giờ hết. Bởi vậy, đối với chúng ta, những con người ngày nay, những lời nhắn nhủ đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria ở Fatima xưa kia, càng trở nên thời sự và khẩn trương hơn bao giờ hết, đó là: Ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống; Siêng năng cầu nguyện và lần hạt Mân Côi mỗi ngày; Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
__________________
1. Piô XII: Thông điệp ‘Summi Pontificatus’, 20.10.1939.
2. Piô XII: Thông điệp ‘Divini Redemptoris’, 19.03.1937
3. Fulton J.Sheen: ‘Der Kommunismus und das Gewissen der westlichen Welt’. Morus-Verlag, Berlin 1950, trang 68.
4. Berdjajew: ‚Sinn und Schicksal des russischen Kommunismus’. Vita Nova-Verlag, Luzern 1937, trang 177.
5. Christopher Dawson: ‚Judgment of the Nations’, Sheel and Ward, New York 1942, trang 59.
6. Josef Sellmair: ‘Bildung in der Zeitenwende’.
7. Summi Pontificatus, 20.10.1939.
8. Divini Redemptoris, 19.03.1937.
9. như trên.
10. Walter Schubart: ‚Europa und die Seele des Ostens’. Vita Nova-Verlag, Luzern 1947, tr.107.
11. Hamish Fraser: ‚Fatal Star’, John S. Burns & Sons, Glasgow 1955, tr. 78.
12. như trên.
13. ‘Der Bolschewismus, eine Ersatzreligion’, 3. Band der Kongresse ‘Kirche in Not.
14. Wetter SJ: ‚Der dialektische Materialismus’, Herder-Verlag, tr. 577.
15. P.F. Kolonski: ‚Kommunistische und religiöse Moral’. Herausausgegeben als ‚Ein Dokument antireligiöser Propaganda aus der Sowjetunion’, vom Bundesministerium für gesamtdeutsche Frage, Bonn 1956
16. Zeitschrift der Fatima-Aktion „Fatima Ruft“, số 194, 3/2006, trang 15. Lm Nguyễn hữu Thy
|