HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA CỦA TÔI , Phần 2
Đan sĩ Paul Lý Bá Tính Chuyển dịch : Bảo Tịnh Nguon: binhgia.com
ĐỂ CỨU ĐỘ TÔI, CHÚA CÓ CẦN DÙNG KHỔ HÌNH THẬP GIÁ KHÔNG ?
Ngày xưa, khi còn đang những năm Thần học, tôi được dạy rằng : Mầu nhiệm Thập giá là kế hoạch hay nhất mà Thiên Chúa thực hiện để cứu độ nhân loại. Vị giáo sư Thần học mà hiện nay là một giám mục phụ trách phần tín lý… đã trả lời chắc nịch như thế cho câu hỏi đầy hóc búa của tôi. Câu hỏi ấy là : tại sao Thiên Chúa là Đấng Toàn năng, Toàn tri, không chọn một phương án cứu độ nào hay hơn là đòi mạng sống của Con Ngài trên Thập giá. Thiên Chúa làm thế không sợ con người đánh giá Ngài là Đấng "khát máu" sao? Ngày tháng qua đi, với ơn Chúa và đời sống chiêm niệm hằng ngày, dần dần Chúa đã mạc khải cho tôi về Thập giá của Con Ngài một cách tiệm tiến..
1. Trở lại những ngày đầu trong lịch sử hình thành nhân loại, sau khi tạo dựng, Thiên Chúa thể hiện tình thương của mình qua việc ban cho con người mọi quyền hành trên các loài thụ tạo khác đang hiện diện chung quanh. Việc làm này của Thiên Chúa như muốn san sẻ cho con người quyền thống trị muôn loài muôn vật để con người thay Ngài mà chăm sóc chúng.
Chưa dừng lại ở đó, Thiên Chúa hầu như chưa thấy tôn trọng "người đại diện" củia mình cho đủ, nên Ngài đã không ngần ngại trao thêm quyền hạn cho con người nữa. Quyền đó là SỰ TỰ DO. Con người có quyền đặt tên cho mọi giống, mọi loài, có quyền hưởng thụ chúng và quyền quản lý vũ trụ theo như ý mình. Một cách đặc biệt hơn trong quyền tự do của con người là : con người có quyền vâng lời hay không vâng lời Thiên Chúa …
Từ nay con người mới thực sự có ý nghĩa là "giống hình ảnh Thiên Chúa, như lời Chúa đã phán trước khi tạo dựng con người. Thế nhưng, với quyền tự do được ban cho, con người đã phản bội Thiên Chúa qua việc không vâng lời Ngài khi đưa tay hái trái cấm với ảo tưởng sẽ ngang hàng cùng Thiên Chúa. Chính hành động ấy như lưỡi dao cắt đứt mối thâm tình giữa Thiên Chúa và con người.
Nhưng Thiên Chúa rất cao thượng, đã thể hiện tình thương của người cha đối với những đứa con đang lầm lạc trong tội lỗi, đó là : đã hứa ban cho Con Một của Ngài xuống thế làm người trong cung lòng của một người nữ để cứu chuộc nhân loại, và Người Nữ ấy sẽ "đạp nát đầu"con rắn…
2. Trong thời Cựu Ước, biết bao lần Thiên Chúa đã ra tay cứu vớt con người mỗi khi con người gặp đau khổ. Cái đau khổ mà chính con người tạo ra rồi trao cho nhau. Nó là sản phẩm của sự tự do vô lối của từng người, từng tập thể, từng quốc gia… thay nhau làm khổ nhau, và chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát con người khỏi những đau khổ ấy.
3. Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài xuống thế làm người để dạy cho con người con đường tôn thờ Thiên Chúa cách ngay chính hơn. Ý muốn tốt lành của Thiên Chúa đã bị con người từ chối ngay từ những ngày đầu tiên khi vừa nhập thế :
- Ông chủ quán trọ ở làng Bê Lem, vì những đồng tiền lợi nhuận nên có quyền từ chối một gia đình nghèo đến xin tá túc cho dù gia đình ấy có người sắp đến ngày sinh nở.
- Vua Hêrôđê vì quá lo lắng cho ngai vàng của mình bị lung lay nên vừa khi hay tin có vua mời vừa sinh ra, ông đã dùng vũ lực cách tàn bạo, ra tay sát hại các trẻ thơ không thương tiếc để bảo vệ triều đại của mình, bất chấp tiếng than van thảm thiết của biết bao bà mẹ trẻ vì bị mất con cách oan uổng …
Khi Chúa Giêsu lớn lên và bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng thì hầu như không được mấy người ủng hộ. lâu lâu mới thấy có một số người đi theo để nghe lời Ngài giảng dạy và sau đó hy vọng được Ngài cho cái gì đó…, có khi là cái ăn, cái mặc hay bất kể một cái gì khác nếu có thể. Bởi thế Chúa mới nói :"Các ngươi hãy làm việc để có mà ăn, chứ đừng …"
Khi không đạt được ý nguyện của mình, con người có quyền từ chối không muốn nghe lời Chúa. Lời của Đức Giêsu giờ đây chỉ như gió thoảng qua tai mà thôi, bởi vì nó chẳng có kinh tế chút nào cả. Và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa hầu như đang thất bại.
Cuộc chống đối Đức Giêsu ngày càng dâng cao khi Ngài tiến vào thành Giêrusalem… và điều gì đến thì đã đến. Để cứu chuộc con người, Đức Giêsu có chọn con đường Thánh giá không ? Chắc chắn là không rồi. Bởi vì, với bản tính con người, Chúa Giêsu rất sợ. Sợ vì nó kinh khủng quá, tàn bạo quá … mà sức người thì có hạn.
Câu nói của Ngài trong vườn Dầu cho thấy nỗi sợ hãi đó:"Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này…" Thế còn Chúa Cha thì sao ? Ngài có nghe tiếng than thở của Con Ngài trong vườn Dầu không ? Ngài có cảm thông cho kiếp người rất sợ đau khổ … mà Con Một của Ngài đang phải hứng chịu và van xin cho thoát nạn không ?
Một Thiên Chúa đầy khoan dung từ ái như Ngài không thể nào im hơi lặng tiếng trước những yêu cầu chính đáng như thế. Thế nhưng tại sao cuộc khổ nạn của Đức Giêsu lại xảy ra và xảy ra cách bi thảm chưa từng có trong lịch sử loài người ?
Đây là một câu hỏi ám ảnh tôi suốt một chặng đường dài trong đời Đan tu. Nó là động lực giúp tôi chiêm ngắm về tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, về Thập giá của Đức Giêsu và về ý nghĩa đích thực của Kitô giáo.
Hằng năm, hễ đến Mùa Chay là dịp thuận tiện giúp tôi suy gẫm nhiều đến ý nghĩa cuộc khổ giá của Chúa Giêsu … và lần nào cũng thế, câu trả lời vẫn đang bỏ trống. Hình như Chúa đang thử thách tôi, đòi tôi phải luôn suy nghĩ về mầu nhiệu đau khổ của Con Ngài.
Nhiều năm sau đó, trong khi mãi mê suy ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu, Chúa đã soi sáng cho tôi để tôi nhận ra thánh ý của Ngài trong việc Ngài đòi hy lễ thập giá của Con Ngài. Ngài đã dẫn tôi đi từ Cựu ước đến Tân ước, nơi nào Ngài cũng hé mở cho tôi thấy sự nhượng bộ vô hạn của Ngài trước sự tự do của con người. Chính sự nhượng bộ này nói lên tính chất nhất quán trước sau như một của Ngài. Một khi đã ban sự tự do cho con người, Ngài không bao giờ lấy lại và sẵn sàng chấp nhận những hệ lụy tốt xấu theo sau.
Chỉ có nguyên nhân này mới giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Thập giá của Đức Giêsu, một hy lễ xem ra rất dã man và cực kỳ độc ác.
Qua cái chết của Đức Giêsu, nhân loại nhìn thấy một Thiên Chúa đã thất bại trước sự tự do quá lố của con người. Bên cạnh đó, nhân loại cũng nhìn thấy một Thiên Chúa rất nhẫn nại, tín trung và giàu lòng thương xót. Điều này đã được minh chứng qua lời đối đáp của hai tên trộm cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu vào một buổi chiều ngày thứ sáu hôm ấy.
… Từ khi nắm bắt được tư tưởng này, tôi thấy mình có giá trị hẳn và từ đó tôi luôn ý thức rằng : chính sự tự do của tôi quyết định cho đời sống vĩnh hằng của mình. Ngay cả ơn cứu độ của tôi, Chúa cũng muốn tôi tự định liệu. Tôi có quyền tin nhận Ngài đã chết để cứu độ tôi, cũng như không chấp nhận việc làm đó của Ngài. Đúng như lời Thánh Augustinô đã từng nói:
"Để tạo dựng con, Chúa không cần đến con, nhưng để cứu con, Chúa rất cần con".
"Lạy Chúa, xin dạy con biết dùng sự tự do Chúa ban để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho anh em mình… Amen"
|