HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA CỦA TÔI
Đan sĩ Paul Lý Bá Tính Chuyển dịch : Bảo Tịnh binhgia.com
HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA CỦA TÔI là quyển nhật ký của một đan sĩ thuộc Dòng Xitô, ở miền tây nước Trung Hoa. Quyển nhật ký này đã được tìm thấy dưới đống đổ nát của Đan viện trong những năm "cải cách văn hoá" của đất nước. Người ta không biết vị Đan sĩ ấy hiện giờ ra sao nhưng những điều ông viết đã ảnh hưởng không ít đến đời sống tâm linh của những người tiếp cận nó, khiến họ tin và theo Chúa một cách âm thầm quyết liệt như chính ông đã từng khám phá về Thiên Chúa trong suốt cuộc hành trình đời Đan tu của mình. Đan sĩ ấy có tên là Paul Lý Bá Tính, và quyển nhật ký của ông được chuyền tay một cách kín đáo, khởi đầu bởi một chiến sĩ vệ quốc trong đoàn cải cách văn hoá của Nhà nước Trung Hoa.
Chúng tôi gởi đến các bạn những mẫu chuyện có tính cách suy tư về đời sống thiêng liêng… và cố gắng loại bỏ những gì không cần thiết, nhất là những vấn đề chính trị đã ảnh hưởng không ít đến đời sống Kitô giáo, nhất là ơn gọi đan tu. Vì thế các đề tài nêu lên không được liên tục và đôi khi có dính dáng ít nhiều đến nhà nước Trung Hoa mà không thể nào gạt bỏ được. Rất mong đón nhận trong tinh thần cởi mở.
TÔI TIN CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN BÊN TÔI
Bầu khí trầm lặng trong Đan viện là một yếu tố quan trọng giúp tôi sống kết hợp với Chúa mọi nơi, mọi lúc.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới bước chân vào Đan viện, chính bầu khí này làm tôi thấy cô đơn…, đã vậy, gặp được các đan sĩ, mừng muốn chết, mong được chuyện trò đôi chút cho khuây khỏa, nhưng chỉ thấy toàn điệu bộ cử chỉ ra dấu trả lời thôi. Thế là tôi lại rơi vào một cõi vắng lặng khủng khiếp hơn.
Đúng là những ngày đầu tiên có hơi bị choáng. Choáng vì chưa quen với bầu khí này và quan trọng nhất là choáng vì chưa biết sống đời cầu nguyện liên lỉ với Chúa như thế nào. Sau khi trải qua những năm thỉnh tu, tập tu, khấn tạm và cuối cùng là khấn trọn, người ta đã dạy tôi cách cầu nguyện với Chúa và sống thân mật với Ngài một cách tiệm tiến đến nỗi tôi không nhớ rõ đã học bao nhiêu lần mà chỉ biết hiện nay tôi đang sống bầu khí cầu nguyện liên lỉ trong Đan viện và đó là nhu cầu thực sự như dưỡng khí nuôi sống tôi hằng ngày. Tôi luôn ý thức rằng Thiên Chúa hiện diện trước mặt tôi, cùng ăn, cùng uống, cùng sinh họat với tôi ; và quan trọng hơn cả là khi tôi cùng cộng đòan cử hành phụng vụ thì Chúa cũng ở sát bên tôi để cùng tôi dâng lời tạ ơn Chúa Cha mỗi giờ, mỗi ngày.
Lúc đầu, khi nghe huấn đức, cha Giáo Tập bảo là phải tập sống kết hợp với Chúa như là một cuộc trò chuyện giữa hai người bạn thân, như giữa thầy trò và thân mật hơn nữa là như giữa cha và con… Tôi thấy điều đó thật xa vời và không biết đến bao giờ mình mới làm được. Rồi thỉnh thỏang có chuyện buồn, chuyện lo và ngay cả khi đứng trước những chọn lựa của tiếng lương tâm, tôi đến gặp cha Tập sư và cả cha Linh hướng nữa để xin chỉ cho một giải pháp …, hầu như các ngài đều trả lời cùng một ý là hãy cầu nguyện và hỏi ý Chúa xem sao ? Nhưng khi tôi hỏi : làm sao hỏi được, thì các ngài bảo : Con cứ nghĩ, nếu Chúa ở địa vị của con thì Chúa sẽ làm gì ? Rồi từ đó, hãy nghe tiếng lương tâm trả lời và cố gắng làm theo cho thật ngay chính.
Dần dần lâu ngày, tôi cũng quen với cách sống như thế và luôn yêu quý bầu khí tĩnh lặng vì đó là môi trường lý tưởng giúp tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa và đàm đạo với Ngài. Tôi xác tín rằng Thiên Chúa luôn kề bên tôi, Ngài cùng tôi song hành trện bước đường dương thế. Ngay cả những tư tưởng thầm kín nhất của tôi Ngài cũng biết, Ngài biết không phải để trấn áp nhưng để giúp tôi khai thông những bế tắt mà tôi hay bỏ qua hay xếp xó vào một góc của bộ não để một ngày nào đó, khi đủ yếu tố sẽ bộc phát dữ dội.
Khi đã quen với nếp sống này, tôi thấy làm lạ là khi nghe có nhiều người không tin nhận có Chúa, có Thượng đế. Để nhận biết có Thiên Chúa đâu có gì quá khó như người ta tưởng. Cái khó của con người theo tôi, là có tin nhận Thiên Chúa là Đấng cứu độ mình không ? Bởi vì khi tin có Thượng đế, con người có quyền đón nhận hoặc không đón nhận Ngài là Đấng cứu độ mình. Ở nước tôi, người theo Phật giáo thì rất nhiều và người phật tử chỉ tin Đức Phật độ trì mình chứ đâu có tin ngài là đấng cứu độ. Ngòai Phật giáo là tôn giáo chính và một số tôn giáo khác nhỏ hơn, còn lại, đa phần người dân của đất nước Trung Hoa thân yêu của tôi là những người không tin thờ gì hết. họ là đảng viên đảng Cộng sản hoặc là viên chức nhà nước. Nhận thức của họ về tôn giáo rất mơ hồ và lập luận của họ cũng một chiều y như là bã mía được nhai đi nhai lại rất nhiều lần, từ người này đến người khác…
Hôm trước lễ Giáng sinh, được Cha Bề trên sai đi lên Huyện để mua ít đồ về làm quà Giáng sinh cho anh em trong nhà, đang lúc chờ xe đến, tôi đã gặp một anh cán bộ nhà nước có nhà ở phía trước cổng Đan viện… Thế là một cuộc trao đổi đầy thú vị giữa tôi và anh cán bộ ấy xung quanh chuyện có Thượng đế hay không có Thượng đế :
- Hôm nay làm gì mà anh đi sớm dữ vậy ?
- À, tôi có việc lên Huyện anh à.
- Xe chưa tới đâu, vô đây uống ly trà nóng đi.
- Được, được, cám ơn
- Tôi nghe nói mấy ông bên đạo không lấy vợ phải không ?
- Đúng rồi, chúng tôi đi tu nên không lấy vợ, lập gia đình
- Vậy cũng hay, nhà nước cũng đỡ lo tăng dân số …ờ mà này, nếu nhà không có đàn bà thì ai lo cơm nước cho … à tôi biết rồi, có mấy bà sồn sồn hay rũ nhau vô trong làm công quả đó chứ gì ?
- Có đâu ! Họ vô để đọc kinh, cầu nguyện và thăm hỏi các cha, các thầy, chứ đâu mà nấu cơm nấu nước làm gì.
- Kể cũng hay ! Tụi tui ngòai này có một bà còn thấy chưa đủ, có cha còn lén phén 2, 3 bà mà còn chưa chịu thôi … vậy mà trong đó ở được vậy cũng hay lắm. Nhưng để nói anh nghe, thời nay văn minh tiến bộ rồi, ít có ai tin có trời, có Thượng đế nữa, không biết rồi mai đây các anh làm sao chứ bây giờ tụi này thấy mấy cha lạc hậu quá. Nhà nước luôn tôn trọng tự do của nhân dân nhưng không cho mê tín dị đoan …
- Anh nói thời nay văn minh tiến bộ, ít còn ai tin có Chúa, có Thượng đế… đó là điều anh nghĩ vậy thôi, chứ mỗi lần tôi có việc lên Huyện, lên Tỉnh, khi đi ngang các chùa chiềng đều thấy có rất nhiều người đến thắp nhang khấn Phật lắm, điều đó chứng tỏ họ còn tin vào thượng đế lắm chứ !
- Nhưng mà khoa học đã chứng minh không có Thượng đế, Thượng đế đó chẳng qua chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người mà thôi. Bởi vậy, tôn giáo chỉ là viên thuốc phiện ru ngủ nhân dân quần chúng là đúng lắm.
- Ồ sao anh lại nói vậy ! Nếu tôn giáo là viên thuốc phiện thì tại sao nhà nước lại cho tự do tín ngưỡng. Không lẽ nhà nước lại tự mâu thuẫn hay sao ?
- Ừ , đúng rồi, nhà nước chỉ cho tự do tín ngưỡng chứ không cho mê tín. Tín ngưỡng là điều mình tin rồi mình ngưỡng mộ và tôn thờ, mà những điều mình tin là gì? Đó là những điều mình trông thấy được, nắm bắt được, chứ những thứ mờ mờ, ảo ảo, triết lý cao sâu … rồi gán vào đó một thứ thần thiêng huyền bí để hù dọa quần chúng nhân dân là không có được. - Anh vừa nói niềm tin là những gì mình trông thấy được mình mới tin, thì đây tôi hỏi anh : Anh đã thấy Mao chủ tịch chưa ? Chúng ta chỉ thấy hình của cụ ấy thôi, nhưng tiến lên một chút nữa, anh đã thấy Các- Mác, Angen chưa? Tôi thì chưa thấy và nếu như lời anh nói thì tôi có thể tin là không có 2 ông ấy vì tôi chưa từng thấy 2 ông ấy bao giờ. Thôi nói chi cho xa, tôi hỏi anh, anh có thấy ông cố nội của anh chưa ? May ra thì anh chỉ mới nhìn được mặt ông nội anh là cùng, thế thì anh có dám nói là anh không tin có ông cố nội anh hay không ? Gần hơn chút nữa, anh có bao giờ nhìn thấy lông mi của anh chưa ? Nó xuất hiện trước mặt anh hằng ngày mà anh có thấy bao giờ đâu, anh dám nói là không có nó không ? Một điều dễ hiểu hơn nữa là anh có tin có điện không, hay anh có tin có gió không ? Điện là gì? Gió là gì ? Anh thử chỉ cho tôi thấy chúng coi để tôi tin là có chúng. Những thứ đó chúng ta chỉ có cảm nhận mà biết được có chúng mà thôi. Ví dụ như khi thấy mát mát, chúng ta biết ngay đó là do gió thổi, hoặc cắm bóng đèn vào ổ điện, đèn cháy sang, chúng ta nhận ra là có điện chạy qua bóng làm nó phát sáng … Bởi thế những gì anh bảo phải thấy thì mới tin là có là điều không đúng.
Vừa rồi tôi mới nói đến những điều rất bình thường mà ai ai cũng có thể biết được nếu chịu khó suy nghĩ một chút, còn những điều khác cao hơn như linh hồn chẳng hạn, chúng ta không hề thấy linh hồn là gì cả nhưng chúng ta phải tin là có linh hồn vì mỗi khi ta làm việc lành thì cảm thấy vui vui, còn những khi làm những chuyện không đàng hòang thì lương tâm ta cứ bứt rứt, khó chịu … những thứ đó là gì nếu không phải là linh hồn mà ai ai cũng có nó…
- Anh nói thì cũng đúng, nhưng chúng tôi được học tập như thế và phải giữ vũng quan điểm chính trị của mình
- Như anh vừa xác nhận là tôi nói đúng, điều đó cho thấy chúng ta cùng tin có trời, có Thượng đế…, còn việc chấp nhận cách công khai hay không là việc riêng của anh, tôi luôn tôn trọng nhưng không tán thành việc anh cho tôn giáo là viên thuốc phiện được.
- Vậy chứ anh nghĩ sao về tôn giáo ?
- Theo tôi, tôn giáo là một phương thế giúp con người thực hiện hành vi tôn thờ Thượng đế mà mình đã đón nhận. Vì thế, khi nói đến tôn giáo là phải đề cập đến việc nghi lễ và những hệ lụy theo sau nhằm giúp con người an tâm trong đời sống tâm linh.
- Nhưng tôi nghe đâu bên đạo hay tuyên truyền về sự yếu hèn của con người hầu làm con người mất đi tính đấu tranh giai cấp, làm chủ bản thân, làm chủ vận mệnh đất nước, thóat ách nô lệ ngọai bang …
- Ở đây tôi không muốn nói đế chính trị, giai cấp công nông… hay bất cứ cái gì khác có đụng chạm đến nhà nước. Chúng ta chỉ nói chuyện có Thượng đế hay không và việc tin thờ Ngài qua đời sống tôn giáo mà nhà nuớc cho phép chúng tôi được tự do.
- Ờ ờ.. đúng vậy, chúng ta không đụng đến chính trị…
- Nếu vậy thì tôi cũng xác nhận lại với anh là tôn giáo chỉ dạy cho con người biết cách sống cho đẹp lòng Thượng đế mà thôi. Riêng bên Công giáo chúng tôi thì ngòai việc sống đẹp lòng Chúa rồi, chúng tôi còn học cách nhận ra sự hiện diện của Ngài trong mọi sự vật đang hiện hữu trước mặt mình nữa. Đạo chúng tôi là đạo hy vọng, hy vọng được cứu rỗi về phần hồn lẫn phần xác, và muốn được cứu thì phải giữ đạo cho đàng hòang, giữ những điều ngay chính, ăn ngay ở lành, phải hiền diệu, hy sinh hãm mình chứ không phải tự ti mặc cảm, phó thác cho số phận may rủi và đặc biệt phải học sống khiêm nhường như Thiên Chúa của chúng tôi là Đức Giêsu, bởi vì chỉ có sự khiêm nhường chấp nhận mình với những việc bình thường và cố gắng vươn lên thì ơn cứu độ của Chúa mới có hiệu quả nơi mình thôi. Như anh thấy đó, nhà nước cũng cần có những cán bộ khiêm tốn, nhìn nhận năng lực thực sự của mình và cố vươn lên thì việc vận hành đất nước mới tốt đẹp được. Còn ông cán bộ nào tự cao tự đại, rêu rao đủ thứ mà chẳng làm được bao nhiêu hoặc nói một đàng làm một nẻo thì rất là tệ hại cho đất nước.
- Thôi, xe đến rồi, anh chuẩn bị đi là vừa, dịp khác mình sẽ trao đổi tiếp nhé. Tôi cũng muốn nghe anh nói cái gì đó về Chúa của anh nữa, hay lắm ! Thôi nhe.
Lạy Chúa, xin ở giữa chúng con và giúp cho người anh em chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này. Amen
Xem tiếp phần 2
|