Đức Gioan Phaolô Ii - Vị Tông Đồ Của Lòng Thương Xót
§ +GM Ornellas
Trích Maranatha #77
Ngày 2-4-2005, Đức Gioan Phaolô II vĩnh biệt chúng ta. Ngày hôm ấy thế giới tưởng niệm nhà hành hương không mỏi mệt từng đi gieo rắc hòa bình. Ta xem đi xem lại những hình ảnh vui tươi hay đau đớn của triều đại Giáo Hoàng thật dài của ngài. Và qua những hình ảnh cuối đời, điều nổi bật lên hơn cả là tiếng nói ‘lặng thinh’ của ngài.
Ngày Chúa Nhật Phục Sinh 2005, vào giờ Kinh Truyền Tin, Đức Gioan Phaolô II xuất hiện trên khung cửa sổ mở ra quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã chuẩn bị vài câu nhắn nhủ. Ngài đã không thốt nên lời, chỉ nhìn xuống lặng thinh, gương mặt nhói lên vì đau đớn. Hình ảnh của giây phút đó được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Và đó cũng là hình ảnh cuối cùng của vị giáo hoàng mà chẳng bao lâu sau người ta gọi là “Đức Gioan Phaolô II vĩ đại!”
Tuy nhiên, đấy không phải là lời nói sau cùng mà ngài ngỏ lời với Giáo Hội và với thế giới. Lời cuối cùng ấy được thốt lên đêm 02-4-2005 ‘non loquendo sed moriendo’ (không phải bằng cách nói ra mà bằng cách chết đi), như được ghi trong kinh phụng vụ lễ các thánh Anh Hài.
Kitô hữu hẳn đã lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng qua đời vào đêm hôm trước ngày lễ mà ngài đã thiết lập dành tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Tuy nhiên, nếu thế giới biết nhiều về ngày 02-4-2005, thì ít người hiểu rằng ngày hôm ấy một lời nói đã được thốt lên để loan báo Tình Thương Xót.
Thế nhưng, lời tối hậu này chẳng phải là lời của người kế vị thánh Phaolô để ‘củng cố’ đức tin cho anh em mình sao (x. Lc 22, 32)? Vị Giáo Hoàng từng ban hành một thông điệp về Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót lại ra đi vào ngày mà ngài đã dâng hiến cho Lòng Thương Xót Thiên Chúa. ‘Lời’ về lòng thương xót ấy có ý nghĩa gì?
Đức Gioan Phaolô II ý thức mãnh liệt về sứ vụ hoàn vũ của ngài với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô. Ngài từng thổ lộ rằng hai thông điệp đầu tiên của ngài (Đấng Cứu Chuộc Loài Người - Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót: Redemptor hominis - Dives in Misericordia) xuất phát từ kinh nghiệm mục vụ tại Ba Lan. Thế kinh nghiệm từ Ba Lan là kinh nghiệm gì?
Đầu tiên là Thế Chiến thứ II. Ngài thường nói về thế chiến thứ II như một kinh nghiệm cá nhân. Đầu năm 2000, ngài ngỏ lời với các đại sự cạnh Toà Thánh như sau: “Người đang nói với quí vị đây từng là bạn đồng hành với nhiều thế hệ trong thế kỷ vừa mới trôi qua. Người ấy từng chia sẻ những thử thách cam go của dân tộc mình cũng như những giờ phút đen tối nhất mà Âu Châu đã sống qua.” Có cần phải nhắc lại ngày tháng không? Ngày 01-9-1939, lúc quân đội Đức Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan, Karol Wojtyla ở vào tuổi 19. Làm sao ký ức ngài không giữ lại hình ảnh của cái thảm kịch khốc liệt từng giáng xuống con người vào thế kỷ hai mươi? Khi trở thành người kế vị Thánh Phêrô, ngài không thể nào quên được rằng ngài đến từ đất nước Ba Lan đó. Hơn thế nữa, kinh nghiệm của người con đất nước Ba Lan cũng theo ngài để trở thành một gia sản cho Giáo Hội hoàn vũ.
Đức Gioan Phaolô II đã suy nghĩ chín muồi tại Ba Lan, nơi mà sự dữ đã tuôn trào một cách vô cùng khốc liệt: làm sao ngăn chặn sự dữ? Ai sẽ đương đầu với sự dữ? Câu trả lời đã rõ: Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót ấy được gửi đến cho ngài qua một nữ tu âm thầm ở Ba Lan.
Từng là cựu chủng sinh, linh mục và giám mục Krakow, ngài rất hâm mộ Xơ Faustina. Vào lúc xế chiều cuộc đời, ngài chia sẻ sự gần gũi thiêng liêng với nữ tu này: “Lạy Chúa Giêsu, con cậy trông nơi Chúa! Đấy là lời cầu nguyện đơn sơ mà dì Faustina đã dạy con, và mọi giây phút trong cuộc đời, chúng con có thể thốt lên lời nguyện ấy. Biết bao nhiêu lần, với tư cách là người thợ và sinh viên, rồi với tư cách là linh mục và giám mục, trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử Ba Lan, chính con cũng đã lặp lại lời cầu xin đơn sơ này, và cảm nhận được hiệu quả và sức mạnh của lời cầu ấy!” Hélène Kowalska, sau này trở thành xơ Maria-Faustina Thánh Thể, qua đời năm 33 tuổi, vào ngày 5-10-1938. Lúc bấy giờ Karol Wojtyla được 18 tuổi. Trong nhật ký của mình, Xơ thổ lội một mong muốn của Chúa Giêsu: “Lễ kính Lòng Thương Xót xuất phát từ lòng Thầy, Thầy muốn lễ ấy được mừng trọng thể ngày Chúa nhật đầu tiên sau Phục Sinh.” Sau này Đức Gioan Phaolô II phong chân phước rồi phong thánh cho vị nữ tu này vào ngày 18-4-1993 và 30-4-2000, nghĩa là những ngày Chúa Nhật đầu tiên sau Chúa Nhật Phục Sinh. Năm 1997, ngài viếng mộ chân phước Faustina tại Ba Lan: “Đây chính là nơi xuất phát sứ điệp về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà chính Chúa Kitô đã muốn thông truyền cho thế hệ chúng ta qua chân phước Faustina. ...
Sứ điệp này đối với tôi là một niềm nâng đỡ lớn. Sứ điệp về Lòng Thương Xót mãi mãi gần gũi và quen thuộc đối với tôi. Cứ như là lịch sử đã ghi khắc trong kinh nghiệm bi thương của Thế Chiến thứ II. Trong những năm khó khăn đó, sứ điệp này từng là một nâng đỡ đặc biệt và một nguồn hy vọng bất tận, chẳng những cho cư dân Krakow, mà còn cho toàn thể dân tộc. Đấy cũng là kinh nghiệm cá nhân của tôi, mà tôi đem theo đến Tòa của thánh Phêrô, và một cách nào đó, kinh nghiệm đó đã là lằn chỉ xuyên suốt cho triều đại giáo hoàng này.”
Trong bài giảng thánh lễ phong thánh cho chân phước Faustina, Đức Gioan Phaolô II bộc lộ ý nguyện của mình: “Chúa Giêsu cúi mình xuống trước mọi hình thức nghèo khổ của nhân loại, nghèo vật chất cũng như tinh thần. Sứ điệp về Lòng Thương Xót tiếp tục chạm đến chúng ta qua cử chỉ Ngài đưa tay hướng về người đau khổ...Tôi chuyển đến mọi người Lòng Thương Xót đó, để cho họ tìm hiểu ngày càng rõ ràng hơn về gương mặt đích thực của Thiên Chúa và gương mặt của anh em mình”. Sau đó, Đức Thánh Cha còn nhận mạnh rằng ‘chúng ta cần phải đón nhận trọn vẹn sứ điệp xuất phát từ Lời Chúa trong chúa nhật thứ hai mùa Phục Sinh, và kể từ nay, chúa nhật này được gọi là ‘Chúa Nhật của Lòng Thương Xót Chúa’.
Lời Chúa hôm nay nói lên điều gì? Các bài sẽ cho chúng ta một ánh sáng về Lòng Thương Xót.
Sách Xuất Hành trong Cựu Ước kể lại cuộc khám phá sau đây của Môsê: Thiên Chúa là Đấng ‘đầy lòng thương xót’ (Chương 34). Dân Israel đã cầu nguyện Thiên Chúa của mình dưới danh hiệu đó (TV 51, 86, 102, 103, 111, 145). Chúa Giêsu giải thích rõ hơn ai cả về Lòng Thương Xót qua dụ ngôn người con hoang đàng. Nhưng nhất là qua việc làm của Ngài mà Ngài làm chứng cho Lòng Thương Xót đó. Thập Giá của Ngài đã mặc khải Lòng Thương Xót một cách ‘trọn vẹn.’
Đức Gioan Phaolôb II yêu cầu chúng ta đọc lại Kinh Thánh để khám phá ý nghĩa chân chính của lòng thương xót: lòng thương xót làm cho từng người ‘có giá trị hơn’ và ‘thăng tiến hơn.’ Lòng thương xót đưa con người từ cõi chết về với sự sống. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không hạ thấp con người mà nâng cao họ lên nhờ tình yêu. Thiên Chúa không bao giờ quên rằng mỗi con người là con chí ái của Người! Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cũng biết thương xót lẫn nhau. Thay vì hạ nhục hay xúc phạm người thấp yếu, thái độ thương xót thì làm cho người kia cũng biết xót thương. Nó tạo ra những tương quan đúng đắn mà mỗi người được nâng cao giá trị và được ... hạnh phúc●
Đức Cha Ornellas Maranatha dịch
|