Những Chuyện Bi Thảm về Tết Mậu Thân 1968.
Trong bài trước chúng tôi đã đưa một số tài liệu chứng minh Hà Nội đã quyết định chiếm Huế và giữ lâu dài, và diễn biến của các cuộc thảm sát theo chỉ thị của Hà Nội. Trong bài này chúng tôi xin ghi lại một số chuyện bi thảm đã xẩy ra trong Tết Mậu Thân và sau Tết Mậu Thân ở Huế do một số nhân chứng kể lại.
Có lẽ cuốn sách viết đầy đủ hơn cả về vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huếlà cuốn "The Vietcong Massacre at Hue" (Cuộc thảm sát của Việt Cộng ở Huế) xuất bản năm 1976 của Bác Sĩ Elje Vannema, người có mặt ở Huế khi biến cố xẩy ra. Mới đây, hai linh mục Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải có đưa ra lời khai của một nhân chứng dấu tên kể lại vụ thảm sát ở Khe Đá Mài. Đọc câu chuyện này chúng tôi thấy gióng hệt câu chuyện do một người có bí danh là Lương đã kể và được Bác Sĩ Elje Vannema ghi lại trong cuốn "The Vietcong Massacre at Hue", chỉ thêm bớt một số chi tiết. Chúng tôi tin câu chuyện do Bác Sĩ Elje Vannema và Linh mục Phan Văn Lợi ghi lại cùng do một người kể. Đây là một câu chuyện rất bi thảm.
Lời tường thuật của các nhân chứng khác, Việt Nam cũng như ngoại quốc, cũng sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn sự dã man của các cuộc thàm sát.
CHUYỆN Ở GIA HỘI
Trong một bài tường thuật dười đầu đề "Mậu Thân: Nỗi Đau Không Dứt Của Huế", cụ Lê Hàn Sinh, người chứng kiến các cuộc thảm sát ở Gia Hội, Huế, đã cho chúng ta thấy các cuộc thảm sát đó đã được tiến hành như thế nào. Cụ viết:
"Với người dân Huế, khi nhắc đến hai chữ Mậu Thân, gần như nó không còn gắn liền theo thứ tự của mười hai con giáp, mà là một tiếng gọi đặc biệt, tượng trưng cho một cuộc tàn sát man rợ.
Thủ tiêu, ám sát, chôn sống, giết người bằng mã tấu, bằng bọng cuốc phang vào sau đầu, trói bằng dây thép gai. Cụ thể là ở khu phố 4 Gia Hội (sau khi chiếm Huế Cộng Sản chia thành phố ra làm 4 khu) với tên thợ nề vô học tên Bé được giữ chức chủ tịch khu phố. Mọi sinh sát nằm trong tay y. Ước lượng nạn nhân của bọn này lên tới hàng trăm. Vì tư thù cá nhân, chúng giết cả những thường dân vô tội.
Cái chết của bà Trâm ở đường Mạc Đĩnh Chi (đường Ngự Viên) là một thí dụ. Bà bị thị Gái bắn bằng súng AK ngay tại nhà. Gái nguyên là Việt Cộng nằm vùng chuyên đi giúp việc quanh các nhà ở phường Phú Cát, Quận 2. Tuy là đi giúp việc nhưng lúc nào áo quần cũng bảnh bao, tóc búi kiểu Lào. Gái vì dây dưa với chồng bà Trâm nên bị bà này mắng chửi thậm tệ và hình như cũng có đánh đập gì đó nên giờ Gái trả thù món nợ tình ngày trước.
Cũng cần nói thêm về tên Bé thợ nề. Không ai biết xuất xứ của hắn. Y hành nghề một cách độc lập, rất lương tâm; làm từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều, không nghỉ trưa, ăn uống thế nào cũng được, tiền công không đòi cao hơn kẻ khác. Do vậy, người này làm xong lại giới thiệu cho bạn bè. Cứ thế mà Bé âm thầm điều tra nắm rõ ai làm gì ở đâu, cơ quan nào... để báo cáo cho tổ chức. Nhờ thế, khi Việt Cộng vào là chúng đã có một danh sách khá đủ thành phần mà chúng cho là quan trọng để thanh toán ngay sáng mùng một Tết, không cần phải gọi ra trình diện tại trường Gia Hội.
Người đi bắt và bắn chết không ai khác hơn tên Linh (Diệu Linh), người Quảng Ngãi làm nghề thầy bói, khoác áo Việt Nam Quốc Dân Đảng Thừa Thiên. Thời gian bầu cử tổng thống lúc ông Vũ Hồng Khanh về Huế vận động, chính y là người ngồi cùng xe bên cạnh ông Khanh. Nghe đâu y cũng là cộng tác viên cho cảnh sát đặc biệt Thừa Thiên. Sáng mùng một, hắn bận complet màu đà (bộ hắn vẫn thường mặc) tới nhà tìm tôi nhưng không gặp.
Cho tới nay tôi vẫn không hiểu tại sao mà ông Rớt (có bà vợ bán bún bò ngon nhất Huế) ở trên đường Nguyễn Du lại bị bọn Linh bắn chết. (Người chung quanh nghi ông làm cộng tác viên cho cảnh sát và nghe đâu ông xin được chết gần gia đình nên chúng bắn ông tại nhà).
Mãi cho đến ngày 20 tháng giêng bọn chúng mới bắt đầu làm mạnh, nghĩa là ra lệnh trình diện lần hai rồi giữ lại thủ tiêu luôn.
Trên đường Gia Hội (tức đường Chi Lăng) bọn chúng bắt giết anh Lê Văn Cư, nguyên là Phó giám đốc cảnh sát quốc gia vùng một và anh Phú (em vợ anh Cư), Quận Trưởng Quận 2. Cả hai bị bắn cùng một lần. Cũng trên đường này anh Dự hình như đang làm trưởng ty cảnh sát Phan Rang về thăm nhà cũng bị bắt giết. Võ Nguyên Pha, nhà ở ngay sau lưng chùa Diệu Đế, nghe đâu đã trốn sang hữu ngạn rồi lại sốt ruột vì vợ con, trở về để lãnh bản án tử hình.
Câu chuyện cái chết của anh Từ Tôn Kháng, Thiếu tá Tỉnh đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên, không biết thực hư đến mức nào. Nghe đâu Cộng Sản bao vây nhà anh, tra khảo bắt chị Kháng chỉ chỗ ẩn của chồng nếu không thì phải chết. Anh Kháng nằm núp trên máng nước, đành phải xuống (có người bảo chị đã chỉ chỗ ẩn của chồng. Hoàn cảnh này dù có xảy ra thì tôi nghĩ cũng không nên buộc tội chị).
Ở đường Võ Tánh có anh Vĩnh sĩ quan cảnh sát bị bắn chết ngay nhà, mấy năm sau tôi vẫn thấy ngôi mộ đất vẫn còn nằm ngay trước cổng nhà. Nhà anh Vĩnh nằm ngay cạnh chùa Áo Vàng, nơi Cộng Sản làm trụ sở trình diện cho các công viên chức và sĩ quan quân đội cộng hòa, nên không trốn vào đâu được. Gần đó có anh Hồ Đắc Cam, làm công nhân nhà đèn Huế, bị bắn vì có tên trong Đại Việt Quốc Dân Đảng. Điều đáng buồn là anh Cam bị anh Kim Phát, cũng đảng viên Đại Việt, khai ra. Cộng Sản biết Kim Phát là người Đại Việt nên bắt anh phải khai những người trong tổ chức. Anh đến nhà tôi đầu tiên nhưng tôi không có ở nhà. Sau đó Kim Phát cũng chịu chung số phận như bạn bè.
Đường Bạch Đằng có anh Hiền, một lão tướng đá bóng trong hội S.E.P.H của Huế thời thập niên 40. Anh chẳng liên hệ gì tới chính quyền thế mà bị giết. Người ta đoán anh bị bắn vì trước đó đã tạt tai một thằng bé gần nhà. Tên này sau khi Cộng Sản vào tham gia thanh niên khu phố nên có dịp trả thù.
Không ít người chết vì không hiểu Cộng Sản, tưởng cộng tác với chúng là được tha. Điển hình là ông Soạn làm Chủ tịch phường Phú Cát, Quận 2 và hai anh em song sanh tên Lan (con ông Sâm cho mượn đồ đưa đám tang trên đường Chi Lăng); một trong hai người này làm cảnh sát.
Theo nằm vùng cộng sản nhận định, nhóm tiểu thương chợ Đông Ba là lực lượng yểm trợ mạnh nhất trong cuộc đấu tranh Phật giáo ở Huế vào các năm 1963 và 1966. Vì thế để lấy lòng nhóm này chúng lôi anh Phú ra giết. Anh Phú có phần hùn đấu thuế chợ Đông Ba nên vẫn hay ra thu thuế bạn hàng. Tưởng thế, nhưng cái chết của Phú chẳng gây phản ứng nào nơi nhóm tiểu thương..."
Ở các khu khác, câu chuyện thảm sát cũng đã xẩy ra gióng hệt như thế.
TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN KHE ĐÁ MÀI
Trong cuốn "The Vietcong Massacre at Hue" (Cuộc thảm sát của Việt Cộng ở Huế) Bác Sĩ Elje Vannema đã ghi lại câu chuyện các nạn nhân đã bị dẫn đi thảm sát trên đường từ chùa Từ Đàm đến Khe Đá Mài do một nhân chứng chạy thoát được kể lại. Đọc câu chuyện này, không ai không cảm thấy đau lòng và tự hỏi tại sao Cộng Sản đã hành động dã man như vậy. Vì bài báo có giới hạn, chúng tôi chỉ ghi lại những đoạn quan trọng:
Bên trong nhà thờ chính tòa Phủ Cam, đàn ông và thiếu niên được lệnh sắp thành hàng rồi bước ra ngoài với cán bộ hộ tống. Từ nhà thờ họ băng qua các đường Phủ Cam lên Chùa Từ Đàm. Bị giữ ở đấy một ngày rồi lại tiếp tục đi về phía Nam, hướng Nam Giao. Đàn bà trẻ con nhao lên nhưng được trấn an rằng cha, chồng, con họ phải ra phục dịch bên ngoài thành. Một số bà đi theo xa xa, nhưng rồi bị chặn lại. Trong số người ra đi có anh lính trẻ Cộng Hòa và Lương (nhân vật kể lại câu chuyện này).
Ngày kế tiếp, cuộc hành trình kéo dài suốt chiều tới tối, thoạt tiên rời Từ Đàm đi về hướng Nam rồi bẻ hướng Đông Nam. Sáu cây số đường đi mà Lương nghĩ là một cuộc trường chinh. Không ai nói với ai. Chỉ một lần yên lặng bị cắt đứt bởi một câu hỏi của ai đó: "Ta đi mô đây?". Có tiếng phụ họa: "Lên núi hay tới chỗ chết?".
Bộ đội Mặt Trận nói là họ được đưa đi học tập. Không ai biết mình đi đâu nhưng tự thâm tâm nhiều người tin rằng có lẽ đời mình sắp kết thúc. Ông già đi bên cạnh Lương bổng ngã quỵ. Cho tới lúc đó anh không biết có ông già đi bên mình. "Bắt gió cho ông ta", tiếng ai đó vang lên... Lương ôm lấy ông cho tới khi người canh gác tới.
Mắt ông già hé mở trong chiều xẩm tối. Tiếng nói lạc giọng thều thào: "Xin để tui ở lại đây. Tui không đi xa hơn được nữa!" Ông van xin, bàn tay xương xẩu níu lấy cánh tay người gác. Có lệnh: "Đứng dậy!".
Ông già gượng dậy, cố thẳng người thêm được vài bước rồi lại ngã. Người gác đoàn lúc này hết kiên nhẫn, đạp ông ra lề đường rồi bỏ đi. Vài phút sau, một phát súng xé không khí cùng với một tiếng kêu yếu ớt vang lên... Xác ông được dập vào một hố gần đó, hai tù nhân được lệnh lấp đất. Một tháng sau xác ông được đồng bào khám phá.
Vô vọng, đoàn người bước đi càng lúc càng chậm, câm lặng, uất nén. Người gác cứ hối thúc. Rồi có tiếng hô: "Dừng lại!". Lương thấy đám người phía trước được lệnh bỏ túi xách xuống và ngồi xuống. Họ đã tới đích!
Đám canh gác phía sau miệng là hét thúc những những người còn lại đi nhanh hơn, chân họ đá vào sườn những kẻ đi chậm... Sau này, Lương nhớ lại mình đã đi qua thôn Tu Tay.
Ít lâu sau, chừng 18 người đã bị kêu lên phía trước. Hợ bị tố cáo có tội ác với nhân dân. Các nạn nhân bị lôi đi ngay. Chả ai biết gì về số phận của họ vì chẳng bao giờ gặp lại họ nữa. Những người khác được lệnh đi về phía lăng Đồng Khánh.
Sau một giờ đi, một nhóm nạn nhân được lệnh dừng lại và được chia thành hai nhóm nhỏ. Họ được lệnh đào hầm rãnh. Họ đào đã hai, ba tiếng, ai nấy im lặng gặm nhấm suy nghĩ của mình. Người gác nói: "Hố đào là để trú ẩn và làm mương dẫn nước." Có lẽ họ đào mồ cho lớp người tới sau, chứ chính họ thì chỉ vài mạng phải nằm ở đây mà thôi!
Như một ác mộng kinh hoàng thăm viếng địa cầu, nhưng ác mộng không do quỷ ma mà do chính con người tạo ra. Thoạt tiên, Lương nghĩ chắc mình sẽ không qua khỏi. Dù vậy, trong một hoàn cảnh có thể nói là tuyệt vọng, anh và người lính trẻ vẫn cố tìm cách thoát thân. Hai người thất thần nhìn nhau, mắt mở lớn. Chung quanh Lương, đám người đói, lạnh, có kẻ bị bệnh... Không ai dám quay về nhìn thành phố thân yêu đổ nát đang chìm trong bóng tối sau lưng họ.
Một tiếng nổ kèm với tiếng la vang lên! Thần chết vây bủa không gian. Tại sao mình ở đây? Đa số họ là công giáo, chả ai quan tâm tới chính trị, một số do hoàn cảnh lịch sử phải vào lính như bao nhiều thanh niên Việt Nam và các thanh niên khác trên khắp thế giới đến tuổi như họ.
Sau khi đào xong một hố rãnh, đám đông được lệnh đi tới một đụn cát để nghỉ đêm. Vài người bị dẫn đi. Một số la thét lên vì sợ. Lương thấy người bạn ở cùng phố mà anh quen từ mấy năm nay bật khóc nức nở. Một người hoảng lên chạy quẩn để rồi bị bắt giữ lại. Lương hoảng hốt. Chân anh như điện giật. Anh nghĩ phải liều ngay. Chung quanh cán bộ gác đầy dẫy, nhưng nếu lao vào được bóng tối thì có cơ thoát.
Ác mộng tiếp tục. Người la. Kẻ bị đánh. Người rú lên cười kinh hoàng. Lương ở trong một đám khá đông đang bước đi. Đám người khập khễnh lê lết xuyên qua một đám cây rậm đi xuống đụn cát phía Nam. Khi họ xuống đồi, Lương lách người lao vào bóng tối. Một viên đạn rít bên tai. Anh phóng qua đám rừng, tai vẫn nghe tiếng đạn và tiếng la hét. Chỉ vài phút anh tới một con suối và chạy theo dòng nước hướng về phía Đông. Anh đi suốt đêm, thỉnh thoảng bị khuấy động bởi trái sáng thả từ máy bay và tiếng đại bác. Sáng ra, anh thấy mình băng qua một con đường sắt. Từ đó anh tiếp tục đi tới quốc lộ, lòng mong sớm thoát được vùng tử địa. Xế chiều anh tới con đường phía Nam cách Phú Bài mấy dặm. Mải tới ngày 16/2, Lương mới về lại được thành và kể cho chị Kim những gì đã xảy ra...
Người ta đoán rằng đám nạn nhân từ Phú Cam tiếp tục đi nhiều ngày nữa về hướng Nam, xuyên qua một vùng cây cối khó đi. Mải tới trung tuần tháng 9 năm 1969 người ta mới tìm thấy xác họ trong một con suối nhỏ, khe Đá Mài, con suối chảy ra khe Đại đổ vào sông Hương... Trong số 428 bộ cốt tìm được ở đó, rất ít được nhận diện. Vì không tìm thấy ở đâu khác, gia đình họ Nguyễn (thân nhân người lính trẻ) tin rằng con mình đã chấm dứt cuộc đời nơi khe suối này...
VỤ CÁC BÁC SĨ NGƯỜI ĐỨC
Trong số các nạn nhân bị thảm sát trong Tết Mậu thân, người ta thấy có cả những người ngoại quốc như bốn người Đức dạy ở Đại Học Y Khoa Huế: Bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, Bác sĩ Raimund Discher, và Bác sĩ Alois Alterkoster. Họ bị bắt ngày 5.2.1968 và về sau người ta tìm thấy xác họ ở gần chùa Tường Vân. Bác Sĩ Elje Vannema đã kể lại như sau:
Các bác sĩ đều là người công giáo và họ đã đến Việt Nam dưới thời ông Ngô Đình Diệm. Sau khi ông Diệm bị lật đổ họ được khuyên nên rời khỏi Việt Nam, nhưng đã được mời ở lại ngay sau khi tình hình lắng dịu...
Bác sĩ Discher là người tới sau cùng, và hai vợ chống ông chẳng bao giờ nói tới chuyện chính trị. Ông vừa đưa vợ và con về Đức và mới trở lại Việt Nam trong tháng giêng 1968. Khi tới Hàng Không Việt Nam đặt vé đi ngày 24 tháng giêng, người ta khuyên ông chớ nên ra Huế, vì tình hình không ổn. Nhưng ông nói ông phải có mặt với sinh viên, mặc dù lúc đó còn đang là mùa nghỉ Tết. Hàng Không Việt Nam không bay. ông liền sang đi nhờ máy bay Mỹ ra Huế.
Ông và ba giáo sư người Đức khác đã bị bắt sau khi Cộng quân chiếm Huế. Họ được đưa về Chùa Từ Đàm ở phía nam thành phố. Ngày hôm sau họ được chuyển tới Chùa Tăng Quang Tự, rồi đưa qua một chùa nhỏ có tên là Tường Vân. Chùa này được bao bọc bởi vài căn chòi, nằm cách Tăng Quang Tự độ một dặm. Cha Châu, một linh mục công giáo làm việc với tôi hồi còn ở trường Pellerin, ngày mồng 6 tháng 2 được yêu cầu chuẩn bị "thúc ăn Mỹ" cho các bác sĩ Đức. Ngày 7 tháng 2, một ký giả Đức theo chân các thành viên của Tổ Chức Cứu Trợ Công Giáo (ICC) cố vào tìm các bác sĩ tại căn nhà họ ở trước đây, nhưng bị lính Mỹ cản. Ngay cả vào để dọn đồ cũng không được phép. Tôi bước tới cách nhà độ 15 mét thì một anh lính Mỹ chĩa súng vào người và nói: "Ông kia... quay ra". Khi tôi bảo tôi có quyền vào nhận diện dấu vết những gì đã xây ra, anh lính này dí súng bảo tôi đi. Họ bận rộn khiêng vác bàn ghế, tranh ảnh và một tấm gương ra khỏi nhà. Mãi tới đầu tháng 4 thì một sinh viên y khoa tên Anh, được một vị sư có tên là Châu báo cho biết có một ngôi mộ trong miếng đất nằm giữa cây cối, cách Chùa Tường Vân nửa dặm về phía nam. Anh và hai sinh viên nữa đã tới đó vào chập tối. Vì quá trễ nên ngày hôm sau họ quay trở lại, đào xác các thầy mình lên và chuyền về Sài gòn để hai bác sĩ người Pháp nhận diện. Vê sau, bác sĩ Le Hir cho tôi hay có nhiều vết thương nơi đầu và thân mình, nhưng vết thương kết liễu là viên đạn xuyên qua đầu và ót Tháng năm, Toà Đại Đứ Đức ở Sài Gòn chính thức thông báo rằng các công dân của họ đã bị hành quyết...
Sau này, Sư Châu kể rằng một trong các chú tiểu của ông thấy người ta đào hố và nghe thấy tiếng súng. Ngày hôm sau chú đi ra xem thấy những nấm đất mới. Vì quá sợ nên mãi mấy tuần sau mới dám hé môi.
Riêng Bác Sĩ Erich Wulff, cũng đến dạy y khoa ở Đại Học Huế năm 1961 như ba bác sĩ Đức khác. Nhưng ông đã tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh của Phật Giáo, do đó sau cuộc nổi loạn của Phật Giáo ở Huế và Đà Nẵng năm 1966 bị thất bại, ông đã rời Việt Nam năm 1967, nhờ vậy ông thoát chết. Bác Sĩ Discher đến thay ông nên gặp nạn.
NHẬN RA ĐƯỢC SỰ THẬT
Tạp chí Time, số ra ngày 5.4.1968 có đăng bài "An efficient massacre" (Một cuộc tàn sát có hiệu quả) của ký giả Stewart Harris. Tạp chí Time đã giới thiệu Harris như là một ký giả người Anh chống lại chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Nhưng sau khi đến Huế để điều tra cuộc thảm sát của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân, ông đã nhận ra được sự thật và ghi lại như sau:
Vào buổi chiều nắng đẹp, tại một thung lũng xanh cỏ ở vùng Nam Hoà, cách phía nam Huế 10 dặm, tôi cùng chuẩn uý Ostara, một cố vấn quân sự của quân đội VNCH, đứng trên sườn đồi đầy những lỗ vừa mới đào. Dưới chân đồi là những tấm chiếu phủ trên bạt ni lông. Ostara lật chiếu lên, tôi thấy hai xác người, tay họ bị trói phía trên cùi chỏ, giật ngược về phía sau. Nạn nhân bị bắn từ phía sau đầu, đạn trổ ra đằng miệng. Khó mà nhận diện được nạn nhân. Ngày hôm trước, 27 người đàn bà trong làng đã vác cuốc chim đi đào xới kiếm xác chồng con họ ở một nơi cách làng 3 dặm, sau khi nghe nói có người nghe tiếng đào xới đất đá ở cạnh con đường mà Việt Cộng đã đi qua để đến Huế. Việt Cộng đã bắt đi 27 người, trong đó có vài người là viên chức trong làng và một số là thanh thiếu niên, để làm phu khuân vác, hay để xung vào bộ đội của chúng.
Bob Kelly, một cố vấn cao cấp của tỉnh Thừa Thiên cho biết, các nạn nhân chỉ đơn giản bị tòa án nhân dân kết án một cách vội vã rồi bị xử tử với tội danh: "Kẻ thù của nhân dân". Họ là những viên chức xã ấp, thường là ở cấp thấp. Một số người khác bị giết vì họ không còn hữu ích cho Việt Cộng, hoặc không cộng tác với chúng. Vài cộng tác viên của ông Bob Kelly bị phanh thây một cách thảm khốc. Ông Bob Kelly cho rằng những người này bị chặt ra thành từng khúc sau khi họ đã bị giết. Nạn nhân bi trói và bị bắn từ phía sau đầu. Ông Kelly đã giúp đào xới tìm xác một nạn nhân. Ông Bob Kelly đã nói với người viết bài này rằng một người Việt Nam mà ông hằng kính trọng cho biết, một số nạn nhân đã bị chôn sống.
Trung Uý Gregory Sharp, một cố vấn Hoa Kỳ của tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân cho tôi biết, hôm 14 tháng 3, binh sĩ của ông ta đã tình cờ khám phá ra 25 ngôi mộ mới trong một nghĩa trang ở cách Huế 5 dặm về hướng đông. Trong số những ngôi mộ đó, có đến 6, 7 nạn nhân bị chôn ngập đến cổ, đầu nhô lên khỏi mặt đất. Theo Trung Uý Sharp thì hình hài nạn nhân chẳng còn nguyên vẹn, vì đã bị kên kên và chó tranh nhau xâu xé. Trung Úy Sharp cho biết, một số nạn nhân bị bắn vào đầu, một số khác không bị bắn, mà bị chôn sống. Cũng theo viên trung úy này thì ở một vài nơi ông ta đã thấy những vệt kéo trên mặt cát, như thể nạn nhân cố bám vào mặt đất khi bị kéo lê. Ở Khu Tả Ngạn, 3 sĩ quan Úc đã tìm thấy 7 thi hài trong 3 hố chôn. Những người này bị trói thúc ké và bị bắn từ phía sau đầu. Ngay sau khi đến Huế, tôi đã dùng xe jeep đi chung với 3 sĩ quan Việt Nam để xem xét một vài địa điểm đang khai quật tìm kiếm thi hài nạn nhân của vụ thảm sát. Đầu tiên chúng tôi đến Trường Trung Học Gia Hội ở Quận 2, phía đông Huế. Ở đó người ta đã tìm thấy 22 hố chôn mới. Mỗi hố có từ 3 đến 7 nạn nhân. Không khí kinh hoàng vẫn bao trùm khu vực này. Các sĩ quan cho tôi biết, các nạn nhân đều bị trói, bị bắn từ phía sau đầu, hoặc bị chôn sống như ở những nơi khác.
Điều gì đã xẩy ra đối với khoảng 40 ngàn dân Công Giáo ở Huế? Ba phần tư số giáo dân này sống ở vùng Phủ Cam, khu ngoại ô phía Nam thành phố Huế. Họ đã chống cự mãnh liệt khi Việt Cộng đến, một số bị giết chết. Bốn giáo sĩ Việt Nam bị bắt đem đi, ba giáo sĩ ngoại quốc bị giết. Hai giáo sĩ người Pháp được Việt Cộng cho phép trở lại Phủ Cam để giúp các bà sơ, nhưng họ đã bị giết trên đường về. Một giáo sĩ người Pháp bị hành quyết có lẽ vì ông ta là Tuyên Uý của Quân Đội Hoa Kỳ.
CUỘC TÌM XÁC VÀ CẢI TÁNG
Trong cuốn "Vietcong Stratregy of Terror" (Chiến lược khủng bố của Việt Cộng), Giáo Sư Douglas Pike đã mô tả cuộc tìm xác của các nạn nhân ở Khe Đá Mài như sau:
"Binh đoàn 101 Không Vận HK thấy không thể dùng đường bộ đến khe Đá Mài. Đường không có lối ra và không đi qua được. Tầng lá cây dày đặc, ở VN người ta gọi đó là cái lọng đôi, nghĩa là có hai tầng lá, một ở gần mặt đất, gồm cây và bụi rậm, và một tầng lá cao, che phủ bên trên. Bên dưới chỉ có ánh sáng lờ mờ. Công Binh Quân đội Hoa Kỳ đã phải mất hai ngày để chọc thủng một cái lỗ xuyên qua cái lộng đôi bằng cách cho trực thăng bay lưng chừng bên trên rồi thòng chất nổ xuống qua khỏi các tầng lá cây và cho nổ để tạo lỗ trống cho những chiếc trực thăng hốt cốt có thể đáp xuống được. Rõ ràng đây là nơi xác chết có thể được giấu kín không cần chôn cất.
"Trên một đoạn khe dài hơn một trăm mét là sọ người chết, các bộ xương và các mãnh xương người. Xác chết được để trên mặt đất (theo thuyết vật linh, linh hồn của những người không được chôn cất sẽ đi lang thang mãi mãi trên trái đất), và trong vòng 20 tháng, nước suối chảy đã làm cho xương sạch trơn và trắng bạch."
Trong bài "Mậu Thân 1968: Cải táng đồng bào bị thảm sát", ông Võ Ngọc Tụng, Quận Trưởng Quận Phú Thứ ở Thừa Thiên, đã kể lại câu chuyện ông đi tìm các hố chôn tập thể và cải táng các nạn nhân như sau:
Khi biến cố Tết Mậu Thân xảy ra, tôi là một sĩ quan thuộc Phòng 3 Bộ Tham Mưu Sư Đoàn I bộ binh đóng tại Mang Cá, Thành Nội Huế, nơi duy nhất không bị Cộng Sản chiếm trong đêm đầu, tức đêm mồng 1 Tết.
Sau đó, tôi được biệt phái qua Tiểu Khu Thừa Thiên đi làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Phú Thứ - một trong ba quận có nhiều mồ chọn tập thể dân Huế. Đó là các quận Phú Vang, Phú Thứ và Nam Hoà tỉnh Thừa Thiên.
Vùng có nhiều hố chôn tập thể hơn cả là vùng cát gần các thôn Xuân Ô, Xuân Đợi, Ba Lăng, Quảng Xuyên, Lương Viện, Viễn Trình. Nạn nhân bị bắt được CS dẫn đi theo hai lộ trình chính: Một lên hướng Nam Hoà đi vào khe Đá Mài (nhiều trăm xác được tìm thấy tại đây). Hai qua ngã Chợ Cống hoặc Dạ Lê rồi đi về các vùng Đông Đổ, Ba Lăng, Lương Viện, Trường Hà, Mộc Tụ thuộc quận Phú Thứ.
Việc tìm kiếm các hố chôn tập thể có nhiều cách. Một trong những cách đó là dân theo hướng những tiếng rú hãi hùng trong đêm. Bởi khi bị dồn thành hàng dưới các hố rãnh, biết rằng mình sẽ bị hành hình nên các nạn nhân đã rú lên kinh hoàng. Dân các làng chung quanh tùy theo chiều gió đã nghe rất rõ những tiếng rú ấy trong đêm khuya.
Mỗi cuộc cải táng phải có sự phối hợp chu đáo giữa xã, quận và tỉnh.
Trước hết phải thành lập các toán nhận dạng nạn nhân. Họ là những người chuyên môn và tình nguyện, thường là một nhóm 6 người gồm 3 người đặc trách nhận dạng. Khi lấy xác lên, họ tìm kiếm giấy tờ nếu có, kiểu và màu sắc áo quần, giới tính, tóc, răng hay những điểm nổi bật khác.
Sau ba, bốn ngày hoặc ngắn hơn tùy theo số lượng xác tìm được vượt quá số từ 500 - 600, một lễ cải táng được tổ chức trang nghiêm để đưa lên nghĩa trang Ba Đồn, Ba Tầng gần Nam Giao. Rất nhiều xe GMC được trưng dụng, mỗi xe chở 10 "tiểu" có gắn biểu ngữ, cờ tang và có ban nhạc đi theo.
Lần tổ chức cải táng sau cùng ở Phú Thứ để dời lên nghĩa trang Ba Đồn và Ba Tầng, người ta đã tìm được 454 xác, trong đó có một hố với 4 xác chôn sống của 2 linh mục và 2 thầy đại chủng viện. Đó đó là xác linh mục Bửu Đồng và linh mục Đẳng, còn lại hai thầy tôi không nhớ tên. Vì có cảm tình riêng với linh mục Bửu Đồng, tôi đã dò theo dấu vết ngài từ họ Sư Lỡ qua các thôn ấp, gia đình ngài trú ngụ và cuối cùng dẫn ra chỗ chôn ngài. Trên người ngài còn đủ cả giấy tờ và hình ảnh với 1 lá thư do chính tay ngài viết gởi cho mẹ. Lần đào xác nầy có một số ký giả ngoại quốc đến Bộ Chỉ Huy tại Quận Phú Thứ. Tôi có ý định mời họ đến tận nơi quan sát nhưng vì mỗi lần tổ chức, CS tăng gia hoạt động để phá hoại an ninh và việc cải táng nên các ký giả không thể đến nơi để thấy tận mắt được..."
Ông Võ Văn Bằng, Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân, đã hồi tưởng: "Các hố cách khoảng nhau. Một hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng." (RFA 31.1.2008).
RẬP KHUÔN THEO LÉNIN
Như chúng tôi đã trình bày, Đảng CSVN muốn tạo sự kinh hoàng trong quần chúng để mọi người hoảng sợ và tuân phục, nên đã ra lệnh thực hiện những cuộc tàn sát dã man như thế. Đây là chính sách mà Lénin đã áp dụng tại Liên Sô trước đây.
Trong quyển "The Unknown Lenin", ông Richard Pipes, Giáo sư Sử Học Nga thuộc Harvard University, ghi nhận rằng yếu tố lạnh người nhất là Lenin đã ra lệnh "tạo sự kinh hoàng" trong quần chúng trên toàn quốc. Hồi đầu tháng 9/1918, Lenin viết: "Cần thiết và khẩn cấp chuẩn bị cho sự kinh hoàng, một cách bí mật". Tháng 8/1919, Lenin chỉ thị cho bọn cầm quyền tỉnh Penza phải treo cổ ít nhất 100 người, một cách công khai. Lénin truyền lệnh: "Hãy thực hiện chuyện này bằng một phương cách mà người ta sẽ thấy, từ xa hàng trăm dặm, run sợ, biết đến, và gào thét. Họ bị treo cổ, và sẽ treo cổ đến chết bọn địa chủ hút máu".
Đảng CSVN cũng bắt chước đường lối này khi nghĩ rằng có thể chiếm giữ Huế lâu dài.
Người Cam-bốt có hai tác phẩm danh tiếng nói lên tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, đó là cuốn "Survival in the Killing Fields" (Sống còn trong Các Cánh Đồng Chết) của Haing Ngor, Roger Warner, và cuốn "When Broken Glass Floats – Growing up under the Khmer Rouge" (Khi mảnh chai nổi lên – Lớn lên dưới chế độ Khmer Đỏ) của Chanrithy Him. Cuốn "Survival in the Killing Fields" đã được đóng thành phim dưới cái tên "Killing Field". Hai tác phẩm này đã đánh động được lương tâm nhân loại, nên ngày nay các lãnh tụ Khmer Đỏ đang phải ra trước tòa án hình sự để bị trừng phạt về tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.
Người Việt "quốc gia chống cộng" có trình độ văn hóa và cuộc sống cao hơn người Cam-bốt, nhưng ngoài những bài chửi Cộng Sản bằng dao to búa lớn, không có một tác phẩm nào nói về tội ác của CSVN trong Tết Mậu Thân có giá trị tư pháp hay sử liệu như hai tác phẩm nói trên, nên những kẻ phạm tội vẫn còn ung dung tại vị. Đó là một điều đáng buồn, rất đáng buồn!
Tú Gàn
|