Hoa Kỳ: Hàng triệu trẻ vô sinh đang run sợ trước nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama sắp tới
1) Một biến cố lịch sử độc nhất vô nhị
Khách quan mà nói, không ai có thể phủ nhận được rằng sự trúng cử vào ghế Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ của nghị sĩ Barack Obama là cả một biến cố lịch sử độc nhất vô nhị, trước hết đối với chính quốc gia Hoa Kỳ và tiếp đến đối với các sắc dân da màu ở quốc gia này.
Đối với chính quốc gia Hoa Kỳ: vì sự thắng cử Tổng Thống của ông Barack Obama, một người gốc Phi Châu mới thế hệ thứ hai có mặt trên phần đất quốc gia này, là một biện minh cho nền dân chủ cũng như tính chất «hiệp chủng quốc» của Hoa Kỳ, tức mọi người công dân đều bình đẵng trước mọi quyền lợi và bổn phận, không phân biệt màu da chủng tộc. Đây là một điều mà người ta không thể tìm gặp tại bất cứ quốc gia nào ở lục địa Âu Châu.
Tiếp đến, biến cố còn là một sự tự hào và niềm hy vọng cho mọi sắc dân da màu đang sinh sống tại Hoa Kỳ nói chung và cho người da đen gốc Phi Châu nói riêng. Nếu Mục sư da đen Luther King, từng là thần tượng cho lý tưởng đòi quyền bình đẳng và các nhân quyền khác cho người Mỹ da đen, đã nằm vào lòng đất như hạt lúa qua cái chết anh dũng cho chính nghĩa nhân quyền và công bình của ông, thì người ta có thể nói được rằng hạt lúa giống tốt Luther King được gieo vào lòng đất năm nào nay đã trở thành cây lúa Barack Obama. Thật vậy, nếu không có cuộc cách mạng rầm rộ và vĩ đại, nhưng bất bạo động của Mục sư Luther King cách đây mấy thập niên về trước, để đòi các nhân quyền cơ bản cho người Mỹ gốc Phi Châu da đen, thì chưa chắc quốc gia Hoa Kỳ đã loại bỏ được những luật kỳ thị người Mỹ da đen, và như thế, chắc chắn ông Barack Obama cũng không thể tiến thân được trong sự nghiệp chính trị của mình như ngày nay.
Bởi vậy, để được có mặt trong ngày nhận chức Tổng thống của ông vào ngày 20.1.2009, hàng triệu người đang nô nức tuôn đổ về Thủ đô Washington, đến nỗi chỉ mấy tuần lễ sau khi tin ông Obama đắc cử Tổng thống được tung ra, thì hàng trăm ngàn khách sạn to nhỏ ở Washington đã không còn phòng trống nữa.
2) Một đại hung tín cho sinh mạng những trẻ em vô sinh
Tuy nhiên, tin vui ông Barack Obama thắng cử đồng thời cũng là một đại hung tín cho sự sống con người nói chung và cho sự sống các trẻ em vô sinh nói riêng. Vì rồi đây, dưới «triều đại» Tổng thống của ông Barack Obama với một quan điểm chính trị triệt để ủng hộ việc tự do phá thai vô giới hạn, chắc chắn sẽ có hàng triệu trẻ vô sinh không còn được may mắn cất tiếng chào đời. Các em sẽ bị giết chết một cách dã man ngay trong cung lòng của mẹ các em.
Bởi vậy, giáo sư triết học Godehard Brüntrup SJ, một người từng dạy học nhiều năm tại các đại học khác nhau ở Koa Kỳ, đã nhận định rằng «tại Tòa Bạch Ốc chưa hề có một vị Tổng thống nào đã có chủ trương chính trị phá thai một cách tự do cực đoan như ông Barack Obama.»
Nhưng trước hết, chúng ta thử nhìn qua các diễn tiến tương quan đến phong trào phò sự sống và khuynh hướng tội phạm giết hại các trẻ em vô sinh ở Mỹ.
Ngày 5.11.2003 quả thực là một ngày vui mừng và rất đáng ghi nhớ cho phong trào bảo vệ sự sống con người tại Hoa Kỳ, khi luật cấm «phá thai muộn», tức phá thai vào những tháng cuối cùng chu kỳ mang thai, bằng cách dùng kéo cắt nhỏ thai nhi ra từng mảnh để lôi ra khỏi bụng mẹ mà tiếng Anh gọi là «partial-birth Abortion», chính thức có giá trị. Việc phá thai này được thực hiện vào tháng thứ năm và thứ sáu, nhưng cũng có thể muộn hơn nữa. Diễn biến sự phái thai này được thực hiện như sau: người ta dùng dụng cụ đặc biệt lôi thai nhi tách rời khỏi tử cung người mẹ, dùng kéo đâm thủng vào sọ đứa trẻ để cắt nát đầu ra, tiếp đến cắt nhỏ từng phần khác của thân thể của đứa trẻ vô sinh và sau cùng là dùng máy hút ra bên ngoài. Qua đó, tử cung người mẹ vốn là chiếc nôi êm ái và an ninh cho thai nhi cư ngụ, thì nay đã biến thành lò sát sinh vô cùng man rợ đối với chính thai nhi. Theo các thống kê chính thức, thì trong số trên một triệu trường hợp phá thai hàng năm ở Mỹ, có từ ba đến năm ngàn đứa trẻ vô sinh bị sát hại một cách vô cùng dã man theo phương pháp khủng khiếp này, nhưng có lẽ con số không được kê khai chính thức như thế còn nhiều gấp bội.
Vì theo nguyên tắc, nếu việc mang thai có triệu chứng nguy hiểm cho tính mạng người mẹ, thì việc cấm phá thai theo phương pháp trên mới được phép. Nhưng trên thực tế, phương pháp phá thai khủng khiếp này tại các phòng mạch, các bác sĩ không nhất thiết phải quan tâm đến mục đích nhằm tới, tức để loại trừ sự nguy hiểm cho sinh mạng người mẹ.
Từ năm 1973, lần đầu tiên ở Hoa Kỳ việc phá thai bị hạn chế, dĩ nhiên chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó mà thôi. Nhưng từ khi Tối cao pháp viện đưa ra hai quyết định cách đây 35 năm thì trong thực hế vấn đề phá thai kể như không còn bị giới hạn nữa. Nếu thai nhi đã vào tháng thứ bảy, nhưng tình trạng sức khỏe người mẹ đòi hỏi thì vẫn có quyền phá thai. Không những thế, kể cả khi việc mang thai làm cho người mẹ đâm ra quá lo lắng hay thêm gánh nặng chật vật cho gia đình thì cũng kể là đủ lý do để phá thai. Điều đó muốn nói rằng ở Hoa Kỳ việc phá thai hoàn toàn được phép trong bất cứ thời điểm nào.
Nghị sĩ Barack Obama hoàn toàn dứt khoát chống lại việc cấm phá thai muộn, tức phương pháp dùng kéo cắt nhỏ thai nhi ra từng mảnh rồi dùng máy hút ra khỏi tử cung người mẹ. Ông cho rằng việc cấm phá thai muộn là một việc thiếu thiện ý đáng báo động của phe bảo thủ trước tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Dĩ nhiên khi lý luận như thế trong việc phá thai, là ông Obama chỉ nói theo sự suy diễn của ông, chứ không nhất thiết là theo ý kiến của y khoa. Trong cuộc nói chuyện vào ngày 17.7.2007 trước phong trào ủng hộ phá thai, ông Barck Obama đã cho rằng việc cấm phá thai muộn là một thái độ của phong trào bảo thủ đi ngược lại quyền lợi của những người phụ nữ Hoa Kỳ. Từ nhiều năm nay ông đã tranh đấu một cách cuồng nhiệtcho quyền tự định đoạt của người phụ nữ trong vấn đề phá thai. Ngay khi còn là giáo sư tại đại học Chicago ông đã đặt vấn đề này làm trọng tâm cho các bài giáo án của ông về luật pháp.
3) Kế hoạch tự do hóa việc phá thai một cách quá khích đã hình thành
Tuy nhiên, ông Obama chưa bằng lòng dừng lại ở mức độ như thế, ông còn muốn đi xa hơn nữa trong vấn đề phá thai. Việc làm đầu tiên của ông trong tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là loại bỏ những giới hạn việc phá thái đang được áp dụng bằng một khoản luật Liên Bang. Khoản luật Liên Bang này, tức «Freedom of choice Act 5» (quyền tự do chọn lựa), không những tìm cách loại bỏ việc cấm phương pháp phá thai muộn khủng khiếp như đã đề cập ở trên, nhưng còn loại bỏ tất cả mọi luật lệ, mọi điều chỉnh hay các thực hành nhằm giới hạn việc phá thái. Trong số những luật lệ và những thói quen thực hành giới hạn việc phá thai này phải kể đến những trường hợp hoàn toàn hợp lý, ví dụ: Tất cả những điều luật thuộc bình diện chung các Tiểu bang cho phép các bác sĩ và nhân viên y tế, vì lý do lương tâm, được từ chối tham dự vào việc phá thai mà không sợ bị sa thải, bị đình công tác hay bị làm khó dễ. Ông Obama còn muốn ngừng tài trợ kinh phí cho tất cả những trung tâm tư vấn cho những người phụ nữ có thai đang gặp khó khăn về mọi mặt và tìm cách giúp đỡ các bà về mặt vật chất để các bà không đành sát hại đứa con vô tội mà các bà đang mang trong mình.
Nhìn lại lịch sử quốc gia Hoa Kỳ từ trước cho tới nay, quả thật chưa hề có một nhà chính trị nào có một quan điểm cực kỳ quá khích trong vấn đề phá thai như ông Barack Obama, vị Tổng thống thứ 44, vừa mới trúng cử vào ngày 4.11.2008, của quốc gia này.
4) Thái độ của người Công Giáo trong cuộc bầu cử Tổng thống
Trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ vừa qua, chỉ có khoảng 20% các cử tri Tin Lành đã bỏ phiếu cho ông Barack Obama, còn đại đa số, tức khoảng 80% đã dồn phiếu cho ứng cử viên đối lập với ông Obama là ông John McCain thuộc Đảng Cộng Hòa, một người có quan điểm chính trị thiên về đạo đức và luân lý hơn. Trong khi đó, ngược lại, các cử tri Công Giáo vốn mang tiếng bảo thủ và trọng luân lý lại bị phân hóa và hơn một nửa trong số họ đã bỏ phiếu cho ông Obama. Nhưng nếu người ta quan sát những cử tri người Công Giáo thực hành, tức đi xem Lễ Chúa Nhật đều đặn, đi bỏ phiếu thì bấy giờ đa số trong họ đã dồn phiếu cho ông MacCain. Với 60 triệu thành viên, khối Công Giáo Hoa Kỳ đã chiếm hơn một phần tư trong số các cử tri toàn quốc, nên giữ một vị trí quyết định trong các cuộc bầu cử. Dĩ nhiện, với điều kiện là khối Công Giáo này phải đoàn kết với nhau.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa rồi đã không cho thấy điều đó. Ngay vào năm 1998, ông Karl Rove, cố vấn Tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa, đã nhận thấy rằng xét về phương diện chính trị, khối cử tri người Công Giáo không nhất thiết là một đơn vị thống nhất hay đã có chung một lập trường chính trị nhất định, nhưng họ đều «đang trên đường đi tìm kiếm.» Mặc dù sự thất vọng của phái bảo thủ về đường lối chính trị của Tổng thống đương nhiệm Georg W.Bush đã tăng lên rõ rệt, nhưng vẫn trong mức độ chậm rãi. Theo sự thăm dò dư luận do cơ quan Pew Research tổ chức vào cuối tháng 9.2008, thì trong giới Công Giáo ông John MacCain đang dẫn đầu với 13% trước ông Obama.
Nhưng chỉ hai tuần lễ sau đó, sau khi vụ khủng hoảng Ngân hàng bùng nổ, thì ông Obama lại vượt ông MacCain 8% trong giới cử tri Công Giáo. Điều đó cho thấy rằng vấn đề kinh tế là vấn đề cơ bản trong việc ủng hộ ứng cử viên của đa số cử tri người Công Giáo, đến nỗi một vài vị Giám Mục đã ra thư Mục Vụ để gián tiếp cảnh cáo các giáo dân về bỏ phiếu cho ông Obamanạn, khi các ngài nêu lên tội phạm phá thai và gọi đó là «một điều độc ác ghê tởm» xúc phạm đến sự sống con người – như các Giáo phận Dallas và Fort Worth –, nhưng rồi cũng không làm thay đổi được tình thế.
Chính ĐHY Justin Rigali của Giáo phận Philadelphia trong một Thư Chung mang tính cách toàn quốc về «Chúa Nhật tôn trọng sự sống» đã đưa ra những viễn tượng về ngày bầu cử Tổng thống và không quên bày tỏ sự bức xúc lo lắng của ngài là trong năm 2009 luật về «Freedom of Choice Act» có thể sẽ được ban hành, một khoản luật – như đã nói trên – loại bỏ tất cả mọi hạn chế việc phá thai. Và cho tới thời điểm lúc bấy giờ thì chỉ có một nhà chính trị duy nhất thuộc Quốc hội Hoa Kỳ công khai bày tỏ ước muốn cho dự luật đó được ban hành sớm hết sức có thể, đó chính là nghị sĩ Barack Obama, vị Tổng thống thứ 44 vừa được đắc cử. Chính ông Obama đã tuyên bố trong khi đi vận động bầu cử, là nếu ông thắng cử thì dự luật tự do phá thai, kể cả tự do phá thai muộn, tức phá thai vào tháng thư bảy, sẽ được ông đưa lên hàng đầu trong danh sách các số vấn đề tối ưu được chính phủ ông quan tâm. Tuy nhiên, liệu ông có được đa số ủng hộ cho dự luật sát hại trẻ vô sinh một cách man rợ như thế hay không, một phần lớn còn tuỳ thuộc vào một yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự chống đối của dư luận đại chúng và của các Giáo Hội mạnh đến đâu.
Việc ông Obama chọn vấn đề phá thai làm chủ đề chính cho đường lối chính trị của ông, thực ra cũng có thể chứng minh một cách rõ ràng qua những hoạt động của ông tại Thượng viện Tiểu bang Illinois. Và mục đích nhằm tới là được tự do thực hành một sự phá thai không kém phần tàn bạo và vô nhân đạo đối với các trẻ vô sinh hơn sự «phá thai muộn» đầy man rợ như đã trình bày trên. Đó là người ta bâm một loại chất muối độc hay người ta bâm chất Hormon với một số lượng hết sức lớn lao vào bào thai đã vào giai đoạn cuối của chu kỳ mang thai và làm cho đứa trẻ phải quằn quại đau đớn vô cùng trước khi chết, và thời gian thường kéo dài vào khoảng một giờ đồng hồ. Sau đó là bào thai bị lôi ra ngoài và bị ném vào thùng rác như một con vật.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp trong khi phá thai như thế đứa trẻ bị lôi ra khỏi bụng mẹ mà vẫn còn sống, vì thường cơ thể những đứa trẻ vào cuối chu kỳ mang thai như thế đã phát triển đầy đủ để có thể thở và có thế sống sót. Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra là trong những trường hợp các đứa trẻ bất hạnh này vẫn còn sống ngoài ý muốn của mẹ chúng như vậy, người ta phải xử sự với chúng ra sao đây?
Trong nhiều nhà thương ở Mỹ, những đứa trẻ sống sót như thế không được hưởng sự chăm sóc thuốc thang, mặc dù nhiều đứa trẻ trong số những đứa trẻ bất hạnh này nếu được chăm sóc bằng những phương tiện y khoa hiện đại ngày nay, vẫn còn đầy hy vọng sống sót. Còn trên thực tế, những đứa trẻ đó khi bị lôi ra khỏi bụng mẹ, người đặt nằm trần trên một chiếc bàn kim loại lạnh buốt trong một căn phòng tối mù mịt và chờ cho chúng tắt thở - sau khi phải tự vật lộn với cái chết một cách đau đớn và đầy cô đơn - và người ta ném xác chúng vào thùng rác như một cục thịt thừa thảã vô dụng.
Chắc chắn rằng trước sự hấp hối và vật lộn với cái chết đầy đau đớn và thương tâm của những đứa trẻ bất hạnh đó và thường kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ liền, trái tim của những người còn chút lương tri và lòng nhân đạo sẽ phải rướm máu khóc thương cho thân phận hẩm hiu chua xót của những trẻ vô sinh bất hạnh đã bị chính những người mẹ của chúng sát hại một cách man rợ ngay khi chúng còn an giấc trong dạ các bà và không thể tự vệ, cũng như không khỏi khủng khiếp và ghê tởm cho sự độc ác dã man của con người ngày nay!
Đó cũng là tâm trạng đau buồn của cô y tá Jill Stanek. Cô Jill Stanek làm việc tại bệnh viện Christ Hospital ở mạn phía nam Chicago, một nơi hàng năm có khoản hai mươi trường hợp phá thai theo kiểu này. Theo lời cô Stanek kể, thì người ta sẽ vất xác những đứa bé bị giết hại vào một phòng chứa rác bẩn thỉu. Và cô vô cùng sửng sốt và không thể hiểu được là tại sao những chuyện phá thai, những chuyện sát hại các trẻ vô sinh một cách tàn bạo như vậy lại có thể xảy ra trong một bệnh viện mang tên Đức Kitô. Thoạt đầu cô cũng không biết rằng sở hữu chủ của bệnh viện là Giáo Hội Đức Kitô Thống Nhất (United Church of Christ), một Giáo Hội mà ông Barack Obama là thành viên. Chính mục sư Jeremiah Wright, cố vấn tinh thần của ông Obama, từng là thành viên ban quản trị của bệnh viện. Từ trên 30 năm nay, Giáo Hội Đức Kitô Thống Nhất đã đồng ý cho tự do phá thai hầu như vô giới hạn. Vì thế cô Jill Stanek đã phải nhờ đến các cơ quan báo chí để tố cáo tội phạm này của bệnh viện. Và các tin tức tung ra đã làm cho dư luận vô cùng phẩn uất và ghê tởm trước các hành động giết người một cách man rợ của một bệnh viện Kitô giáo. Tờ Tribune, một tờ báo lớn ở Chicago, đã gọi hành động phá thai man rợ đó là một sự vô tâm khủng khiếp. Văn phòng cơ quan sức khỏe thuộc Tiểu bang Illinois đã điều tra sự việc và đã trình lên văn phòng chưởng lý thuộc Toà thượng thẩm của Tiểu bang phán quyết.
5) Một sự đồng lõa tội phạm có chiến lược
Vào ngày 17.7.2000 ông chưởng lý Jim Ryan khẳng định rằng việc phá thai như thế không hề đi ngược lại luật lệ hiện hành. Nhưng cô Jill Stanek đã không chịu đồng hàng. Cô đã nhờ đến sự can thiệp của ông Patrick O’Malley, nghị sĩ trong thượng viện Illinois. Vào thánh 3 năm 2001, ông O’Malley đã đưa trình Thượng viện Illinois một dư án luật cho rằng tất cả những thành viên thuộc loại người «Homo sapiens» đang hiện hữu ngoài dạ mẹ, mà vẫn còn thở và tim vẫn còn đập, thì hoàn toàn được hưởng qui chế luật pháp của các «nhân vị con người», và như thế là có quyền đòi được săn sóc về mặt y khoa. Qua đó, những trẻ bị phá thai mà vẫn còn sống thì hoàn toàn phải được săn sóc thuốc thang như những đứa trẻ được sinh ra bình thường. Một cách công khai thì dự án luật này tự bản chất không có liên quan gì tới luật phá thai. Nghĩa là quyền được phá thai vẫn không bị hạn chế.
Bởi vậy, bản dự án luật trên phải mang tên là « Luật bảo vệ những trẻ con sinh ra còn sống.» Ngày 27.3.2001, trong Ủy ban Tư pháp của Tiểu bang, ông Barack Obama đã lên tiếng bài bác chống lại dự án luật này. Trong cuộc biểu quyết ba ngày sau đó tại Thượng viện, ông Obama đã hành động theo một chiến lược được dàn dựng do Pam Sutherland, một nữ phát ngôn viên của tổ chức Planed Parenthood, một tổ chức hoàn toàn ủng hộ việc phá thai. Dĩ nhiên, tất cả diễn tiến đó đều do ý kiến của ông Obama và mọi người đã nhất trí trước đó với nhau. Trong Thượng viện, ông Obama là người duy nhất lên tiếng chống lại dự luật trên và ông cho rằng dự án luật đó ngầm chứa đựng mầm mống phá bỏ quyền tự do phá thai. Và theo đúng như thỏa thuận với Sutherland trước đó, ông Obama đã bỏ phiếu trong cuộc biểu quyết kết thúc với phiếu «hiện diện», điều đó có nghĩa là ông không tham dự cuộc bỏ phiếu hay ông bỏ phiếu trung lập. Còn nhiều nhà chính trị khác có mặt, mặc dù không đủ can đảm để bỏ phiếu «không» để chống lại dự án luật, nhưng vì sợ mất phiếu tại đơn vị cử tri của mình, nên cũng bắt chước ông Obama bỏ phiếu «hiện diện». Thế là cuối cùng dự án luật đã không hội đủ đa số phiếu. Và điều đó cho thấy rằng chiến lược của ông Obama và các «chiến hữu» của ông đã thành công như ý muốn.
Vào năm 2001 một dự án luật cũng tương tự như thế đuợc trình lên Thượng viên Liên bang và được 98 nghị sĩ có mặt nhất trí chấp thuận. Dự án luật thuộc lãnh vực toàn quốc này cuối cùng chỉ mang tính cách bổ túc, xác nhận rằng điều luật này không có tác dụng trên những thành viên của giống người Homo sapiens chưa được sinh ra. Dự án luật trên được cả nữ nghị sĩ Barbara Boxer của Tiểu bang California đồng ý. Bà Boxer vốn là một người đứng đầu sổ những người mạnh mẽ lên tiếng bênh vực quyền được tự do phá thai ở Quốc hội. Vì thế bà đã được phong trào phò phá thai «National Abortions Rights League» ca tụng như một nữ anh hùng.
Sau khi luật bảo vệ những trẻ em sinh ra mà vẫn còn sống tại Washington đạt được thành công như thế, người ta cảm thấy được động viên tinh thần và có thêm can đảm để đệ trình một lần nữa bản dự án luật ở Chicago. Tuy nhiên, trước ngày biểu quyết 13.3.2003, một ước khoản thiếu chắc chắn còn được thêm vào, hầu để đề phòng sự bác luận có thể xảy ra. Ở Thượng viện có bốn nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thuận chấp nhận bản dự án luật, sáu nghị sĩ thuộc Đảng Dân Chủ, trong số có nghị sĩ Barack Obama, bỏ phiếu chống. Như thế, bản dự án luật lại thêm một lần thất bại nữa. Trong bài báo đăng trên tờ Tribune ở Chicago, có trích lời phát biểu của ông Obama trong lần bầu cử thượng viện vào năm 2004, với mục đích muốn hốt phiếu cử tri, là ông đã rất muốn bỏ phiếu thuận cho dự án luật đó, nếu như trên phạm vi Liên Bang cũng đều có dự án luật tương tự như thế. Tuy nhiên, vào năm 2005, dự án luật bảo vệ các trẻ em sinh ra còn sống đã trở khoản luật có hiệu lực tại Illinois. Nhưng vào thời điểm này, ông Obama đã rời bỏ Illinois từ lâu rồi và để bắt đầu cuộc đời chính trị của ông tại Washington.
Ba năm sau đó, trong tư cách là nghị sĩ ở Washington, ông Obama còn nuôi hy vọng chiếm giữ cái ghế Tổng thống Hoa Kỳ, vì thế ông đã cho xuất bản cuốn tiểu sử của ông với tựa đề «The Audacity of Hope» (Sự táo bạo của niềm hy vọng), nghĩa là muốn có hy vọng thì phải táo bạo. Thực ra, tựa đề cuốn sách là chính tựa đề một bài giảng của Mục Sư Wright mà ông Obama đã nghe trong giáo xứ của ông thuộc Giáo Hội Đức Kitô Thống Nhất.
Đúng vào thời điểm này ông Obama đã cảm nhận được rằng việc ông bỏ phiếu chống dự án luật bảo vệ các trẻ em khi sinh ra còn sống có thể sẽ gây nhiều khó dễ cho cuộc tranh cử Tổng thống của ông. Bởi vậy, ông đã trình bày một lý do mới cho việc bỏ phiếu đó của ông, đó là theo sự hiểu biết của ông thì cuộc biểu quyết trên là hoàn toàn bất ngờ, vì tại Thượng viện cũng như trong dư luận quần chúng, không ai được thông báo về hình thức như thế của dự án luật.
Hơn nữa, ông Obama còn viết là ông đã bỏ phiếu chống lại dự án luật đó, bởi vì đã có một khoản luật khác bảo vệ những trẻ em khi sinh ra còn sống một cách đầy đủ rồi, nên không cần thiết phải có thêm một khoản luật mới về đề tài đó nữa. Luận cứ này cũng được chính ông Obama nhắc lại trong cuộc đấu khẩu lần thứ ba trên đài truyền hình với ông MacCain vào ngày 15.10.2008. Nhưng điều đó không đúng sự thật. Khi người ta tìm hiểu vấn đề tại chỗ thì được viện chưởng lý Illinois cho hay là trong luật hiện hành thì không có khoản nào chống lại hành động để cho trẻ sơ sinh chết sau khi phá thai mà đứa bé vẫn còn sống như tại bệnh viện Christ Hospital. Trên thực tế, ở Illinois chỉ có một điều luật với nội dung: Nếu bác sĩ phá thai trước khi phá thai đã cho hay rằng rất có thể đứa trẻ khi đưa ra khỏi bụng mẹ vẫn có khả năng sống sót một thời gian lâu, thì trong trường hợp này đứa trẻ phải được săn sóc đầy đủ về phương diện y khoa. Tuy nhiên, trong cụ thể, không hề có một bác sĩ nào lại tuyên bố như thế trước khi phá thai cả, và điều đó có nghĩa là điều luật này chẳng bao giờ sử dụng tới.
6) Những quan hệ căng thẳng khó tránh với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo
Việc ông Barack Obama lựa chọn hơi muộn ông Joseph Biden, một tín hữu Công Giáo vào chức vụ Phó Tổng thống, thì theo ý kiến của nhiều nhà bình luận, là để thu hút phiếu và cảm tình của những nhóm cử tri bảo thủ. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Biden là người rất ủng hổ lập trường chính trị phá thai của ông Obama, ít là trên nguyên tắc. Cũng vì lập trường ủng hộ phá thai này mà trong một cuộc vận động bầu cử vào tháng 8 vừa qua, Đức Cha Charles Chaput, Tổng Giám Mục giáo phận Denver, đã yêu cầu ông Joseph Biden không nên lên rước lễ trong bất cứ nhà thờ nào thuộc lãnh thổ giáo phận của Ngài. Và cũng vì thế, Đức TGM Charles Chaput đã không được mời tham dự đại hội Đảng Dân Chủ để bầu ông Obama làm ứng viên Tổng thống chính thức.
Bầu không khí quan hệ giữa ông Barack Obama và Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ phải kể là căng thẳng. Và lý do sự căng thẳng đó không chỉ vì lập trường phá thái của ông mà thôi, nhưng còn vì lý do khác nữa, đó là người ta lo sợ rằng những ngăn cản của pháp luật hiện hành chống lại về việc sản xuất hàng loạt các thai nhi con người qua việc nghiên cứu tế bào sống, rất có thể bị loại bỏ bằng đa số phiếu của Đảng Dân Chủ ở Quốc hội.
Qua những đề xướng các ý kiến và những phát biểu của ông Barack Obama, cũng như của ông Harry Reid, người cầm đầu khối đa số nghị sĩ Dân Chủ ở Thượng viện, và của bà Nancy Pelosi, người cầm đầu khối đa số dân biểu Dân Chủ ở Hạ viện, đều chứng minh cho thấy tình hình đang phát triển theo chiều hướng đó và sự quan ngại của các Giám Mục Công Giáo như trên là hoàn toàn có cơ sở. Và quả thực, những phát triển theo chiều hướng tiêu cực như thế là một diễn tiến làm cho Giáo Hội Kitô Công Giáo vô cùng lo ngại.
Tuy nhiên, phản ứng chống lại lập trường chính trị về thảm họa phá thai được dự kiến như thế không có nghĩa là người ta được phép chối bỏ hay hạ thấp giá trị của các đồng thuận công cộng khác trong nhiều vấn đề thuộc lãnh vực đạo đức xã hội.
Nhưng điều hợp lý mà các Kitô hữu đang chờ đợi nơi ông Obama, là những tiến bộ cụ thể trong những vấn đề xã hội vô cùng quan trọng và khẩn cấp, ví dụ: chương trình bảo hiểm sức khõe và những vấn đề quốc tế trọng tâm, ví dụ: thiết lập một trật tự kinh tế toàn cầu công bằng và hợp lý, v.v… Tất cả những trọng điểm đó không thể che đậy bưng bít và chỉ đặt trọng tâm vào việc làm ngược lại là sát hại sinh mạng những con người vô sinh, là loại bỏ quyền sống của con người mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người hay dày đạp các luật đạo đức luân lý của cuộc sống con người một cách vô trách nhiệm.
Và để bảo vệ các quyền cơ bản của con người như trên, các Giáo Hội cần phải ý thức được bổn phận và trách nhiệm trọng đại của mình, là phải kịp thời lên tiếng một cách rõ ràng về việc ngăn cản sự ác. Nếu không, thì đơn vị nào trong xã hội sẽ nhận lãnh trách nhiệm đó?
Trên thực tế, trong thư chúc mừng ông Obama đã trúng cử Tổng thống, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng đã thẳng thắn viết: «Chúng tôi luôn sẵn sàng cộng tác với ngài trong việc bênh vực và nâng đỡ sự sống và phẩm giá của tất cả mọi nhân vị.»
God bless America!
Lm Nguyễn Hữu Thy
|