THỊ KIẾN VỀ GIÁNG
SINH THEO CHÂN PHƯỚC ANN CATHERINE EMMERICH
nguồn : http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=5812
Anne Catherine
Emmerich sinh năm 1774 và mất ngày 09. 02. 1824, tại
Westphalie, Đức. Được Chúa ban đặc
ân in các dấu thánh trên mình, Bà mang những dấu ấy và
nằm liệt giường cho tới ngày qua đời.
Là nhà tu hành theo đường huyền niệm, bà có
huyền năng và trong nhiều cơn xuất thần, Bà
được Chúa cho thấy mọi sự từ thuở
loài người được tạo nên, sống trong
vườn địa đàng, rồi lỗi nghĩa cùng
Chúa, v. . v. . cho đến mọi chi tiết trong đời
Chúa Giêsu và Đức Nữ Trinh Maria. Sau đây là trích
đọan những gì xãy ra xung quanh dịp Chúa Giáng Sinh, ghi
lại trong cuốn “Vie de la Sainte Vierge”.
Trong nghi lễ tôn phong Chân Phước
ANNE-CATHERINE EMMERICH vào ngày 03. 10. 2004, Đức Thánh Cha Gioan-
Phaolô đã nhấn mạnh rằng vị huyền-niệm
người Đức nầy rút sức mạnh từ
Thánh Thể. Ngài nói rằng Vị huyền-niệm nầy
đã chịu đựng trong thân thể mình “cuộc Khổ
Nạn đắng cay của Chúa Giêsu Kitô”. Là con của
những nông-dân nghèo vùng Munster, Chị đã sốt mến
kiếm tìm được “gần gụi mật thiết
với Thiên Chúa”, những mong sao “công trình vinh quang Thiên
Chúa” thực hiện nơi Người. Đức
Thánh Cha nhấn mạnh đến sự tương phản
giữa “sự nghèo nàn vật chất” và “sự giàu có
đời sống nội tâm”.
CHUẨN BỊ CHO NGÀY SINH
Đã từ nhiều
ngày qua, Đức Mẹ lưu lại luôn tại nhà bà
Thánh Anna và thường ở sát cạnh thân mẫu Người.
Nhà Thánh Anna ở trong thung lũng Zabulon, cách xa thành Nazaret
không tới một dặm. Thánh Anna đã phái một nữ
tì từ Zabulon tới Nazaret, ở lại luôn nhà của
Thánh gia thất, để trông coi nhà cửa và sau nầy phục
dịch Thánh Giuse trong khi Đức Mẹ đi vắng.
Xưa nay Thánh-Gia và gia đình bà Thánh Anna vốn liên-lạc
với nhau mật thiết, hai nhà gần như là một.
Từ nửa tháng nay,
Đức Mẹ bận rộn chuẩn bị cho ngày Chúa
Con ra đời: Người sửa sọan sẵn
chăn mền, bông băng và khăn áo. Không thấy bóng
dáng Thánh Joachim đâu cả. Trong nhà bà Thánh Anna, thấy
một đứa bé gái chửng bảy tuổi, lúc nào
cũng luẩn quẩn bên cạnh Đức Trinh Nữ.
Người dạy nó mọi việc học hành:
có lẽ nó là con của Bà Maria Cléophas, chị gái Đức
Bà. Con bé nầy cũng mang tên là Maria.
Thánh Giuse thực ra lúc nầy
cũng không ở Nazaret. Ngài đang ở Giêrusalem, vì
đã đưa các tế vật lên Đền Thờ.
Đức Mẹ luôn luôn ở
trong nhà. Bụng Người lớn vượt mặt
vì thai kỳ như đã trọn ngày rồi. Người
ngồi trong một căn phòng cùng làm việc với mấy
phụ nữ khác. Bọn họ xúm lại chuẩn bị
mọi thứ cần thiết cho việc sinh nở của
Đức Bà. Thánh Anna là người có tài sản lớn,
gồm nhiều đàn súc vật và những cánh đồng
cỏ rộng. Bà thừa sức cung ứng cho Con Gái
mình không thiếu thứ gì. Bà nghĩ là con sẽ sinh nở
tại nhà mình. Họ hàng gần xa sẽ kéo đến mừng
thăm đông đảo, cho nên Bà cho chuẩn bị mọi
sự rất chu đáo, để long trọng đón
Đúa Cháu Trời Hứa nầy. Người ta đã liệu
sẵn tấm mền đặc biệt rất đẹp
và những chiếc thảm sặc sỡ.
Tại nhà bà Elisabeth, vào dịp
Thánh Gioan Tiền Hô sinh ra, cũng thấy có một chiếc
mền giống như vậy. Trên mền có vẽ những
hình biểu tượng, nhưng câu châm ngôn thêu bằng kim
tuyến. Phần giữa mền được làm giống
như cái bao bì, trong đó là chổ để sản phục
nằm;xung quanh có nhiều mẫu dây và nút để cột
sản phụ, giống như cột một hài nhi nằm
trong tả cuốn của nó vậy. Sản phụ nằm
như thế, có gối đỡ đầu và từ vai
trở ra ở ngòai bao, nên cử động rất thong thả,
khách tới thăm ngồi ở thảm, sản phụ
tiếp họ dễ dàng. Người trong nhà thánh Anna
còn chuẩn bị đủ thứ đồ khác nữa.
Họ trang trí khắp nhà bằng những sợi kim tuyến,
ngân tuyến. Không phải sự chuẩn bị chỉ nhắm
riêng cho sản phụ, mà còn chẩun bị nhiều thứ
cho kẻ khó, là những người vốn thường
được nghĩ tới trong các dịp như vậy.
Đức Mẹ và một
số phụ nữ ngồi ngay trên nền nhà, chung quanh một
cái giường lớn, bên trên có để tấm mền
rộng. Mọi người đang cùng nhau dùng chỉ màu
đính những vật trang trí chiếc “mền sản phụ”
ấy. Bà Thánh Anna xem ra rất bận rộn, lăng
xăng đi khắp nhà, lúc khi tìm những cuộn len, khi lại
tìm chỉ, đẻm phân phối và tiếp tế cho các nữ
tì và phụ nữ đang cùng Đức Mẹ trang trí chiếc
mền đặc biệt.
Theo dự tính, hôm nay Thánh
Giuse đáng lý đã phải về tới Nazaret rồi,
nhưng ông vẫn còn ở Giêrusalem. Ông dẫn
đàn súc vật chọn làm tế-sinh lên Đền Thờ,
nhưng không tới thẳng ngay, mà đi quá Giêrusalem chừng
một phần tư dặm về phía Bê-Lem. Ông nhốt những
con vật tế ấy vào một chổ, nhờ một
bà góa già không con cái trông coi giùm. Bà lão thuộc lọai những
người đạo đức, ai muốn nhở vả
thế nào cũng sẵn lòng đáp ứng thỏa đáng.
Tiện đường tiện
dịp, Thánh Giuse xuống luôn tới Bê-Lem, nhưng chỉ
quanh quẩn trong thành, chứ chẳng ghé thăm nhà bà con,
dù ở đây ông có rất đông bà con, bạn bè. Mục
đích của ông ché Bê-Lem cốt để hỏi thăm
tin tức về vụ kiểm kê dân số và thu thuế
thân kỳ nầy ra sao, mà mọi người ai nấy
đều phải thi hành tại nguyên quán của mình.
Ông chưa có ý thi hành ngay việc đăng ký nầy,
vì ông muốn đợi cho Đức Mẹ sinh nở êm
thắm, trải hết thời gian kiêng cử luật
định, lúc đó ông sẽ đưa Đức Bà từ
Nazaret lên Đền Thờ dâng lễ thanh tẩy, rồi mới
xuống Bê-lem thi hành việc đăng ký nhân khẩu và thuế
bộ. Nhân tiện đến Bê-lem, ông cũng thăm
luôn giá cả các lọai gỗ và đá, vì ông dự tính cất
một căn nhà ngay tại Bê-Lem, sau đó đưa gia
đình rời Nazaret về đây ở. Ông không thích ở
tại Nazaret nữa. Chớp nhóang thăm hỏi mọi việc
xong xuôi, từ Bê-l3m ông quay lại Giêrusalem, ghé vào nhà bà góa dắt
mấy con vật tế thần, dẫn lên Đền Thờ
giao nạp, rồi ngược đường trở về
Nazaret.
Vào lối nửa
đêm hôm nay, đang khi Thánh Giuse đi qua cánh đồng
Khimki (Ghinim), chỉ còn cách Nazaret vào khỏang sáu dặm, bỗng
một vị thiên-sứ hiện đến bảo ông phải
tức tốc đưa Đức Mẹ rời Nazaret xuống
Bê-lem, vì chính tại đó Đức Maria sẽ hạ sinh
Con mình. Thiên sứ cũng kể ra những thứ Thánh
Giuse nên mang theo trên đường đưa Đức Mẹ
về Bê-lem: ông phải mang rất ít đồ đạc
và tuyệt đối không được đem theo chiếc
mền thêu nào cả. Ông phải kiếm một con lừa
lớn cho Đức Maria cưỡi, lại phải có một
con lừa cái nhỏ, mới một tuổi và chưa đẻ
con;dọc đường cứ để con lừa con ấy
chạy tung tăng tùy thích, và ông phải theo lối nó dẫn
đi.
Cũng chiều hôm ấy,
Thánh Anna cùng Đức Maria rời Zabulon về lại
Nazaret. Hai Vị biết Thánh Giuse đã về tới nhà.
Thánh Anna hòan tòan không biết việc Đức Maria phải
đi Bê-lem ngay, mà chỉ cho rằng con gái mình sẽ sinh nở
ở Nazaret hoặc tại nhà mình. Vì thế, bà đã cho
mang về Nazaret rất nhiều thứ, y như đã
được chuẩn bị cho việc Đức Maria
sinh nở ở Zabulon vậy. Cũng ngay chiều hôm ấy,
Thánh Giuse về tới nhà. Lập tức, ông trình bày
cho Đức Maria và Thánh Anna biết chuyện xãy ra dọc
đường và thuật rõ lệnh truyền của thiên
sứ. Đức Maria liền cùng Thánh Giuse và mẹ mình
quay lại nhà Thánh Anna ở Zabulon, để kịp chuẩn
bị lên đường đi Bê-lem liền. Thánh Anna
tỏ ra buồn sầu lo lắng lắm. Đức Mẹ
thì trong lòng đã biết mình sẽ hạ sinh Quý Tử tại
Bê-lem, nhưng vì đức khiêm-nhường, Người
chẳng hề hé ra điều nầy với ai. Đức
Mẹ hiểu điều đó qua những lời sứ
ngôn về Đấng Cứu Thế. Người đã
được học hỏi những điều nầy
khi còn là trinh nữ nội trú trong Đền Thờ
Giêrusalem; những phụ nữ thánh thiện là giáo sư tại
Viện Trinh-Nữ của Đền Thờ, đã giảng
giải cho Đức Mẹ, và hằng cầu nguyện
cho điều đó mau chóng thành hiện thực. Lòng
khát khao tột độ của họ cầu moing cho Đấng
Cứu Thế mau tới; họ gọi người cưu
mang Ngài là Kẻ Có Phúc; họ khát khao được làm tôi
đòi hèn mọn nhất trong những tôi tớ của Mẹ
Đấng Cứu Nhân Lọai
Về phần mình, do đức
khiêm cung, Mẹ Maria không khi nào tỏ lộ niềm vinh phúc
nầy, lòng chỉ đinh ninh sẽ sinh Con mình tại
Bê-lem, nên sau khi nghe Thánh Giuse thuật lệnh của thiên sứ,
vừa quay lại nhà mẫu thân ở Zabulon, Đức
Maria vội vã thu dọn hành trang, đơn giản,
đúng theo lệnh truyền, để có thể khởi
hành liền, dù thời tiết đang lúc khắc nghiệt,
những cơn gió lạnh bất thần tràn về trên
đường thiên lý băng đồn vuợt núi về
Bê-lem, nhưng Đức Maria trong thâm tâm vẫn hoan hỹ
vô chừng.
HÀNH-TRÌNH BÊ-LEM
Rồi ngay chiều
hôm ấy, đòan người gồm Đức Maria, Thánh
Giuse, có Thánh Anna, cô bé Maria Cleophas và một đám gia nhân
đi tiễn chân, rời nhà Thánh Anna lên đường
đi Bê-lem. Đức Maria thì ngồi trên lưng một
con lừa lớn và một con lừa lớn khác được
dắt theo để thánh Anna cưỡi trở lại
nhà, sau đọan đường tiễn biệt Con Gái
mình. Đòan người rong ruổi suốt đêm không
ngưng nghỉ. Sáng hôm sau, đòan người của
Đức Bà và Thánh Giuse đã đi xa Nazaret được
sáu dặm (mỗi dặm ở đây là 4 cây số); họ
tới cánh đồng Ghinim, nơi Thánh Giuse nhận lệnh
Thiên sứ mới đêm hôm kia. Ở đây Thánh Anna
cũng có một cánh đồng cỏ rất lớn và
cơ sở la liệt với đông đảo người
nhà. Bọn người làm liền đi bắt một con
lừa cái nhỏ một tuổi, để nó đi theo
thánh-gia xuôi về Bê-lem. Đòan người nghỉ ngơi
ở đây, rồi Thánh Giuse đưa Đức Mẹ
tiếp tục lên đường, trong khi Thánh Anna nghỉ
lại trại Ghinim, sau đó cưỡi lừa,
đưa đưa cháu ngọai Maria Cléophas cùng bọn
tùy tùnh quay trở lại Zabulon.
Đức Maria và Thánh
Giuse lầm-lủi thư thả trên đường xuôi về
Bê-lem. Hai Vị bỏ Ghinim sau lưng đã xa và đi
vào con đường sơn đạo dẫn tới núi
Gelboe. Thánh gia không vào thị thành nào cả, mà chỉ đi
theo lối con lừa con dẫn đường. Con lừa
nhỏ nầy cứ chạy theo những ngả ngang, tắt,
chứ không đi theo đường chính dẫn qua các thị
trấn. Vì thế, Thánh Gia đã đi băng qua ngả dẫn
vào trang trại của Lazarô, tọa lạc không xa Ghinim bao
nhiêu, mà cũng gần với xứ Samaria.
Người quản gia trang
trại Lazarô đón tiếp Thánh gia rất nồng hậu,
vì ông ta đã từng biết Đức Maria và Thánh Giuse
trong một cuộc hành trình khác trước đây. Vả
lại gia đình Thánh Giuse cũng như gia đình Thánh Anna
vốn có đi lại với ông Lazarô rồi. Trang trại
Lazarô trồng la liệt cây cối và có đường
ngang lối dọc, lại tọa lạc trên một độ
khá cao, từ đó có thể nhìn bao quát rộng rãi cả
vùng xung quanh được rõ ràng. Cơ sở nầy do người cha để lại
cho Lazarô. Sau nầy, khi bôn ba giảng đạo, Chúa
Giêsu vẫn thường qua lại và nghỉ chân tại
nơi đây.
Vợ chồng người quản gia hết sức niềm
nở với Đức Maria: họ vô cùng bở ngỡ và
lo ngại cho Đức Mẹ, phải trải qua một
cuộc hành trình vất vả, trong khi lại ở cuối
thời kỳ thai nghén như thế. Giá như cứ ở
lại nhà Thánh Anna thì bình yên và bảo đảm biết
bao!
Tiếp tục hành trình, Thánh Gia đã đi được
nhiều dặm cách xa trang-trại Lazarô, dù ban đêm
cũng vẫn không ngừng bước. Lúc nầy
đang đêm, Thánh Gia tiến tới một ngọn
núi chạy dọc theo một thung lũng lộng gió và giá
rét, tuyết đã đóng trắng trên đầu ngọn cỏ.
Đức Maria thấy giá lạnh nhiều, liền tỏ
ý với Thánh Giuse nên ngừng lại, vì Người không
còn chịu lạnh thêm được nữa. Đức
Mẹ vừa đề nghị như thế, thì con lừa
con đã ngừng ngay bên một gốc lão tùng gần đấy.
Thánh Gia đã trú lạnh qua đêm dưới gốc cây
tùng già ngàn năm tuổi nầy.
Lọai tùng vạn niên nầy có một lịch sử
đáng nhớ. Nó mọc nhiều ở rừng Moreh gần
Sichem. Khi Abraham từ đất Canaan tới, ông đã
thấy Thiên Chúa hiện ra ở đó, hứa ban cho
ông dải đất phì nhiêu nầu. Ông đã lập bàn thờ
dưới gốc cây vạn-niên-tùng để tạ
ơn. Gia-cóp trước khi đi Betel để dâng lễ
tạ ơn lên Thiên Chúa, đã chôn dầu dưới gốc
vạn-niên-tùng từng thứ thờ cúng nhảm nhí của
Liban và đồ tế nhuyển của gia đình mình.
Josuê đã dựng nhà tạm bên gốc vạn-niên-tùng
để đặt Hòm Bia Thánh và tập hợp dân chúng khỏi
thờ dối trá. Cũng dưới gốc một vạn-niên-tùng,
con trai của Gedéon là Abimelech đã được dân Sichem
tôn vương.
Vẫn trên đường về Bê-lem, Thánh Gia tới một
nông trại lớn, ở cách xa chổ cây vạn-niên-tùng chừng
hai dặm. Bà chủ nông trại vắng nhà, ông chủ từ
chối không tiếp Thánh Giuse, nói rằng ông nên đi tiếp
xa hơn chút nữa, sẽ có chổ nghỉ.
Đức Bà và Thánh Giuse đi thêm một quảng thì
thấy con lừa con dẫn đường ở gần
lều của những người mục-đồng, nên
hai Vị cũng vào đó xin nghhỉ ngơi. Mấy chàng mục
đồng lúc đó đang hì hục quét dọn lều, thấy
khách lữ hành tới, đã tiếp đón Thánh Gia rất
đàng hòang. Bọn họ nhường cho hai Vị mớ
rơm khô để trải chổ nằm, chia cho mấy mảnh
chiếu để nhóm lửa. Bọn mục đồng
nầy trở về nông trại, thuật lại cho bà chủ
phong thái đạo hạnh của Thánh Giuse và sự xinh
đẹp thánh thiện tuyệt vời của Đức
Mẹ, làm bà chủ nông trại nổi giận, quay sang phiền
trách ông chồng đã bất nhân xua đuổi những lữ
khách qúy hóa ấy. Rồi bà ta hối-hả chạy tới
túp lều nơi Thánh Gia tá túc, nhưng không dám bước
vào vì e thẹn, lại quay về trại kiếm một
ít đồ ăn mang đến. (Nơi mà Thánh Gia
đang dừng chân, chỉ mới cách Nazaret chừng mười
hai dặm mà thôi. Địa điểm nầy nằm ở
sườn phía Bắc một trái núi, ở gần biên giới
xứ Samaria và Thébez. Về phía Đông địa điểm
nầy, nằm bên kia sông Giođanô là Succoth; còn Ainon thì
cũng ở phía đó, nhưng lui lui xuống giữa một
chút; Salem cũng ở trong vùng đất nầy. Từ
đây về Nazaret, theo đường chim bay cũng chỉ
vào khỏang mười hai dặm mà thôi).
Chỉ một lát sau, bà chủ nông trại dẫn hai
người con của bà tới lều Thánh Gia đang nghỉ
chân;mẹ con họ đem theo đồ ăn thức uống.
Bà ta chân thành cáo lỗi và tỏ ra rất xúc động
nhìn thấy hòan cảnh của Thánh Gia đang trải qua.
Khi Đức Bà và Thánh Giuse vừa dùng bửa xong và đang
nghỉ ngơi, thì ông chủ nông trại cũng tới.
Ông ta xin lỗi Thánh Giuse vì đã khước từ không đón
tiếp Người tại nhà mình. Ông ta khuyên Thánh Gia
tiếp tục đi lên đỉnh núi, chỉ chừng một
dặm đường nữa mà thôi, thì sẽ gặp
được chổ trọ tốt trước khi trời
tối. Thánh Gia có thể nghỉ ngơi ở đó trong
ngày Sabbat. Nghe vậy, Thánh Giuse liền tức khắc
đưa Đức Mẹ lên đường cho kịp.
Hai Vị tiếp tục leo con đường dốc,
lên tới đỉnh núi. Tới nơi quả thấy
một quán trọ bề ngòai xem ra khá khang trang, gồm nhiều
ngôi nhà cất trên một khỏang đất phẳng,
chung quanh khu quán trọ có vườn và cây cối bao bọc,
có cả những cây hoa thơm. Quán nầy vẫn còn nằm
về hướng Bắc của quả núi.
Tới gần quán trọ, Đức Maria liền xuống
lừa và đi bộ, Thánh Giuse dắt con vật đi
theo. Vào tới chổ chủ quán, Thánh Giuse xin cho gia đình
vào trú trọ, nhưng bị từ chối vì quán đã hết
chổ. Bà vợ chủ quán nghe chồng từ chối,
liền chạy đến. Đức Maria chào và
nhũa nhặn trình bày ý định xin trọ, làm cho
bà ta rất cảm động, cà đến ông chồng chủ
quán cũng không sao từ chối được nữa. Vợ
chồng ông liền dọn cho Thánh Gia một chổ trú tại
căn lều gần đó, rồi dẫn lừa vào chuồng.
Con lừa con chạy biệt tăm ở đâu không
biết. Những khi Thánh Gia dừng chân ở một
nơi nào đó, thì nó biến đi luôn, cho đến khi
lên đường là nó lại xuất hiện.
Thánh Giuse thắp ngọn đèn cho sáng, rồi Người
và Đức Trinh Nữ cùng nhau cầu nguyện hết sức
sốt sắng, chiếu theo lề luật giữ ngày
Sabbat của người Do-Thái. Suốt ngày hôm sau, Thánh
Gia nghỉ lễ tại căn lều trong khu quán trọ.
Lúc nào Hai Vị cũng cầu nguyện chung. Người
phụ nữ phục dịch trong quán thường đem
ba đứa con của bà tới ngồi gần Đức
Bà. Bà vợ chủ quán cũng dắt hai đứa con
của mình đến thăm Thánh Gia. Họ ngồi cạnh
Đức Mẹ với vẻ hết sức thân ái và tỏ
ra vô cùng xúc động trước đức khiêm-nhường
và sự khôn ngoan của Đức Bà. Đức Maria
thì chuyện trò với mấy đứa nhỏ. Người
dạy dỗ chúng nhiều điều. Bọn trẻ
có mang theo những cuộn kinh da bò nho nhỏ. Đức
Mẹ bảo chúng đọc lên, rồi Người giải
thích cho chúng nghe. Đứa nào cũng hết sức
chăm chú theo lời giảng giải, đến nỗi
không đứa nào dám chớp mắt. Nhìn thấy cảnh
ấy đã xúc động, nhưng nghe những lời
giảng giải thì còn xúc động hơn nữa.
Vào khỏang sau trưa, Thánh Giuse ra ngòai vườn đi dạo
với người chủ quán. Ông ta dẫn thánh nhân xem
vườn tược và đồng áng, trình bày, giải
thích rất ngon lành. Trong ngày sabbat, người Do Thái đạo
đức xưa vốn có thói quen làm như vậy.
Thánh Gia nghỉ lại khu quán trọ thêm một đêm nữa,
rồi mới lên đường. Mọi người
trong quán đều nhất lọat tiếp đãi hai Vị
khách qúy, nhất là riêng Đức Maria, một cách nồng
hậu vô cùng. Họ nài xin Thánh Gia ở lại thêm với
họ vài ngày nữa. Họ dọn sẵn một
căn phòng khang trang để xin Thánh Gia ở. Bà chủ
quán tỏ lòng nhiệt thành tột độ và ước
ao đưỡc dăn sóc hết mình cho Đức Bà.
Nhưng Thánh Gia cám ơn và nhẹ nhàng khéo lèo từ chối,
để lên đường. Hai Vị theo ngả
Đông-Nam ngọn núi đi xuống một vùng thung
lũng. Càng đi, Hai Vị càng xa dần xứ Samaria
là vùng họ va đi qua. Khi đi xuống, nhìn về
phía núi Garizim, hai Vị đã có thể thấy Đền
Thờ. Vì tọa lạc trên núi, Đền Thờ
có thể nhìn thấy từ rất xa. Trên mái Đền
Thờ, dưới ánh mặt trời, những hình sư tử
và các giống vật khác hiện lên khá rõ ràng.
Ngày hôm nay Thánh Gia đi được khỏang sáu dặm
nữa. Buổi chiều, hai Vị vào tới một vùng
đồng bằng tọa lạc chừng một dặm
về phía Đông Nam Sichem. Thánh Gia vào một ngôi nhà khá
lớn của một người làm nghề nuôi chiên và
được tiếp đón niềm nở. Người
chủ nhà làm quản lý trông coi cây cối, đồng áng của
một điền chủ cự phú cư ngụ ở tỉnh
khác. Ngôi nhà mà Thánh Gia vào không hòan tòan nằm trên đất
bằng, nhưng lại cắt ở sườn đất
dốc. Khu đồng bằng nầy xem ra phì nhiêu
hơn những vùng đất Thánh Gia đã đi qua, vì ở
đây thế đất hứng được trọn
ánh mặt trời. Từ đây tới Bê-lem, còn nhiều
nhà người chăn cừu khác, giống như nhà nầy,
nằm rải rác trong các thung lũng.
Sau nầy nhiều gia nhân tùy tùng của ba Vua tới thờ
lạy Chúa Giêsu, không theo nhà vua trở về bản
hương, mà ở lại đây, lấy vợ người
địa phương. Trong số nầy có một gia
đình có người con trai bị bệnh nặng,
được Chúa Giêsu chữa khỏi trong thời
gian năm thứ nhì khi Chúa ra giảng đạo, sau lúc
Chúa giảng dạy người phụ nữ Samaria bên bờ
giếng. Người con trai ấy chính là con cháu của
người chủ nhà hôm nay đón tiếp Thánh Gia. Chữa
khỏi người con trai đó, Chúa Giêsu đã mang anh ta và
hai người bạn của anh nầy theo, cùng Chúa đi
tới tận Arabiamsau khi Lazarô qua đời. Chàng thanh
niên nầy sau trở thành môn đệ của Chúa và khi
đi giảng dạy, nhiều lần Chúa Giêsu ghé lại
đây. Trong nhà nầy có nhiều trẻ nhỏ,
trước khi lên đường, Thánh Giuse cho gọi các
cháu lại, chúc lành cho chúng rồi mới khởi hành.
HÀNH TRÌNH TIẾP TỤC
Hôm nay Thánh Gia đi tới khúc đường dễ đi
hơn nhiều, nên lâu lâu Đức Maria bỏ lừa xuống
rông bộ cho đỡ cuồng cẳng. Thánh Gia gặp những
chổ ngừng nghỉ tiện nghi nhiều hơn, nên hai
vị cũng bớt mệt nhọc phần nào. Thánh
Gia có mang theo mình những tấm bánh nho nhỏ và bình
nước để giải khát cho thêm sức. Dọc
đường gặp cây rừng có trái ăn được,
Hai Vị cũng ngừng chân hái dùng và để dành
ăn dần.
Trên lưng lừa Đức Maria ngồi trốc một tấm
thảm nệm mỏng đủ êm, có hai bàn đạp
thõng hai bên hông lừa cho Người để chân cho đỡ
mỏi. Đức Mẹ ngồi quay mặt về một
phía, nhưng thỉnh thỏang lại đổi thế
cho đỡ mỏi lưng mỏi mắt. Truyện
ưu tiên thánh Giuse làm mỗi khi tới một chổ
nghĩ, là tìm ngay một nơi để Đức Mẹ
có thể ngồi thư giãn dễ dàng cho bớt nhọc mệt.
Hai Vị thường tìm chổ rửa chân; dọc
đường họ rửa chân rất nhiều lần.
Khi Thánh Gia vào tới một căn nhà nằm cô quạnh bên
đường, thì trời đã tối. Thánh Giuse gõ cửa
xin trọ đêm, nhưng chủ nhà không muốn mở cửa
đón tiếp. Thánh Giuse phải mau mắn trình bày tình
trạng Đức Maria, để xin được tá
túc, vì Đức Mẹ không thể tiếp tục
đi xa hơn nữa. Hai vị xin trọ rồi sẽ trả
tiền chu đáo, chẳng dám trú không. Nghe trình bày, người
chủ nhà cục cằn thô lỗ nói nhà anh ta không phải
là quán trọ, anh ta muốn được yên, đừng
gõ cửa nhà anh ta và cũng đừng làm phiền đến
anh ta như thế nữa. Không thèm hé cửa, anh ta từ
trong nhà nói vọng qua vách phên. Hai vị không tìm
được chổ trọ, lại tiếp tục lên
đường. Đi một quảng hai Vị gặp một
cái nhà trống, thấy con lừa con đang nằm gần
đó, liền ghé vào.
Thánh Giuse đánh lửa, thắp đèn và lập tức tìm
cách dọn một cái ổ rơm tạm cho Đức Mẹ
nghỉ ngơi. Ông ra ngòai dắt cả hai con lừa
vào nhà, tìm cỏ cho chúng ăn, rồi Hai Vị cùng nhau cầu
nguyện, sau đó nghỉ đêm.
Tính ra từ nơi trọ trước đến đây,
Thánh Giuse cũng đã đi được chừng sáu dặm
đường. Từ Nazaret tới đây xa chừng hai
mươi sáu dặm;chỉ còn chừng mươi dặm
nữa là tới Giêrusalem. Từ khi ra đi, Hai Vị
không hề theo đường cái, chỉ lần theo những
lối đi nhỏ nối từ sông Giođanô tới
Samarie; từ Samarie, những lối đi nhỏ ấy nối
vào quan lộ chính dẫn tới Syria và Ai cập. Những
nẻo đường ngang hai Vị đã đi, đều
nhỏ hẹp, chạy trong vùng sơn cước, gập
ghềnh khó đi, nhưng con lừa lớn lại thủng
thẳng bước những bước rất vững
chãi, nên không làm cho Đức Mẹ bị mệt và gặp
nguy hiểm nào. Chốn trọ bây giờ của Thánh
Gia là căn nhà hoang trống trải vô chủ, nằm trên
khỏanh đất bằng phẳng hẳn hoi.
Sáng tinh mơ hôm sau Thánh Gia đã ra đi tiếp. Đường
đi có vẻ từ từ lên dốc một chút, nhưng
trực chỉ Giêrusalem. Chổ trú đêm vừa qua thuộc
vùng biên giới Samarie và xứ Juđêa. Trong đọan
hành trình nầy, hai Vị còn bị một lần khước
từ không cho nghỉ trọ nữa, mới hết gian
lao.
Khi Thánh Gia đi tới còn cách mấy dặm về phía
Đông Bắc Bêtania, thì Đức Mẹ lên cơn mệt
bất tử, muốn ăn uống chút gì và cần nơi
nghỉ ngơi. Thánh Giuse liền cho lừa rẽ ngang
lối khác, đi chừng nửa dặm thì tới một
chỗ có cây vả rất đẹp, thường nặng
chĩu những trái;nơi đây người ta đặt
nhiều chiếc ghế dài, để ai cũng có thể
nghỉ ngơi được. Thánh Giuse từng biết rõ
nơi đây, vì đã ghé nhiều lần trong những hành
trình trước. Nhưng lần nầy, khi hai Vị
tới nơi, thì cây vả trơ trụi không một trái
nào, làm cho Thánh Gia buồn bã. Sau nầy, Chúa Giêsu gặp
lại chính cây vả nầy, lúc đó cũng chỉ
trổ đầy lá, mà chẳng có một trái nào, nên Ngài quở
nó và nó bị chết đứng.
Từ chỗ cây vả, Thánh Gia tới một căn nhà.
Chủ nhà đối xử rất hỗn xược
với Thánh Giuse khi Người khiêm tốn tỏ ý xin trọ.
Người chủ nhà giơ đèn soi quan sát Đức
maria, rồi cằn nhằn thánh Giuse tại sao lại mang
tới nhà anh ta một phụ nữ quá trẻ mà bụng
mang dạ chữa như thế. Giữa lúc đó, vợ
chủ nhà nghe chồng to tiếng liền bước tới.
Bà ta động lòng thương mến Đức Maria, lập
tức mời hai Vị vào nhà, dọn cho Đức Mẹ
một căn phòng khang trang sạch sẽ và mang tới cho
Người mấy chiếc bánh nho nhỏ, để Đức
Mẹ đỡ lòng. Lúc đó người chồng mới
tỏ ra hối hận về cử chỉ và ngôn ngữ
thô lỗ của mình.
Sau lần nầy, trên đường đi, Thánh Gia còn trọ
một lần nữa tại nhà một phụ nữ trẻ,
làm nghề giao dịch buôn bán. Thánh Gia tuy được ghé
trọ, nhưng chẳng được đối xử
đẹp đẽ là bao. Họ bỏ mặc hai Vị
chẳng ngó ngàng gì tới. Họ không phải là những
người làm nghề chăn chiên cứu, tính tình
đơn sơ chất phác, mà là lọai nhà giàu ở thôn
quê, quanh năm bận rộn với công việc làm ăn,
với giao dịch mặc cả.
Sau nầy, khi đã chịu phép rửa rồi, Chúa Giêsu
cũng có lần ché nhà nầy, được họ
chỉ căn phòng khi xưa Đức Mẹ đã tạm
nghỉ qua đêm. Có thể chủ nhà muốn cầu lợi
và mong được thân cận với Chúa, vì họ nghe
đồn Người đã làm nhiều phép lạ.
Càng về cuối hành trình, Thánh Giuse càng lo liệu thêm chỗ
nghỉ, vì Đức Maria ngày càng tỏ ra mệt mỏi
thêm. Thánh Gia cứ theo lối do con lừa nhỏ
đu trước dẫn đường và vòng quanh phía
Đông thành Giêrusalem, lâu mất một ngày rưỡi
đường. Trên nẻo nầy, Thánh Gia đi qua những
cánh đồng cỏ trước kia thuộc sở hữu
của thân phụ Thánh Giuse, nên Ngài rất quen thuộc
ngả nầy và biết sẽ phải băng qua vùng sa mạc
nằm ở phía sau Thành Bêtania. Từ đó Thánh Gia sẽ
tới Bêlem trong sáu giờ đi nữa, nhưng nẻo
đi nầy khá gập ghềnh và khó đi mùa nầy.
Tuy nhiên Hai Vị vẫn cứ theo con lừa nhỏ mà
đi.
Hôm nay, vào giữa ban ngày, Đức Bà và Thánh Giuse vào nhà một
người chủ trại chăn cừu. Nhà nầy
rất lớn, tọa lạc chừng ba dặm cách xa
nơi Thánh Gioan làm phép rửa trên sông Giođanô và cách Bêlem chừng
bảy dặm đường. Nơi đây ba chục
năm sau, chính Chúa Giêsu cũng nghỉ qua đêm, rồi
ngày hôm sau Người đến gặp Thánh Gioan Tiền
Hô lần đầu, kể từ sau khi Chúa chịu
phép rửa. Cơ sở nầy to rộng. Gần
ngôi nhà ở to lớn, có một cái trại xếp đủ
các lọai nông cụ. Ngòai sân có cái giếng, chung quanh thiết
trí nhiều phòng tắm, có đường ống dẫn
nước từ giếng chảy vào. Chủ nhà tất
phải là một phú ông giàu có lắm, tài sản rất nhiều.
Kẻ ăn người làm đông đảo, đi lại
nhộn nhịp, ăn uống ồn ào.
Chủ
nhà đón tiếp Thánh Gia rất thân thiện, tỏ ra là
người hay giúp đỡ kẻ khác. Ông ta sai
người dẫn hai Vị tới một căn phòng
đầy tiện nghi, và sai người săn sóc con lừa
Đức Mẹ cưỡi. Một người nô tài
trong nhà rửa chân cho thánh Giuse tại gần cái giếng giữa
sân, và mang áo quần mới đến cho Ngài thay. Một thị
tì cũng vâng lệnh chủ tới phục dịch Đức
Mẹ như thế. Hai Vị dùng bữa trong nhà nầy
và nghỉ tại đây.
Bà chủ nhà có tính kỳ lạ, thấy khách tới chỉ
ở lì trong phòng, không ló mặt ra ngòai. Thấy Đức
Mẹ vừa trẻ vừa đẹp lạ lùng, lại
mang thai sắp sinh, bà ta đâm sợ, vả lại lúc
vào nhà Thánh Gia không lưu ý tìm chào hỏi bà ta, nên bà tìm cách tiễn
khéo hai Vị, muốn Thánh Gia phải ra đi vào sáng hôm sau.
Ba thập niên sau, chính người nầy là người
phụ nữa vừa bị mù, vừa còng lưng,
đã được Chúa Giêsu chữa cho khỏi cả, sau
khi giảng giải cho bà ta hiểều về tính phách lối,
đố kỵ và tật không muốn khách lạ viếng
nhà.
Trưa hôm sau, Thánh Gia rời nhà nông giàu có nầy, lên
đường về Bêlem. Có mấy người trong
nhà theo tiễn chân hai Vị một quãng đường.
Đi được chừng hai dặm, lúc ấy về
chiều, hai Vị tới một địa điểm có
con đường lớn băng ngang. Hai bên đường
lớn nầy là nhà cửa san sát, nhà nào cũng có vườn
tược, sân bãi. Thánh Giuse có nhiều bà con cư ngụ
tại khu nầy. Dường như họ là những
người thuộc hàng con riêng của ông dượng hoặc
dì ghẻ gì đó. Ai nầy đều có nhà cửa
đàng hòang hẳn hoi. Hai Vị chỉ đi ngang mà
không ghé. Quá chổ đó chừng nửa dặm, hai Vị
quay sang phía tay phải, hướng về Giêrusalem, đi tới
một nhà trọ lớn. Trong sân nhà trọ có cái giếng bắt
nhiều vòi nước dẫn đi các nơi. Trong nhà trọ
có đông đảo người tụ họp. Họ
đang cử hành một đám tang.
Bên trong tòa nhà chính thiết trí một lò sưởi, có ống
dẫn khói lên khỏi mái nhà;những tấm ngăn để
phân phòng nhỏ đều được dỡ đi gần
hết, nên một phần ngôi nhà trở thành một phòng rộng
mênh mông. Phía sau lò sưởi, treo những bức
trướng đen, trước các bức trướng ấy
có kê một cái gì đó, trông giống như chiếc
quan tài, cũng phủ vải đen. Nhiều người
tụ họp tại đó cùng nhau cầu nguyện; ai nấy
đều vận áo dài đen bên trong, ngòai mặc thêm áo trắng
cộc hơn. Một vài người cò đeo lủng
lẳng ở cánh tay tấm khăn đen có tua, có lẽ họ
là những thầy tư tế tới giúp đám.
Phụ nữ thì tụ họp trong một phòng khác nhỏ
hơn, ai nấy vận quần áo che kín mít hòan tòan cả
người. Họ ngồi trên những chiếc
đương thật thấp và khóc lóc ỉ ôi.
Dù bận rộn đám tang, những viên quản lý nhà trọ
vẫn lưu ý tới khách ra vào, chỉ đường
cho những khách mới tới. Bọn gia nhân thì phục
dịch khách rất nồng nhiệt và chu đáo. Khách
trọ được dọn chỗ ngụ riêng biệt từng
người, mỗi người trong một khỏang, giống
như một phòng riêng, nhưng bốn bề không phải
phên vách, mà là những chiếc chiếu treo, thay cho những
tấm màn vải. Thiết trí như thế, nhà trọ coi
giống như một chiếc lều vải lớn vậy.
Đức Bà và Thánh Giuse cũng ngụ trong những phòng
vây chiếu như thế. Có nhiều người nhà
hiếu tìm tới thăm Thánh Gia, chuyện trò thân mật với
hai Vị. Khi tới thăm Thánh Gia, những người
đó đã cởi chiếc áo trắng cộc bên ngòai ra rồi.
Khách khứa vãn, hai Vị dùng một chút của ăn,
rồi cùng cầu nguyện chung, sau đó đi nghỉ.
Ngày hôm sau, vào lối giữa trưa, Đức Bà và Thánh
Giuse rời quán trọ lên đường xuống Bêlem, chỉ
cách đó chừng ba dặm mà thôi. Bà chủ quán trọ
tha thiết mời hai Vị nán lại, vì bà cho là Đức
Maria đã tới thời điểm có thể lâm bồn bất
cứ lúc nào. Đức Maria đáp, sau khi đã buông tấm
voan che mặt xuống, rằng mình còn phải đợi
thêm ba mươi sáu giờ nữa mới sinh. Tại
sao Đức Mẹ lại nói ba mươi sáu, mà không nói
ba mươi tám giờ? Không ai hiểu được
điều nầy ngòai Người. Bà chủ quán giữ
hai Vị ở lâu, không phải nghỉ ở quán trọ,
mà sẽ nghỉ ở một ngôi nhà khác. Trước khi ra
đi, Thánh Giuse giải thích với ông chủ quán về hai
con lừa của mình. Vợ chồng chủ quán nói cho
Thánh Giuse biết sự khó kiếm chổ trọ tại
Bêlem lúc nầy, nhưng Thánh Giuse đáp: ông có nhiều
bạn bè và bà con họ hàng ở đó, hy vọng sẽ
được tiếp đón hẳn hoi. Dọc
đường Thánh Giuse còn nói lại với Đức
Maria, rằng chắc chắn hai Vị sẽ được
tiếp đón khi tới Bêlem, và hẳn sẽ có nơi trú
ngụ ấm cúng. Nhưng ai học được chữ
ngờ!
THÁNH GIA TỚI THÀNH BÊ-LEM
Đường từ quán trọ tới Bêlem, như đã
nói, xa chừng ba dặm. Hai Vị không trực chỉ,
mà đi vòng về hướng Bắc và vào thành qua lối
cửa phía Tây. Thánh Gia nghỉ chân bên một gốc cây
ở vệ đường. Đức Maria xuống
lừa. Người chỉnh đốn lại áo quần
cho ngay ngắn, rồi hai Vị cùng tiến tới một
tòa nhà rất lớn, nằm giữa những ngôi nhà nhỏ
trong một khu có sân rộng. Thánh Gia tới Bêlem sớm
hơn ít phút theo dự trù.
Đã có nhiều người tới trước, họ dựng
lều la liệt dưới gốc cây, vì khu đó trồng
rất nhiều cây cối. Khu dinh thự nầy là khu
nhà xưa của gia đình Vua David, trước kia thân phụ
Thánh Giuse cũng từng sở hữu một phần.
Ngày nay một số người trong dòng họ vần
còn trú ngụ tại khu đó. Họ độc chiếm,
xử với Thánh Giuse như người ngòai , không muốn
công nhận ông bao giờ hết.
Ngay lúc nầy, tòa dinh thự chính được dùng làm
văn phòng thu thuế của nhà nước La Mã.
Thánh Giuse, tay dắt lừa, cùng Đức Maria tiến vào
khu văn phòng đăng ký nhân khẩu và thuế vụ.
Hết thảy những ai tới đăng ký và khai
thuế đều được cấp một giấy
chứng nhận, ai không có giấy chứng nhận, không
được nhập thành Bêlem.
Lúc nầy con lừa con không thấy quanh quẩn bên Thánh
Gia. Nó chạy lung tung vòng quanh thành và chạy nhảy ở
thung lũng nhỏ ngòai thành. Thánh Giuse vào tòa nhà lớn,
còn Đức Mẹ lại vào một ngôi nhà nhỏ ở
trong sân, cùng với những phụ nữ khác. Những
người đàn bà ấy đối xử rất tử
tế với Đức Bà, lấy phần ăn biếu
Người. Họ là những kẻ nấu bếp cho binh
lính La-Mã đóng trong khu ấy.
Trời hôm nay khá đẹp, không còn lạnh lẽo; ánh thái
dương rực rỡ dọi trên rặng núi nằm giữa
Giêrusalem và Bêtania. Từ Bêlem nhìn về khu đó, cảnh
trí mới đẹp làm sao! Thánh Giuse vào một căn phòng
lớn của dinh thự. Người phụ trách hỏi
ông là ai, rồi truy tầm trong những cuộn hồ
sơ, có nhiều cuộn treo sẵn trên tường.
Tên tuổi Thánh Giuse được tìm ra; người ta
đọc lai-lịch dòng họ của ông và cả của
Đức Maria nữa. Thánh Giuse đâu ngờ, chính ông
và Thánh Gioakim đều là miêu duệ trực hệ dòng Vua
David. Người phụ trách văn phòng hỏi thánh Giuse rằng
Đức Maria hiện ở đâu?
Trước đây bảy năm, người ta đã
thường xuyên bổ thuế cho người xứ nầy,
từng xãy ra những truyện mất trật tự và nhầm
lẫn. Lần thu thuế nầy bắt đầu thi hành
từ vài tháng nay, thể lệ không giống như bảy
năm trước, là được trả dần
trong bảy năm cho đến hết thì thôi. Lần nầy
người thu thuế chỉ được phép nạp
thuế hai kỳ cho xong, không được kéo dài suốt
bảy năm như trước đây nữa.
Đồi với việc nạp thuế, Thánh Giuse có phần
chậm trễ, nhưng người ta chẳng những
không họanh họe, mà còn đối xử hết sức
tử tế. Hôm nay tới đăng ký, nhưng ông
chưa nạp được thuế, người phụ
trách hỏi về tình trạng tài chính và tình hình sinh sống
của ông. Ông cứ thực tình trả lời: ông không có vốn
liếng tài sản gì, chỉ sống độ nhật bằng
nghề thợ mộc, thỉnh thỏang được
nhà mẹ vợ giúp đỡ thêm ít nhiều, thế
thôi!
Trong tòa nhà có rất đông ngừơi làm việc. Những
phòng trên lầu là viên chức và quân nhân người La Mã.
Cũng có cả những người Phariêu, Sađốc
các thầy tư tế, một số thầy thông giáo và
viên chức, gồm cả ngừơi Do-Thái và La Mã. Đó
là một cơ quan hỗn hợp mà ở Giêrusalem không có thứ
Uũy ban nào như thế cả, nhưng trên đất
Palestine đương thời thì chổ nào cũng có thứ
văn phòng nầy. Nhà cầm quyền La Mã đã thiềt
lập Phòng thu thuế như thế ở Magdalum, gần hồ
Génésareth để dân vùng Galilée có thể tới đó
đăng ký nạp thuế. Ở Sidon cũng có một
phòng thuế như vậy. Chỉ có những người
cùng đinh không lợi tức, không tài sản để nạp
thuế liền, mới phải về sinh quán khai thuế
mà thôi.
Theo lệnh trên, thuế thu kỳ nầy ở Palestine xong,
ba tháng sau sẽ được chia làm ba phần: một phần
dành cho Vua Augustus, Vua Hêrôđê và một số vị hòang tử
cư ngụ gần Ai cập;phần thứ hai dùng vào việc
xây cất Đền Thờ;phần sau cùng dùng cứu trợ
bà góa và kẻ nghèo xưa nay chưa hề được
trợ cấp gì. Nhà cầm quyền đã
đưa ra những lý do trời đất để vét
mồ hôi nước mắt của dân, tập trung vào tay
những kẻ quyền uy.
Trường hợp thánh Giuse được giải quyết
xong, Đức Maria được mời tới trước
mặt một số thầy thông giáo. Bọn họ không
làm giấy tờ gì, mà quay sang nói với Thánh Giuse rằng
ông không cần dẫn thêm người phối ngẫu của
mình đến khai thuế. Chúng ta vẽ giễu cợt, vì
thấy Đức Maria còn quá trẻ lại hết sức
xinh đẹp. Thánh Giuse thấy vậy cũng không
được vui lòng.
TÌM KHÔNG RA CHỖ TRỌ
Ở phòng khai thuế ra, Hai Vị tiến vào thành Bê-lem.
Nhà cửa trong thành tuy nhiều, nhưng nhà nhà làm cách
nhau khá xa, để chừa những khỏang đất
trống rộng lớn. Vào tới đầu một
con phố, Đức Maria im lặng đứng chờ cạnh
con lừa, một mình Thánh Giuse hối hả đi tìm chỗ
trú. Ông vào ngay những ngôi nhà ở đầu phố,
nhưng chẳng nhà nào có chỗ. Nhà nào cũng tòan là
dân lạ, mới tới khai thuế và ngụ tạm trong
thành. Ngòai đường phố, dân chúng còn đi lại
khá tấp nập. Thánh Giuse bôn ba suốt con phố,
nhưng vẫn chẳng tìm ra được nơi trú trọ.
Không sục sạo ra nơi ở tạm, thánh Giuse vội
vã quay lại gặp Đức Bà. Ông nắm dây
cương đát con lừa, thư thả đưa Đức
Mẹ đi sang một con phố khác. Đức Maria
lại một mình đứng bên con lừa, để thánh
Giuse hối hả đi tìm nhà trọ, nhưng cũng
vẫn không thể tìm được nơi tạm trú. Ông
buồn bã quay lại chỗ Đức Mẹ đứng,
rồi hai Vị lại đi tới một phố khác, rồi
một con phố khác…Cứ thế hai Người đi khắp
nội thành Bê-lem, mà chẳng ai thèm chứa!…
Chán nản, Hai Vị liền rời phố xá rộng rãi,
lần vào một con đường nho nhỏ, nhà cửa
thưa thơt và có vẻ như dẫn ra ngòai thành. Ở
đây vẫn không thể tìm ra chỗ trọ. Hai Vị
liền tiếp tục tiến về phía hông thành, nơi
đây nhà cửa càng thưa thớt hơn. Cuối cùng tới
một khỏang đất trống rất rộng,
giống như một cánh đồng hoang nằm giữa
tỉnh thành vậy. Tại đạy có những cái
trại hoang đổ nát, ở gần một cây rất lớn,
trông giống như cây bồ đề, thân cây trơn láng,
cành mọc tỏa ngang, giống như một cái mái kết
quanh thân cây vậy.
Thánh Giuse đưa Đức Mẹ lại dưới cây
ấy. Ngài lấy những gói đồ mang theo, xếp
dưới gốc cây làm thành chổ ngồi có chút tiện
nghi, để Đức Maria tạm nghỉ trong khi Ngài tiếp
tục đi tìm chổ trú khá hơn. Thánh Giuse tìm tới những
nhà ở xa chung quanh. Con lừa im lặng nằm phục gần
Đức Mẹ và quay đầu về phía gốc cây bồ
đề.
Thọat đầu, Đức Mẹ còn đứng tựa
vào gốc cây, nhìn theo hướng Thánh Giuse đã đi khuất.
Chiếc áo dài trắng bằng len của Người, không
có thắt lưng, chảy xuống sát đất làm thành những
nếp gấp rất tư nhiên và mỹ thuật. Đức
Mẹ phủ trên đầu một chiếc khăn
thưa rộng mầu trắng. Trong phục sức
đơn sơ, tao nhã, Đức Maria như một tiên nữa
trầm tư bên rừng, khiến người đi
ngang qua, ai cũng phải nhìn ngắm. Nào họ có biết
người thiếu nữ phong thái thần tiên ấy chính
là Mẹ Thiên Chúa, mà Ngôi Hai Nhập Thể đang ngự
trong cung lòng Người.
Đức Mẹ nhẫn nại, khiêm cung và chịu đựng
biết nhường nào! Hẳn còn phải chờ lâu Thánh
Giuse mới có thể tìm ra nơi trọ và trở lại
báo tin, để cho bớt mệt, Người thư thả
ngồi xuống chổ ghế tạm, mà Thánh Giuse đã xếp
dưới gốc cây. Người chắp tay lại,
để trước ngực và cúi đầu thì thầm
cầu nguyện.
Thánh Giuse buồn bã trở về chỗ cây bồ đề,
nói cho Đức Mẹ hay ông không sao tìm ra chổ trọ.
Đám bạn bè quen biết mà ông tìm tới, chẳng
ai muốn nhận ông. Thánh Giuse vừa nói vừa khóc,
đến nỗi Đức Mẹ phải khuyên dỗ
ông. Dù ấm ức, thánh Giuse lại ra đi tiếp tục
tìm nơi trọ. Ông vẫn ghé từng nhà, từng nhà, nài nỉ
hết lời, nhưng thất vọng vẫn là thất vọng.
Trời chiều ngày một đổ tới. Bóng
đêm đã lấp ló đâu đây. Chỗ cây bồ đề
vốn quạnh hiu hoang vắng, chiều muộn lại
càng cô tịch hơn nhiều. Người qua kẻ lại
thưa thớt dần, nhưng thỉnh thỏang vẫn
còn kẻ vội vã đi qua. Có kẻ lấy làm ngạc
nhiên vì trời sắp tối, mà ở nơi hoang tịch nầy
lại còn có người ngồi dưới gốc cây, lặng
lẽ một mình. . !?Không thể dẹp tính tò mò, họ
phải ngừng bước, đứng từ xa quan sát
Đức Maria. Có kẻ tò mò hơn, tới gần
hỏi cho biết Người là ai, mà thân gái một mình ngồi
mãi dưới gốc bồ đề ở nơi hoang tịch
như thế, trong khi trời đã tối.
Sau cùng Thánh Giuse lại trở về bên Đức Bà.
Ông rất bối rối vì chưa tìm đưực
nơi trú trọ. Ông rụt rè chậm bước,
không dám tiến lại gần Người. Nhưng rồi
Ông cũng phải lên tiếng trong buồn bã, nói cho Người
biết cái công cốc của mình. Sau cùng ông nói rằng
Ông biết phía trước thành Bê-lem rất có thể tìm ra
được nơi tạm trú, nơi đó bọn mục
đồng thường ở khi chúng dẫn đàn cừu
tới thả cỏ ở cánh đồng bên ngòai thành
Bê-lem. Thánh Giuse từ hồi còn thanh niên đã biết
rõ nơi nầy. Khi bị anh em trong nhà tạo phản,
ông thường tìm ra chỗ đó để tránh vạ và
cầu nguyện một mình.
Dĩ nhiên không còn cách nào hơn, Đức Bà liền cùng
Thánh Giuse thu dọn, dắt lừa đi về phía
Đông thành, lần theo một lối mòn hoang vắng quẹo
sang tay trái. Đường đi na ná như con
đường dọc theo dãy tường đổ nát của
một ngôi tiểu cổ thành hoang tàn. Thọat tiên, con
đường lên dốc một quãng, rồi đổ
xuôi như sườn đồi, chỉ đi chừng mấy
phút là tới mạn Đông thành Bê-lem, nơi nầy nằm
ngay phía trước mặt địa điểm Thánh Gia
muốn kiếm. Đó là một con đồi, có những
hàng tùng bá mọc bên sườn, cây nào cành lá cũng xum
xuê xanh biếc. Giữa rặng tùng bá, xen những cây
lá nhỏ như lá cây hòang-dương.
QUANG-CẢNH
HANG BÊLEM.
Ngọn đồi mọc những rặng tùng bá và hòang
dương, có con đường mòn vòng quanh, dẫn tới
cánh đồng cọ bọn mục đồng quen thả
cừu, đã mờ mờ trong sương chiều.
Nằm về phía cực Nam của ngọn đồi, biệt
lập hẳn với những hang động khác, là cái
hang thánh Giuse từng năng tới tránh nạn và cầu nguyện;
chính hang nầy ông muốn đưa Đức Mẹ tới
tạm trú qua đêm. Từ đây trở đi, chúng ta
gọi hang nầy là “Hang Bê-Lem”.
Cửa hang Bê-Lem quay về hướng Tây, khởi vào
hơi hẹp, nhưng vào bên trong hang lại phình ra, thành một
gian phòng kín đáo, ấm áp, khá rộng rãi. Gian thạch
thất nầy một phía hình tròn, phía kia hình tam gíac. Hang nằm
ở sườn phía Đông ngọn đồi. Nó vốn
thuộc lọai hang động thiên nhiên. Nhưng ở
phía Nam bên ngòai hang, sát với đường mòn bao quanh
đồi dẫn tới đồng cỏ, người
ta có đục đẽo và xây sửa thô sơ một chút
để bớt vướng lối đi. Từ phía
Nam nầy, Hang Bêlem còn có một cửa vào thứ hai nữa,
nhưng cửa nầy thường hay lấp kín, thánh Giuse
khi xưa đã phải mở ra để tiện đi lại.
Do phía cửa thứ hai đi ra, về phía tay trái, lại
gặp một cử khác, dẫn vào khúc hang chật chội,
rất khó đi và ăn sâu mãi xuống, làm thành cái động
ngầm bên dưới Hang Bêlem. Như thế, Hang Bêlem là tầng
trên, còn hàng nầy là tầng dưới, nhưng hai tầng
không thể thông được với nhau. Đứng
ở cửa Hàng Bêlem có thể nhìn thấy mặt trời
lạn và nhấp nhô những nóc nhà trong thành Bêlem.
Chúa Giêsu đã giáng sinh trong hang nầy. Sau
khi chịu phép rửa, có lần Người trở về
Hang Bêlem và mừng ngày Sabbat trong đó. Gần Hang Bêlem
có một cái hang thiên nhiên khác, là nơi chôn cất bà vú nuôi
Ông Abraham xưa. Người
ta gọi hang đó là “Hang Một Bà Maraha”. Ông Abraham có một
nhũ mẫu tên là Maraha. Ông đặc biệt kính trọng
bà và bà sống rất thọ. Cưỡi trên lưng lạc
đà, nhũ mẫu Maraha theo ông đi khắp nơi.
Bà sống nhiều năm tại Succoth. Vào những
ngày cuối đời, bà Maraha cũng theo ông Abraham tới
cánh đồng cỏ gần hang Bêlem, nơi ông Abraham dựng
lều. Khi đã sống quá tuổi một trăm, thấy
mình đã cận kề cái chết, bà xin ông Abraham chôn cất
bà trong một cái động trên ngọn đồi gần
hang Bêlem. Bà đặt tên cho hang động Abraham sẽ
chôn cất bà, là “Hang Sữa” hay là “Hang Nhũ Mẫu”.
THÁNH GIA VÀO TRONG HANG BÊLEM
Khi Đức Bà và
Thánh Giuse tiến tới cửa hang, thì trời đã khuya.
Ngay từ lúc Thánh Gia vào tới
khu văn phòng đăng ký và khai thuế, con lừa con
đã biến đi đâu không biết, nhưng đúng lúc
hai Vị tiến tới cửa hang, nó bỗng từ trong
bóng tối chạy lại, nhảy nhót mừng vui chung quanh
Thánh Gia. Thấy thế, Đức Mẹ mỉm cười
nói với Thánh Giuse:”Ngài coi kìa! Chắc hẳn là Thánh ý Thiên
Chúa mà ta bước vào hang động nầy”. Thánh
Giuse liền buộc con lừa lớn ở chỗ hình
như cái mái nhô ra ở trước cửa hang động.
Ông dọn chỗ như một chiếc ghế, để
Đức Mẹ ngồi nghỉ tạm, trong khi ông lo thắp
đèn và đi vào trong hang dọn dẹp trước.
Lối vào hang có vẻ
hơi tắc, vì đầy rơm rác, cỏ khô, lá rụng
bừa bãi, lẫn với những mảnh chiếu rách
quăng vứt tứ tung. Ngay bên trong hang cũng ngổn
ngang, nhếch nhác, đủ thứ linh tinh. Thánh Giuse
ra công ra sức thu dọn nhanh chóng cho thật sạch, chỉ
riêng góc phía Đông cửa hang mà thôi, cốt sao có chỗ
sẵn sàng, để Đức Maria vào nghỉ ngơi bớt
mệt, rồi sau đó ông sẽ tiếp tục dọn sạch
hết cả hang.
Dọn xong, thánh Giuse tìm
chỗ thuận tiện để cây đèn cao sáng
được khắp cả hang, rồi ra ngoài rước
Đức Mẹ vào. Vào tới trong, Đức Maria ngồi
xuống nghỉ ngơi trên tấm mền được
Thánh Giuse trải sẵn. Thánh Giuse ngượng ngập,
sẽ-sàng xin lỗi Đức Bà, vì không còn cách nào tìm ra cho
Người một chỗ trú khác khá hơn.
Khi Đức Mẹ nghỉ
ngôi trong hang đâu đấy rồi, Thánh Giuse mới xách
chiếc túi da vốn luôn đeo bên mình, chạy đi tìm con
suối ngoài sườn đồi, múc đầy bình
nước đem vào hang. Sau đó ông vào trong thành, tìm
mua mấy cái đĩa và một mớ than củi. Ngày
sabbat đã gần kề, lại thêm có đông người
lạ kéo về thành, nên mọi thức dùng đều trở
nên khan hiếm, đến nỗi nhiều dân thành đã có
sáng kiến kê ở góc các ngả phố, những chiếc
bàn nhỏ, bày bán đủ thứ thực phẩm, bánh
trái, vv. . , tiện cho người lạ mua dùng.
Thánh Giuse trở về,
mang theo than hồng nhóm trong một cái lò nhỏ. Ông
để lò than ngay lối cửa vào hang, rồi nhóm bếp
củi, sửa soạn một bửa ăn tươm tất,
gồm mấy chiếc bánh và món trái cây nấu chín, cho Đức
Bà dùng. Khi dùng bửa và cầu nguyện xong, ông làm một
chiếc ổ sạch sẽ, gọn gàng tươm tất,
để Đức Bà nghỉ. Chiếc ổ ấy
có rơm và cỏ khô trải sát nền hang, rồi trải
lên trốc rơm cỏ chiếc chiều, trên nữa là một
tấm mền lớn, lấy trong những tấm mền
từ nhà Thánh Anna mang theo;ở mép ổ sát vách hang, ông cuộn
một chiếc mền khác làm gối cho Đức Bà.
Ông dắt con lừa lớn vào trong hang, cột nó ở
một góc, rồi ông tìm cách bít kín những lỗ hổng
trên trần thạch động, để gió khỏi thổi
khí lạnh vào hang. Sau cùng, ông soạn một chỗ
ngay gần cửa ahng để chính mình nằm đó,
đề phòng đối phó với mọi bất trắc
xãy ra từ bên ngoài.
Khi ngày sabbat bắt đầu,
thánh Giuse cùng Đức Bà đến gần cây đèn,
cùng cầu nguyện theo thể thức trong ngày Sabbat.
Cầu nguyện xong, ông vào thành nữa. Đức
Mẹ ở lại hang. Người khoác mền cho
đỡ lạnh và nghỉ ngơi chút ít, rồi qùy ngay
trên ổ rơm cỏ, thầm thì suy niệm một mình,
sau đó người nằm xuống nghỉ ngơi.
Đức Bà phải nằm nghiêng, đầu gác trên
tay và tay đặt trên gối cho cao, thì mới dễ thở
được.
Sau trưa, Thánh Giuse về.
Ông đưa Đức Bà ra ngoài hang tản bộ và tới
viếng hang mộ bà Maraha gần đấy. Đức Mẹ
lưu lại trong hang một lúc, thấy hang nầy có
vẻ rộng rãi hơn Hang Bêlem, mà lại khoét giữa vùng
đá trắng và mềm, đúng với cái tên “Hang Sữa”
bà Maraha đã đặt. Ra ngoài, Hai Vị đến
ngồi bên một gốc cây và tiếp tục kinh nguyện
cho tới hết ngày sabbat.
Đức Bà báo cho Thánh
Giuse biết ngày giờ Người hạ sinh Chúa Giêsu,
sẽ xãy ra vào chính nửa đêm hôm nay, ví tới ngày
giờ nầy là vừa tròn chín tháng, kể từ khi Thiên Sứ
đến truyền tin cho Đức Bà. Người
thầm thĩ nguyện xin, cho mình làm sao thêm lòng tôn kính và lảm
cả sáng sự giáng trần của Ngôi Lời Con Thiên
Chúa. Đức Mẹ cũng xinThánh Giuse hợp ý cùng cầu
nguyện như vậy với Người. Đức Mẹ
cũng xin Thánh Giuse cùng Người cầu nguyện
cho những kẻ, với lòng chai đá, đã không chịu
đón tiếp Thánh Gia trong dịp nầy. Thánh Giuse xin Đức
Mẹ vui lòng cho phép hai người phụ nữ đạo
đức trong thành Bê-lem mà ông quen biết, được
tới hang để giúp đỡ và phục dịch Đức
Mẹ, nhưng Người không thuận, chỉ nhẹ
nhàng trả lời Người không dám làm phiền bất
cứ ai.
Lúc chập tối ngày
sabbat, Thánh Giuse lại vào thành để mua thêm những thứ
cần thiết, như mấy cái bát, một chiếc bàn nhỏ,
chân thấp, một mớ đèn đầu và bình dầu,
thêm một ít trái cây và nho khô, mang về trong hang. Thánh
Giuse làm bữa, rồi hai Vị dùng cơm tối, sau
đó cùng cầu nguyện.
Lúc nầy mới có chút
thời giờ rảnh tay, Thánh Giuse kiếm một chiếc
sào, gác ngang từ sườn nầy sang sườn
kia vách hang, rồu kiếm những miếng chiếu treo
lên như bức vách tạm, phân hang ra làm hai khu rei6ng biệt:
phía trong là “phòng riêng”của Đức Mẹ;phía ngoài làm chỗ
sinh hoạt cần thiết. Xong xuôi, Ngài cho con lừa lớn
ăn;con lừa nhỏ không ở trong hang: nó vẫn ở
ngoài, chạy lung tung, gặm cỏ khắp nơi.
Thánh Giuse lôi cái máng đựng
cỏ cho súc vật ăn, vốn vất xó trong hang không biết
đã từ bao lâu rồi, nhưng bên trong vẫn còn mớ
rơm và cỏ khô. Ông xếp rơm cỏ cho bằng phẳng,
kiếm thêm mớ rêu khô lát lên trên cỏ, rồi lấy một
cái mền nhỏ gấp lại trải lên trên cùng. Thánh
Giuse chuẩn bị như thế, vì Đức Maria đã
nói: giờ hạ sinh Con Chúa Trời đã tới.
Trong khi Đức Mẹ
qùy trong “phòng riêng” cầu nguyện, thì Thánh Giuse kiếm cách
treo khắp trần thạch động những chiếc
đèn dầu nho nhỏ ông đã mua về. Treo xong, ông
thắp sáng hết. Vừa lúc ấy ông nghe ngoài hang,
ngay trước cửa ra vào, có những tiếng động
lạ. Thì ra con lừa con từ trước vốn chạy
lung tung, bỗng quay về và nhảy nhót vui mừng ngay
trước cửa hang. Thấy Thánh Giuse ra, nó làm trò
đùa, chạy vòng vòng chung quanh ông. Ông giữ nó lại,
cột nó ở mái hiên sát cửa hang, đi lấy cỏ
cho nó ăn và nước cho nó uống.
Quay vào hang, Thánh Giuse thấy
Đức Mẹ đang qùy cầu nguyện, Người
quay lưng ra phía cửa hang, mặt hướng về phía
Đông. Chung quanh Đức Mẹ lúc ấy toả ra
một vầng ánh sáng kỳ lạ và hơi nóng như lửa
bốc ra theo, làm cho toàn hang sáng rực và ấm áp,
như có thứ ánh sáng siêu phàm chiếu dọi vậy.
Như Ông Maisen xưa thấy lửa trong bụi gai,
Thánh Giuse lúc nầy cũng nhìn thấy Đức Mẹ vây
bọc trong biển ánh sáng, với đầy lòng cung kính,
đợi chờ! Lập tức, ông về góc hang của
mình, sấp mặt xuống đất lạy thờ chờ
đợi…Ông biết Ngôi Hai Thiên Chúa đã tới giờ
giáng thế…Giờ huyền nhiệm linh thánh đã điểm
CHÚA GIÁNG-SINH
Vầng ánh sáng
chung quanh Đức Maria càng lúc càng chói chang thêm, làm bạt
hết ánh lửa của những ngọn đèn Thánh Giuse
đã thắp treo khắp trần hang.
Đúng nửa
đêm, Đức Mẹ bỗng ngất trí và đi vào
cơn xuất thần. Người như được
nâng cao khỏi mặt đất tới cả thước,
bay bổng nhưng ở nguyên một ví trí. Hai tay Đức
Mẹ khoanh chéo trước ngực. Người vẫn
trong tư thế qùy gối định niệm. Vầng
hào quang chói lọi bao quanh Đức Mẹ càng phút càng chói
lọi thêm. Tất cả cảnh trí như nói lên niềm cảm
xúc hân hoan, mừng vui, cả đến gỗ đá
cũng nhận thấy được và cùng cộng hưởng.
Ánh sáng từ Đức
Maria chiếu giãi vào khắp thạch thất, làm cho mắt
đá trở nên linh động, lóng lánh như giát ngọc
lưu li. Trần hang như biến đi đâu mất.
Biển sáng từ Đức Maria bốc thành cột hắt
thẳng lên trời, lên mãi, thấu tận thiên
đàng, lẫn với âm vang vô thanh nhiệm mầu rền
lan khắp vũ trụ. Trần gian như kinh hoàng run
rẫy, nép mình tận đâu đâu len lén ngó nhìn, vì đây
là cảnh giới thiên cung đang diễn ra, diễn ra
trong hoan lạc đất trời giao hội. Từ
thiên cao vẳng lại hợp ca của của triệu vạn
thiên thần, hát khúc vinh quang Thiên Chúa và chúc lành cho nhân thế.
Đức Maria trong
cơn xuất thần cực sâu, được nâng khỏi
mặt đất và vẫn trong thế định niệm,
bỗng hé mắt nhìn xuống NGÔI HAI THIÊN CHÚA NHẬP THỂ
LÀM NGƯỜI trong hình Hài Nhi, từ đây gọi Người
là Mẹ, đang nằm ngay trên ổ rơm của Mẫu
Thân Người.
Chúa Hài nhi như một
khối sáng, sáng từ trong nội-thể ra ngoài, ánh
sáng ấy làm mờ mọi thứ khắp hang. Người
đang thiêm thiếp nằm sát bên gối Đức Bà.
Dưới dạng Hài nhi toàn sáng, Chúa Con như mỗi
lúc hình thể một nẩy nở thêm ra.
Đức Mẹ vẫn
còn trong cơn định niệm thêm giây lát, nhưng rồi
Người tỉnh lại phần nào, giơ tay tìm một
chiếc khăn trắng để sẵn trong túi đựng
quần áo, lấy ra phủ trên Hài Nhi. Đức Mẹ
chưa đụng tới Quý Tử. Trong chốc lát, Chúa
Con dãy dụa rồi khóc oà lên. Đó là tiếng khóc chào
đời của trẻ sơ sinh vừa lọt lòng.
Nghe tiếng Con khóc, lúc đó Đức Mẹ mới
thật sự trở về thực tại. Người
bế Con lên, bọc khăn lại gọn ghẽ, kỹ
càng, rồi ôm Con vào lòng, ghì sát ngực mình. Đức
Mẹ ngồi xuống, kéo chiếc khăn đang bum trên
đầu mình, choàng luôn cả khắp mình Con và cho Con
bú.
Vây quanh Chúa Hài Nhi và Thánh Mẫu
Người, nhiều thiên thần chầu chực, hát
ca, thờ lạy.
Một giờ đồng
hồ trôi qua hết sức mau lẹ, kể từ lúc Chaú
Con sinh ra. Thánh Giuse còn đang sấp mình xuống đất
cầu nguyện ở góc hang của mình, thì Đức Mẹ
lên tiếng gọi Người. Thánh Giuse trịnh trọng
bước lại gần, dáng vẻ rất khiêm cung
và nồng hậu. Tới khi Đức Mẹ bồng Chúa
Con từ trong lòng trao ra, thì Thánh Giuse mời ngẩng đầu
, hai tay nâng cao rước lấy Hài Nhi, lòng dâng lời cảm
tạ Thiên Chúa, hai dòng lệ mừng vui thi nhau trào ra,
rơi lã chã….
* * *
Đức Mẹ bọc con lại
gọn ghẽ kỹ lưỡng hơn. Trong tinh thần
đơn sơ nghèo khó, Người chỉ mang theo dự
phòng cả thảy có bốn vuông tã trắng để lót
cho con. Cuốn bọc xong, Đức Mẹ đặt
Con xuống ổ cỏ ngay trước mặt mình.
Hài Nhi ngủ ngon lành bình an. Hai Vị từ từ
ngồi xuống, gần cạnh nhau, im lặng, đắm
mình trong chiêm niệm.
Trong thạch động
cô quạnh vắng lặng nầy, sự cứu độ
của toàn nhân loại đang hiện hữu tại
đây. Bàn dân thiên hạ nào có ái ngờ…!
Lát sau, Đức Mẹ
và Thánh Giuse đặt Chúa Con vào trong máng cỏ, rồi hai Vị
qùy xuống hai bên, thảy đều lệ tuôn đầm
đìa, niềm hoan lạc dâng cao ngất ngây trong lòng.
Hai Vị khẽ tung hô những lời ngợi khen
Chúa.
Thánh Giuse dọn chiếc
ghế và cái ổ cỏ của Đức Mẹ xích lại
sát máng cỏ, tiện cho Người săn sóc hài nhi.
Sau khi hạ sinh Chúa Con, Đức Mẹ đã vận
chiếc áo trắng dài, phủ kín gót chân. Liền trong mấy
ngày sau khi Chúa Con ra đời, Đức Mẹ lúc nào
cũng hoặc ngồi, hoặc qùy, hoặc đứng,
mà ngay cả nằm ngủ nghỉ cũng ở liền
sát cạnh máng cỏ, chẳng giây phút nào rời xa nửa
bước. Một điều đặc biệt là
Người vẫn khoẻ mạnh, chẳng ốm
đau bệnh tật, mà cũng chẳng tỏ ra một
nhọc gì hết.
---------------------
Chân phước A. C. Emmerich lúc
ấy nhìn thấy ở khắp nơi, cả tận những
xứ xa xôi, một niềm vui tràn lan như gió đến
trong lòng nhiều người, và cả trong loài vật
cùng thiên nhiên. Niềm vui ấy kỳ lạ chưa từng
xãy đến cho trần gian bao giờ, diễn ra suốt
đềm Chúa Giáng Sinh. Con Suối phía Nam đồi bỗng
áo ạt chảy như thác. Trời vùng Bêlem bỗng rực
sáng mầu hồng nhạt. Toàn thể khu đồi có hang
Bêlem và cánh đồng chiên cừu ngay đấy, người
ta thấy có làn hơi bốc sáng, bay lênh như những dải
tường vân.
* * *
Đêm Thánh!
Đêm Thánh đã mang Ánh sáng đến cho trần gian…!
“Ánh sáng chiếu
soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt
được ánh sáng” (Ga 1:5). “Ngôi Lời là Ánh Sáng thật,
Ánh Sáng đến thế gian và chiếu soi moị
người” (Ga 1: 9). “Ngôi Lời đã trở thành
người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1: 14).
“Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào
Người, thì Người cho họ quyền trở nên
con Thiên Chúa”( Ga 1:12). Và
VINH DANH THIÊN CHÚA
TRÊN TRỜI
BÌNH AN DƯỚI
THẾ CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG”(Lc 2;14)
Tác giả Ân Giang
|