Bài giảng mùa Vọng của Linh mục Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế, rất cảm động. Xin kính mời quý vị cùng đọc và nghe lại bài giảng công phá này. Xin chúng ta tiếp tục cầu nguyện và yểm trợ Thái Hà và quốc nội Việt Nam. Kính chúc quý vị tràn đầy ơn phước mùa Lễ Giáng Sinh (ny)
Bài Giảng của Cha Quang Uy:
Các bạn thân mến,
Trong một bài giảng giữa hàng ngàn giáo dân, trong đó có công an cộng sản trà trộn, linh mục Lê Quang Uy đã lên án chế độ cộng sản vô thần là nguyên nhân của những thất bại về công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, xã hội, giáo dục, luân lý, đạo đức,...
Cha Lê Quang Uy thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn ra thủ đô Hà Nội thăm giáo dân Thái Hà. Cha Quang Uy đã làm lễ tại nhà thờ Thái Hà và đã gửi đến giáo dân Thái Hà bài giảng, căn cứ trên các đoạn tin mừng trong sách I-sai-a. Từ những chữ rút ra trong bài Phúc Âm như là: sa mạc, đồng hoang, hoang địa,... cha Quang Uy đã ví tâm địa của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam,... phải chăng đã trở thành những hoang địa, những đồng hoang.
Cha đã nói, đất nước Việt Nam đang mầu mỡ, dư thừa lúa gạo để nuôi dân và xuất cảng,... chẳng hạn như vùng đồng bằng sông Cửu Long,... Ấy thế mà có mấy "ông cán bộ vớ vẩn" lên các dự án "hoành tráng", "quy hoạch tổng thể thế này thế kia",... cắt cái này, chặt cái nọ,... bảo là "trồng lúa không có năng xuất, không có thu nhập, vất vả,...". Thế là đập phá những đề điều bao bọc bao nhiêu đời nay, không tôn tạo lên thêm mà lại phá vỡ đi. Thế là nước mặn ấy tràn vào, lấy nước mặn ấy mà nuôi tôm. Sau vài mùa thì tôm nhiễm độc và ...chết! "Dân ngã ngửa ra vì mấy ông cán bộ tào lao bậy bạ, đã biến cái vùng đất ấy thành đất chết".
Cha Quang Uy nói rằng, dân sẽ phải đắp đê bao lại, dẫn nước ngọt về để rửa đất, phải mất đến 50 năm nữa thì mới trồng lúa được. Bây giờ là vùng đất hoang!!! Cha nói: "Bây giờ người dân khóc, người dân đau khổ... Đó là hình ảnh hoang địa. Đất đấy, con người đấy, nhưng mà chất sống không còn!". Nhưng, không chỉ có những đồng hoang ở trên đất nước Việt Nam do những con người "làm ăn bậy bạ" mà còn có những đồng hoang, những hoang địa,.. ở ngay chính trong cuộc đời chúng ta. "Có thể bên ngoài chúng ta che đậy bằng quần áo, bằng trang sức,... nhưng mà ngẫm nghĩ kỹ lại sâu bên trong tâm hồn có những cái gì ấy là đồng hoang, là sa mạc...
Bên ngoài ta có thể dấu đi bằng những cách cười nói, những lạc quan vui tính, nhưng mà thâm sâu bên trong, lắm khi buổi tối về chúng ta ngẫm nghĩ thấy cuộc đời chúng ta nhiều nỗi buồn hơn niềm vui, nhiều nước mắt hơn là nụ cười, nhiều đổ vỡ hơn là những cuộc gặp gỡ để hàn gắn lại....Nên có cái gì đó vẫn cứ tồn tại trong cuộc đời chúng ta mà ta dấu đi thôi. Đến lúc nó lộ ra thì càng đau khổ hơn, càng buồn hơn..."
|