10. Đời Sống Tu Trì Của Nữ Giới
§ Lm Peter Vũ Chương
Bài Huấn dụ (Thứ tư 15-3-1995)
Đời tu trì tận hiến của nữ giới có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo hội. Chỉ cần nghĩ tới ảnh hưởng sâu rộng của đời chiêm niệm và cầu nguyện của các nữ tu, tới hoạt động của các chị trong phạm vi giáo dục và y tế, sự cộng tác của các chị trong sinh hoạt tại các giáo xứ và công tác phục vụ quan trọng của các chị trên bình diện giáo phận, liên giáo phận, cũng như các bổn phận đặc biệt ngày càng nhiều hơn mà các nữ tu đảm trách trong các cơ quan Tòa Thánh.
Chúng ta cũng không được quên rằng: trong một số quốc gia ngày nay, công tác loan báo Tin mừng, việc dạy giáo lý, cũng như ban bí tích rửa tội được trao phó cho các nữ tu là những người thường xuyên tiếp xúc với dân chúng trong trường học cũng như tại các gia đình họ.
Ngoài ra, còn có rất nhiều chị em phụ nữ chọn các hình thức tận hiến cá nhân hay hiệp thông Giáo hội và sống đời tận hiến cho Chúa Ki-tô, phục vụ Nước Chúa trong Giáo hội, điển hình với các chị em khấn hứa sống đời tận hiến cho Chúa.
Hàng hàng lớp lớp, tất cả họ là các nữ tỳ của Chúa. Qua bao thế kỷ họ tiếp tục sống kinh nghiệm của các phụ nữ ngày xưa đã theo Chúa Giê-su và cùng với các môn đệ phục vụ Ngài.
Cũng giống như các Tông đồ, các phụ nữ này đã cảm thấy sức mạnh chinh phục của Lời Giảng và Tình Yêu thương của Chúa Giê-su, nên phục vụ Ngài trên con đường truyền giáo.
Các trình thuật Phúc âm cho thấy Chúa Giê-su đánh giá cao lòng quảng đại và sự tế nhị phát xuất từ tâm hồn phụ nữ của họ và từ lòng tin vững mạnh nơi Ngài.
Điển hình là trường hợp của Bà Maria Madalêna, môn đệ trung thành của Chúa Ki-tô, chứng nhân và sứ giả đầu tiên của biến cố Phục Sinh của Chúa.
Qua cuộc đời theo Chúa và phục vụ Chúa của các phụ nữ ấy, chúng ta có thể khám phá ra một tâm tình khác của nữ tính. Đó là sự tận hiến hoàn toàn chính mình, hướng nữ giới tới cuộc sống hôn nhân và còn hơn thế nữa, tới tình yêu siêu nhiên trong cuộc sống đồng trinh tận hiến cho Chúa Ki-tô.
Tâm tình hiến dâng đó của nữ giới, Mẹ Maria đã diễn tả một cách tuyệt diệu qua lời thưa với sứ thần Gabriel.
“Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy ra cho tôi như điều Ngài đã nói.”
Đó là lời diễn tả lòng tin, lòng mến được cụ thể hóa trong thái độ nghe theo tiếng Chúa gọi, phục vụ Ngài và phục vụ tha nhân.
Môi trường sống và giáo dục ngày nay khiến cho người trẻ muốn sống đời tận hiến ít cảm thấy chiều kích kết hiệp thần bí với Thiên Chúa. Nhưng cuộc đời tận hiến là cuộc đời hiến tế và tham dự vào điều kiện là người tôi tớ khổ đau của Chúa.
Theo Công đồng chung Vaticano II, mầu nhiệm kết hiệp hôn nhân của Giáo hội với Chúa Ki-tô được diễn tả trong mọi cuộc đời tận hiến đặc biệt trong lời khấn khiết tịnh.
Đặc biệt nơi các nữ tu, mầu nhiệm kết hợp hôn nhân đó hiện thực một cách rõ ràng hơn đến độ các văn bản phụng vụ gọi các nữ tu với tước hiệu: “Hiền Thê” của Chúa Ki-tô. Cũng chính vì thế nên lễ nghi khấn dòng của các nữ tu bắt đầu với bài Thánh ca cảm động sau đây:
“Hãy đến, hỡi Hiền Thê của Chúa Ki-tô.”
Sự kết hợp với Chúa Ki-tô, Linh mục cũng như Hiền phu cũng khiến cho ý nghĩa chức làm mẹ thiêng liên phát triển nơi nữ giới. Sự khiết tịnh bao gồm khước từ chức làm mẹ trên thân xác, nhưng là để diễn tả trong chức làm mẹ tinh thần theo chương trình của Chúa.
Cuộc đời khiết tịnh tận hiến nào cũng có mục đích lãnh nhận từ Chúa ơn thánh diễn tả trở lại trong một mức độ nào đó các đặc thái chức làm mẹ phong phú đại đồng của Đức Maria. Chúng ta có thể khám phá ra chức làm mẹ thiêng liêng ấy của các nữ tu trong các giáo dục người trẻ, đặc biệt trong các vườn trẻ, nơi các chị chứng tỏ cho thấy các đức tính phụ nữ cao quý và không thể thay thế được. Chức làm mẹ tinh thần phong phú ấy của các nữ tu cũng tỏ hiện rõ ràng trong các công tác bác ái, y tế, xã hội, chăm sóc người nghèo, các bệnh nhân, người tàn tật và bị bỏ rơi, đặc biệt là các trẻ em mồ côi.
Lời cầu nguyện chiếm chỗ nhất trong mọi giá trị đời tu trì tận hiến của nữ giới. Bởi vì lời cầu nguện diễn tả đời sống kết hợp tâm tình với Chúa Ki-tô, Hiền phu.
Mọi nữ tu đều được kêu mời trở thành những phụ nữ sống đời cầu nguyện, nội tâm và đạo hạnh. Chiều kích cầu nguyện không những chỉ là nét đặc thù của các Dòng Chiêm niệm mà còn phải là đặc thái của các Dòng hoạt đông nữa. Bởi vì chính lời cầu kiên trì là bí quyết giúp sống trung thành với Chúa Ki-tô.
(Hết)
Lm Peter Vũ Chương
|