5. Ơn Gọi Của Giáo Dân Giữa Lòng Giáo Hội
§ Lm Peter Vũ Chương
(Sự Tham Dự Của Giáo Dân Vào Chức Vụ Ngôn Sứ Của Chúa Kitô)
(Bài giáo huấn thứ tư 26-2-1994)
Trích số 35: Hiến chế: Ánh sáng muôn dân. Đức Gio-an Phao-lô II:
“Trong Giáo hội, Chúa Ki-tô chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ, nhiệm vụ chính nhân đích thực và trung tín không chỉ qua hàng Giáo phẩm mà còn qua các giáo dân mà Ngài khiến trở thành chứng nhân của Ngài nữa.
Nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động nơi họ, anh chị em giáo dân có thể làm chứng tá cho Chúa, bởi vì họ đã nhận được sức mạnh tiếp nhận Tin mừng trong lòng tin, loan báo Tin mừng bằng lời nói và việc làm của họ, để cho Tin mừng được giãi sáng trong đời sống thường ngày của họ, trong gia đình, ngoài xã hội.”
Giáo huấn trên đây của Công đồng chung Vaticano II cho chúng ta thấy nét đặc thù trong ơn gọi giáo dân là làm chứng cho Chúa giữa đời. Nó cũng chứng minh cho thấy việc theo Chúa không đối nghịch với việc chu toàn các bổn phận trần thế của giáo dân. Trái lại, lòng trung thành với Tin mừng sinh ích lợi cho đời vì giúp cải tiến các cơ cấu trần thế.
Tuy nhiên, ở đây cần phải xác định bản chức của chúng ta hay cũng có thể nói bản chức của nhiệm vụ ngôn sứ của giáo dân.
Lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ trong ngày Phục Sinh định nghĩa cho nhiệm vụ ấy: “Chúng con sẽ có được sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng con và chúng con sẽ là chứng nhân của Thày”.
Cũng giống như việc thi hành chức linh mục đại đồng, nhiệm vụ làm chứng cho Chúa cần có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần.
Ở đây không chỉ có nghĩa là có tính tình ngôn sứ đi liền với các đặc sủng tự nhiên, mà là các ơn siêu nhiên như loan báo thông truyền sự thật và khiến cho con tim của những người nghe phải rung động vì các sự thật mạc khải đem lại cho con người sự sống phát xuất từ Chúa Thánh Thần.
Khía cạnh chứng tá qua lòng tin và ơn dùng lời nói của giáo dân, trong cương vị là các chứng nhân cho Chúa, giáo dân dấn thân tiếp nhận Tin mừng với lòng tin và loan báo Tin mừng đó bằng lời nói và việc làm cũng như không ngần ngại can đảm tố cáo sự dữ, như khẳng định trong số 14 của Tông huấn “Người Tín hữu giáo dân”: như là con cái của Lời Chúa, giáo hữu được mời gọi làm chứng cho sự cao cả và phong phú của niềm hy vọng mà họ mang trong tim, một niềm hy vọng xây dựng trên công trình Cứu Chuộc của Chúa Ki-tô tử nạn và Phục sinh.
Chứng từ này đặc biệt quan trọng trong một thế giới xem ra tiến bộ và đảm bảo mọi sự cho cuộc sống con người, nhưng thật ra con người lại thường phải sống kinh nghiệm thất vọng vì thấy thiếu cả các cơ cấu cần thiết đảm bảo hạnh phúc và an bình cho cuộc sống.
Chứng tá niềm hy vọng ấy của giáo dân đặc biệt quan trọng vì giúp hướng dẫn tâm trí con người kiếm tìm các giá trị vượt xa giá trị tương đối của các sự vật của thế giới này.
Qua kiểu cách sống của mình, anh chị em giáo hữu chứng minh cho mọi người thấy niềm hy vọng kitô không phải là trốn chạy thế giới, cũng không phải là từ chối hiện thực cuộc sống trên trần gian này, mà là mở rộng cho chiều kích siêu việt của cuộc sống vĩnh cửu là thực tại duy nhất trao ban ý nghĩa cuộc sống trên trần gian này.
Lòng tin và lòng hy vọng được lòng mến thúc đẩy khiến cho chứng từ của anh chị em giáo dân lan rộng trong mọi môi trường cuộc sống để cho sức mạnh của Tin mừng giãi sáng ra trong cuộc sống thường ngày, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Chính sức mạnh đó của Tin mừng hiển hiện qua việc liên tục hoán cải tâm lòng trở về với Chúa, chống lại các quyền lực của sự dữ đang tung hoành trong thế giới, dấn thân sửa chữa các hư hại do các quyền lực tối tăm hay hiển nhiên nhằm cướp mất vận mệnh của con người.
Chính sức mạnh đó của Tin mừng tỏ hiện rõ ràng qua thái độ sống thường ngày của các tín hữu kitô can đảm, không sợ hãi, chứng minh cho thấy xác tín của họ trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống bởi vì họ nhớ lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ xưa kia:
“Ai xấu hổ vì Thày và các lời của Thày thì con người của Thày cũng sẽ xấu hổ vì kẻ đó khi Ngài ngự đến trong vinh quang của mình, trong vinh quang của Thiên Chúa Cha và của các Thánh Thiên Thần.
Ai nhìn nhận Thày trước mặt loài người thì Con người cũng sẽ nhìn nhận kẻ ấy trước mặt các thiên sứ của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Tin mừng được tỏ hiện ra khi chúng ta kiên nhẫn trong thử thách và sống như nhân chứng của Thập giá Chúa Ki-tô.”
Kết: Sức mạnh của Tin mừng không chỉ cần thiết cho các linh mục và nam nữ tu sĩ trong sứ mệnh thừa tác viên của Lời Chúa và của ơn thánh Chúa Ki-tô mà cũng cần thiết đối với giáo dân trong công tác rao truyền Tin mừng giữa các môi trường và cơ cấu trần thế nữa. Trong các môi trường đó của thế giới, chứng tá của anh chị em giáo dân cũng đánh động hơn và có thể có hiệu quả bất ngờ bắt đầu chính môi trường cuộc sống hôn nhân và gia đình. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin sức mạnh ấy cho các anh chị em giáo dân và cho mọi người theo Chúa Ki-tô, sức mạnh mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới trao ban cho chúng ta qua lời cầu nguyện liên lỉ và sốt sắng.
Lm Peter Vũ Chương
|