1. Tinh Thần Tu Đức Của Giáo Dân
§ Lm Peter Vũ Chương
(Bài Huấn dụ của Đức Gioan Phao-lô II ngày 1-12-1993)
Vai trò đặc thù của giáo dân trong Giáo hội cũng đòi hỏi họ phải có một tinh thần Tu đức sâu xa. Để giúp giáo dân hiểu biết và sống tinh thần tu đức này, đã có nhiều tài liệu thần học và mục vụ đã phát hành dựa trên ơn gọi nên thánh chung cho mọi Ki-tô hữu.
Kiểu cách thực hiện ơn gọi nên thánh đó thay đổi tùy theo các ơn gọi riêng và tùy theo các điều hiện sống và công việc làm của mỗi người cũng như tùy theo các khả năng, khuynh hướng và sở thích của từng người, thích kiểu cách cầu nguyện hay hoạt động tông đồ của vị Thày này hay vị Thày kia, của Đấng sáng lập Dòng này Dòng nọ, như chúng ta có thể nhận thấy nơi mọi giai tầng trong Giáo hội, cầu nguyện, hoạt động và tiến bước về trời.
(Nguyên tắc nền tảng của mọi tinh thần và đường hướng tu đức trong Giáo Hội) :
Nền tảng của mọi tinh thần Đức Ki-tô không là gì khác nếu không phải là lời Chúa Giê-su nói, liên quan tới sự cần thiết phải sống hiệp nhất với Ngài: “Chúng con hãy ở trong Thày. Ai ở trong Thày và Thày ở trong người ấy thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15. 4-5)
Việc phân biệt hai khía cạnh của sự hiệp nhất được văn bản nói tới ở đây thực là ý nghĩa:
Thứ nhất là sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong chúng ta. Chúng ta phải đón tiếp ngài, nhận biết Ngài và ngày càng khao khát sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong chúng ta hơn và phải vui sướng mỗi khi được sống sâu đậm kinh nghiệm sự hiện diện đó.
Khía cạnh thứ hai của sự hiệp nhất này là sự hiện diện của chúng ta trong Chúa Ki-tô. Chúng ta được mời gọi sống sự hiện diện đó qua lòng tin và tình yêu thương đối với Chúa Ki-tô.
Sự kết hiệp này với Chúa Ki-tô là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đổ chan hòa ơn thánh này trong tâm lòng mọi tín hữu biết đón nhận ơn ấy. Ngài trợ giúp họ chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng như ban cho họ tràn đầy ánh sáng, hướng dẫn họ trong mọi công tác tông đồ và trong mọi hoạt động của họ trên bình diện cuộc sống cá nhân cũng như trên bình diện cuộc sống xã hội.
Vì sự kết hiệp với Chúa Ki-tô là một ơn gọi của Chúa Thánh Thần, nên tín hữu phải năng cầu xin Thiên Chúa ban cho mình ơn đó.
Khi chu toàn mọi bổn phận của mình theo thánh ý Chúa là tín hữu làm đẹp lòng Chúa và đó cũng là một hình thức cầu nguyện rồi. Vì thế, cả những hành động tầm thường nhất cũng trở thành lời chúc tụng ngợi khen đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên sống như thế không thôi vẫn chưa đủ. Tín hữu cần phải dành thời giờ cho việc cầu nguyện theo gương sống của Chúa Giê-su Ki-tô nữa.
Cho dù phải sinh hoạt giảng dạy bận rộn tới đâu đi nữa, Chúa Giê-su cũng đã luôn luôn rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Gương sống này của Chúa Giê-su có giá trị đối với mọi Ki-tô hữu. Các hình thức và kiểu cách dừng lại để cầu nguyện giữa công việc bận rộn thường ngày có thể thay đổi tùy theo mỗi người.
Nhưng sự kiện, lời cầu nguyện cần thiết cho cuộc sống cá nhân cũng như cho công tác tông đồ là một nguyên tắc bất di bất dịch.
Chỉ khi có một đời cầu nguyện mạnh mẽ, giáo dân mới có được sự phấn khởi, nghị lực và lòng can đảm đương đầu với các khó khăn, các chướng ngại và thử thách.
Chỉ khi có một đời cầu nguyện mạnh mẽ, giáo dân mới tìm được thế quân bình, có khả năng đưa ra các sáng kiến, có khả năng chịu đựng và phục hồi sức lực.
(Các phương thức giúp mọi Kitô hữu và đặc biệt ở đây là anh chị em giáo dân có được đời cầu nguyện mạnh mẽ nói trên, hầu sống kết hiệp với Chúa Kitô)
Đời sống cầu nguyện của mỗi một tín hữu và do đó cũng là của giáo dân, không thể nào bỏ qua việc tham dự các buổi cử hành phụng vụ, lãnh nhận bí tích giải tội và nhất là tham dự Tiệc Thánh Thể, trong đó việc hiệp nhất với Chúa trong bí tích trở thành suối nguồn của sự kết hiệp nội tại hai chiều với Chúa Ki-tô.
Chính Chúa Giê-su đã phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sống trong Ta và Ta sống trong người đó.” (Ga 6. 56)
Thông điệp: “Người tín hữu giáo dân” cũng tha thiết mời gọi giáo dân siêng năng tích cực tham dự thánh lễ.
Thánh lễ Chúa nhật phải là suối nguồn của đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ của giáo dân.
(Đức Gioan Phaolô II trích tài liệu Công đồng Vaticano II nhắc nhở cho giáo dân biết rằng: Sự kết hiệp với Chúa Kitô phải âm hưởng trên mọi khía cạnh trần thế của họ) :
Việc lo lắng cho gia đình cũng như các dấn thân khác trong đời sống không được trở thành xa lạ với tinh thần tu đức của cuộc sống giáo hữu như Thánh Phaolô đã nói: “Mọi sự anh em làm trong lời nói cũng như trong việc làm, hãy làm tất cả nhân danh Chúa Giê-su và qua Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha.” (Cl 3. 17)
Trong Chúa Ki-tô, mọi sinh hoạt đều mang một ý nghĩa cao cả và siêu việt hơn. Sự kết hiệp với Chúa Ki-tô mở ra cho mọi thực tại trần thế một viễn tượng rộng rãi và sáng sủa hơn. Nên thần học Ki-tô đặc biệt nêu bật các chiều kích tích cực của tất cả những gì hiện hữu và hoạt động với sức mạnh hiệp thông vào mầu nhiệm: Chân, Thiện, Mỹ của Thiên Chúa, một nền tu đức xây dựng trên viễn tượng sự thật này của sự vật mở rộng tâm lòng con người cho Thiên Chúa và ban cho nó ánh sáng giúp giải thích mọi biến cố lịch sử thế giới.
Kết: Lòng tin giúp tín hữu nhận ra rằng: chương trình cứu độ và yêu thương của Thiên Chúa được hiện thực ngay trong trật tự trần thế. Và Thiên Chúa vẫn luôn kêu mời họ góp phần vào công trình Cứu Chuộc ấy bằng cách sống sâu đậm lòng tin, lòng cậy và lòng mến trong mọi thực tại, hoàn cảnh sống mỗi ngày để biến đổi và thánh hóa thế giới.
Lm Peter Vũ Chương
|