23. Đấng Bảo Trợ
§ Lm Peter Vũ Chương
- Tôi cực quá !
- Tại sao tôi lại phải chịu cực đến thế ?
Trong đời thường, chúng ta ít nhiều đều phải chịu sức ép. Đôi khi sức ép nảy sinh từ trách nhiệm do công ăn việc làm: vấn đề tiền bạc, lo nuôi gia đình, lo cho cha mẹ già.
Để có khả năng chịu đựng, ta cần sức mạnh và nghị lực. Vậy tìm đâu ra được sức mạnh, nghị lực đó ?
Ngay sau khi Chúa Giê-su chịu chết, các môn đệ đã cảm thấy cần được một sự nâng đỡ đặc biệt hơn. Thế giới riêng tư của các ông cùng với những hoài bão đã tan biến trong thời gian ba tiếng đồng hồ sau trưa ngày thứ Sáu chịu nạn.
Nhưng các ông đã được tiếp sức, được đổi mới ngay sau cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su Phục sinh. Các môn đệ đã được đổi mới, đã được niềm vui, được niềm hy vọng nơi Chúa Phục sinh.
Tuy nhiên, các ông còn cần phải học một bài học khác.
Chúa Giê-su Phục sinh rồi ra sẽ chia tay các ông. Chúa Giê-su đã sống vào một thời điểm lịch sử, tại một nơi chốn nhất định. Chúa Giê-su lên trời là Chúa của thời gian và của không gian. Tình thương và lòng nhân hậu Ngài đã đem lại cho mọi người, thì nay Ngài cũng vẫn còn dành cho chúng ta hôm nay.
Chúa Giê-su lên trời, nhưng Ngài không để các môn đệ phải chịu cảnh lẻ loi, đơn côi. Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các ông.
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha. Người là Thần Khí sự thật, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15, 26)
Đấng Bảo Trợ chính là Đấng ban sức mạnh, sự can đảm, lòng dũng cảm.
Như thế, một người con đang chăm sóc người cha hay người mẹ đang hấp hối, một thành viên nào trong gia đình đang bị sức ép do những người xung quanh, một người nào đó đang cần đến sức mạnh, sự chịu đựng, niềm hy vọng thì tất cả những người đó đều có thể dễ dàng đến với Người. Chắc chắn họ sẽ tìm được sự nâng đỡ từ nơi Người.
Sự hiện diện của Người luôn ở đó. Người trao ban sức mạnh của Người cho chúng ta ngay lúc này. Và đây chính là trung tâm của Sứ Điệp Tin mừng.
Lm Peter Vũ Chương
|