20. Niềm Hy Vọng Được Tha Thứ
§ Lm Peter Vũ Chương
Một Cha xứ người anh kể:
Một hôm, một cô giáo trong xứ xin tôi đến thăm mẹ cô đang đau nặng. Và ngay chiều hôm ấy tôi đã đến thăm bà cụ.
Khi tôi bước vào, tôi gặp hai người đàn ông, họ rất ngạc nhiên không hiểu tôi đến đó làm gì. Còn bà cụ thì cứ lẩm bẩm:
- Chúa đâu có quan tâm gì đến tôi...
- Có chứ, thưa bà. Người quan tâm đến bà lắm chứ, tôi bật miệng nói.
Bà cụ năm nay đã 80 tuổi và hiện rất yếu, chắc không sống được bao lâu nữa.
Tôi nhẫn nại kéo ghế ngồi bên cạnh giường và cố tìm ra vài lời trấn an bà. Thế rồi, bà bắt đầu kể chuyện đời bà, mắt bà luôn nhìn mặt tôi xem tôi có vẻ gì là bị “sốc” hay không...
Nhưng tôi chả bị “sốc” chút nào. Sau khi kể xong, bà cụ nói: “Đó, Cha thấy không, tôi đã nói cho Cha cả rồi. Chúa chẳng bao giờ tha thứ cho tôi đâu, Cha ạ. Tôi chả có hy vọng gì.”
Tôi tìm lời an ủi và trấn an bà. Tôi nói với bà là Thiên Chúa rất quan tâm đến đời bà và Người rất sẵn sàng tha thứ cho bà tất cả. Sau đó vài tuần, bà cụ qua đời.
Cô giáo, con bà, kể lại là trong những ngày cuối cùng, mẹ cô đã trở thành một người mới.
Tôi nhớ là tôi đã trở lại thăm bà hôm trước ngày bà qua đời. Bà nằm liệt giường. Bà nhìn lên và hỏi tôi:
- Cha có chắc không?
Bà không nói rõ là chắc về điều gì, nhưng tôi thì tôi hiểu.
- Chắc lắm, Cụ ạ. Tôi trả lời.
Đó là những lời cuối cùng của bà.
Cho tới nay, tôi cũng giống như nhiều người khác, tôi không mấy tin tưởng vào những cuộc trở lại trên giường hấp hối...
Tôi cho rằng: làm như thế thì dễ quá đi. Cứ việc ăn chơi thỏa thích, cứ việc sống buông thả thoải mái rồi tính giờ tính phút thật sát, chỉ cần chờ đến phút chót, cho đi mời một vị linh mục tới và nói: Con thành thực ăn năn !
Phải, khi đứng trên bờ vực thẳm. Chúng ta liền mở rộng tâm lòng đón nhận Thiên Chúa. Giây phút cuối cùng, nhìn lại cuộc đời thanh xuân mình đã sống, một cuộc sống thật chẳng có gì đáng tự hào.
Khi đi dự lễ tang, rất nhiều lần tôi đã nhận thấy một sự trống rỗng hiện trên nét mặt của những người đi dự tang lễ. Quả là một sự trống rỗng. Cuối cùng thì họ đã nhận ra những vấn đề quan trọng trong cuộc đời cần phải được giải quyết.
Con người thời nay thường rất bận rộn với những công việc hằng ngày: trách nhiệm gia đình, bổn phận, thú vui và họ có rất ít thời gian để nghĩ đến những vấn đề quan trọng như:
- Tôi đang làm gì ở đây ?
- Tôi đang tiến về đâu ?
- Tôi có thái độ nào khi chạm trán với khổ đau ?
- Chết rồi, mình sẽ ra sao ?
- Tôi đã đặt niềm hy vọng vào điều gì hay vào ai ?
- Cuối cùng thì tôi có bám víu vào Thiên Chúa không ?
Với tư cách là linh mục, tôi vẫn cố tìm chia sẻ niềm hy vọng với người khác. Tình cờ tôi gặp được cuốn sách: “Người chữa lành các thương tích”. Tác giả nhấn mạnh đến sự quan trọng của sự chia sẻ niềm hy vọng với người khác, điều này rất quan trọng nhất là với giới linh mục, tu sĩ, những người lãnh đạo tinh thần, những người cố vấn, những người dấn thân phục vụ người khác.
Có ba nhân đức quan trọng: TIN, CẬY, MẾN.
Đức Cậy được đề cập đến nhiều hơn hai nhân đức kia. Phải, chính niềm hy vọng làm cho chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc đời. Niềm hy vọng giúp chúng ta nhìn xa thấy rộng, xa hơn cả chân trời và như lời một lời kinh nguyện, xa hơn cả viễn tượng của chúng ta nữa.
Lm Peter Vũ Chương
|