18. Cây Vả Bị Rủa (Mc 11: 13-14; 20-21)
§ Lm Peter Vũ Chương
“Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Đời đời không còn ai ăn trái của mày nữa.” (Mc 11: 13-14)
“Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài đã thấy nó chết khô tận rễ. Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem, cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” (Mc 11: 20-21)
Hai đoạn trích Tin mừng này đã gây nhiều thắc mắc cho nhiều người, có khi còn gây cả bất mãn nữa là khác. Một trong số những người bất mãn này là nhà toán học và triết gia Bertrand Russell.
Trong cuốn sách, nhan đề: “Tại sao tôi không phải là một người Ki-tô hữu?”, Bertrand Russell đưa ra lý do: theo ông, Chúa Giê-su chỉ là một người nhỏ nhặt, hẹp bụng. Ông biện minh bằng cách đưa ra câu chuyện “Cây vả bị rủa vì không có trái. Làm sao nó có trái được khi không phải là mùa vả?”
Vậy chúng ta hãy cố tìm ra ý nghĩa của câu chuyện này.
Tuy dù là một nhà toán học và triết gia thời danh, Bertrand Russell chỉ là một người học trò tầm thường trong Trường Tin Mừng. Ông đã không hiểu rằng đoạn Tin mừng này cần được hiểu theo nghĩa biểu tượng và theo nghĩa mật mã của nó.
Những người đầu tiên đọc Tin mừng của Mác-cô lúc đó đang bị cám dỗ từ bỏ niềm hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa bởi vì lúc đó thế giới chung quanh họ xem ra không muốn đáp trả lại Sứ Điệp Tin mừng nữa. Họ là những người đã hào hứng tin theo Chúa Giê-su thành Na-gia-rét, nhưng dần dần cùng với thời gian, ngọn lửa hào hứng đã tắt ngún dần vì thiếu thành công, vì bị bách hại.
Và Thánh Mác-cô đã đưa lại cho họ Tin mừng cũng như Tin chẳng lành.
Tin mừng: đó là Thiên Chúa chờ đợi kết quả tốt từ nơi những người đã tín thác vào Người.
Tin chẳng lành: đó là Thiên Chúa chờ đợi kết quả khi mà khó có được thành quả. Người chờ đợi trái vả khi không phải là mùa vả.
Và đây là một bài học khó mà học được.
Đối với chúng ta, thật là một điều khó khi công việc làm ăn của ta lại không mang lại kết quả mong muốn.
Nhưng đây lại là công việc của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng nhận ra rằng: niềm tin và sự dấn thân của chúng ta luôn bị ám ảnh bởi thành đạt. Và điều này rất dễ trở nên một sự điên rồ.
Tuy nhiên, khi chúng ta phải đối mặt với những thất bại và cụt hứng vì thiếu thành công, lúc đó, nếu chúng ta đầu hàng và không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, thì cũng chính là lúc chúng ta không còn dành cơ may nào cho Thiên Chúa để từ đó Người có thể mang lại kết quả và thành đạt.
Nhà thơ T.S. Elliot đã viết: “Tất cả mọi người đều sẵn sàng đem tiền của ra đầu tư và ai cũng muốn thu nhiều lợi nhuận. Tôi xin nói với các bạn: các bạn hãy lo làm tờ Di chúc cho hoàn hảo đi. Và tôi xin phép góp thêm ý kiến: Các bạn đừng lo đến mùa gặt nhưng hãy lo việc gieo giống cho thật tốt.”
Phải, thật là một điều khó chấp nhận khi không được hy vọng vào ngày gặt hái vì chính mùa gặt mới biện minh cho mọi nổ lực.
Phải, cũng thật là một điều khó khi phải chấp nhận là Thiên Chúa sẽ chờ đợi mùa gặt khi không phải là mùa thu hoạch.
Mác-cô đã ghi rằng: Chúa Giê-su đã rủa cây vả sau khi đến Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng và lúc đó lại không phải là mùa vả. Nhưng đó lại là mùa cho Sự Đóng Đinh. Những kết quả và mùa gặt được chờ đợi từ thời buổi không hứa hẹn chút nào.
Nhưng xem ra đó lại là cách hành sự của Thiên Chúa.
Lm Peter Vũ Chương
|