16. Sấm Sét Của Thiên Chúa
§ Lm Peter Vũ Chương
Cách đây ít lâu, Thánh đường Yorkminster, Anh quốc, bị hỏa hoạn do sét đánh. Vụ này đã xảy ra ít lâu sau khi một vị Giám mục Anh giáo hay gây tranh cãi đã được tấn phong tại đó. Đã có không ít người cho rằng: Thiên Chúa đã thẳng tay giáng sấm sét xuống để tỏ ra Người không hài lòng.
Xét trên bình diện cá nhân, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng quan niệm rằng: rủi ro bất hạnh đến chính là vì mình đã phạm sai lầm nào đó.
“Trời ơi! Tôi đã làm gì để đến nông nỗi này?”
Chúng ta làm như sự trừng phạt của Thiên Chúa là điều xảy ra ngay lập tức, hầu như tự động.
Thánh Lu-ca có ghi lại một câu chuyện có khả năng soi sáng cho chúng ta về vấn đề thưởng phạt của Thiên Chúa.
“Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị Tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như 18 người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13. 1-5)
Trong tất cả những lời giảng dạy của Chúa Giê-su, quan niệm gán ghép khổ đau là vì Thiên Chúa sửa phạt đã bị lật ngược trở lại rồi.
Phúc thay những ai đói khát bởi vì không phải những người no đầy là được hạnh phúc đâu.
Phúc thay những ai nghèo khó, chứ không phải là người giàu sang mà được chúc phúc đâu.
Phúc thay những người đau yếu, những người khổ sở, những người bị tiếng xấu, những người bị chà đạp vì họ sẽ được phần thưởng.
Nếu bạn thấy một người bị đau khổ trong trần gian này thì đó là dấu chỉ Thiên Chúa có quan tâm đến họ, chứ không phải là điều ngược lại.
Nhưng trên hết tất cả, quan niệm Thiên Chúa sửa phạt cần phải được xóa bỏ bởi cây Thập giá.
Thập giá có nghĩa gì nếu không phải là Thiên Chúa đã tự đặt mình vào chỗ của nhân loại khổ đau, chính Đấng mà người ta cho là Đấng sửa phạt. Trong Chúa Ki-tô, chúng ta thấy Thiên Chúa bị ruồng bỏ, Thiên Chúa thật đơn côi, Thiên Chúa bị thương tích. Thiên Chúa đang khóc, bị đánh đập và phải chết. Và như thế, mầu nhiệm chúng ta chiêm ngưỡng thật khó hiểu chứ chưa nói là đã nắm bắt được.
Thiên Chúa đã muốn đem lại một câu trả lời cho những thắc mắc của chúng ta. Chính Ngài đã trả lời cho chúng ta bằng chính bản thân của mình. Ngài đã tỏ ra cho chúng ta thấy là Ngài đã mang lấy những khổ đau của chúng ta, Ngài đã chia sẻ những buồn đau của chúng ta, Ngài không giáng hình phạt của Ngài trên chúng ta.
Chính vì thế mà đừng có người tín hữu nào phải nhìn lên trời mà thắc mắc: Tại sao Thiên Chúa bắt tôi phải khổ sở như thế này...
Nếu ta làm như vậy là ta đã không hiểu gì cả. Vấn đề là Thiên Chúa không phải là Đấng ở xa tận nơi nào và ta không đoán được ý Người. Và Người ở nơi đó để phân phát hình phạt cũng như phần thưởng...
Chúa Giê-su đã tỏ ra cho ta thấy: Thiên Chúa là Đấng ở ngay tại thế này, và rất gần gũi với con người. Ngài là Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Lm Peter Vũ Chương
|