14. Khi Bị Chạm Tự Ái, Ta Nên Có Thái Độ Nào?
§ Lm Peter Vũ Chương
Tin mừng theo Thánh Lu-ca kể dụ ngôn khách được mời xin kiếu. (Lc 14: 15-23)
Một người giàu có mời các bạn đến dự tiệc. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với những khách được mời là cỗ bàn đã sẵn.
Nhưng họ nhất loạt xin kiếu. Một người lấy lẽ mới mua một thửa đất, nên xin kiếu. Dĩ nhiên không ai mua đất mà lại không đi xem thửa đất cho kỹ.
Người thứ hai viện lẽ mới mua năm cặp bò, cần đi thử, nên cũng xin kiếu. Mua một cặp bò hồi đó cũng giống như ngày nay, ta mua một chiếc ôtô - và dĩ nhiên người mua xe phải cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định mua xe.
Người thứ ba xin kiếu một cách trân tráo hơn. Anh viện lý do mới cưới vợ, anh có nhiều chuyện phải làm. Và anh chàng đáng yêu này chắc không có giờ đâu để ngồi chè chén với mấy ông hàng xóm.
Dụ ngôn này có thể được viết lại tương tựa theo thời đại của ta như sau:
Anh mời các bạn đến dự bữa cơm gia đình. Các bạn anh đến và đang ngồi nói chuyện trong phòng khách. Anh cho dọn bữa lên bàn và mời các bạn sang phòng cơm dùng bữa.
Bỗng một anh bạn đứng lên nói: “Tôi phải về cho mèo ăn, nó đang chờ ở cửa. Nó đang đói!” Nói xong, anh bước ra.
Rồi anh bạn thứ hai nói: “Tôi có nhiều thư phải hồi âm.” Nói xong, anh biến mất.
Anh bạn thứ ba nói: “Trời còn đang sáng. Tôi nghĩ tôi phải đi dạo một lúc.” Nói xong, anh bỏ ra về.
Trước cách đối xử khiếm nhã như thế, chắc anh phải bực mình lắm. Cũng giống thế, ông chủ nhà nổi cơn thịnh nộ. Bị hạ nhục vô lý như thế, hẳn ông có đủ lý do để trả miếng và những người chung quanh sẽ không trách ông, nếu ông làm như vậy.
Chúng ta biết rằng ý nghĩa của Dụ ngôn này là Thiên Chúa triệu tập một dân mới gồm người nghèo, người Do thái, người ngoại giáo.
Nhưng, xét trên một bình diện nào đó, ta có thể, nhân đọc dụ ngôn này, đặt ra câu hỏi: Khi bị chạm tự ái, khi ta bị đối xử một cách bất công, ta nên có thái độ nào cho đúng?
Chúng ta đã và đang chứng kiến biết bao cảnh đối xử bất công trên thế giới này. Trong những trường hợp như thế, ta phải xử trí ra sao?
Thường là: anh làm tổn thương tôi, thì tôi cũng xin đáp lễ lại như thế. Tôi có quyền đó như mọi ai khác trong trường hợp tương tự. Anh hãy xem: tôi đã phải khổ sở như thế nào.
Khi điều này xảy ra thì bộ máy trả thù được cho nổ, thế là cái vòng luẩn quẩn trả thù, trả miếng ngày càng mở rộng. Nó càng mở rộng, sự thiệt hại lại càng gia tăng.
Tuy nhiên, trong mỗi người chúng ta đều ẩn sâu một sự tự do vô cùng quý giá. Sự tự do này không ai có thể lấy mất được. Tùy ta có thể từ bỏ nó.
Đó là sự tự do lựa chọn câu đáp trả cho điều xảy đến cho chúng ta.
Dụ ngôn bữa tiệc bị ế ẩm đã mang lại một câu đáp trả tuyệt diệu.
Chúng ta được biết ông chủ rất tức giận. Ông liền ra lệnh cho các đầy tớ nhanh chóng ra đường đưa những người nghèo, những kẻ đui mù què quặt vào dự bàn tiệc của ông.
Bài học của câu truyện trên đây có thể là: Sức mạnh do bất công tạo nên đã được sử dụng một cách sáng tạo, đó là phục vụ nhu cầu của người nghèo, người bị loại ra ngoài, người bị xã hội ruồng bỏ.
Đây là điều có thể thực hiện được để đáp trả lại những cú đấm đá mà ta phải chịu trong cuộc đời. Và đây quả là một phương cách vô cùng tuyệt diệu.
Ngày nay chúng ta cũng đang được chứng kiến sức biến đổi khổ đau thành ân huệ. Và chúng ta cũng đang được chứng kiến sự biến đổi khổ đau thành ân huệ nơi Thập giá của Chúa Giê-su Ki-tô.
Lm Peter Vũ Chương
|