13. Ai Là Người Thân Cận Của Tôi? (Lc 10: 29-37)
§ Lm Peter Vũ Chương
Về người thân cận, Cecil Luis đã có lời bình như sau: “Chỉ đứng sau Bí tích Thánh Thể, người thân cận của bạn là một đối tượng thánh mà ngũ quan của bạn được tiếp xúc”.
Người thân cận của tôi ấy à? Chắc là không phải đâu, bởi vì con chó của ông ta thường hay chui qua hàng rào phá phách vườn rau của tôi, 23 lần chỉ trong hai tuần! Làm sao tôi có thể đặt ông ta ngay sau Bí tích Thánh Thể được?
Ai cũng biết rằng chẳng làm gì có niềm vui hoặc có hòa bình nếu các người sống bên nhau không nể trọng nhau và không quan hệ tốt với nhau.
Vậy, cho dù con chó của người láng giềng có gây phiền hà cho tôi, tôi cũng phải cố mà chịu.
Nhưng liệu tôi có phải coi anh ta như một đối tượng thánh hoặc như một người mà tôi phải trân trọng và bảo vệ không?
Tin mừng theo Thánh Lu-ca đoạn 10 có bàn nhiều về vấn đề này.
Có người thông luật kia muốn chứng tỏ mình có lý nên đã thưa với Chúa Giê-su: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”
Để trả lời, Chúa Giê-su kể: “Một người kia đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ có thày tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thày Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu thì khi trở về chính tôi sẽ hoàn lại bác.”
Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10: 29-37).
Theo dụ ngôn trên đây, câu hỏi được đặt ngược trở lại:
Câu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Luca 10, 29) trở thành: “Ai, trong ba người đó, đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? (Luca 10, 36).
Câu: “Ai là người thân cận của tôi?” trở thành câu: “Bạn có phải là một người thân cận của anh ta không?”
Ý nghĩa Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành thật sâu sắc: dụ ngôn này được áp dụng không những cho nạn nhân mà còn cho cả người là tác giả của sự bóc lột kẻ khác, cho cả những người đã không tỏ ra một chút quan tâm nào đối với kẻ bị nạn. Và đây quả là một sự thách đố lớn đối với chúng ta ngày nay.
Chúng ta có phải là những người thân cận với những người dân Bosnia ở Herzegovina, ở Rwanda, ở Bắc Ai-len không?
Những người láng diềng đã trở thành những người lừa đảo, hay gây rối và chẳng đáng tin cậy chút nào. Nhưng họ vẫn là những người thân cận. Họ vẫn là đối tượng cần được đặt ngay sau Bí tích Thánh Thể, hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa và sự hiện diện của Người tại trần gian này.
Người thân cận quả là đối tượng thánh được trình bầy cho giác quan của chúng ta. Chúng ta không thể trông chờ người Serbia, người Bosnia, người Rwanda, người Bắc Ai-len coi nhau như các đối tượng thánh, nhưng chúng ta vẫn có thể làm ngơ cho con chó của người sống bên kia hàng rào nhà chúng ta.
Lm Peter Vũ Chương
|