XÂY DỰNG TINH
THẦN TẬP THỂ
Ls. Hoàng Duy Hùng
Người Hoa Kỳ có
một đức tính rất đáng nể trọng đó
là tinh thần tập thể biết tôn trọng các nguyên
tắc của cuộc chơi. Trước kỳ
bầu cử, các ứng viên tìm mọi sơ hở của
đối phương để tấn công, nhưng sau
khi cuộc bầu cử có kết quả, kẻ thắng
cũng như người thua đều gác lại
chuyện bất đồng trong quá khứ để tìm
sự đồng thuận đưa đến đoàn
kết xây dựng một tương lai vững mạnh
cho cả quốc gia.
Thí dụ, trước
Đại Hội Đảng Dân Chủ vào cuối tháng
8/2008, nữ Nghị Sĩ Hilary Clinton đã có những
cuộc đấu khẩu gay gắt với Nghị sĩ
Barrack Obama, nhưng sau khi biết mình thua cuộc, bà và
cựu Tổng Thống Bill Clinton đã nhanh nhẹn ủng
hộ ông Barrack Obama ngõ hầu có thể mang lại một
không khí trong lành cho Đảng Dân Chủ với hy vọng
tiến bước tranh quyền với Đảng
Cộng Hòa. Trong 2 tháng trời các cử tri Hoa
Kỳ đã chứng kiến cảnh đấu đá khá
ngoạn mục của 2 đảng Dân Chủ và Cộng
Hòa nói chung và của hai ứng viên Barrack Obama và John McCain nói
riêng. Tuy nhiên, khi có kết quả cuộc bầu
cử, Đảng Cộng Hòa thua cho Đảng Dân Chủ
trên hầu hết các lĩnh vực, Đảng Cộng
Hòa vẫn vui vẻ chúc mừng Đảng Dân Chủ và
hứa sẽ cộng tác để hai đảng cùng
giải quyết vấn đề chung của đất
nước. Riêng ông John McCain, ngay trong đêm bầu
cử, biết mình thua cuộc, ông gọi điện
thoại chúc mừng ông Obama. Đối lại, ông Obama
đã trịnh trọng tuyên bố ông John McCain là một
đối thủ xứng đáng và là một người
yêu nước nồng nàn.
Người Hoa Kỳ
rất hiểu chính trị là một nghệ thuật trong
nghị trường mà đôi lúc để đạt
được mục tiêu cao cả thì họ cần
phải biết hy sinh hay bỏ qua những tiểu
tiết. Người ta có thể gọi đó là
điều đình, ngoại giao, hay là phân quyền, nhưng
tất cả đều gói ghém một ý niệm là gạt
bỏ những khác biệt và cùng tìm mẫu số chung
để thăng hoa đất nước.
Người Việt có
rất nhiều ưu điểm như hiếu học,
cần cù, sáng tạo, tự trọng, can đảm và
gắn bó với gia đình. Dầu có lòng yêu nước cao
độ, người Việt có một khuyết
điểm rất lớn đó là thiếu tinh thần
tập thể. Chính khuyết điểm này đã kéo
lại sự tiến bộ chung của cộng đồng
người Việt ở trong nước lẫn ở
hải ngoại.
Nguyên do người Việt
thiếu tinh thần tập thể là vì: 1. tự ái quá cao,
coi trọng ý kiến cá nhân của mình đến
độ bảo thủ cách phi lý; 2. ganh tỵ không muốn
người khác hơn mình. Để bảo vệ chủ
quan của mình cũng như để nâng mình lên,
người Việt có khuynh hướng chụp mũ cho
đối phương. Ở trong nước thì
họ chụp cho những người đấu tranh dân
chủ là hoạt động cho CIA, còn ở ngoài
nước thì người Quốc Gia chụp cho nhau cái nón
tai bèo Cộng Sản!!
I. McCarthysm-
Bài Học Chụp Mũ: Nạn chụp mũ, tiếng
Anh gọi là the practice of McCarthysm, xuất phát từ cách hành
xử của Nghị Sĩ Joseph McCarthy (14/11/1908 - 2/5/1957),
một đảng viên Đảng Cộng Hòa ở Wisconsin
.
Năm 1935, Joseph McCarthy ra
trường Luật ở Marquette University . Năm 1939
ông được bầu vào làm một trong những vị
thẩm phán của Tòa Phúc Thẩm Liên Bang. Sau đó ông tình
nguyện gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ tham gia Đệ
Nhị Thế Chiến. Năm 1946 ông đắc
cử Nghị Sĩ. Sau Đệ Nhị Thế
Chiến, Chiến Tranh Lạnh diễn ra giữa Hoa Kỳ
và Liên Sô, người dân Hoa Kỳ rất e ngại sự
phát triển của Cộng Sản. Nắm bắt
được yếu tố này của quần chúng,
năm 1950, trong một bài diễn văn, Nghị Sĩ
McCarthy tuyên bố ông có một danh sách thành viên của
Đảng Cộng Sản và nhóm tình báo đang hoạt
động trong Bộ Ngoại Giao của Hoa Kỳ.
Cả nước Hoa Kỳ rúng động, Lúc ấy,
Nghị Sĩ McCarthy nổi tiếng là nhân vật chính
trị có ảnh hưởng nhất tại Quốc
Hội.
Thời gian đó, Nghị
Sĩ Joseph McCarthy không ưa ai thì ông gán ghép cho người
đó là Cộng Sản, tay sai Cộng Sản, hoặc
bị Cộng Sản giật dây. Không khí sợ hãi bao
trùm cả Washington D.C. Ngày 22/4/1954, trong Buổi
Điều Trần của Quân Đội tố cáo
Nghị Sĩ McCarthy có hành động chụp mũ lung
tung (Army vs. McCarthy), Nghị Sĩ McCarthy không chứng minh
được những người ông vu cáo là Cộng
Sản, tay sai Cộng Sản, hoặc bị Cộng
Sản giật dây; từ đó, danh tiếng của
Nghị Sĩ McCarthy xuống dốc thê thảm.
Cuối năm 1954,
Thượng Nghị Viện của Hoa Kỳ biểu
quyết kỷ luật Nghị Sĩ McCarthy vì hành vi
chụp mũ bừa bãi đó. Ông buồn bã và lâm bệnh
nặng. Ngày 2/5/1957, ông qua đời do bệnh viêm gan
và xuất huyết não, hưởng dương 48
tuổi.
Người Hoa Kỳ đã
học thuộc lòng bài học này, họ tránh xa những
chụp mũ và gán ghép vô tội vạ, không biết bao
giờ người Việt mới học được
bài học này của người Hoa Kỳ hơn nửa
thế kỷ trước?!
II. Tấn
Công Vào Cá Nhân Thay Vì Mổ Xẻ Chủ Đề: Ông
Paul Doumier (22/3/1857 - 6/5/1932) là một trong những
người Pháp hiếm hoi có lẽ hiểu người
Việt hơn cả người Việt. Trong khi còn là sinh
viên ở Đại Học, ông say mê nghiên cứu lịch
sử nước Việt Nam . Năm 1895, Thủ
Tướng Léon Bourgeois đề cử ông làm Bộ
Trưởng Tài Chánh. Năm 1897 -1902, ông nhận chức
Toàn Quyền Đông Dương và ông qua Việt Nam đi
đây đi đó cả 3 miền. Năm 1902 ông
trở về Pháp. Năm 1912, ông đắc cử
Thượng Nghị Sĩ đại diện cho khu
vực Corsica . Năm 1921 - 1922 và 1925 - 1926, ông làm Bộ
Trưởng Tài Chánh. Năm 1927 - 1931, ông làm Chủ
Tịch Thượng Viện. Ngày 13/5/1931, ông
được bầu làm Tổng Thống thứ 13
của Đệ Tam Cộng Hòa Pháp. Ngày 6/5/1932, ông
bị ám sát bởi tay súng người Nga tin vào chủ
nghĩa vô chính phủ tên là Pavel Gorgulov.
Năm 1903, tức là sau khi
hết nhiệm kỳ làm Toàn Quyền ở Đông
Dương, Paul Doumier cho xuất bản quyển sách
với tựa đề L'Indochine Francaise. Trong tác phẩm
này, ông nói rất rõ về những đức tính của
người Việt. Theo ông, cá nhân của người
Việt rất giỏi, so sánh người Việt với
người Do Thái thì không thua kém gì. Nhưng 2 người
Việt trở lên thì người Việt bắt
đầu có vấn đề, và 3 người Việt
tập hợp lại thì thua kém các dân tộc khác chỉ vì
người Việt không có tinh thần tập thể, coi
trọng cái tôi, và khi bất đồng thì tấn công
đời tư đối thủ. Năm 1963, trong
luận án tiến sĩ nhân chủng học của Henry
Kissinger, ông cũng đưa ra nhận xét tương
tự như vậy đối với dân Việt.
Có lẽ nhận xét này không
khác xa bao nhiêu trong thực tế. Tại Houston,
người Việt là sắc dân đứng hàng thứ 4
sau Mỹ trắng, Mỹ da màu, và Mễ. Thế nhưng,
người việt tại đây lại không có một
vị trí mạnh trong chính quyền các cấp như
người Tàu, Pakistan, Ấn Độ. Thậm chí
Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng cũng thua luôn
cả người Campuchia!! Hiện nay Cộng Đồng
mới mua được Trung Tâm Sinh Hoạt, còn thiếu
tiền ngân hàng, nhưng sự đóng góp của quý
đồng hương rất hiếm hoi, nhiều
người thờ ơ vì cho rằng cha chung không ai khóc
hoặc Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng là của
Hội Đồng Đại Diện chẳng dính dấp
gì đến họ. Nếu tiếp tục như vậy
thì tương lai của Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng
Đồng không thấy sáng sủa chút nào.
Tại sao lại có hiện
tượng bi đát như vậy?
Trong sinh hoạt dân chủ,
bất đồng ý kiến là một nhu cầu vì bất
đồng ý kiến đưa đến những sáng
kiến và thăng bằng trong lý luận. Tuy nhiên,
người Việt tự ái rất cao, coi ý kiến
của mình là phán quyết chung cuộc. Nhiều
người, thay vì trình bày chứng cứ và lý luận
để bảo vệ quan điểm và lập truờng
của mình, họ lại bới móc và dựng chuyện vu
khống đời tư của người bất
đồng ý kiến.
Thí dụ, nhà văn
Điếu Cày vận động dân chúng xuống
đường chống rước đuốc Thế
Vận Hội của Trung Cộng với lý do phái đoàn
Trung Cộng đến Việt Nam vẫn ngang nhiên
đưa các banderols xác nhận chủ quyền của
họ trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng
Sa. Thay vì mổ xẻ chủ đề quốc gia nào
có chủ quyền trên hai quần đảo Trường
Sa và Hoàng Sa, nhà nước CSVN đã mở chiến
dịch bôi nhọ đời tư nhà văn Điếu
Cày rồi bắt giam truy tố tội trốn thuế!!
Thí dụ khác, ở hải
ngoại có những người nghĩ rằng thời
đại thay đổi, cần phải trực diện
đối luận với phái đoàn Cộng Sản khi
họ đến địa phương. Thay vì mổ
xẻ đề tài ưu và khuyết điểm của
việc trực diện đối luận với phái
đoàn CSVN thì có người đã vội vàng đi
đến kết luận đối luận với CSVN là
hòa hợp hòa giải, tay sai CSVN, gián điệp của
CSVN. Chưa dừng lại tại nơi đó, họ
vạch lá tìm sâu, dựng chuyện vu khống đời
tư cốt sao hạ bệ không cho người bất
đồng ý kiến có cơ hội trình bày quan
điểm của mình. Những người đó tuyên
bố họ đấu tranh muốn cho đất
nước có dân chủ, xin thử hỏi cách hành xử
như vậy có phải là dân chủ hay không hay đó là độc
tài chuyên chế? Vậy thì lời tuyên bố
đấu tranh cho dân chủ không còn có một ý nghĩa gì
vì tự ái cá nhân đã che mờ lý trí của họ.
Tôi hành nghề luật ở
Texas hơn 1 thập niên, tôi nhận thấy người
Việt gặp rất nhiều khó khăn và trở
ngại trong việc thành lập một công ty. Đa
số người Việt có lập công ty thì công ty gồm
những người trong gia đình như vợ chồng
mà thôi. Công ty có anh chị em hay bà con hùn vốn cũng
có, nhưng rất ít, và tồn tại thời gian rất
ngắn chỉ vì những bất đồng và tranh
chấp. Công ty gồm vốn của các bạn bè thì
càng hiếm hơn, nếu có thì đa số không tồn
tại hơn 1 năm, và đa phần là đâm đơn
kiện tụng tại tòa làm cho các chánh án người
Mỹ cũng phải ngao ngán. Người Trung Hoa có
rất nhiều công ty do các bạn bè hùn vốn làm ăn, và
họ rất thành công, tại sao? Rõ ràng, người
Việt Nam làm việc cá nhân thì xuất sắc, làm việc
tập thể không được, vì cá nhân nào cũng tự
cho mình là hay, không đồng ý thì tấn công luôn đời
tư của người bất đồng, từ đó
sự phân hóa ngày càng trầm trọng đưa đến
hận thù bất cọng đái thiên!
Với tệ nạn tấn
công vào cá nhân thay vì mổ xẻ chủ đề đã làm
cho sức mạnh của dân tộc bị phân hóa ở trong
nước và ở ngoài nước, phân hóa ở trong các
hội đoàn cũng như ở các công ty. Chúng ta
cần phải suy nghĩ lại để chấn
chỉnh ngõ hầu dân tộc Việt Nam có thể
vươn mình hãnh diện với các dân tộc
bạn.
III. Lúa và Cỏ Lùng: Chúa
Giêsu kể ngụ ngôn ông chủ ruộng gieo lúa, ban đêm
kẻ thù của ông lẻn vào gieo cỏ lùng. Lúa và cỏ
lùng cùng mọc với nhau. Người thợ đến
xin ông chủ cho đi nhổ cỏ lùng, ông chủ trả
lời không nên vì lúa và cỏ lùng giống nhau, khi nhổ
cỏ lùng thì không khéo nhổ luôn cả lúa và nhiều khi
không nhổ cỏ lùng mà lại nhổ hết lúa. Ông
chủ dặn hãy để cho lúa và cỏ lùng mọc chung,
đến mùa, lúa sẽ trổ sinh hạt, lúc đó
gặt thì phân loại ra cách dễ dàng (Mt. 13:27) Nơi
khác, Chúa Giêsu kết luận cứ trông quả thì biết
được cây (Mt. 8:21).
Trong những ngày qua, ở
Houston chứng kiến cảnh có người giả
mạo email của Liên Hội Tập Thể Chiến
Sĩ QLVNCH để bới móc đời tư của những
vị trong Liên Hội và đưa đến kết
luận những người này là Cộng Sản, là tay sai
Cộng Sản, là hám danh, là sâu bọ, v.v. Hành vi này thay
vì làm cho những người trong Liên Hội bị bôi
đen thì đã làm cho quần chúng nhận diện những
kẻ núp trong bóng tối ném đá dấu tay chính là những
người tiếp tay cho sự gian trá. Trong sinh hoạt
dân chủ, lá phiếu của đa số thắng
thiểu số. Nếu có bất đồng, xin
thẳng thắn trao đổi trong một phiên họp thì
ai cũng nhìn ra được sự cao thượng và
trưởng thành của người bất đồng ý
kiến.
Các hội đoàn và
người dân Houston cũng nhận được
những tập tài liệu gởi đi từ Đài
Tiếng Nước Tôi dựng chuyện vu khống
một số cá nhân với nội dung chụp mũ
hoạt động cho tình báo Cộng Sản hoặc
đại gian đại ác. Họ gởi đi không
phải một đợt, mà rất nhiều đợt
với hy vọng mưa lâu thấm đất. Tôi cho
rằng có người dùng chiêu tá đao sát nhân để
một ná hai chim hại cả những người bị
chụp mũ cũng như hại luôn Đài Tiếng
Nước Tôi, nhất là, họ muốn tạo sự
hận thù giữa Đài Tiếng Nước Tôi và những
người bị bôi lọ trong tập truyền
đơn đó.
Có một vị hội
trưởng của một hội gọi điện
thoại cho tôi, báo cho tôi biết sự kiện này, tôi
đáp lại là tôi đã biết, đã có tập tài
liệu đó trong tay, và tôi cho rằng thủ phạm không
phải là Đài Tiếng Nước Tôi, mà là một
người khác, người ấy không dám lộ diện
thì cũng chẳng chấp làm gì, thôi, để cho họ
muốn làm gì thì làm vì họ phải đối diện
với quan tòa lương tâm của họ. Tôi nói thêm
với vị đó: Đấu tranh cho tự do dân chủ
mà được người ta khen là có lòng yêu nước
thì dễ. Người ta chụp mũ mình là Cộng
Sản nằm vùng, tay sai Cộng Sản, hám danh, hám lợi
hay bất kỳ những từ ngữ độc
địa nào khác mà mình vẫn kiên quyết đấu tranh
cho tương lai hưng thịnh của dân tộc thì
mới là khó và đó chính là lòng yêu nước thật
sự.
Trong những ngày qua có
một vài người trên mạng lập một danh sách
rất dài quy chụp những người trong danh sách là
Cộng Sản nằm vùng hay là tay sai của Cộng
Sản. Hầu như các nhân vật chống Cộng trong
quốc nội cũng như ở hải ngoại có tên
tuổi đều nằm trong danh sách đó, từ linh
mục Nguyễn Văn Lý đến kỹ sư
Đỗ Nam Hải, từ giáo sư Nguyễn Văn Canh
đến giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Các
cơ quan truyền thông như SBTN, Little Sài Gòn, và ngay cả
cơ quan băng nhạc kịch nghệ ASIA cũng
nằm trong danh sách này!!! Đọc danh sách này tôi có cảm
giác người lập danh sách muốn gởi một thông
điệp đó là Cộng Sản đã chiếm và đã
khống chế từ trong nước ra đến hải
ngoại, từ các đảng phái, hội đoàn, cộng
đồng, văn nghệ, cho đến các cơ quan
truyền thông và ngay cả các diễn đàn điện
tử thì Lực Lượng Đấu Tranh Cho Dân Chủ
hãy mau đầu hàng Cộng Sản cho rồi!!!
Tôi chưa thấy danh sách này
làm thiệt hại gì cho Cộng Sản, trước
mắt, tôi thấy nó gây một sự phân hóa trong Cộng
Đồng và làm cho nhiều người đang tranh
đấu phải ngao ngán.
Thêm vào đó, về vấn
đề Trường Sa và Hoàng Sa, một vài người
lâp ra danh sách tình báo Cộng Sản cho rằng không nên
tấn công tham vọng bành trướng của Trung
Cộng, chỉ nên tấn công vào sự mãi quốc cầu
vinh của CSVN. Ngày 22/11/2008, công ty dầu khí của
Trung Cộng là CNOOC tuyên bố bắt đầu khoan
dầu trong quần đảo Trường Sa, lãnh
đạo CSVN không dám phản đối thì nhiệm
vụ của toàn dân Việt là lên tiếng phản
đối. Chuyện trước mắt hai phần
đất của Tổ Quốc đang có nguy cơ
mất hẳn vào tay của Trung Cộng mà không tấn công
vào tham vọng bành trướng của quốc gia này thì còn
đợi khi nào nữa?
Trong giai đoạn tranh
tối tranh sáng khó phân biệt đâu là cỏ lùng và đâu
là lúa, đâu là cộng sản đâu là quốc gia. Cách
hay nhất đó là hãy xem quả thì biết cây như
cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã
từng nói đừng nghe những gì họ nói, hãy nhìn
kỹ những gì họ làm.
IV. Thua và Thua:
Trong một bữa tiệc tranh cử của Hoa Kỳ, Tôi
gặp một vài bạn trẻ Việt Nam . Tôi
khuyến khích họ nên ra sinh hoạt giúp cho cộng
đồng. Các bạn trẻ trao đổi với nhau,
nghe rất đau lòng, tôi xin viết lại nguyên văn
của một số ý kiến:
Cộng Đồng Việt
Nam chống Cộng cách cứng rắn đến
độ những ai chống Cộng mà chiến
lược và chiến thuật không giống họ thì
cũng bị gán ghép cho là Cộng Sản. Họ
đẩy tất cả những đồng minh của
họ về bên phía kia và họ muốn cho đồng minh
của họ trở thành kẻ thù. Họ đòi
hỏi nhiều nhưng lại đóng góp quá ít. Đó là lý
do tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi thấy còn quá ít
những người trẻ ra sinh hoạt cộng
đồng vì đây là tình trạng chỉ có thua và thua mà
thôi.
Thà sinh hoạt trong dòng
chính của người Hoa Kỳ chớ không sinh hoạt
với cộng đồng Việt Nam vì sinh hoạt
của Việt Nam đầy gió tanh mưa máu chụp
mũ loạn cả lên. Bao lâu còn không khí ô nhiễm này,
bấy lâu chúng tôi tránh xa cộng đồng.
Các bác nói bao dung và nhân ái
nhưng trong thực tế các bác đối xử với
nhau còn tàn bạo hơn kẻ thù. Đó không phải là
đấu tranh dân chủ mà là đấu tranh đưa cái
tôi mình lên để dìm kẻ khác xuống. Chúng tôi
rất sợ hãi sinh hoạt kiểu này.
Tôi trình bày cùng các em: Các
bậc cha anh ở thế hệ thứ nhất bị
Cộng Sản hành hạ từ tinh thần cho đến
thể xác và họ bị Cộng Sản lừa nhiều
lần nên họ trở nên rất thận trọng.
Đối với các bậc cha anh, họ chỉ nhìn
tới một mục tiêu là phải nhanh chóng giải
thế chế độ Cộng Sản để
đất nước mau có tự do và dân chủ.
Nhưng hiện nay chưa có lực lượng nào
đủ sức làm chuyện vĩ đại này nên các
vị ấy cảm thấy nôn nóng và từ đó
đưa đến sự bực dọc. Là con cháu,
là thế hệ gạch nối, chúng ta phải ráng kiên
nhẫn xây dựng Cộng Đồng để con em chúng
ta còn hãnh diện là người Việt Nam. Các em
trả lời: Chúng em e sợ không biết mình có đủ
sự kiên nhẫn đó như mọi người mong
muốn hay không.
Các cộng đồng
bạn kháo nhau về Cộng Đồng Việt Nam :
Mười người làm một người phá đã
mệt, nhưng đối với người Việt,
một người làm thì có một người phá.
Người nào ra sinh hoạt cộng đồng Việt
Nam mà chịu nổi thì người ấy phải kiên trì
tột độ hai là có phép lạ. Tại sao? Tôi
hỏi thăm nhiều người, người ta cho
rằng người Việt Nam ganh tỵ nhau, không muốn
cho người Việt khác hơn mình.
Người ta kể
chuyện tếu, ba người đi câu cua, một
người Việt, một người Mỹ, và một
người Mễ. Người Mỹ bắt được
cua thì lập tức bỏ trong thùng đậy nắp
lại. Người Việt Nam bắt được cua
cũng bỏ trong thùng nhưng không cần đậy
nắp mà cua cũng không bò ra được. Người
Mỹ ngạc nhiên hỏi thì người Mễ
đứng bên cạnh lập tức trả lời dùm: Cua
Việt Nam ganh tỵ nhau, thấy con nào bò lên miệng thì
những con ở dưới kéo xuống lại rồi,
không cần đậy nắp đâu.
Nếu người Việt
không đổi tính tình này thì hình ảnh đó rõ ràng sẽ
đưa đến kết cuộc từ thua đến
thua mà thôi cho cả một dân tộc. Dần dà, chúng
ta, nếu không mất hết chủ quyền cho Trung
Quốc thì chúng ta cũng lệ thuộc các cường
quốc trong kỹ nghệ và kinh tế mà thôi, và đó chính
là hình thức nô lệ mới của thời đại.
V. Sức
Mạnh Tập Thể: Ở Phi Châu có loại kiến
rất hung bạo dân địa phương gọi là Siafu
hoặc Safari. Đây là loại kiến thuộc dòng họ
Dorylus. Kiến Chúa là một nữ hoàng có hai cánh, to
hơn các con kiến bình thường. Kiến thợ
Siafu có hai càng rất cứng và mạnh, đã cắn vào da
thịt cuả một động vật nào thì rách
lủng ngay. Khi Siafu cắn một ai, người đó
cầm kéo con kiến ra thì nửa thân hình sau của con
kiến có thể bị đứt ra nhưng cái
đầu và hai cái càng của nó vẫn còn cắm sâu vào da
thịt. Một ổ kiến Siafu có thể lên tới
20 triệu con. Kiến là một sinh vật nhỏ bé,
nhưng Siafu tạo được sức mạnh là do sinh
hoạt tập thể. Cả hàng chục triệu con
kiến với càng mạnh và sắc tấn công một con
vật, dầu đó là con voi, thì chỉ trong vòng nửa
tiếng đã hết sạch chỉ còn phơi lại bộ
xương trắng hếu. Ở Phi Châu khi nghe tin một
người nào, nhất là các em trẻ, bị mất tích
thì ai cũng liên tưởng đến việc
người ấy bị Siafu tấn công vì chỉ cần
15 phút thôi thì không còn một dấu vết nào ngoài bộ
xương trắng.
Khi đi kiếm hoặc
vận chuyển lương thực, Siafu di chuyển
từng đoàn rất trật tự. Khi nhận
được lệnh của kiến chỉ huy, tất cả
đoàn kiến hùng hổ lăn xả vào cắn xé nạn
nhân. Với tinh thần tập thể này, sau con
người, Siafu là chúa tể ở Nam Phi chớ không
phải là sư tử, cọp beo, hay là voi. Vũ khí
triệt hạ được Siafu là lửa.
Người ta so sánh
đội quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan,
1162-1127) giống như binh đoàn kiến Siafu.
Chỉ cần 40 ngàn quân tinh nhuệ với tinh thần
tập thể và kỷ luật cao độ mà Thành Cát
Tư Hãn đã chinh phục được một
đế quốc rộng lớn nhất trong lịch
sử loài người!
Dân Việt ở sát cạnh
với anh khổng lồ Trung Hoa lúc nào cũng muốn
đồng hóa người Việt thì giải pháp
để cứu nguy nước Việt chính là lòng ái
quốc cộng với tinh thần tập thể cao
độ vì như vậy mới tạo nên
được đội quân hùng mạnh có kỷ
luật.
Lời Kết: Tôn Dật Tiên
(1866-1925), người sáng lập ra Trung Hoa Quốc Dân
Đảng và về sau được tôn là Quốc
Phụ của Trung Hoa, sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi
(1911), đến viếng thăm Nhật Bản.
Một chính khách nổi tiếng của người
Nhật là ông Khuyển Dưỡng Nghị mời ông
đến ăn cơm tối.
Trong bữa tiệc, ông
Khuyển Dưỡng Nghị hỏi ông Tôn Dật Tiên: Tôi
được biết tiên sinh có dịp qua Việt Nam , xin
tiên sinh cho biết tôn ý của tiên sinh về dân tộc
này. Tôn Dật Tiên trả lời: Người Việt
Nam có tính nô lệ. Ngày xưa họ bị chúng tôi đô
hộ, ngày nay họ bị người Pháp cai trị. Dân
tộc ấy không có tương lai. Khuyển
Dưỡng Nghị liền đáp lại: Về
điểm này tôi không đồng ý với tiên sinh. Ngày nay
người Việt bị người Pháp cai trị vì
họ thiếu khí giới tối tân. Nhưng xét
lịch sử thì trong số Bách Việt chỉ có họ là
thoát nạn Hán hóa. Tôi tin rằng một dân tộc
đã biết tự hào một cách bền bĩ như
vậy thì sớm muộn gì cũng lấy lại
được quyền tự chủ.
Nghe lời nói này, Tôn Dật
Tiên đỏ mặt vì ông xuất thân từ Quảng
Đông, mà Quảng Đông thời Trưng Vương là
phần đất của Bách Việt. Quảng Đông
đã bị Hán hóa trong khi đó Việt Nam vẫn còn
giữ được nét đặc thù dân tộc.
Câu chuyện này về sau
Khuyển Dưỡng Nghị kể lại cho cụ Sào
Nam Phan Bội Châu, một nhà cách mạng lão thành Việt Nam
, khi cụ bôn ba sang Nhật Bản và được ông
Khuyển Dưỡng Nghị tiếp đón. Nhận
thấy nơi cụ Phan lòng yêu nước nồng nàn, ý
chí quật cường nên ông Khuyển Dưỡng
Nghị đã tìm mọi cách giúp đỡ cụ Phan và
những thanh niên Việt Nam có quyết tâm dấn thân vào con
đường cách mạng.
Xin đừng để cho
sự nhận xét của Tôn Dật Tiên trở thành sự
thật và xin mọi con dân Việt hãy ráng ý thức
để có tinh thần tập thể một cách bền
bĩ và kiên cường ngõ hầu chúng ta làm rạng danh
tổ tiên cũng như để đáp lại sự tri
ngộ của ông Khuyển Dưỡng Nghị với
cụ Phan Bội Châu nói riêng và cả dân tộc Việt nói
chung./.
Houston ngày 12/12/2008
|