MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tuy Hòa Và Con Lộ Máu 1- Phần B
Thứ Năm, Ngày 11 tháng 12-2008
 

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

Quay người lại phía sau tôi nhìn ông anh rể giáo sư của tôi ngồi trên sàn tàu kế bên những bao bánh mì, mặt mày thất thần, chưa hoàn hồn, còn anh ký giả ngoại quốc tóc tai rối bời vì gió lộng, đang hí hoáy viết, nhưng tôi chắc chắn rằng anh ta chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra trong vài phút ngắn ngủi vừa qua. Vói tay ra hiệu cho vị sĩ quan Biệt Động Quân đang liên lạc với quân bạn bên dưới trên tầng số FM, tôi nói:

-Đại úy..., tôi muốn đi thanh toán mấy bao bánh mì này cho xong, sợ không đủ xăng. Sau đó trên đường về tôi sẽ tống hết đạn dược xuống ngọn đồi này, nếu Đại úy đồng ý.

Nói xong không đợi câu trả lời tôi quay mũi về hướng bắc bay dọc theo dòng sông Ba đang ngoằng nghòeo uốn khúc giữa vùng rừng cây rời rạc.Chỉ dăm ba phút sau, từ xa vài cây số tôi đã thấy đoàn người chạy giặc chen chúc trên con lộ, phần đầu của đoàn người dừng lại tại bờ phía bắc đầu cầu sông Ba. Chiếc cầu một phần giữa bị sập, một nửa nhịp chìm dưới đáy sông cạn. Xung quanh đó, một nhóm công binh đang xúm lại nối cây cầu. Từ xa trên cao tôi thấy một chiếc trực thăng Chinook đang bay đến, dưới bụng treo "tòng teng" (sling) tấm sắt rất lớn trông như một nhịp cầu.

Tại đây đoàn người đang dậm chân tại chổ. Đàng sau cả hàng cây số những người chạy nạn cùng hàng ngàn chiếc xe vẫn tiếp tục đi tới, dồn cục càng ngày càng đông tràn ra hai bên phía bìa rừng. Đủ mọi loại xe, cam nhông nhà binh, chiến xa M-113, xe hàng, xe ba bánh và cả hàng ngàn chiếc xe hai bánh của dân chúng chất chứa đèo bồng tất cả những gì có thể mang theo được. Nhìn hàng vạn người nối đuôi nhau chen chúc đói khát bên dưới, năm bảy bao bánh mì trên sàn tàu của tôi như một giọt nước nhỏ bé trên bãi sa mạc mênh mông nắng cháy, sự hăng say phấn khởi trong lòng tôi  buổi sáng hôm nay tự nhiên tan biến tự lúc nào .

-Chắc mình phải đem thả nơi nào có ít người, chứ thả đây người ta đạp nhau đủ chết. Tiếng người mê vô phía sau tàu đề nghị. Thấy hợp lý, tôi cho tàu rời con đường lộ, bay dọc theo bãi cát bên bờ sông.

-Phía sau sẵn sàng nghe, mở hết mấy bao bánh mì ra đi, khi nào tôi bảo thì mọi người bắt đầu thả xuống - Tôi nói cho hai anh mê vô xạ thủ - Nhờ mấy người kia thả phụ cho nhanh.

Tại  bờ sông cạn kế trên những cồn cát,  từng nhóm người đang tắm rửa, hoặc lấy nước uống. Tôi cho con tàu bay rà xuống thấp, hàng trăm cánh tay đưa lên cao, như van xin cầu khẩn hơn là chào đón. Một số khác, trên tay cầm những xấp giấy hình như là tiền đưa lên vẫy vẫy như mời mọc, "khiêu gợi" chiếc trực thăng đang bay ngang qua đầu. Hình ảnh những xấp tiền trên bàn tay của những người dân chạy giặc, có thể là cả một gia tài mồ hôi nước mắt của họ dành dụm mang theo được, và ngay giây phút này sẵn sàng đánh đổi một chổ ngồi trên chiếc trực thăng để bay ra khỏi con lộ máu. Tôi bỗng dưng thấy mủi lòng thương xót cho đồng bào đang đau khổ cùng cực,  nhưng đồng thời hành động vô tình của họ đã làm va chạm và tổn thương tự ái của tôi không ít. Tôi quay qua Thiếu úy Liên  ngồi bên ghế trái đang nhìn xuống phía dưới, bất giác cả hai cùng quay lại, không ai nói gì nhưng trong đầu hình như cùng có một ý nghĩ cay đắng và xót xa.

Con tàu lướt qua một đám người nhỏ, tôi bay chậm lại rồi nói vội trong intercom:

-Thả đi...

Hàng chục ổ bánh mì rơi rải rác trên bãi các vàng, từng nhóm người ùa chạy theo, nhào trên đất vồ vập, chen lấn dành giựt, một vài người già, con nít ngã lăn trên cát. Chỉ trong chốc lát, những bao bánh mì đã sạch nhẵn. Tôi lấy cao độ bay trở về, chợt nghĩ rằng mặc dù tàu còn một số đạn dược và rockets nhưng còn có thể chở được năm bảy người. Tôi bay vòng lại nhìn dọc theo dòng sông, tìm một nhóm người nhỏ, riêng rẽ để có thể bốc họ mà không bị tràn ngập như chiếc trực thăng của Thần Tượng đã bị rơi ngày hôm qua.

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

Bay qua một vùng rừng cây thấp, tôi thấy chừng năm bảy người đang núp nắng dưới bóng cây, hình như là một gia đình. Tôi lạng chiếc trực thăng xuống thấp và đáp kế bên tàn cây chừng vài chục mét, cát bụi bay mù mịt, nhóm người trong bụi cây ùa ra. Người đàn bà khuôn mặt mếu máo vì khủng hoảng, lấy chiếc nón lá che đứa bé đang ôm trong lòng cúi đầu chạy đến cùng với vài người đàn ông nhảy lên tàu. Phía sau không xa chừng vài chục người đang tràn tới chiếc trực thăng. Không một giây chậm trể, tôi nhấc tàu quay mũi ra hướng bờ sông cất cánh, để lại sau lưng một đám bụi mù và đám người đứng khựng lại vì thất vọng. Tàu lên cao, gió mát lồng lộng vào khung cửa, khác hẳn với cái nóng hừng hực trên cồn cát nắng cháy. Phía dưới đất, những người tỵ nạn đứng bên những bờ lau sậy đưa tay vẫy vẫy trong tuyệt vọng. Tôi quay đầu nhìn xuống một lần cuối cùng trước khi quyết định rời vùng. Chợt bên mé bờ sông tôi nhìn thấy hai người, đúng hơn là hai cô bé hình như đang giặt áo quần. Nghĩ rằng tàu có thể đủ chổ cho hai người nhỏ nữa tôi lạng một vòng và hạ con tàu xuống cách hai cô bé chừng vài chục mét. Mọi người trong khoang tàu nhìn ra chờ, anh xạ thủ đưa tay ngoắc, hai cô bé thản nhiên bỏ đi về phía đám người đang đứng dưới những tàn cây đằng xa. Gần đó hai đứa trẻ con đứng tắm sợ hãi bỏ chạy, vấp té ngã lăn trên đám cỏ dại. Tôi kéo con tàu cất cánh và nói với phi hành đoàn:

-Chắc hai cô bé này đang đi với gia đình, không muốn đi một mình. Thiếu úy Liên gật đầu đồng ý.

Nhìn đồng hồ xăng đã xuống khá thấp, tôi vội vã hướng về Tuy Hòa. Trong tiếng động ầm ỉ của tiếng động cơ, tôi  bỗng  nghe tiếng người xa thủ nói rất to sau khoang tàu, hình như đang có gì lộn xộn. Tôi quay qua hỏi người hoa tiêu phụ:

-Liên, coi thử chuyện gì vậy ?

-Mấy người mới lên tàu dành nhau vô ngồi giữa, thấy tàu mở cửa họ sợ bị rớt ra ngoài.

 

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

Đang suy nghĩ vì con tàu bay qua ngọn đồi lúc nãy, phân vân không biết nên bắn xuống ngọn đồi như đã hứa với viên Đại úy trong khi tình trạng xăng trên tàu chỉ còn đủ để bay trở về. Tôi hơi bực mình quay qua nhìn Thiếu úy Liên và nói:

-Liên, bạn giải quyết giùm đi, biểu họ ngồi yên và coi chừng, tôi sắp sửa bắn rockets xuống ngọn đồi này đó.

Nói xong tôi quay lại ra hiệu cho viên Đại úy Biệt Động Quân biết, rồi quay đầu tàu vòng lại, chúi mũi phóng những trái rockets còn lại xuống ngay lưng đồi. Người xạ thủ nhoài người ra ngoài trút hết những viên đạn cuối cùng xuống đầu địch trước khi con tàu rời vùng. Âm thanh của những trái hỏa tiễn rít lên cùng với tiếng súng sáu nòng minigun rú lên như bò rống đinh tai nhức óc, đứa bé trong lòng người mẹ sau khoang tàu khóc thét lên, còn đứa con trai lớn hơn kế bên, mở trừng mắt, trên khuôn mặt lộ vẻ  kinh hoàng,  ngồi chết cứng, mếu máo vì sợ hãi, khóc không ra tiếng.

Tàu đã cạn xăng và đạn dược, tôi phóng nhanh về Tuy Hòa. Bên cạnh, tôi thấy Liên móc gói thuốc mời người đàn ông hút, và hai người nói chuyện rất hăng say. Người đàn ông trong bộ áo quần nhàu nát, bẩn thỉu, có lẽ là chồng của người đàn bà đang ôm đứa bé, trên khuôn mặt gầy ốm, mệt mỏi và xạm đen vì nắng nhưng đôi mắt lộ vẻ sung sướng với nụ cười nở rạng rỡ trên môi. Tôi hỏi Liên:

-Quen à ?

-Anh  có tin không, đây là thằng bạn học cùng lớp với tôi hồi xưa, em ruột của Thượng Sĩ Kim y tá phi đoàn mình đó. Thật là một chuyện hi hữu, đúng là ý trời. Trong giọng nói của Liên tôi nghe như đang ẩn chứa một niềm vui bất chợt. Tôi trao cần lái cho Liên rồi móc thuốc ra hút, nghĩ xả hơi sau một thời gian dài căng thẳng.

-Hôm qua bạn làm gì?  Tôi hỏi Liên.

-À, tôi bay cho tiểu khu Tuy hòa thả cơm vắt, mía khúc xuống cho dân chạy loạn và bốc người. Có chuyện này tôi quên kể cho anh nghe. Lúc bay ra vùng có một Ma Soeur đi theo tàu để thả đồ tiếp tế của tiểu khu Tuy Hòa. Khi tôi đáp xuống bãi cát, một toán người tràn tới leo lên tàu, Ma Soeur lẵng lặng nhảy xuống đất nhường chổ không lên lại tàu, tôi cứ chần chờ, bà ngoắc tay bảo tôi bay đi. Thấy một đám người đang chạy đến, tôi không thể chờ lâu hơn nữa được phải cất cánh. Trước đó tôi có nghe Ma Soeur nói là muốn được xuống con lộ gia nhập với đoàn người chạy nạn để giúp đỡ họ, nhưng tôi không ngờ.

Liên nói tiếp:

-Anh có biết không, khi chiếc tàu cất cánh, nhìn xuống thấy người nữ tu trong bộ áo dòng đứng chơ vơ, hai tay giử chiếc khăn bịt đầu trên bãi cát nóng cháy, gió bụi mịt mù như muốn cuốn thổi bay tấm thân nhỏ bé, hình ảnh đó có lẽ sẽ không bao giờ phai nhạt trong trí óc của tôi anh à.

Khi nói tới đây, giọng của Liên đột nhiên như nghẹn ngào vì xúc động. Tôi vội quay mặt nhìn ra ngoài khung cửa, bất giác liên tưởng đến cái gọi là "giải phóng miền Nam" của quân Cộng Sản khát máu và những nổi thống khổ tận cùng mà cả hàng trăm ngàn người dân lành vô tội đang phải chịu đựng trên con lộ máu kinh hoàng này. 

Thành phố Tuy hòa ẩn hiện trước mặt, nằm im lìm bên cửa sông Đà Rằng mênh mông mở rộng. Trên bầu trời trong xanh, những chiếc trực thăng như những con ong dập dìu bay tìm kiếm những người dân trên con lộ Liên tỉnh 7B, chở về trung tâm tỵ nạn. Tôi hạ cánh đáp xuống phi trường Đồng Tác, đám đông bu quanh những bãi đậu trực thăng, ào chạy đến gần nhìn những người trên tàu tôi vừa thả xuống đất, hy vọng sẽ gặp lại được những khuôn mặt thân quen của họ.

Một chiếc xe Jeep chạy đến kế bên tàu, viên Đại úy tay xách chiếc radio FM nhảy xuống đất leo lên xe rồi đưa tay chào phi hành đoàn. Người ký giả Mỹ còn nấn ná ở  lại trên sàn tàu,  trong tiếng ầm ĩ của động cơ, anh ta chồm lên từ phía sau ghé vào tai  tôi nói lớn:

-Cám ơn anh rất nhiều về chuyến bay vừa qua. Tôi rất muốn giúp đỡ những người chạy loạn nhưng bất ngờ không đem theo nhiều tiền. Tôi chỉ có hơn mười ngàn đồng trong túi, xin gủi hết cho anh để ngày mai mua bánh mì giùm tôi. Nói xong anh dúi vội vào tay tôi xấp giấy bạc rồi nhảy xuống đất đưa tay vẫy chào.

Cầm xấp giấy bạc trong tay, tôi ngỡ ngàng nhìn theo người ký giả biến mất hút vào đám đông người ... 

 

Đà Nẵng di tản và một sự gặp gở bất ngờ

 

 

     

Tỉnh đường Tuy Hòa là một tòa nhà lớn nằm trên một vị trí đẹp nhất thành phố, kế bên bờ biển, mặt đông khu vườn cỏ nhìn xuống bãi cát vàng, phía nam nhìn ra cửa sông Đà Rằng mênh mông bát ngát. Từ trên cao nhìn xuống sân cỏ rộng của tỉnh đường đã có bảy tám chiếc trực thăng tắt máy đậu sẵn. Tôi lượn một vòng nhìn xuống, thấy có chổ trống vừa đủ cho một chiếc trực thăng, tôi hạ cao độ và chen vào đáp. Trên bãi cỏ của tỉnh đường, đứng lố nhố những phi hành đoàn và nhiều người ngoại quốc đủ mọi quốc tịch,  trên người đeo đầy máy ảnh chạy lui chạy tới rất là bận rộn. Có lẽ họ là những nhà báo khắp thế giới đến săn tin tức về mặt trận đang sôi động tại chiến trường vùng II. Tắt máy tàu,  mở cửa bước xuống sân cởi chiếc áo giáp nặng chịch trên người, trước mặt tôi đậu những chiếc trực thăng lẫn lộn của nhiều phi đoàn mang đủ loại phù hiệu như Hoàng Ưng, Thiên Ưng, Song Chùy v...v... từ Đà Nẵng di tản vào. Một chiếc trực thăng tản thương của phi đoàn 257 Cứu Tinh vừa đáp xuống, bụi mù tung lên, những người ký giả chạy ùa đến săn tin tức. 

 

Ngày 27 tháng 3 năm 75, Cộng Quân gia tăng áp lực vào thì trấn Đà Nẵng, phi trường bị pháo kích liên tục. Tất cả  máy bay được lịnh cất cánh lên trời để tránh thiệt hại. Pháo kích kéo dài không ngưng, tất cả  trực thăng được lệnh rời bỏ phi trường Đà Nẵng đáp xuống phi trường Non Nước đậu qua đêm. Đây là một phi trường nhỏ của Mỹ bỏ lại cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng năm cây số hướng đông nam. Suốt đêm đó tất cả phi hành đoàn đều ngủ tại những "bunker" hoặc giao thông hào của những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Trú đóng tại đó, đang chờ các tàu Hải Quân trên đường cập bến di tản tất cả lực lượng tại đây.

 

 

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

 

Sáng hôm sau, tình thế tại Đà Nẵng rất nguy ngập, Cộng quân tiến sát vào thành phố. Trong tình thế hỗn loạn đó, tất cả trực thăng của các phi đoàn đậu tại phi trường Non Nước được lệnh cất cánh di tản về Phù Cát. Thời tiết ngày đó rất xấu, trần mây thấp không hơn năm trăm bộ che kín bầu trời (overcast). Tất cả hoa tiêu trực thăng cất cánh tại phi trường Non Nước về căn cứ Phù Cát, Bình Định có hai giải pháp phải chọn lựa, một là bay trên trần mây mù mịt, hai là bay thấp dọc theo bờ biển. Đa số trực thăng tối hôm qua bay chờ khá lâu trên trời để tránh pháo của địch đã tiêu thụ một số xăng khá nhiều, bây giờ bình xăng không còn đầy để có thể bay xa. Nếu phải chọn con đường bay trên trần mây, và khi đến phi trường Phù Cát không tìm được khoảng trống để đáp xuống thì tàu có thể rớt vì hết xăng. Cũng nên biết rằng, đa số trực thăng không được trang bị những khí cụ hay máy móc để bay trong mây hay thời tiết xấu, cho nên đối với những hoa tiêu trực thăng bay trên trần mây không thấy được mặt đất đối với họ là một điều tối kỵ. Giải pháp thứ hai bay thấp dưới trần mây, dọc theo bờ biển, nhưng những chiếc trực thăng phải đối phó với hỏa lực phòng không của địch qua nhiều vùng đã bị chiếm đóng. Cả hai giải pháp đều là nan giải cho những phi hành đoàn trong hoàn cảnh nguy ngập đó.

 

Một trong những hoa tiêu của Phi đoàn tản thương Cứu Tinh 257 đang đậu tại phi trường Non Nước là Trung úy Phạm Mẫn, cựu hoa tiêu phi đoàn Thần Tượng 215, đã chọn con đường thứ hai, bay thấp dưới trần mây về Phù Cát. Trên tàu khi đó chở đầy những quân nhân Không quân cũng như một số dân sự. Để tránh những súng nhỏ có thể bắn từ những làng mạc đã bị địch chiếm đóng, Trung úy Mẫn bay con tàu cách xa bờ biển chừng nửa cây số. Trên đường đi, trong tần số radio, những hoa tiêu liên lạc với nhau, kêu nhau ơi ới. Những chiếc trực thăng bay thấp bị đủ mọi loại súng của địch từ những ngôi làng dọc theo Quốc Lộ I bắn tới tấp, những chiếc máy bay bay trên cao thì trần mây mù mịt không tìm được đường xuống. Tình trạng rất bi đát.

Riêng Trung úy Mẫn, sau chừng nửa tiếng đồng hồ bay, khi vừa đi ngang quận Dục Đức, từ trong bờ một tràng đạn phòng không cỡ lớn nổ liên tục nhắm vào chiếc trực thăng đang bay thấp trên mặt biển. Một viên đạn trúng tàu nổ tung, một số người chết ngay trên sàn tàu, Trung úy Mẫn cố lết con tàu bay  sát mặt biển tới được gần đèo Phù Củ thì rơi xuống bãi cát sát bờ nước. Từ phía sau đuôi của chiếc trực thăng, một nhóm Việt cộng từ một làng sát mé biển chạy đến. Những người nào còn sống sót trên tàu mạnh ai nấy chạy. Mẫn bị một vết thương ngay chân, lết ra khỏi tàu chạy về phía trước dọc theo bờ biển, những tiếng súng AK-47  nổ dòn vang vọng đàng sau. Chạy được chừng ba bốn cây số thì trước mặt khoảng năm bảy trăm mét, chừng bốn năm tên đầu đội nón cối chạy ngược lại chận đường, biết là không còn đường thoát, trong một hành động tuyệt vọng Trung úy Phạm Mẫn nhảy xuống biển bơi vòng ra khơi, hy vọng sẽ  lẩn tránh được quân thù.  Trên bờ mấy tên Việt Cộng vừa tới nơi đứng dương súng chờ đợi. Sức người có hạn, sau một chặng đường dài chạy trên biển với vết thương ngay chân, anh đã kiệt lực và đành buông xuôi giao thân cho địch. Anh bị trói thúc ké dẩn đi vào hướng đất liền, giữa một vùng bụi cây thấp mọc dọc theo ven biển. Trên trời cao những chiếc trực thăng của phi đoàn 243 Mãnh Sư tại căn cứ Phù Cát được lệnh bay ngược về hướng Đà Nẵng, hy vọng cứu cấp những phi hành đoàn bị rơi rớt dọc đường. Một chiếc trực thăng của phi đoàn Mãnh sư vừa bay ngang, tiếng động cơ và tiếng cánh quạt kêu ầm ỉ, bên dưới  Trung úy Mẫn bị mấy tên Cộng Sản xô chúi nhủi vào một bụi rậm, dí súng AK-47 vào đầu không cho anh nhúc nhích. Trong giây phút dưới áp lực của mũi súng quân thù, Mẫn* vẫn còn đủ bình tĩnh để ngửng lên nhìn chiếc trực thăng đang bay qua đầu, lòng thầm biết ơn những người  hoa tiêu bạn trong giây phút tận cùng của cuộc chiến vẫn "không bỏ anh em không bỏ bạn bè", đúng như tinh thần bất diệt của Quân chủng Không quân.

 

-Ê..., Mãnh Hổ!

 

Đang đứng hút thuốc kế bên tàu tôi nghe tiếng ai kêu từ phía sau. Tôi quay lại. Một hoa tiêu mang phù hiệu trực thăng của phi đoàn 239 Hoàng Ưng đang đứng sau lưng nhìn tôi cười. Tôi nhíu mắt nhìn. Khuôn mặt rất quen thuộc, tôi cố moi lại trong trí nhớ.

 

-Mày quên tao rồi à, Nguyễn Hào đây!

 

-Hào.., trời đất...,  Hào "gàn" phải không ? Mẹ..., lâu ngày quá.

 

Vừa nói xong tôi mừng rỡ ôm choàng lấy người bạn thân cùng khóa bay. Từ lúc chia tay nhau sau khi du học ở Mỹ trở về nước, mỗi thằng đi một vùng chiến thuật, chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau. Hình ảnh của thằng bạn có giọng nói Bắc kỳ Hà Nội chậm rãi, ngọt ngào như mía lùi lại ẩn chứa một tánh tình "ngang tàng" nếu không nói là có tí "ngông" trên một khuôn mặt rất là "boyish" đã trở lại trong tâm trí tôi. Những ngày bên trường bay vào những buổi đi học về, trong khi mấy anh "hoa tiêu học trò" vội vã chen nhau xuống chiếc xe buýt thì Hào lửng thửng một tay xách túi bay, một tay đút vào túi quần chậm rãi đi từng bước một về phòng, hình như chưa bao giờ tôi thấy anh ta vội vã cả. 

 

-Chuyện gì đã đưa đẩy bạn lưu lạc nơi phương trời này vậy,... Hào? Tôi ngạc nhiên hỏi.

-Thì lúc Ban Mê Thuột bị tụi nó chiếm, từ Đà Nẵng tao tình nguyện biệt phái dẫn năm chiếc tàu lên Pleiku cho phi vụ không vận Sư đoàn 23 về tái chiếm Ban Mê Thuột. Chừng hai ngày sau thì phi vụ đó bị "xù", tụi tao bị "xỉ" về vùng này bốc dân. Mấy lần tao nghe tiếng mày trên tần số mà chưa có cơ hội để gặp. Này, mày bay gunship phải không, tao có chuyện này muốn nói với mày.

-Có gì quan trọng không? Vừa nói tôi vừa móc ổ bánh mì dưới túi bay rồi hỏi:

-Mày ăn chưa?

-Tao ăn rồi, mày ăn đi. Lúc nãy tao đi chở dân về, gần tới Tuy Hòa bên mấy thửa ruộng hoang tao thấy hai ba con bò đang đứng ăn cỏ, tao định xuống "dớt" một con đem về cho lính mình ăn, tao thấy nhiều lính bộ binh đi lạc trong rừng được bốc về phi trường Đồng Tác tơi tả, tội nghiệp quá. Một mình không có gunship "cover" tao hơi ngại, bây giờ gặp mày đây tao mới hỏi mày đi bay yễm trợ cho tao "dớt" con bò về được không?

-Chuyện nhỏ thôi, nhưng coi chừng,  nhiều lúc là bò của dân đó mày.

-Dân đếch gì, xa tuốt trong rừng, giờ này dân chạy hết rồi, để lại cho tụi Việt Cộng ăn cũng vậy thôi.

Cầm ổ bánh mì trên tay tôi vừa ăn vừa nói:

-OK, làm gì thì làm để tao "thanh toán" ổ bánh mì này cho xong đã rồi đi đâu thì đi.

 

 

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

 

Hơn mười phút sau hai chiếc trực thăng bắt đầu quay máy, tôi cất cánh chiếc trực thăng võ trang  nối đuôi theo chiếc Hoàng Ưng của Hào rời bãi đậu. Hai con tàu lấy cao độ hướng ra phía bờ sông. Trên cao nhìn xuống, từ cửa sông Đà Rằng chạy dài về phía tây, cửa sông trông giống như đầu của một con bạch tuột với những sợi râu nằm giữa vựa lúa lớn nhất miền Trung phần, những mảnh ruộng hình vuông con con màu vàng cỏ rạ, nối tiếp nhau từ bờ sông chạy dài đến gần chân núi Đại Lãnh. Nhìn thằng bạn thân cắm đầu bay trước mặt, trên tần số riêng tôi gọi Hào:

 

-Hào..., mày còn nhớ chỗ không đó?

-Yên chí đi..., cứ theo tao, năm phút nữa sẽ đến, cách con sông vài cây số ngay bìa rừng tao nhớ rõ.

 

Đúng như lời Hào nói, chỉ trong vài phút bay tôi thấy chiếc trực thăng trước mặt nghiêng cánh, hạ cao độ. Từ trên cao nhìn xuống, tôi có thể thấy một vùng ruộng bỏ hoang, không canh tác, cỏ vàng úa mọc đầy, nằm kế bên bìa rừng, ở giữa là một con suối cạn uốn éo, cỏ mọc xanh hai bên bờ.

 

-Hổ, mày thấy chưa...bãi ruộng gần con suối, cách đây hai tiếng đồng hồ tao đã bay qua đây rồi.

Tôi nhìn theo nôn nóng:

-Biết rồi..., mấy con bò đâu không thấy ?

-Từ từ đừng nóng, lẩn quẩn đâu đây thôi...

Hào bay dưới thấp chừng vài trăm bộ, tôi giữ vị thế cao hơn để quan sát tình hình, theo dõi tàu của Hào trong trường hợp có biến cố nào tôi có thể phản ứng kịp thời. Bỗng tôi nghe tiếng Hào trong tần số, giọng nói phấn khởi:

-Đây rồi..., đây rồi...,  ba chú đang ăn cỏ đây.

Nhìn xuống dưới thấp, tàu Hào đang bay bỗng quay vòng lại,  cánh quạt chiếc trực thăng chấp chóa,  ba con bò đang đứng thản nhiên gặm cỏ trên một bãi ruộng hoang, kế bên một đám cỏ tranh vàng úa.

 

-Hổ..., mày trên cao cover nghe, tao xuống đây. Hào nói.

Tôi hạ cao độ, bay vòng rộng quanh chiếc tàu phía dưới,  quan sát tình hình. Xung quanh đều là đồng không mông quạnh, không có dấu vết gì khả nghi cả, trừ đám rừng xa xa khoảng vài cây số. Chiếc trực thăng của Hào bay chậm lại và ngừng lại trên đầu ba con bò màu nâu đang bình thản đứng kế bên nhau. Bên hông cửa tàu của chiếc trực thăng phía dưới tôi có thể nhìn thấy khẩu đại liên đang khạc đạn, phóng ra những làn khói trắng nho nhỏ. Một con bò nhỏ nhất trong đám ngã quỵ xuống, hai con kia tức thời phóng chạy.

 

-Hổ, tao đáp xuống đây...coi chừng dùm tao nghe...

 

Quay qua khung cửa, tay cầm cần lái, mắt tôi chăm chú theo dõi tất cả mọi diễn tiến bên dưới. Chiếc trực thăng đáp kế con bò đang nằm trên mặt đất , cách đó một khoảng gần là một đám cỏ tranh cao tới ngực. Hai người mê vô xạ thủ nhảy xuống đất đồng thời một bên cánh cửa cockpit mở ra, người hoa tiêu phụ nhảy xuống theo. Ba người chạy đến kế bên con bò. Từ trên cao tôi theo dõi một hoạt cảnh ngoạn mục, ba anh phi hành trong bộ đồ bay, người mặc áo giáp, đội nón helmet ì ạch kéo con bò không nhúc nhích. Mấy ông mê vô xạ thủ và ông anh rể tôi ngồi sau sàn tàu chồm ra ngoài cửa hồi hộp nhìn xuống phía dưới theo dõi. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thầm nghĩ con bò quá nặng không thể nào ba người có thể đủ sức đem nó lên sàn tàu. Đúng như tôi đã dự đoán, trên tần số tiếng nói của Hào:

 

-Nặng quá tụi nó kéo không nổi, Hổ..., tao xuống phụ với tụi nó..., cover cho tao nghe...Hào nói xong chưa chờ tôi trả lời, mở cửa nhảy xuống, chạy đến bên con bò. Bốn người xúm nhau, tiếp tục kéo. Cho con tàu bay thấp vài trăm bộ tôi nghiêng đầu theo dõi. Bỗng dưng cách chiếc trực thăng đang đậu phía dưới chừng vài chục mét, tôi phát giác một bóng người bận đồ đen vừa mới đứng lên  giữa đám cỏ tranh mọc cao ngang ngực. Tôi la lớn cho mấy anh mê vô xạ tôi nghe thấy để chuẩn bị:

 

-Có người..., đằng sau.., coi chừng... Người xạ thủ hình như cũng thấy như tôi đã thấy, đến chụp khẩu minigun chỉa xuống ngay chổ đám cỏ tranh. Phía dưới là chiếc tàu của Hào đang nổ máy hoàn toàn không có người nào ở trên tàu,  tôi không biết làm cách nào để thông báo cho phi hành đoàn bên dưới biết tình trạng đang xảy ra. Tôi sà con tàu xuống thấp bay ngang đầu chiếc trực thăng đang đậu dưới đất, bay vòng thật nhỏ như để báo hiệu cho bạn mình biết để đề phòng có người lạ khả nghi đang ở gần đấy.

 

Một cuộc diễn tiến bất ngờ xảy ra phía dưới như một cuốn phim đang quay chậm. Bóng người đang đứng giữa đám cỏ tranh bỗng vạch cỏ bước hẳn ra ngoài,  tiến về hướng chiếc trực thăng đang đậu kế con bò, hai tay cầm khẩu AK-47 đưa cao lên khỏi đầu. Bốn người đang hì hục kéo con bò, bất ngờ ngưng lại, quay mặt về phía bóng người  đang bước tới. Tôi thấy Hào rút khẩu "rouleaux" chỉa về phía người lạ. Hình như có một cuộc đối thoại ngắn đang xảy ra, tôi đoán vậy...Hào bước đến gần tay vẫn chỉa súng vào người lạ, tay kia vói giật khẩu AK-47. Bây giờ một người xạ thủ của Hào đã tỉnh hồn, nhảy lên tàu chĩa khẩu đại liên M-60 về phía  "nhân vật"  mới xuất hiện. Hình như cuộc đối thoại vẫn đang còn tiếp diễn... Đột nhiên trước sự ngạc nhiên, nếu không nói là sửng sốt của tất cả mọi người trên tàu tôi, "nhân vật" mới cùng phi hành đoàn bốn người của Hào xúm nhau lại kéo con bò lên sàn tàu. Nôn nóng muốn biết chuyện gì đã xảy ra, chờ khi Hào đã an tọa trên ghế bay, tôi la trên tần số:

-Hào..., chuyện gì vậy..., chuyện gì đã xảy ra vậy ? Trong hơi thở hổn hển có lẽ vì quá mệt sau khi khiêng con bò lên sàn tàu, tiếng nói của Hào đứt đoạn:

-Thằng...Việt cộng..., nó muốn hồi chánh..., nó xin tao chở về Tuy Hòa...

Tôi ngắt lời:

-Mày có chắc không ? Coi chừng đó...

-Không sao...đâu.., tao lấy súng nó rồi... Nó là dân du kích địa phương...có gia đình ở Tuy Hòa...

Nghe xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ tên Việt Cộng này đang chăn bò, thấy trực thăng đến chạy núp trong đám cỏ tranh, và sau khi thấy chiếc gunship quần trên đầu tưởng là đã bị phát giác nên ra đầu hàng. Tôi gọi Hào:

-Mày làm tao hú hồn, thôi... chở con bò về phi trường Đồng Tác giao cho bộ binh và nhân tiện giao thằng Việt Cộng luôn.

 

Rồi tôi nói tiếp:

 

-Nhớ cắt một cái đùi tối về Nha Trang tụi mình nhậu nghe.

 

(Còn tiếp)

 

Kỳ tới: Vĩnh Biệt Nha Trang

 

 

 

* Richard Blystone was a correspondent for Associated Press (ap) for 15 years, reporting mainly from Southeast Asia, where he was bureau chief in Bangkok, before moving on to Cable News Network. He is also an Associate of Producers International Media, and one of the world’s top journalists and writers... Now he is a retired senior correspondent for CNN

*Trung úy Phạm Mẫn bị Cộng quân bắt làm tù binh sau khi chiếc tàu anh bị bắn rớt trên bờ biển Quảng Nam ngày 28 tháng 3 năm 1975. Sau ba năm bị cầm tù, năm 1981 anh cùng hai đứa con trai vượt biển đến được bến bờ tự do. 

 

 

Vĩnh Hiếu

 

Phi Đoàn Thần Tượng, 215

 

-Xin cám ơn KQ Nguyễn Đức Liên, Phạm Mẫn, Nguyễn Hào đã đóng góp những chi tiết trong bài Ngày Tàn Cuộc Chiến (Phần II).

-Riêng cám ơn Cánh Thép.com, là nguyên nhân để tôi tìm lại được Thiếu úy Nguyễn Đức Liên, một hoa tiêu cùng phi đoàn Thần Tượng mà tôi đã mất liên lạc từ năm 1975 qua những bài viết về cuộc chiến của tôi.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chúa Nhật Thứ 3b Mùa Vọng: Ơn Gọi Làm Ngôn Sứ (12/12/2008)
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật Thứ 3b Mùa Vọng (12/12/2008)
Xây Dựng Tinh Thần Tập Thể (12/12/2008)
Xin Cất Khỏi Con Mọi Lo Lắng Bề Ngoài (12/12/2008)
Gián Điệp Trung Quốc (12/12/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Khủng Hỏang Về Vai Trò Làm Cha Mẹ (12/11/2008)
Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo (12/11/2008)
Lễ Đức Mẹ Guadalupe 12/12 (12/11/2008)
Tuy Hòa Và Con Lộ Máu 1- Phần A (12/11/2008)
Cảm Nghiệm Về Cố Linh Mục Benedicto Nguyễn Văn Mầu (12/11/2008)
Tin/Bài khác
Thần Đồng Nghệ Thuật Tên Akian (12/10/2008)
Chiến Thắng Lớn Nhất Của Người Thái Hà (12/10/2008)
Hãy Điền Vào Chỗ Trống (12/10/2008)
Hoạt Động Dân Chủ Nhìn Từ Bài Học Của Thái Hà (12/10/2008)
Văn Hóa Du Kích, Và Những Phiên Tòa Du Kích (12/10/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768