CẢM NGHIỆM VỀ CỐ LINH MỤC BENEDICTO NGUYỄN VĂN MẦU Tưởng nhớ 30 ngày Cố LM Benedicto về Nha Cha
Nhân giỗ 30 ngày của Cố LM Benedicto, ngày 12 tháng 11 đến 12 tháng 12, tôi xin được gởi đến quí Anh Em những câu truyện của Ngài mà tôi đã chứng kiến, hoặc được những người khác đã sống với Ngài kể cho tôi nghe:
Ngày 10-7-1975, Tôi ra giáo xứ Long Hương để nhận chức chánh xứ. Sáng hôm đó chừng độ 8giò30, tôi đến cửa nhà xứ, thì Lm Benedicto từ trong phòng chạy đón tôi cùng với 2 ông hội đồng. Thấy tôi đeo kính, Ngài nói: Ờ Long Hương gió lắm, con gái ở đây đứa nào mắt cũng choét mắt vì gió, vì cát, nên cha phải đeo kính liên tục, nhất là khi ra ngoài đường. Thế rồi, Ngài dẫn tôi chỉ phòng cho tôi, rồi chỉ vào cái chổi lông gà treo bên cạnh đầu giường nói: mỗi khi ngủ cha nhớ lấy chổi lông gà phủi bụi, vì không có trần, nên bụi lắm. Sau đó, Ngài lại dẫn tôi sang phòng khách. Tôi hỏi Ngài bao giờ về Lương sơn, Ngài trả lời : Cha mới ra chắc là buồn lắm, con ở lại với cha ít ngày cho cha vui và quen. Bốn ngày sau tôi và ít ông trong Hội Đồng đưa Ngài về nhận xứ mới Lương sơn.
Từ đó cứ vài tuần, Ngài ra Long Hương thăm tôi, mang cho tôi qủa đu đủ, nãỉ chuối, ìt quả sabôchê, có lần mang cho tôi 12 qủa trứng gà con so, Ngài nói về Luơng Sơn nuôi mấy con gà mái lấy trưng ăn, nó đẻ rồi, sáu ngày 2 con đẻ được 12 trứng, mang cho cha ăn để khoẻ mà đi thăm giáo dân, cát biển đi mỏi chân lắm. Qua lời nói và việc làm của Ngài, tôi cảm nghiệm được đời sống của Ngài: Một đời sống đơn sơn, chất phát, đối xử với tôi như là một người em, một người bạn chân thành.
1 – CÂU TRUYỆN NGƯỜI ĂN XIN
Sau ngày chính quyền Sài Gòn sụp tháng 4 năm 1975, nhà Nước bán gạo từng kí, bán vải từng mét, dân có tiền cũng không mua gạo được, vì Nhà Nước quản lý gạo rất chặt, những người ăn xin thật là cùng khốn, xin chẳng ai cho, vì chẳng có gì để mà cho, và có tiền cũng chẳng có gì mà mua. Một buổi trưa Lm Benedicto đang ngồi ăn cơm, ăn chưa hết chén cơm, thì có một người già ăn xin vào nói: Cha ơi, thương con, con nhịn đói đã hai ngày rồi, đói lắm, xin cha cho con chén cơm, Cha Benedicto đứng dậy đỡ ông già lên tam cấp, rồi mời ông ngồi xuống, Ngài dành phần cơm cho người ăn xin, Người ăn xin vôi vàng cầm chén cơm ăn , nhưng mắt vẫn nhìn vào nồi cơm, sợ nồi cơm chóng hết, người ăn xin ăn một cách sung sướng, vì đây là lần đầu tiên trong đời sống cầm cái gậy, cái bị đi ăn xin được ngồi ăn trên bàn trên ghế, được một Ông cha đứng xới cơm cho. Trong vòng không đầy 5 phút nồi cơm đã hết sạch, nhưng cái bụng vẫn chưa đã, nên Ông lão với tay lấy nồi cơm để cạo từng miếng cháy cuối cùng còn dính ở đấy nồi. Thấy ông lão gần ăn xong, Cố Benedicto đi lấy cho ông một ly nước trà, rồi đưa cho ông lão.
Tôi cho đây là một cử chỉ rất là tốt đẹp và hoàn hảo nhất đã thực hiện đúng Lời Chúa trong ngày phán xét : " Hỡi những người Cha Ta chúc phúc, hãy vào lãnh phần thưởng đã dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn…." Mt. 25, 34-35
2 – CÁI ẤM NƯỚC.
Như tôi trong đoạn đầu, Ngài coi tôi như là con, người em, và đồng thời coi tôi như là người bạn. Ngài vẫn thường ra xứ Long Hương để thăm và an ủi tôi, sợ bỏ xứ đi vượt biên, vì biết rõ là ngày 16-5- 1975, tôi được sai đến cực nam của giáo phận để trấn thủ ở xứ Võ Đắt, một giáo xứ hoang tàn sau những trận đánh ác nghiệt và ngày 22-6-1975, tôi bị chính quyền xã trục xuất. Ngày 10-7-1975 tôi lại được sai ra xứ Long Hương trấn thủ cực bắc. Một hôm, độ 10 giờ sáng Cố Benedictô lại ra thăm tôi, mồ hôi nhễ nhãi, lúc đó tôi đang ở nhà bếp, có tiếng nói: Cha Tiến có khoẻ không? – Con vẫn khỏe. Có nước uống không? – Thưa cha có, mời Cha lên nhà khách uống nước. Thế là tôi vội lên phòng để chế nước trà cho Ngài, nhưng không thấy Ngài lên, tôi lại xuống bếp, tôi hết sức ngạc nhiên, vì trên miệng Ngài có dính một vòng tròn lọ nồi, trông thật là buồn cười. Tôi lại mời Ngài lên phòng khách uống nước, thì được trả lời-Tôi uống rồi. - Tôi hỏi nước đâu mà Cha uống? Thì Ngài chỉ vào cái ấm nhôm nấu nước, nó đen như cột nhà cháy, cái ấm này Ngài để lại cho tôi. Thời đó nấu bằng củi, chứ không phải sung sướng như ngày hôm nay nấu bằng gaz, bằng điện. Tôi nhìn cái miệng Ngài rồi lại cười. Chính cái vòi ấm là thủ phạm tô đen cái môi của Ngài, cho nên cái môi của Ngài đã đen sẵn, được cái vòi tô thêm lại càn đen trong thật là ngộ. Tôi kéo Ngài lên phòng, tôi vùa đi tôi vừa nói: Hôm nay ra Long Hương thăm bà nào mà miệng bôi son vậy?- Ngài cười hì hì rồi nói già rồi còn thăm ai nữa, nói xong rồi lại cười. Tôi dẫn Ngài vào phòng, rồi đến tấm gương treo ở tủ, tôi nói với Ngài: không bôi son thì cái gì đây. Nhìn vào gương, Ngài cười sằn sặc chảy cả nước mắt. Nụ cười đơn sơ thánh thiện.
3 – BÀ BÁN BÁNH CANH.
Bánh canh là thứ điểm tâm đặc sản của tỉnh Bình Thuận, cho nên mỗi lần có khách từ địa phương khác đến thăm tôi, ăn sáng tôi thường đãi bánh canh và một ly cà phê đặc sản do tôi pha chế: cách pha chế như thường lệ, chỉ thêm một chút bơ loại chính tông làm tại cái đế quốc Phú lãng xa, và cho vài giọt nước mắm cốt cũng được gọi là nuớc mắm nhỉ. Khi uống vào thì thật đậm đà va khó quên. Ở giáo xứ Lương Sơn có một bà bán bánh canh, mỗi buổi sáng thường gánh đến trước nhà thờ bán, vì có chỗ rộng rãi và nhiều người qua lại. Cố Benêdicto lại khoái khẩu bánh canh, thường ra ngồi ăn bánh canh. Ngài vừa ăn vừa nói chuyện cho nên có hôm tới 9 giờ Ngài mới ra về. Còn mấy bà cũng nghiền bánh canh, ra ăn thì thấy cố Mầu ngồi ăn bánh canh, không bà nào dám ngồi chung với Cố ăn bánh canh, thỉnh thoảng có một vài đứa trẻ đơn sơn ra ngồi ăn bánh canh với Cố, thì Cố lại càn ngồi lâu hơn, càn ngồi lâu thì bà bán bánh canh lại càn buồn bấy nhiêu. Khi Cố về thì đã 10 giờ rồi, còn ai mà ăn bánh canh nữa. Trưa hôm đó thì cả nhà ngồi thanh toán nồi bánh canh, ăn không hết thì chiều ăn tiếp… Tội nghiệp cho bà bán bánh canh. Vợ chồng bàn tính với nhau, nếu ngày nào Cố cũng ra ăn bánh canh, chắc gia đình chúng mình sẽ chết thôi. Vợ chồng mình vào gặp Cố trình bầy sự việc cho Cố biết, xin Cố thương gia đình mình. Hai vợ chồng bà bán bánh canh can đảm vào gặp Cố, trình bầy sự việc, Cố ngồi nghe, nghe xong Cố cười và nói biết vậy thì tôi đã không ăn bánh canh rồi. Vợ chồng nói từ nay cứ mỗi buổi sáng chúng con sẽ cho cháu mang bánh canh vào cho Cố dùng, Ngài nói từ nay khi nào tôi thèm bánh canh sẽ nhờ chú giúp lễ ra mua, Ngài cười rồi nói, tôi tưởng ăn bánh canh của ông bà thì có nhiều người sẽ ăn bánh canh, vì bánh canh của bà có ngon, thì Tôi mới ăn chứ, ăn để quảng cho bà, trái ngược lại làm hại ông bà. Và từ hôm đó, mỗi buổi sáng hàng bánh canh vắng bóng áo dòng đen.
4 – NHỜ ĐỨC MẸ VÀ THÁNH GIUSE GIỮ TIỀN
Quí vị nếu ra xứ Lương Sơn, mà vào nhà xứ thăm Cố Benedicto, thì phải ngạc nhiên, vì phòng của Ngài chẳng có cái là đáng quí cả, có cái tủ thì cũ không có khóa, cái giường cũng chẳng nên hồn, đi ra khỏi nhà cũng không chịu khóa cửa. Một hôm tôi đi ra Nha Trang dự lễ khấn, khi về có ghé vào thăm Ngài, thấy cửa nhà mở toan hoang, tưởng Cố đang ở trong phòng, tôi gọi to Cố Mầu có khách, tôi gọi mấy lần mà không thấy trả lời, tôi định về, thì có một bà chạy vào nói Cha Cố ra ngoài làng thăm giáo dân rồi, cha đợi đó, con đi mời Cố về. Tôi vào phòng khách ngồi chờ và quan sát, thấy hai tượng Đức Mẹ và thánh Giuse trông thật đẹp và linh thiêng. Tôi đang nhìn hai Tượng, thì có tiếng cười vui vẻ, và tiếng nói lâu lắm rồi mới có khách đến thăm. Tôi chọc Ngài nói có biết ai đây không? – Ngài cười trả lời Tiến râu còn hỏi nữa. Tôi hỏi Ngài đi ra ngoài làng sao không đóng cửa, Ngài trả lới nhà xứ có gì đâu mà khóa. Tôi lại hỏi Ngài tiền xin lễ giáo dân, cha cất ở đâu?- Ngài chỉ vào hai tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse nói : Nhờ Hai Ngài giữ dùm. – Giữ bằng cách nào? – Để dưới chân Đức Mẹ và Thánh Giuse. Tôi cười và nói chọc Ngài: Hai Đấng giữ thì quá bảo đảm rồi.
Sau một thời gian, tôi được tin Ngài mất tiền, và hỏi mất như thế nào thì được người ta kể lại số tiền để dưới chân Thánh Giuse, đã bị mấy chú giúp lễ và bà bếp sau nhiều ngày theo dõi, đã biết chỗ cất tiền của Cố, nên cuổm hết. Thật tội nghiệp cho Cố đã quá đơn sơ, xem ai cũng giống như mình.
5 - GỘI ĐẦU
Ở giáo xứ Ngaì , đối diện với nhà thờ, có một tiệm uốn tóc, làm móng, gội đầu, bà chủ tiệm muốn câu khách, nên thuê những cô gái trẻ đẹp để phục vụ khách. Một buổi trưa, sau ngủ dậy, Ngài đi ra thẳng tiệm để gội đầu, cả tiệm uốn tóc ngạc nhiên nhìn Ngài, nhất nữa Ngài mặc chiếc áo dòng đen. Ngài lên ghế ngồi, rồi vừa cười vừa nói: Gội cho cái đầu, rồi Ngài nằm ngữa trên ghế, trước sự nhạc nhiên của nhiều người.
Tôi suy nghĩ, nếu một linh mục khác, thì chắc chắn sẽ có nhiều lá thư kiện bay về Tòa rồi, nhưng trong thực chẳng có giáo dân nào phàn nàn Ngài, vì biết Ngài quá đơn sơ, hồn nhiên.
Về những câu truyện của Cố Benedicto trong đời sống rất là nhiều, tôi chỉ kể lại năm câu truyện để nói lên tâm hồn đơn sơ của Ngài: Đơn sơ trong tâm hồn, đơn sơ trong cuộc sống, đơn sơ trong cách ăn mặc, đơn sơ trong cách đối xử với mọi người.
Trong ngày lễ an táng, tôi khám phá được những điều sau đây:
1 -- Trong khi đọc tiểu sử của Ngài, tôi được nghe cha mẹ Ngài họ Nguyễn, anh chị em, cháu chắc đều là người Kinh, chứ không phải là Sắc tộc như bao nhiêu người lầm tưởng. Tôi còn nhớ có một thời kỳ Đấng Bản Quyền hứa đưa Ngài về làm Cha Quản xứ ở một giáo xứ ở thành phố Phan Thiết, nhưng rồi lại không đưa về, vì có một nguồn tin phóng ra Ngài là người Sắc Tộc, nên Ngài sợ thành phố không dám về. Tôi có hỏi Ngài tại sao lải sợ thành phố mà không về, thì được trả lời: Ai cho về thành phố mà về. Trong buổi nhận chức, Ngài đã nói:" Thưa Đ C…Quí cha cùng quí vị, mọi người coi con như là chén cơm nguội, nhưng cơm nguôi mà nhai lâu cũng ngọt bùi chứ…" Ngọt bùi trong sự vâng phục, ngọt bùi trong sự khiêm nhường, ngọt bùi trong đơn sơ, ngọt bùi trong sự khó nghèo, ngọt bùi trong sự yêu thương người.
2—Trước khi lễ an táng, cha Bề Trên dòng MỸ CA đã cho biết Cha Benedicto là con đỡ đầu của Bà HOÀNG HẬU NAM PHƯƠNG, vợ của vua Bảo Đại. Năm 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền, khai tử chế độ Quân Chủ, truất phế Bảo Đại, Vua phải chạy sang bên Pháp lánh nạn. Bà Hoàng Hậu Nam Phương thường đến nhà dòng, nơi mà thầy Beneđcto Nguyễn văn Mầu được Nhà Dòng MỸ CA gởi sang học. Bà Hoàng Hậu thấy Thầy Benedicto Mầu là người VN duy nhất học tại nhà dòng nầy, nên đã nhận Ngài làm con đỡ đầu, bà rất thương thầy, vì thầy bơ vơ ở đất khách quê người, với lại thấy thầy đơn sơ chất phát, vui vẻ.
3 -- Điểm thứ ba làm tôi nhạc nhiên là được nghe : Cha Benedicto làm cha linh hướng cho tướng VĨNH LỘC. Tôi tự nghĩ biết bao nhiêu Linh Mục tài giỏi, bằng này cấp nọ, ăn nói lưu loát, tại sao Ông tướng Vĩnh Lộc lại không chọn, mà lại chọn một Linh Mục Benedicto. Dưới con mắt người đời, Ngài chỉ là một Linh Mục tằm thường, dáng vẻ bề ngoài chẳng có gì là hấp dẫn, ăn nói thì không lưu loát, người nghe khó hiểu, thế mà Ông Vĩnh Lộc đã chọn Ngài làm cha linh hướng, phải có một cái gì đó bí ẩn. Sau khi đã suy nghĩ, Tôi đưa ra hai giả thuyêt:
* Hai người đã gặp nhau bên Pháp, vì Ông Vĩnh Lộc cũng có thời gian học trường quân sư tại Pháp.
* Thứ hai là: Ông đã nhận ra được con người nội tâm của Ngài: Sống âm thầm, đơn sơ thật thà, chất phát ngay thẳng như Chúa Jesu nói với ông Nathanael: " Người này không có gì gian dối ".
Ngài là con người đơn sơ, chất phát, sống một cuộc đời không bon chen như bao người khác. Không bao giờ tôi nghe Ngài phàn nàn về bất cứ người nào, và bất cứ điều gì. Cuộc Sống của Ngài âm thầm như thánh Giuse ở Nazareth và trong cuộc sống Ngài không làm phiền ai, nên cái chết của Ngài cũng âm thầm, lặng lẻ, có lẽ Ngài cũng không muốn làm phiền ai trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời để bước vào một thế giới VĨNH HĂNG mà Ngài hằng mơ ước.
Phú Hài, ngày 10 -12-2008
LM Pet Nguyễn Văn Tiến
|