VietCatholic News (10 Dec 2008)
CON ĐƯỜNG TÌM CÔNG LÝ CHƯA KẾT THÚC
Sau phiên xử 8 giáo dân Thái Hà ngày 08-12-2008 tại tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, nhiều người đã vui mừng cho đó là một thắng lợi vì nghĩ rằng nhà cầm quyền cộng sản không dám nặng tay với những giáo dân bị truy tố, một phần do thái độ can trường và cương quyết của các giáo sĩ và giáo dân Thái Hà, một phần do những áp lực từ quốc nội và quốc tế.
Cũng như những người Việt Nam khác sinh sống ở hải ngoại, tôi thành thật chia vui với 8 anh chị em Thái Hà đã thoát vòng lao lý, nhưng tôi vẫn buồn vì anh chị em vẫn bị kết án một cách bất công và vẫn phải đeo một tiền án có thể di hại tới những hành động của anh chị em trong tương lai.
Bất công vì anh chị em đã bị kết án, dù án treo, với tội danh: "Hủy hoại tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng". Đây là một tội danh có tính vu khống và hoàn toàn phản lại sự thật
1/ Hủy hoại tài sản nhà nước ?
Tài sản nào? Đó là bức tường trong khu đất của giáo xứ Thái Hà đã được xây từ lâu để ngăn Công ty cổ phần may Chiến Thắng cũng được xây trong khu đất này. Sau mấy ngày mưa lũ, một phần của bức tường bị xụp đổ ngày 14-08-2008. Để tránh hiểm họa bức tường có thể đổ tiếp, giáo dân đã phá nốt 3 mét tường còn lại và dời ảnh tượng đi. Như vậy nhà nước không thể truy tố giáo dân phá hoại tài sản của nhà nước.
Nhà nước cho công ty Chiến Thắng chiếm dụng bất hợp pháp đất đai của giáo xứ Thái Hà. Giáo dân Thái Hà là cộng đồng sở hữu đích thực của khu đất có quyền phá nốt một phần tường đã bị đổ để bảo đảm an ninh và tiện đường đi lại trên chính phần đất của họ. Bức tường này do công ty Chiến Thắng xây, không phải tài sản của nhà nước.
Nhà nước ước lượng thiệt hại về bức tường đổ là 3,700.000 đồng VN (khoảng trên 200 Mỹ kim). Với một thiệt hại nhỏ nhoi như thế, nếu ai thực sự là chủ nhân khu đất và bức tường cũng chỉ có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Tòa án có thụ lý thì cũng chỉ có thể bắt 8 người chia nhau trả số tiền này, cộng thêm án phí. Đem việc này truy tố hình sự và phạt tù treo là cưỡng bức sự thật và thủ tục tố tụng.
2/ Gây rối trật tự công cộng ?
Giáo dân cầu nguyện một cách hòa bình trên khu đất của họ, không gây bạo lực, không cản trở lưu thông, không làm trở ngại việc làm ăn của dân chúng, tại sao kết án họ gây rối trật tự công cộng? Cáo trạng về tội "phá hoại và gây rối" của "bị cáo" Nguyễn Thị Việt được ghi rằng đương sự có những hành vi "nhặt cỏ, dọn dẹp ở khu vực bể nước nơi đặt tượng Đức Mẹ, nhặt gạch san lấp chỗ trống, ngày nào Việt cũng ra khu đất của Công ty cổ phần may Chiến Thắng để cầu nguyện…, dùng tay, ván gỗ phá tường rào rộng khoảng 3 mét và còn khoảng 20cm nữa là đến chân tường".
Có tòa án bình thường nào trên thế gian này dám có "can đảm" kết án người "nhặt cỏ, dọn dẹp, cầu nguyện, dùng tay cậy vách tường" vào tội "phá hoại tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng" hay không? Chỉ có tòa án phường tuồng của chế độ Hà Nội mới dám làm như vậy. Lẽ ra phải truy tố với tội danh này những tên côn đồ được thuê mướn, khích động và được công an bảo vệ để nhổ nước miếng vào giáo sĩ, giáo dân, chửi bới thô tục, dọa giết Tổng Giám Mục Hà Nội.
Với lối kết tội mang tính vu khống như thế, với thủ tục xét xử trò hề như thế, chế độ cộng sản VN đã xỉ nhục công lý, làm trò cười cho thiên hạ khi nhìn vào nền tư pháp của VN. Mọi tòa án ở VN hiện nay đều là những tòa án chính trị. Ngay những tội hình sự như tham nhũng, cướp của, hối mại quyền thế cũng được xử theo chỉ thị với những tiêu chuẩn khác nhau. Quan lớn và người của đảng luôn luôn được miễn truy tố, được giảm khinh hay ở tù lấy lệ một thời gian rồi được phóng thích sớm. Ngược lại, những người dân thấp cổ bé miệng, không có tiền hối lộ quan tòa và Viện Kiểm Sát Nhân Nhân, thì luôn luôn lãnh án tối đa.
Những ai có hành động hay lời nói không vừa ý những người cầm quyền là lập tức bị kết tội phá hoại chế độ, phá hoại tình đoàn kết, phá hoại tài sản quốc gia và trật tự công cộng. Trong trường hợp Thái Hà, vì không dám xử Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, nên nhà cầm quyền đã điên khùng thị oai trên những giáo dân hiền lành, bé nhỏ, bằng những lý sự cùn và những sự kiện đổi trắng thay đen. Họ rất muốn tuyên những bản án nặng nề và bỏ tù đám giáo dân này cho bõ ghét và để răn đe những người khác. Tuy nhiên, họ không dám làm như vậy vì sợ "bứt dây động rừng". Nhiều thứ "động" đang rình rập, chờ đợi những qúa đà của họ để kéo cho chế độ sụp luôn. Điều này chứng tỏ họ vừa lên gân vừa run, không mạnh như nhiều người tưởng.
Bẩy án tù treo và một án cảnh cáo hành chánh mà anh chị em Thái Hà phải chịu tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn biểu tỏ sự bất công. Anh chị em hoàn toàn vô tội, không có lý do gì để bị kết án. Án tích sẽ được ghi trong hồ sơ pháp lý của anh chị em và sẽ được dùng để kết tội anh chị em nặng hơn nếu mai ngày anh chị em lại đi "nhặt cỏ hay cầu nguyện". Tôi rất cảm phục tất cả tám anh chị em đã có thái độ không sợ hãi và dõng dạc tuyên bố mình vô tội trước tòa. Tôi rất xúc động khi nghe chị Ngô Thị Dung, một trong 8 người bị kết án treo, trả lời phỏng vấn của cô Trâm Oanh là chị không công nhận bản án và khi được ra tù, chị sẽ tiếp tục đi tìm công lý. Chúng tôi ở hải ngoại luôn đập cùng một nhịp tim với anh chị em trong nước.
Riêng tại Canada nơi chúng tôi sinh sống, chẳng những nhịp tim của chúng tôi mà cả của người bản gốc Canada cũng rung động với anh chị em Thái Hà. Qua một bản tuyên cáo ra đầu tháng 12-2008, Ủy Ban Yểm Trợ cho Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo tại VN gồm toàn những người gốc Canada, đã viết: "Việc tịch thâu đất của giáo xứ Thái Hà đã đụng tới trái tim của người Canada chúng tôi bởi vì các linh mục Canada thuộc nhà mẹ Sainte Anne de Beaupré ở Québec đã mua khu đất này năm 1928 để xây nhà dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên ở Việt Nam và nhà thờ Thái Hà sau đó".
Ngày 20-10-2008, văn phòng Thủ Tướng Canada đã gửi cho chúng tôi một văn thư phúc đáp thư đề ngày 08-08-2008 của Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho VN của chúng tôi về vụ Thái Hà và tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội. Thư phúc đáp cho biết Thủ Tướng rất quan tâm tới những việc chúng tôi nêu lên và đã ra lệnh cho Tổng Trưởng Ngoại Giao nghiên cứu và hành động thích hợp.
Tổng Trưởng Ngoại Giao Canada, Lawrence Cannon, đã đích thân viết cho chúng tôi thư dài 2 trang đề ngày 25-11-2008 trình bầy những gì chính phủ Canada đã, đang và sẽ làm trong mục tiêu tranh thủ tự do tôn giáo và nhân quyền cho VN. Ông cho biết tòa Đại Sứ Canada tại Hà Nội đã cùng với 3 toà đại sứ khác là Tân Tây Lan, Na Uy và Thụy Sĩ lập thành "Nhóm Bốn" để cùng phối hợp theo dõi, báo cáo về các chính phủ liên hệ và can thiệp tại chỗ về các vấn đề tự do và nhân quyền.
Đặc biệt vào ngày 06-12-2007 tại Hà Nội, trong phiên họp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các quốc gia chi viện cho VN, Đại Sứ Canada đã long trọng nhân danh "Nhóm Bốn" kêu gọi Việt Nam phải "tu chính những luật lệ về tự do ngôn luận và lập hội để hòa nhịp tốt hơn với những đòi buộc quốc tế". Cuối thư, Tổng Trưởng Ngoại Giao Canada viết:
"Tôi tin rằng việc đề ra sự thi hành những quy tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, việc yểm trợ dài hạn những cải cách về luật lệ và tư pháp, và áp lực của cộng đồng quốc tế sẽ dẫn đến những cải thiện tình hình Việt nam. Canada sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận này bằng nhiều đường lối cụ thể.
"Tôi nhận thức rằng tình hình như được diễn tả trong thư của qúy vị thật bất hạnh và đáng quan ngại. Tuy nhiên, tôi có thể bảo đảm với qúy vị rằng việc dân Canada gắn bó với nhân quyền là một điều quan trọng, vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo những nỗ lực của chúng tôi khi chúng tôi thực hiện xa hơn nữa những liên hệ song phương với Việt Nam…"
Nêu những sự việc trên, chúng tôi chỉ muốn nói rằng những đóng góp khiêm nhượng của người Việt ở Canada không vô ích. Ở các nơi khác cũng thế. Kết qủa của những vận động quốc tế dù lớn hay nhỏ, dù nhanh hay chậm, đều góp phần làm cho chế độ độc tài ở Việt Nam phải chùn tay đàn áp và phải suy nghĩ bẩy lần trước khi lấy một quyết định đàn áp mới. Chúng tôi có thể giải tỏa bớt những đè nén cho đồng bào ở quê nhà, nhưng chính đồng bào đang kiên cường đấu tranh trực diện để đòi hỏi tự do và công lý.
Cuộc đấu tranh nào cũng khó khăn và đòi hỏi những hy sinh. Con đường đấu tranh cho tự do và công lý tại quê nhà chưa kết thúc. Tuy nhiên, tôi tin như lời Cha Micae Nguyễn Hữu Phú, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đã nói với 4,000 giáo dân Sàigòn tối Chúa Nhật 30-11-2008 rằng: "Tại tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội và tại giáo xứ Thái Hà, nhà cầm quyền đã chôn Chúa Giêsu Kitô, chôn công lý và sự thật. Nhưng từ đó, Chúa Giêsu Kitô sẽ sống lại, và công lý và sự thật sẽ phục sinh".
Tôi cũng tin rằng anh chị em giáo dân Hà Nội, đặc biệt 8 anh chị em bị kết án oan ức, đã góp phần tích cực vào công cuộc phục sinh sự thật và công lý trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Canada ngày 9/12/2008
Mặc Giao
|