Bài 1: Cuộc Hành Hương Thăm Đức Mẹ Guadalupe, Mexico Lần 1
§ Kim Hà
Nhóm hành hương gồm có 32 người, do linh mục Phạm Quốc Hưng linh hướng. Các anh chị em từ khắp các tiểu bang trên Hoa Kỳ đến Los Angeles để đi chung với nhau. Chúng tôi đi từ ngày 10/10/2003 đến ngày 13/10/2003. Vì chúng tôi đi tự túc nên chỉ đi quanh Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe và nhà thờ chánh tòa mà thôi.
Dù chuyến bay chỉ mất khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng vì giờ của Mexico đi trước giờ của California nên chúng tôi đi từ trưa mà đến chiều mới đến nơi. Vừa ra khỏi phi trường, chúng tôi được người hướng dẫn viên du lịch đưa lên xe buýt đến thẵng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe để tham dự Thánh lễ.
Khu Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe:
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tọa lạc ngay tại vùng Tepeyac, một vùng đồi núi mà xưa kia, Đức Mẹ Maria đã thật sự hiện ra với thánh Juan Diego, từ ngày 9 tháng 12, năm 1531 đến ngày 12 tháng 12 năm 1531.
Hiện nay có hai ngôi Vương Cung Thánh Đường cũ và mới ở sát bên nhau. Giữa hai ngôi thánh đường là một tượng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II bằng đồng rất lớn.người ta dựng lên tượng này để kỷ niệm một trong những chuyến công du của Đức Giáo Hoàng.
Ngôi Vương Cung Thánh Đường mới được khánh thành vào ngày 13 tháng 12 năm 1976. Ngôi nhà thờ này rất rộng và có Thánh lễ liên tiếp vào mỗi đầu giờ, chẳng hạn như 7 giờ sáng, 8 giờ sáng, và tiếp tục cho đến tối. Trên nơi cung thánh là một bức hình ảnh lộng kiếng chiếc áo Tilma của thánh Juan Diego mà Đức Mẹ Guadalupe đã in hình Mẹ trên áo đó.
Nếu khách hành hương muốn viếng bức hình linh thiêng ấy thì ra phía đàng sau cung thánh, và đi qua, đi lại trên các thang cuốn. Mọi người khi đi ngang bức hình Đức Mẹ Guadalupe thì đều cúi đầu để cầu nguyện. Ai cũng trầm trồ và tôn vinh phép lạ kỳ diệu mà Mẹ Maria đã làm. Một tấm áo vải thô của người thổ dân(thánh Juan Diego) mặc chỉ có thể tồn tại trong khoảng 20 năm rồi sẽ bị rách nát. Thế mà giờ đây, áo ấy đã được 476 năm (1531-2007) mà vẫn còn như mới. Bức hình Đức Mẹ Guadalupe này đã làm nhiều phép lạ chữa lành. (chúng tôi sẽ tượng thuật trong bài tới.)
Trên lầu, ngay chung quanh cung thánh có những ngôi nhà nguyện nhỏ dành cho các phái đoàn hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Các linh mục và giáo dân dâng lễ bằng ngôn ngữ riêng của nhóm. Khi cha Hưng dâng lễ ở nhà nguyện bên trên này thì ở dưới, nơi chính điện, có một linh mục giảng bằng tiêng Mễ, rồi có tiếng nhạc rộn ràng nên chúng tôi bị chia trí. Trong Thánh lễ của của nhóm người Việt Nam chúng tôi, vì bị chia trí nên chị Tâm Huệ phải cầu nguyện bằng tiếng lạ. Khi ấy, chị thấy chính là Chúa Giêsu mặc áo trắng đang dâng Thánh lễ cho chúng tôi, chứ không phải là cha Hưng nữa.
Ngay bên cạnh nhà thờ mới là Vương Cung Thánh Đường cũ, đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 16, ngay sau khi Đức Mẹ Guadalupe hiện ra. Vì đã được xây dựng từ hơn 400 năm nên nhà thờ này đang bị lún xuống. Người ta phải dùng dây cáp (thừng) bằng sắt lớn để cột chặt các cột đá lại, tránh khỏi bị sập đổ. Tại đây, người ta chầu Chúa Thánh Thể suốt 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Bên cạnh hai ngôi thánh đường này là tu viện của các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô. Quanh đó có thêm nhiều ngôi nhà nguyện khác. Có một nhà nguyện được xem là có ngôi mộ của thánh Juan Diego. Có một nhà nguyện khác có cái giếng nước, đây là một trong những chỗ mà Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với thánh Juan Diego. Bên ngoài các nhà nguyện là các bực thang trên mặt đất. Người ta đánh dấu bằng những đóa hoa bằng đồng, vì đó là những nơi mà Đức Mẹ Guadalupe ban hoa hồng cho thánh nhân.
Gần 500 năm trước, vùng này là đồi núi hoang vu, hẻo lánh, nhưng nay là nơi linh thiêng nhất tại Mexico. Hàng năm có từ 20, 30 chục triệu khách hành hương đến viếng thăm và tôn vinh Thiên Chúa và Mẹ Maria ở Vương Cung Thánh Đường Guadalupe. Có những khách hành hương qùy lết và đi bằng hai đầu gối từ bên ngoài vào nhà thờ.
Ngoài sân, người ta ca hát, nhảy múa, thổi kèn, và sử dụng đủ các nhạc khí để ca ngợi Mẹ Thiên Chúa. Có những người hành hương nấu ăn, ngủ, nghỉ ngay chung quanh các ngôi nhà nguyện. Họ là những người dân nghèo đi bộ hàng trăm cây số để đền tội và cầu nguyện xin ơn lành của Chúa và Đức Mẹ Guadalupe.
Chúng tôi leo lên những bậc thang để đến đỉnh núi. Dọc theo con đường có những cấp thang là nơi người ta buôn bán ảnh tượng, hàng ăn và chụp hình. Không khí bên ngoài rất vui vẻ, náo nhiệt và ồn ào.
Trên đỉnh núi có một nhà nguyện nhỏ, nơi mà thánh Juan Diego nghe lời Mẹ dậy bảo mà leo lên núi và tìm được hoa hồng ở đó, dù rằng khi ấy là mùa Đông giá rét và trước đấy không hề có loại hoa hồng nào trên núi hoang. Thánh Juan Diego đã hái hoa hồng về dâng lên vị Giám Mục địa phương. Người ta thinh lặng cầu nguyện để xin ơn lành của Mẹ Maria.
Hiện nay, trên đỉnh núi có một chiếc mỏ neo của chiếc tàu thủy được để lại ở đó. Sách báo kể rằng có một chiếc tàu bị gió bão và sóng lớn đánh vào, làm cho tàu sắp chìm. Trong lúc nguy hiểm, tất cả mọi người đã cầu nguyện với Đức Mẹ Guadalupe và được sống sót. Sau đó, họ đã đem chiếc mỏ neo cùng những gì còn sót lại của chiếc tàu thủy để gắn trên đỉnh núi, vì đó là cách họ tỏ lòng cảm tạ Mẹ Maria đã cứu sống họ và để làm chứng cho ơn lành của Mẹ ban.
Ngoài ra ở trong khuôn viên ấy còn có một dòng suối nhân tạo. Tại đây có một tượng Đức Mẹ Guadalupe rất lớn và có khoảng 17 tượng làm theo hình ảnh các thổ dân người Mễ da đỏ lũ lượt kéo đến viếng Mẹ và dâng quà lên Đức Mẹ Guadalupe. Đây là một cảnh tượng cảm động vô cùng. Chung quanh suối là những vường hoa rực rỡ, được chăm sóc cẩn thận. Các tiệm bán vật kỷ niệm ở rải rác khắp nơi.
Bên cửa trước của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe là một nơi mà người mua nến và đốt nến nghi ngút. Ngoài vòng rào là một khu buôn bán ảnh tượng rất tưng bừng và nhộn nhịp.
Con đường chính ở Vương Cung Thánh Đường có tên là Mysterio, có nghĩa là Mầu Nhiệm. Trên con đường này có 15 nơi được dựng lên để ghi dấu 15 mầu niệm của Kinh Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Đây là dấu chứng nói lên lòng sùng kính Đức Mẹ Guadalupe qua chuỗi Mân Côi của người dân địa phương.
Kim Hà 27/2/2003
|