LS # 18: Đôi Dép Thật Quan Trọng
§ Kim Hà Không hiểu tại sao tôi lại viết nhiều về đề tài đôi dép, nhưng nói cho cùng, những vật tầm thường như đôi dép, đôi guốc hay đôi giày thật là quan trọng đối với con người. Vì chúng che chở và bảo vệ cho đôi chân của chúng ta để khỏi đạp đnh nhọn, gai nhọn, miểng chai, hay đạp phân ở dọc đường.
Đôi dép tuy tầm thường nhưng đem lại an toàn cho chúng ta, cũng như chăn mền cho ta được ấm áp và an toàn. Tôi xin bắt đầu bằng lời của Thiên Chúa nói với ông Mô-sê:
1. “Hãy cởi dép ở chân ra vì đây là dất Thánh.”
Khi ông Mô-sê dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc đến núi của Thiên Chúa là núi Khô-rếp thì Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo:
“Minh phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được; vì sao bụi cây lại không cháy rụi?”
Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông:”Mô-sê! Mô-sê!”
Ông thưa: “Dạ, tôi đây!”
Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” (Xh 3:1-5)
2. Đôi dép đóng vai trò tối quan trọng đối với người dân tị nạn đường bộ:
Tôi xin kể về sự quan trọng của các đôi dép đối với những người tị nạn vượt biên đường bộ như gia đình chúng tôi và các bạn đồng cảnh ngộ vào các thời điểm của thập niên 80.
*Chuyện của gia đình tôi:
-Trong lần vượt biên vào cuối tháng 3 năm 1980 qua ngả biên giới Việt- Miên và Miên-Thái Lan, dù chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc vượt thoát này, thế mà khi đến biên giới Việt Miên thì những người dẫn đường bắt buộc chúng tôi phải đổi quần áo và dép da tốt của mình để thay bằng những bộ quần áo cũ và những đôi dép Nhật cũ để ngụy trang. Chính vì thế, gia đình chúng tôi khốn khổ vì nạn dép đứt dọc đường.(trích tác phẩm Qua Cơn Bão Dữ, trang 78).
-Sau đó, gia đình tôi đi đường bộ từ thành phố Battambang, Cambodia đến thành phồ Sisophon gần nơi biên giới. Chúng tôi ngồi trên các xe gắn máy thồ. Xe chay quá mau, lại có những kẽ hở ở sàn xe thồ nên hai đứa con mất mỗi đứa một chiếc dép. Vì thế, tôi và chồng tôi phải lục trong giỏ quần áo để lấy hai chiếc quần lót mà bó vào chân hai đứa con nhỏ vì sợ các cháu đi chân đất bị đạp gai. (Qua Cơn Bão Dữ, trang 155)
-Khi đi trốn trong rừng cây ở gần thành phố biên giới Sisophon thì con đường đi có đầy cây và bụi gai, chúng tôi đạp phải bụi gai nên đau đớn vô cùng. Hai cháu Trang và Ninh vì chân vướng cái quần lót buộc tạm thế cho chiếc giày đã mất nên đi rất chậm. Cuối cùng, hai vợ chồng chúng tôi đành nhường dép cho hai con, và chúng tôi đi chân trần, đạp cỏ gai đau điếng hồn, buốt nhức đến tận tim… (QCBD, trang 157)
-Ngày thứ 13 và 14 của lộ trình vượt biên, tức là ngày mùng 8 và 9 tháng 4 năm 1980, Chúa thương xót cho chúng tôi gặp một người phụ nữ Miên gốc Việt, sau khi đã bị người dẫn đường bỏ rơi hai lần. Chị ta đã dàn xếp, nhận tiền của chúng tôi để giúp cho gia đình chúng tôi đi vượt biên từ Sisophon đến biên giới Thái. Chị Tư này chuẩn bị cho gia đình tôi hai chai nước lạnh, loại chai Coca lớn. Chị gói cho tôi một con cá khô to bằng cỡ hai bàn tay và một nhúm gạo. Tôi đề nghị đưa cái áo T-shirt đẹp nhất của chồng tôi cho chị Tư để đổi lấy đôi dép Nhật của chị, vì qua bao nhiêu đoạn đường dài, đôi dép tôi đã sắp đứt quai. Còn hai con tôi lại mất dép. Chị Tư mừng quá, đưa cho chúng tôi ba đôi dép. Thế là gia đình tôi đã có dép để an tâm đi bộ tiếp. (QCBD, trang 173).
-Ở rừng biên giới Thái-Miên mà có dép thì là điều đáng mừng, còn mất dép là một đại họa. Bởi vì khi đi tiêu, tiểu có thể đạp phân ở khắp nơi. Cỏ gai trên rừng đầy khắp lối. Vì thế, có dép còn quý hơn có áo quần. (QCBD 332)
-Cứ mỗi lần chạy giặc là một lần bà con tị nạn mất dép. Tôi nhớ ngày 24 tháng 6 năm 1980, khi có tiếng sùng đạn nổi lên từng loạt, cả trại chúng tôi bỏ lều mà chạy thoát thân. Tất cả mọi người đều vội vàng nhảy xuống cái giao thông hào vốn là biên giời chia cách đất nước Cambodia và đất nước Thái Lan để bò lên bờ biên giới Thái Lan. Tại đó, chúng tôi vì quá sợ hãi và hoảng hốt nên làm rơi rớt dép rất nhiều. Tôi là một bà bầu gần đến ngày sinh mà cũng phải nhảy xuống hố giao thông hào và bò lên bờ bên kia dất Thái để mong sống sót với chồng con. (QCBD, trang 332.)
-Khi tình hình tạm ổn, chúng tôi phải trở lại biên giới Miên thì đã có một bọn người”thừa nước đục thả câu” thu lượm hết những đôi dép bị rơi của chúng tôi để sau này bán lại cho những ai còn tiền để mua, còn những ai nghèo vì bị cướp dọc gia đình thì đành phải đi chân đất suốt tháng, suốt năm. Bọn người xấu ấy còn ăn cắp hết những gì mà chúng tôi cất dấu trong lều. Do đó, mỗi lần có súng đạn giao tranh, hay có đạn pháo kích là có người bị thương, và có nhiều người mất “gia tài”, cho dù gia tài chỉ là những đôi dép tầm thường, những cái vỏ chai đựng nước, hay quần áo cũ kỹ mà thôi. (QCBD trang 332) .
-Ngày 17 tháng 7 năm 1980, khi tôi vừa sinh đứa con thứ năm ở trong rừng biên giới, thuộc trại tị nạn NW 9, thì sáng hôm ấy, Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế có lệnh phát quà gồm quần áo và giày dép cho người tị nạn. Đó là ngày có hai tin vui cho gia đình tôi: Sinh con an toàn và có thêm giày dép để đi.
* Chuyện của gia đình ông LBB, là những người tị nạn đường bộ đi vượt biên nằm 1982, sống ở trại NW82 trong rừng biên giới, gần trại NW 9 cũ của gia đình chúng tôi:
“…Tiêu chuẩn xà bông giặt thì cứ năm người được phát cho một bánh xà bông để xài cho một tháng. Còn quần áo và dép thì không được phát, ngoại trừ có lần một vị linh mục tên Tom đã quyên được của người Công Giáo ở ngoại quốc và phát cho mỗi đầu người tị nạn một bộ quần áo.
Đa số dân tị nạn bị cướp hết tiền nên không thể mua dép. Ai cũng đi lượm dép cũ rồi họ ghép hai ba chiếc dép lại, dùng dây kẽm gai buộc lại để đi tạm. Nhiều lúc vô ý đạp lên chân nhau là nạn nhân bị thuơng ở chân hay bị kẽm gai đâm vô chân làm cho trầy da, chảy máu.
Một sự kiện cười ra nước mắt là khi chúng tôi được chấp nhận đến Mỹ, chúng tôi vẫn hiên ngang mang những đôi dép cọc cạch có buộc kẽm gai ấy lên phi cơ để ngồi chung với các hành khách giầu có khác.
Hội HTTQT có phát mùng mn cho dân tị nạn nhưng rất nhiều người vẫn bị sốt rét rừng vì muỗi rừng nhiều vô số. Tội nghiệp cháu nhỏ của tôi cũng bị sốt rét này. Rất nhiều người chết vì bịnh ấy…” (Trích tác phẩm Vượt Biên Ðường Bộ Tìm Tự Do, chuong 2.)
3. Ý nghĩa của đôi dép trong đời sống của con người:
Chúng tôi xin được phẻp đãng bài thơ Đôi Dép, của tác giả Khuyết Danh, đăng trong Báo Việt Tide số 303, ngày 4-10 tháng 5, năm 2007:
-
“Bài thơ đầu anh viết tặng em, Là bài thơ anh kể về đôi dép. Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết, Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ, Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước, Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược.
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau, Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao.
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp, Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác, Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia.
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi. Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng, Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết, Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau, Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía. Dẫu bên cạnh đã có người thay thế, Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.
Đôi dép vô tri khắng khít song hành, Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối, Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội, Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời, Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái.
Nhưng tôi yêu em bởi những điều ngược lại. Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung. Hai mảnh đời thầm lặng bước song song. Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc.
Chỉ còn một là không còn gì hết, Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.”
Tóm lại, đôi dép đóng vai trò quan trọng trong các sinh hoạt của con người, nhưng mấy ai để ý đến? Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhắc nhở con người hãy cởi dép ra khi ở trên vùng đất Thánh. Trong lúc vượt biên, rồi trong cuộc sống thường nhật, đôi dép là sự an toàn và cần thiết.
Chúng tôi ước mơ, khi chúng ta đi trên con đường không chông gai thì ở bên bờ đại dương, những đồng bào nghèo đói và tàn tật của chúng ta cũng có những đôi dép để che chở và bảo vệ cho những bước chân trần, những bước chân chim non mà đã phãi đau khổ bì thiếu thốn những nhu cầu vệ sinh tối thiểu và cần thiết nhất.
Kim Hà, 6/5/07
|