XIV. Philatô, tính sợ dư luận
§ Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
Tờ mờ sáng hôm sau, Caipha ra lệnh dẫn Thầy đến Philatô, để Philatô lên án chết cho Thầy.
Philatô tinh ranh hỏi cung Thầy, hy vọng tìm được một lý do đích xác để kết án. Nhưng vì không tìm được, lương tâm Philatô cảm thấy kinh hoàng trước sự bất công mà ông sắp phạm phải. Cũng để trốn tránh trách nhiệm, Philatô truyền điệu Thầy đến cho Hêrôđê.
Philatô tiêu biểu cho hạng linh hồn lừng chừng, dật dờ giữa sự thúc đẩy của Ơn Thánh và những thúc đẩy của dục vọng, rồi cuối cùng để bị chế ngự bởi Dư luận và Tự ái thái quá của mình. Họ đang đứng trước một cơn cám dỗ hay một dịp hiểm nghèo chăng? Họ tự làm cho mình ra mù quáng, rồi lập luận để dần dần tự trấn an cho rằng không có gì xấu mà cũng chẳng có gì nguy hiểm cả, rằng họ có đủ khôn ngoan và sáng suốt để tự mình phê phán lấy, chẳng cần ai khuyên bảo gì cả. Họ sợ bị thiên hạ chê cười! Họ thiếu nghị lực để thắng mình, và một khi loại ơn thánh ra một bên, họ sẽ sa ngã hết dịp nầy đến dịp khác, để rồi nộp Thầy cho Hêrôđê chẳng khác gì Philatô.
Đối với một linh hồn tu trì, có lẽ không có cơ hội xúc phạm Thầy cách nặng nề. Nhưng để chống cự lại, nó phải chấp nhận một sự hạ mình, chịu đựng một trái ý. Nếu không theo hoạt động của ơn thánh, và không thẳng thắn tố giác cơn cám dỗ, linh hồn đó sẽ tự biện hộ cho rằng chẳng có lý do nào bắt phải xa lánh hoàn cảnh ấy, từ bỏ sự thỏa thích kia, và lập tức, nó sẽ sa vào một dịp nguy hiểm nặng nề hơn. Cũng như Philatô, nó sẽ quáng mắt, mất can đảm để hành động cách chính xác, và dần dần, - nếu không muốn nói là cách nhanh chóng -, nó sẽ nộp Thầy cho Hêrôđê.
Lm Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
|