MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ánh-sáng Đến Trong Thế-gian
Thứ Năm, Ngày 4 tháng 12-2008
Ánh-sáng đến trong thế-gian

(Ga. 1,9)  

 

Bắt đầu Phúc-âm thứ tư, thánh Gio-an Tông-đồ đã suy niệm về Mầu-nhiệm Nhập-thể; còn được gọi là Mầu-thiệm "Thiên Chúa làm người như chúng ta". Ngài ở giữa chúng ta.

Để triển khai và trình bày Mầu Nhiệm này, tác giảđã sử dụng ba hình tượng: Thứ nhất là Ánh-sáng. Thứ hai là Thế-gian. Thứ ba là Đến.

Hình tượng có nghĩa là một hình ảnh chất chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngoài ý nghĩa thông thường, bề mặt, chúng ta có thể dần dần khai mở nhiều ý nghĩa khác nằm ở chiều sâu, ở bên dưới.

Chẳng hạn khi chúng ta đi thăm viếng bảo tàng viện Le Louvre ở Paris, nhìn từ ngoài, chúng ta sẽ thấy được những ngôi nhà cổ kính và rộng rãi... Và khi đi vào bên trong, từ phòng này qua phòng khác, từ tầng dưới leo lên tầng trên, từ tòa nhà phía đông, qua tòa nhà phía tây... chúng ta sẽ ngỡ ngàng, ngơ ngác trước bao nhiêu kho tàng đang được xếp đặt, trưng bày ở trong đó.

Trong những lần đầu, khi đứng trước những kỳ công nghệ thuật như bức họa La Joconde, với nụ cười đầy bí nhiệm, chúng ta chưa rung cảm và thưởng thức được gì cả. Nhưng nếu có một người quen biết hướng dẫn, chỉ vẽ, giải thích, chúng ta cảm thấy hứng thú vì đã học hỏi, hiểu biết được rất nhiều điều về nếp sống, nghệ thuật, đạo đức của người Pháp, qua các thời đại khác nhau. Nhờ đó con người và cuộc đời chúng ta giầu có thêm lên.

Khi suy niệm Phúc-âm của Thánh Gio-an hay là những cuốn sách khác trong bộ Kinh Thánh Tân và Cựu-ước chúng ta cũng có thể khám phá được một kho tàng Đức-tin sâu thẳm và phong phú. Đối với kho tàng Đức Tin cũng như đối với bảo tàng viện Le Louvre, chúng ta cần có người hướng dẫn cho chúng ta. Trong địa hạt Đức-tin, người ấy không là ai khác ngoài Hội-thánh và những người "đồng cảm với Hội-thánh" có nghĩa là cùng thở Thần-khí như Hội-thánh. Cùng yêu thương như Hội-thánh và đang yêu thương vị hôn phu của mình là Đức Kitô.

Trong tinh thần ấy, tôi muốn khảo sát ba hình tượng trên đây.

1- Hình Tượng thế gian

   Thánh Gio-an đồng hóa thế gian với "bóng tối"(6).

    Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối

    Thế gian đã nhờ Ngài mà có

    Người đã đến nhà mình.

   Cũng trong hai câu này, thánh Gio-an ghi thêm:

    Thế gian không nhận biết Người

    Người nhà chẳng chịu đón nhận

Khi sắp xếp những yếu tố lại với nhau, chúng ta nhận thấy những điều sau đây:

Một: Thế gian được Thánh Gioan nói tới là tất cả những ai đang có mặt trên quả đất này.

Hai:  Tất cả mọi người đượcThiên Chúa tạo nên. Không có cánh tay Người tạo dựng, chúng ta chỉ là hư không, không là gì cả.

Ba: Không những chỉ tạo dựng mà thôi, Thiên Chúa tiếp tục dưỡng nuôi, thương yêu và dạy dỗ chúng ta. Mặt trời cần thiết  cho sự sống trên quả đất này thế nào, thì Tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần thiết cho sự sống còn của chúng ta như vậy. Một cây hoa không có ánh sáng mặt trời làm sao có thể sống, lớn lên và phát triển?

Bốn: Mỗi lần chúng ta không chấp nhận quan hệ yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, chính chúng ta biến mình thành tác giả và nguyên nhân tạo nên bóng tối cho đời mình.

Chính chúng ta quyết định đóng kín lòng, khép lại mọi cánh cửa, không cho phép Tình Yêu của Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn, nâng đỡ đùm bọc chúng ta. Tuy còn sống về mặt thể chất, chúng ta đã chết về mặt thánh đức và tâm linh.

Trong dụ ngôn về người Cha Nhân Hậu (7), quan hệ giữa Thiên Chúa với chúng ta được xác định là quan hệ máu mủ cha con. Trên bình diện nhân loại, cha yêu con thế nào, thì Thiên Chúa cũng yêu thương đùm bọc chúng ta như vậy. Còn hơn thế nữa, Ngài ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài (8). Nghĩa là chính Sự Sống và Tình Yêu của Ngài, để hai cha con cùng nhau chia sẻ một sự sống duy nhất.

Năm: vào cuối Phúc âm thứ tư thánh Gioan còn rõ ràng dứt khoát hơn nữa: Thế gian là những ai giết chết Thiên Chúa (9). Như người con đưa tay sát hại cha mình. Và khi tình cha con đã thoái hóa và suy đồi như vậy, thì tình huynh đệ anh em  cũng không còn. Thay vào đó là bạo động, hận thù, chiến tranh...hủy diệt.

Cơ hồ đứa con hoang đàng, phóng đãng đã bỏ nhà ra đi, chúng ta giết chết Thiên Chúa trong lòng mình. Và khi làm như vậy, chúng ta thuộc về thế gian. Chúng ta ở trong bóng tối. Chúng ta là thế gian. Là bóng tối. Chúng ta đã chết. Không còn sống cuộc sống của Thiên Chúa. Chúng ta phủ nhận mọi quan hệ giữa chúng ta với Ngài.

Trái lại, khi chúng ta đón nhận Ngài, tự khắc chúng ta ở trong Ánh-sáng. Chúng ta có quan hệ cha con với Ngài. Ánh-sáng soi chiếu cuộc đời chúng ta.

2- Hình tượng ánh sáng

Trên núi thánh Xi-na-y, Mai-sen không thể nào nhìn thẳng vào mặt của Thiên Chúa. Một con người phàm trần với bao nhiêu khuyết điểm và tồn tại, không thể nào chịu đựng được ánh sáng Thánh-đức chói chang phát xuất từ Ngài.

Vừa rồi đây vào ngày 11.8.1999, khi mặt trời đã hoàn toàn bị mặt trăng che lấp, chúng ta đã phải mang một loại kiếng đen đặc biệt, mới có thể nhìn lên và chịu đựng được một vài tia sáng còn lại của mặt trời.

Làm sao con người có thể nhìn thẳng mặt trời, nhất là khi mặt trời ấy là Đấng tạo dựng nên toàn thể vũ trụ, mặt trời, trăng sao?

Trong Cựu-ước cũng như Tân-ước, mỗi lần Thiên Chúa hiện hình với ai, tất cả mọi người có mặt đều kinh hoàng sụp lạy như tiên tri Esaia, ba Tông đồ Phê-rô, Gio-an, và Gia-cô-bê, khi họ được đem lên Núi Thánh.

Để có thể hiểu rõ phần nào tại sao thánh Gio-an đã gọi Thiên Chúa là Ánh-sáng, chúng ta hãy trở lại với Mai-sen. Chính vị này đã hỏi: Ngài tên Ngài là gì, chúng tôi phải gọi Ngài thế nà? Ngài đã trả lời: Ta là Ta.

Hẳn thực, con người không thể sử dụng một tên nào trong ngôn ngữ loài người để gọi Ngài. Không một danh hiệu nào trong trời đất có thể diễn tả trọn vẹn bản chất hay căn cước đích thực của Thiên Chúa. Ngài là tất cả cho chúng ta... Ngài là Cha. Là Mẹ. Khí thở, trời xanh. Là dòng suối. Là nước uống. Là của ăn. Là toàn thể vũ trụ.

Nói tóm lại, Ngài là tất cả những gì làm nên chúng ta trong quá khứ. Và Ngài vẫn là tất cả cho chúng ta trong tương lai, trong ngày tận cùng của cuộc sống làm người này. Ngài là khởi thủy và đồng thời cũng là chung cuộc, nghĩa là điểm hẹn cuối cùng. Để diễn tả một nội dung bao la và trọng đại như vậy, trong sách Khải-huyền, thánh Gio-an đã dùng chữ đầu và chữ cuối trong bản vần Hy-lạp: Thiên Chúa là Đấng Alpha và Omega.

Để diễn tả một phần nào "Thiên Chúa là ai, như thế nào, làm gì, làm cách nào..." Thánh Gio-an đi lại con đường của tiên tri là sử dụng hình tượng. Đây là những ngón tay chỉ cho chúng ta tìm thấy mặt trăng đang ở về phương hướng nào. Nhưng ngón tay ấy không thể đụng tới mặt trăng.

Chính trong tinh thần và lăng kính này, chúng ta đã suy niệm câu nói "Thiên Chúa là Ánh-sáng": Bởi vì Ngài là nguồn gốc ban sự sống cho chúng ta. Đồng thời Ngài là quê hương, là nhà, để chúng ta trở về, sau cuộc hành trình trên mọi nẻo đường của dương thế.

Ngoài "Ánh-sáng", thánh Gio-an còn thích dùng một hình tượng khác: "Thiên Chúa là Tinh Yêu". Ngài đã yêu thương, gọi mời chúng ta làm nghĩa tử của Ngài từ trước vô cùng, từ ngày trời đất chưa được tạo thành. Với tư cách là nghĩa tử, chúng ta có quyền gọi Ngài là Cha, và có quyền thừa hưởng gia tài là chính cuộc sống tràn đầy yêu

thươngvà hạnh phúc của Ngài. Cũng trong chiều hướng và ý nghĩa này, theo ngôn ngữ và giáo lý của thánh Phao-lô, Thiên Chúa là gia nghiệp cho những ai mở mắt nhận biết và đón tiếp Hồng phúc và Ơn sủng của Ngài.

3- Hình tượng đến

Hình tượng thứ ba trong câu nói của Thánh Gio-an là Đến.

Theo sách Sáng-thế, Thiên Chúa đã đến thăm viếng nhiều lần hai vị tổ phụ của chúng ta là ông Adong và bà Evà, trước khi họ phạm tội ăn trái cấm.

Ngài đến ở giữa dân của Ngài là Israel, sau khi giải phóng họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Ngài đã hiện hình, dạy dỗ các tiên tri và sai họ đại diện Ngài, đến với dân Ngài, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Lần cuối cùng, khi thời gian đến thời kỳ viên mãn, chính Con Ngài là Ngôi Lời đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria.

Trong ba mươi năm, Thiên Chúa đã "làm người" hoàn toàn như chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta.

Chỗ nào Ngài đi qua, chỗ ấy người nghèo được chúc phúc, người mù được sáng mắt, người chết sống lại... Để lãnh nhận bao nhiêu hồng phúc phát xuất từ Thiên Chúa, Đức Kitô chỉ đặt một câu hỏi: Con có tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa không? Thầy đây là Tình Yêu của Thiên Chúa, bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt con.

Người mù đã đáp lại "con tin", tức thì người mù đã sáng mắt.

Người bại liệt đã đáp lại "con tin". Nhờ đó ông ta có khả năng đứng dậy, vác lấy chiếc giường, trên đó mình đã nằm, và lên đường về nhà.

Trước khi làm cho La-da-rô sống lại, Đức Kitô cũng đã hỏi hai chị em Mat-ta và Maria có tin hay không. Sau khi họ tuyên xưng Đức Tin, Ngài đã gọi La-da-rô ra khỏi mồ, mặc dù ông đã được an táng trong vòng ba ngày và bắt đầu toát mùi tử khí.

Để mở đường cho Ngôi Lời, Con Thiên Chúa đến thế gian, như Ánh Sáng chiếu soi bóng tối, Mẹ Maria đã tin vào Tình-yêu của Thiên Chúa. Và nhờ Đức-tin của Mẹ, Thiên Chúa đã làm người với máu huyết của Mẹ.

Nếu chúng ta có Đức-tin vào Thiên Chúa Tình Thương, giống như Mẹ Maria, chúng ta cũng sẽ có khả năng đem "Ánh Sáng đến thế gian", biến trời đất còn đầy chết chóc và hận thù, thành Trời Mới Đất Mới. Biến con người còn tràn đầy bóng tối vì tội lỗi "giết Cha" thành "tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa".

Tin vào Thiên Chúa là can đảm, sẵn sàng thưa với Ngài "xin vâng" giống như Mẹ Maria. Ma-ra-na-tan! Con sẵn sàng. Ngài có thể đến. Xin Ngài hãy đến!

(Trích  Trong Đức Ki Tô “của GS Nguyễn văn Thành)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật 2b: Hãy Dọn Đường Chúa Cho Ngay Thẳng (12/6/2008)
Mạnh Vì Gạo Lức: Gạo Lức Giúp Thân Thể Khoẻ Mạnh (12/6/2008)
Những Bài Media Suy Niệm/thánh Ca Để Cùng Nhau Cầu Nguyện (12/6/2008)
Hình Chân Dung Và Hiệu Tòa Của Đức Giám Mục Phụ Tá Tgp Hà Nội (12/5/2008)
Tường Thuật Thánh Lễ Phong Chức Tân Giám Mục (12/5/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền (12/4/2008)
Am I Welcome At Your House? (12/4/2008)
Cây Đa Tử Đạo (12/4/2008)
Đêm Văn Nghệ Diễn Nguyện Mừng Đức Tân Giám Mục Phụ Tá Hà Nội (12/4/2008)
Có Thêm Những Vụ Sát Hại Người Kitô Giáo Tại Orissa (ấn) Trước Lễ Giáng Sinh (12/4/2008)
Tin/Bài khác
Ls 1: Một Câu Chuyện Vựơt Biển. (12/9/2008)
Phanxicô Xavier, Vị Tông Đồ Miền Đông Á (12/3/2008)
Cuộc Đời Và Tiếng Gọi: Lễ Thánh Phanxicô Xaviê (12/3/2008)
Kỷ Niệm 154 Năm Công Bố Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (12/3/2008)
Về Phiên Toà Xét Xử Người Công Chính (12/3/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768