LS # 17: Gia Đình Bị Chết Hai Người Trong Cuộc Vượt Thoát Đau Thương
§ Kim Hà
Lời Nói Đầu: Đây là câu chuyện thật rất thương tâm đã xẩy ra cho đại gia đình của chị Thanh Hương. Chị kể ra để xin quý vị vì lòng thương xót mà cầu nguyện cho em của chị là anh Phêrô Nguyễn Ngọc Hà vì thương người mà chết đuối, và cho cháu của chị vì đói xỉu mà bị các người cùng vượt biên luộc lên để ăn thịt. Xin Chúa thương xót mà cho hai linh hồn này được nghỉ yên trong Chúa.
“Khi tôi đi vượt biên và đến được Thái Lan thì tôi thấy lính Thái đối xử quá tàn tệ đối với người dân tị nạn Việt Nam. Họ đánh đập các thanh niên tị nạn bằng báng súng đến chẩy máu. Họ đàn áp dân tị nạn cách tàn nhẫn, vô nhân đạo.
Thêm vào đó, vào năm 1981, chính phủ Thái ra lệnh đóng cửa các nơi tiếp nhận người tị nạn. Hễ thấy tầu ghe của dân tị nạn đến thì họ ra lệnh cho kéo ra ngoài biển, rồi mặc cho sóng gió, bão bùng cuốn trôi ghe thuyền đi đâu cũng mặc. Dù cho ai chết thì chết. Vì thế, tôi mới viết thư về nhà và yêu cầu mẹ tôi đừng cho hai em trai của tôi là Hà và Hồng đi vượt biên nữa. Tôi hứa rằng chúng tôi sẽ gửi tiền về nuôi các em của tôi, nếu họ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đại gia đình tôi ở Việt Nam không tin vào lời dặn dò của tôi. Họ nói với nhau:
”Chị Hương thật là ác. Đi được sung sướng rồi mà cấm cản người khác, không cho đi như mình.”
Sau đó, em trai tôi là Nguyễn Ngọc Hà và 4 đứa cháu đi vượt biên bằng tàu ghe. Tàu này là do một người chú họ của chúng tôi làm chủ. Ngoài em trai tôi còn có 4 đứa cháu là: Phong, 15 tuổi, là con của chị tôi và ba người con của em gái tôi (ba chị em ruột) gồm có cháu Châu 15 tuổi, là con gái, cùng cháu Tuấn,12 tuổi và cháu Đôn,10 tuổi.
Tầu mới đi có 7 ngày thì hư máy, nên mặc cho sóng nước xô đẩy đi đến đâu thì đi. Tàu lênh đênh vô vọng như vậy trong suốt 50, 60 ngày. Lúc này thì người ta quá sức đói và khát. Tàu có 61 người mà đã có hơn 20 người bị chết vì đói, khát. Một số người chết thì bị những người bạn đồng hành ăn thịt cho đỡ cơn đói.
Lúc ấy, trên tàu có một em trai cỡ 14 tuổi trốn vào tàu để đi theo mà không trả lệ phí vàng cho chủ tàu. Người ta gọi những người đi ké này là những kẻ “canh me”. Em trai này vì đói khát đã lâu nên khi mưa xuống, em mừng rỡ hứng nước mưa để uống. Bất ngờ, em hụt hẫng, mất thăng bằng mà té xuống biển. Em trai tôi thấy vậy liền nhẩy xuống biển để mong cứu lấy đứa trẻ.
Trong khi ấy, cháu Châu kêu khóc xin người ta cứu hai người rớt xuống biển và đang sắp chìm, nhưng không ai có lòng từ tâm để vứt cái phao cứu người chết đuối. Lúc đó, ai cũng trở nên ích kỷ, chẳng còn muốn cứu giúp người bị nguy hiểm.
Cháu Châu kể lại rằng cháu thấy đầu của cậu và em kia nhỏ dần dần nhỏ như hai trái chanh mà thôi. Em trai tôi chết vì thương người khác. Em chết vào ngày lễ các Thánh, ngày 1 tháng 11. Chính vì em tôi chết đuối nên không ai bênh vực 4 đứa cháu mồ côi. Cho dù chú tôi là chủ tàu nhưng ông không can thiệp và bảo vệ lũ cháu của ông. Vì thế, cháu Tuấn của tôi bị chết cách oan uổng.
Mười lăm ngày sau khi em tôi chết thì cháu trai 12 tuổi của tôi là Tuấn, là em ruột của cháu Châu, vì đói quá nên bị ngất xỉu. Một nhóm người trong tâu cũng vì đói nên họ bỏ cháu Tuấn vào nồi và luộc lên để ăn thịt. Cháu Châu sợ hãi quá nên vừa lạy, vừa khóc để van xin người ta đừng giết em của cháu. Đứa bé chưa chết mà chỉ bị xỉu thôi, nhưng lòng họ chai đá, họ vẫn điềm nhiên ăn thịt cháu của tôi.
Như đã nói ở trên, bọn người này đã ăn thịt một số người bị chết hay bị xỉu. Cháu Tuấn của tôi là người cuối cùng mà họ đang tâm ăn thịt. Trên tàu có một bà là phu nhân của một vị Thiếu Tá. Hai con của bà cũng chết vì đói khát nên chính tay bà phải ném xác hai con xuống lòng biển, như vậy còn hơn để người cùng tàu ăn thịt con của bà.
Sau khi cháu Tuấn bị ăn thịt rồi thì người ta xúm nhau lại khẩn cầu với cháu vì cháu là người hiền lành, thật thà. Người ta kể lại chuyện liên quan đến cháu: Môt ông trong tàu bị mất chiếc nhẫn vàng mà tìm không ra. Ông ta nghi ngờ người khác ăn cắp. Cỡ một tuần sau, tình cờ, cháu Tuấn tìm thấy chiếc nhẫn vàng rớt giữa cái khe của tàu. Cháu thật thà trả lại người chủ chứ không tham lam cất giữ.
Vì biết là cháu tốt lành nên các bà phụ nữ đua nhau cầu khẩn để xin cháu sống khôn, thác thiêng cầu bầu cho cả đoàn người trong tầu được đến bến bờ bình an.
Kết quả thật là nhanh chóng: Trong suốt 50, 60 chục ngày lênh đênh như vậy, đã có hàng chục chiếc tàu đi qua, đi lại nhưng họ không chịu vớt. Vậy mà sau khi Tuấn chết cỡ 10 phút thì chiếc tàu này tình cờ trôi đến một giàn khoan của Mỹ.
Đoàn người Mỹ này đến gần, họ thấy người tị nạn trên tàu thật đáng sợ: mắt ai cũng đỏ, tóc thì dựng đứng lên, thân thể còm cõi. Vì thế, họ không dám đến gần. Cũng may, nhờ bà vợ ông Thiếu Tá có hai con bị chết, biết tiếng Anh để giải thích mọi sự. Cuối cùng, người Mỹ đồng ý cho tất cả người tị nạn lên tàu của họ. Họ bồng từng người lên tàu, cho uống nước và cho ăn chất lỏng từ từ, rồi sau đó mới cho ăn chất đặc.
Khi người Mỹ xét chiếc tàu thì mới biết là ông chủ tàu vốn là chú họ tôi, đã tích trữ đầy đủ đồ ăn, nhưng không chia cho ai cả. Vì thế người ta mới bị chết đói. Biết vậy, các người tị nạn xúm lại đánh cho ông ta một trận đòn thừa sống, thiếu chết.
Còn những ai đã ăn thịt người thì nhân viên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc không cho phép được đi phỏng vấn, không cho đi định cư ở nước thứ ba.
Trên đây là một trong những thảm cảnh bi thương mà người tị nạn phải gánh chịu để đổi lấy hai chữ tự do. Tuy nhiên, đại gia đình tôi đã trả giá quá đắt bằng hai sinh mạng của em và cháu tôi.”
Suy Niệm:
Xin Chúa ban cho các linh hồn người tị nạn được hưởng phúc bình an, được giải thoát và nghỉ yên trong Nước Trời.
Xin Chúa tha thứ cho những kẻ vô tình và ích kỷ:
-Thấy người chết mà không cứu,
-Thấy người đói khát mà không cho ăn, chỉ giữ đồ ăn cho riêng mình.
-Thấy trẻ mồ côi bị nguy hiểm mà không tranh đấu để cứu thoát.
-Thấy thân nhân bị chết mà không mảy may xúc động mà ra tay bảo vệ. Amen.
Kim Hà 10/5/06
|