LS 9: Người Tị Nạn Vn Ở Phi Luật Tân 17 Năm (1)
§ Kim Hà
LNĐ: Cô Nguyễn Thị Bích Thủy đến California vào cuối năm 2005, sau khi đã sống trong trại tị nạn ở Phi Luật Tân suốt 17 năm trường.
Sau khi được đọc tác phẩm "Những Chặng Đường Gian Khổ" do Nhà Xuất Bản Giờ Của Mẹ ấn hành, cô Thủy đã gọi đến chúng tôi và muốn được chia sẻ cảm nghiệm của mình để cảm tạ Chúa và Đức Mẹ Maria vì hồng ân lớn lao mà cô được nhận lãnh.
Cô tâm sự rằng: trước đây, vì sinh trưởng trong một gia đình đông con mà cha là quân nhân, mẹ là thợ may, có 9 người con, cô lại là con gái lớn nhất, nên cô không được học cao. Vậy mà giờ đây, nhờ ơn Chúa giúp, cô đã có bằng Thẩm Mỹ (làm tóc), đang đi làm và đồng thời học đại học toàn thời gian. Ngoài ra, cô còn sinh hoạt trong phong trào Đồng Hành.
Sau đây là lời của cô Thủy:
"Kể từ năm 1985 trở đi, tôi cố gắng đi vượt biên nhiều lần nhưng không thành công. Cuối cùng, sau bao nhiêu gian khổ, tôi mới đến Phi Luật Tân vào năm 1989. Trong lúc ấy, người ta bắt đầu ép người tị nạn Việt Nam phải trở về quê nhà. Người ta cho rẳng người Việt Nam đi tị nạn vì lý do kinh tế chứ không phải là tị nạn chính trị.
Có nhiều người tị nạn Việt Nam phản đối chính sách Cưỡng Bách Hồi Hương bằng cách tự tử. Có những người khi được phỏng vấn thì bị rớt cuộc thanh lọc. Một số bị gửi trả về Việt Nam. Một số khác thì chọn ở lại trại Palawan thay vì trở về Việt Nam.
Tôi chọn ở lại Phi Luật Tân trong sự chờ đợi vô vọng. Suốt 17 năm dài dằng dặc, cùng với trên 10 ngàn người không may mắn, tôi tích cực sinh hoạt trong các nhóm ca đoàn, Legio Maria, thăm các trẻ mồ côi, tham gia các sinh hoạt xã hội nên có thể sống còn trong thời gian dài ấy… Tôi làm nghề cắt tóc và uốn tóc, hay đi bán đồ kỷ niệm để sinh sống.
Kết quả định cư là nhờ sự tranh đấu của các hội đoàn người Việt Nam ở Hải Ngoại:
Lúc đó, có rất nhiều hội đoàn người Việt Nam trên thế giới, nhất là tại Mỹ, đã tranh đấu tích cực cho chúng tôi là những người tị nạn Việt Nam kém may mắn. Nhờ sự tranh đấu kiên trì ấy mà chính quyền các nước đã chấp nhận cho người tị nạn chúng tôi được cư ngụ tại quốc gia của họ. Lúc ấy người ta gọi chúng tôi là những người không tổ quốc.
Cuối năm 2005, nhờ sự can thiệp của các hội đoàn người Việt Nam ở các nước mà có 1600 người Việt Nam được đến định cư ở Hoa Kỳ. Còn khoảng mấy trăm người tị nạn Việt Nam khác vì đã lập gia đình với người dân Phi nên họ phải ở lại Phi Luật Tân. Sắp sửa có những đợt người Việt Nam tị nạn được định cư ở Canada và Na Uy vào năm 2008.
Những cái chết đau đớn của người tị nạn:
Trong thời gian dài ở tại trại Palawan, Phi Luật Tân, tôi đã chứng kiến nhiều biến cố vui buồn và những cái chết tức tưởi của đồng bào. Người ta chết vì tự tử, tự thiêu để phản đối chính sách cuỡng bách hồi hương. Người ta chết vì tuyệt vọng, vì mắc bịnh tâm thần. Sau đây là một vài trường hợp điển hình :
- Một họa sĩ luôn chụp hình và vẽ tranh cho nhà thờ. Khi rảnh rỗi, ông ta vẽ những hình rất sống động về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ông buồn đời nên thường uống rượu. Ông ở một mình trong cái chòi tranh trên bờ biển. Rồi ông chết trong buồn thảm, trước ngày một số người tị nạn được định cư tại Hoa Kỳ.
- Một thanh niên trong lúc biểu tình chống lệnh cưỡng bách hồi hương thì bị bịnh. Anh ta được gửi đến điều trị tại một bịnh viện do lính Phi Luật Tân coi sóc. Người ta truyền nước biển cho anh nhưng khi nước biển hết mà họ không tháo kim chích ra và anh ta đã chết.
Những kỷ niệm khó quên trong thời gian tị nạn ở Phi Luật Tân:
- Nấu bánh chưng: Khi Tết đến thì chúng tôi xúm nhau lại thức khuya để gói và nấu bánh chưng. Dù ở góc trời nào, chúng tôi cũng nhớ đến những món ăn truyền thống của quê hương.
- Thay phiên nhau biểu tỉnh chống cưỡng bách hồi hương: Dù trời nắng chang chang, dù trời mưa tầm tã, dù sương gió lạnh buốt, chúng tôi vẫn thay nhau ngồi biểu tình suốt ngày đêm. Chúng tôi tuyệt thực để phản đối chính sách bắt ép người tị nhạn trở về Việt Nam.
- Chúng tôi rất hân hoan, vui sướng mỗi khi có những phái đoàn từ các nước tự do đến thăm viếng và tìm hiểu. Lòng hân hoan, cảm động vì biểt rằng đồng bào của mình luôn thương yêu và hướng về người tị nạn, đến với mình với tấm lòng tha thiết.
- Gặp gỡ trong thương yêu: Có một lần, ca nhạc sĩ Việt Dũng (California) và phái đoàn đã đến thăm chúng tôi để tìm hiểu đời sống của người tị nạn trong trại ở Phi Luật Tân. Lúc ấy, trại của chúng tôi nằm ngay ở bờ biển mà chung quanh chỉ toàn là biển. Mọi người trong trại hẹn nhau là vào ban đêm, khi nước thủy triều rút xuống thì đồng bào trong trại sẽ lén lút cùng đi bộ ra một cái mô trên đất biển để gặp gỡ và trạo đổi tâm tinh với phái đoàn đến thăm viếng. Khoảng cách từ trại đến điểm hẹn là khoảng 2 dặm Anh. Phút gặp gỡ cảm động đến nỗi chúng tôi đều khóc lóc.
- Trong thời kỳ bị cưỡng bách hồi hương, người ta đóng dấu vào tay của hơn 80 người để trở về Việt Nam. May nhờ có Giáo Hội Phi Luật Tân can thiệp và đấu tranh nên số người ấy không bị trả về Việt Nam. Lần ấy, người tị nạn rất hoảng sợ. Có nhiều người phải trốn ra nhà của thường dân Phi Luật Tân để trốn tránh sự bắt bớ của những người lính Phi.
- Một kỷ niệm đáng nhớ: Năm 1995, có đại hội giới trẻ diễn ra ở Phi Luật Tân. Thời ấy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến nói chuyện với đại hội. Trong trại chúng tôi có 65 người được một vị linh mục Việt Nam chọn để đi dự (chui) đại hội giới trẻ. Vị linh mục Việt Nam và một nữ tu người Phi Luật Tân dàn xếp khéo léo để có hai tài xế đến đón 65 người trẻ tị nạn lên tàu thủy để đi dự đại hội.
Tôi nhớ đêm ấy trăng tròn vành vạnh và đẹp vô cùng, đoàn chúng tôi lặng lẽ xé lẻ để trốn trong các bụi cây rồi chờ được xe đến đưa lên tầu thủy. Cuộc hành trình được dàn dựng trong khoảng thời gian từ 12 giờ khuya đến 4 giờ sáng. Rủi thay, không ngờ, vào lúc 5 giờ sáng thì một vị tướng của Phi Luật Tân ra lệnh bắt chúng tôi rồi tống giam vào một nhà giam có tên là Monkey’s House, tức là chuồng khỉ. Ở đó, mọi người đều khốn khổ. Sau đó, vị linh mục Việt Nam và vị nữ tu người Phi bị cảnh cáo nặng nề.
Cảm tạ Chúa về những hồng ân của Ngài :
+ Suốt thời gian chờ đợi lâu dài ấy, đức tin tôi được củng cố cách mạnh mẽ vì tôi đã tham gia các nhóm sinh hoạt để học hỏi Lời Chúa và học gương sống đạo can trường của các vị thánh. Hằng ngày, tôi luôn quỳ xuống mà cầu nguyện để xin Chúa và Đức Mẹ Maria cứu giúp cho chúng tôi sớm được đi định cư.
+ Cho dù sống trong gian khổ, nhưng đức tin chúng tôi luôn sống động và phát triển. Chúng tôi cảm nhận ra hồng ân của Chúa trong từng việc lớn nhỏ. Chúng tôi học hỏi gương sống đạo từ các linh mục, từ đời sống của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, từ tác phẩm Đường Hy Vọng và Con Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
+ Tôi luôn tri ân các linh mục và tu sĩ nam nữ Công Giáo người Việt Nam và ngoại quốc, điển hình là LM Nguyễn Trọng Tước và Lm Crawford , dòng Vinh Sơn. Các ngài là hình ảnh đẹp đẽ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Xin Chúa chúc lành cho các ngài!
+ Tôi nghĩ rằng sự việc những người tị nạn Việt Nam kém may mắn như chúng tôi mà đến được Mỹ là cả một nhiệm mầu lớn lao mà Chúa đoái thương ban cho. Chúng tôi vững tin vào Lòng Thương Xót Chúa và tình yêu vô vụ lợi của đồng bào Việt Nam tại Hải Ngoại. Trong thời gian ở trại, chúng tôi đọc tác phẩm "Lạy Chúa, Tại Sao Ngài Im Lặng " và thắc mắc hỏi Chúa câu ấy. Sau khi được đến Mỹ thì chúng tôi thấy Ngài qủa thật đã không im lặng.
Giờ đây, khi đến được Đất Hứa là Mỹ Quốc, tôi thấy cuộc chiến đấu còn gay go hơn thời gian chờ đợi ở trại tị nạn đến cả trăm ngàn lần. Vì đó là cuộc chiến của vật chất, của sa mạc cao cấp, có nhiều cảm dỗ và quyến rũ.
"Lạy Chúa, con xin muôn đời cảm tạ Chúa vì hồng ân được đến Đất Hứa. Con xin Chúa trả công bội hậu cho những ân nhân của chúng con, những người hằng tranh đấu cho nhân phẩm và tự do của nhân loại. Amen. "
Kim Hà, 26/3/2008
|