VietCatholic News (Thứ Sáu 21/11/2008)
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (2)
(Để góp phần vào các suy tư trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn chúng tôi xin giới thiệu một cách khách quan sau đây những khám phá mang tính cách nghiên cứu khoa học liên quan đến giao điểm mong manh giữa sự sống và cái chết của con người. Và mặc dù những trình bày sau đây không trực tiếp thuộc lãnh vực đức tin tôn giáo về sự chết, nhưng hy vọng có thể gợi lên cho đức tin một tia sáng nào đó về chủ đề được bàn tới.)
III. Những trải nghiệm của những người sau khi chết đã được hồi sinh
Một sự kiện cụ thể và hiển nhiên, không thể chối cãi được, đã thường xảy ra, đó là có nhiều người sau khi chết trong một khoảng thời gian nào đó, bỗng chốc lại tỉnh dậy và tiếp tục sống. Hiện tượng này, như chúng tôi đã nói trên, trong tiếng Anh người ta gọi là «Near Death», còn trong tiếng Đức là «Nahtod», nghĩa là gần như chết hay tương tự như chết; và chúng ta có thể gọi là «chết giả». Đó là những trường hợp cụ thể đã thỉnh thoảng xảy ra tại một số các bệnh viện trên khắp thế giới: Số là có bệnh nhân sau khi được bác sĩ khám nghiệm và chứng nhận là đã chết, nghĩa là tim đã ngừng đập, hệ thống não bộ đã ngừng hoạt động, nhưng sau khi được chuyển xuống phòng xác có máy lạnh được ít lâu, thì tự nhiên hồi sinh tỉnh lại và trở về tiếp tục sống với gia đình.
Đó cũng là trường hợp đã xảy ra trong giáo xứ quê tôi ở Bắc Việt, tuy cách đây đã khá lâu nhưng một số đông những người chứng kiến sự kiện hiện nay hãy còn sống. Số là có một ông nọ (xin được phép không nêu danh) - mà bà vợ ông ta vốn là bạn thân của bà cụ tôi, hiện bà còn sống – sau khi chẳng may bị lâm vào một cơn bạo bệnh và phải qua đời. Và sau khi được tin ông qua đời thì tối hôm đó tất cả bà con trong giáo xứ đã cùng tập trung về gia đình ông để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông. Trong lúc đông đảo bà con có mặt tối hôm đó, kẻ ngồi trong nhà, người đứng trên thềm nhà hay ngoài sân, đang đọc kinh thì ông bố vợ của người vừa qua đời cầm một sợi dây đi lại phía cuối giường người chết đang nằm - mặt được đắp một vuông vải trắng và trong tay cầm tượng Thánh Giá - và buộc hai ngón chân cái của người chết lại với nhau như thói quen, để tránh cho hai bàn chân khỏi chạng ra và khi nhập quan sẽ gặp khó khăn. Nhưng khi ông bố vợ người chết đang buộc hai ngón chân cái như thế thì bỗng chốc xác chết ngồi chồm dậy và lấy tượng Thánh Giá mà ông đang cầm trong tay đập mạnh vào đầu ông bố vợ. Sau đó xác chết lại nằm xuống và chết luôn. Dĩ nhiên trước sự kiện đột nhiên và bất bình thường như thế, tất cả mọi người có mặt trong tối hôm đó đều vô cùng hoảng sợ và chen lấn nhau, ai nấy lo chạy mau về nhà mình, vì họ cứ cho là ma hiện về.
Nhưng trên thực tế, đứng về phía khoa học thì đó là trường hợp «Near Death», hay «Nahtod», tức trường hợp đã chết, nhưng chưa chết thật, chỉ mới «chết giả» mà thôi. Trong những trường hợp chết hay «chết giả» như thế, có nhiều người sau khi hồi sinh lại tiếp tục sống bình thường một thời gian lâu nữa, chứ không như trường hợp ông láng giềng ở quê tôi là sau khi tỉnh lại và hành động như trên, ông lại nằm xuống và chết vĩnh viễn.
Và tất nhiên, những người sau khi chết và lại được hồi sinh đều đã trải qua những kinh nghiệm trong thời gian họ «chết» và đã tường trình lại những trải nghiệm đó. Sau đây chúng tôi chỉ trích dẫn một vài trải nghiệm đó.
1) Có cảm giác là mình chết
Nhiều người trong số những người được hồi sinh lại sau khi đã chết, cho hay rằng, họ vẫn hoàn toàn tỉnh táo và biết rõ mình đã chết thật. Họ rời bỏ thể xác của họ và đối diện với một chiều kích mới lạ khác, hoàn toàn không lệ thuộc phạm trù thời gian và không gian. Họ cảm thấy mình vô cùng nhẹ nhàng, chứ không còn bị ràng buộc với một thân xác nặng chĩu nữa. Họ có thể di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác một cách hết sức nhanh nhẹn, tựa như tốc độ ánh sáng vậy. Theo lời những người ấy kể lại, thì họ biết mình là một phần của một vũ trụ vĩ đại duy nhất. Cảm giác về thời gian hầu như bị biến mất. Và nhiều người nhận ra là mình thực sự đã chết, đã từ bỏ thế giới vật chất.
Một người đàn bà đã kể lại: «Trong lúc bấy giờ tôi không còn là vợ của chồng tôi; tôi không còn là mẹ của các con tôi; tôi không còn là con của cha mẹ tôi nữa; tôi hoàn toàn và trọn vẹn là chính tôi.»(1) Trong lúc ra khỏi xác như thế, người ta cảm thấy vô cùng khó khăn, đau đớn và sợ hãi. Nhiều người lại quan sát được tình trạng của mình vào lúc chết một cách cụ thể: «Tôi không thể tin được là đời tôi lại phải kết thúc ở đây và bây giờ… Tôi không nghĩ rằng là có lúc tôi sẽ bị chết đuối và tôi cũng không nghĩ rằng tôi có thể chết khi còn quá trẻ như thế…» - «…Thời gian xem ra như ngừng hiện hữu. Điều đầu tiên mà tôi ghi nhận được một cách hết sức rõ ràng là tôi đã chết. Và từ trên cao tôi nhìn xuống xác tôi, tuy nhiên tôi không chút kinh ngạc khi biết mình đã chết, và điều đó không làm tôi phải bực mình khó chịu.»(2)
2) Được bình an và không còn phải đau đớn nữa
Vào lúc bấy giờ những người trong cuộc cảm thấy mọi mệt nhọc và đau đớn thể xác hoàn toàn biến mất. Cả những người mù lòa, què quặt hay mất mát các phần thân thể, cũng cảm thấy mình khoẻ mạnh, lành lặn và đầy đủ tất cả các tứ chi. Chúng ta biết rằng sự đau đớn là một hiện tưởng chỉ có liên quan tới thể xác sinh học mà thôi, chứ không có chút liên quan gì đến cuộc sống sau cái chết. Và sự đau đớn chỉ hết, chỉ chấm dứt khi người ta ra khỏi thể xác mình. Trong cuộc sống sau khi chết sẽ không đau đớn nữa.
Có một người chẳng may gặp phải tan nạn giao thông và bị thương nặng. Ông ta bị hôn mê trong 12 năm trời. Khi ông ta được đưa ra khỏi xác thì thấy mình ông bay lượn trên một ánh sáng trắng tuyệt đẹp. Sau khi hồi sinh, người đó kể lại: «Tôi không còn đau đớn gì nữa cả và tôi cũng không muốn trở lại trong thể xác mình nữa.»(3) Một người đàn bà khác từng đã chết và sau đó lại được hồi sinh đã tường thuật: «Sự tác động sâu sắc và cụ thể nhất đối với tôi là ngay trước khi chết tôi không còn chút sợ hãi nữa… Trước đó tôi vô cùng sợ chết. Nơi tôi, những cơn đau đớn, những cơn đau đớn khủng khiếp đã dẫn tới phản ứng là tôi cảm thấy mình như bước vào trong hoả ngục vậy. Những cơn đau đớn mà tôi chịu đựng một vài giờ trước khi tôi có được những trải nghiệm về sự chết đã nói lên một cách rõ rệt cảm tưởng đó… Thế nhưng từ khi tôi trải qua những cảm nghiệm về sự chết, tôi không còn chút sợ hãi nào trước cái chết nữa. Tôi biết rõ là tôi đã ở đó, một nơi tôi phải tìm kiếm…»(4).
Thêm một người đàn bà khác lại chứnng nhận như sau: «Bây giờ tôi không còn sợ chết nữa. Do những trải nghiệm của chính cá nhân tôi, tôi có thể khẳng định với quý vị rằng sự đau đớn sẽ chấm dứt, cả khi nó trở nên tồi tệ, khi quý vị thấy mình ở bên ngoài thể xác của mình trong một chiều kích hoàn toàn khác hẳn, sống động hơn nhiều và không còn chút đau đớn nào nữa.»(5)
3) Sự trải nghiệm ở bên ngoài thể xác
Hiện tượng người hấp hối bỗng chốc thấy mình không còn trong thể xác nữa và từ trên cao nhìn ngắm chính thể xác mình, có thể được coi như là yếu tố chính yếu của trải nghiệm về sự chết. Nhiều nhà khoa học đã thắc mắc là làm sao ý thức con người lại có thể hiện hữu độc lập với bộ não? Cảm nghiệm thấy mình ở ngoài thể xác như những người trong cuộc thường tường trình lại, đã nói lên biên giới bao la rộng lớn của ý thức con người. Tất cả mọi giới hạn của thể xác hoàn toàn bị xoá bỏ và con người cảm thấy mình sống ngoài thể xác. Người ấy nhận chân được một cách rõ ràng những gì xảy ra chung quanh cái chết của mình. Năm 1999, hai giáo sư Kenneth Ring và Sharon Cooper cho xuất bản một tài liệu khảo cứu về những người mù, với kết quả là trong khi chết («chết giả»), những người mù này đã nhìn thấy được bằng chính mắt mình. Điều này chứng minh cho thấy rằng sự cảm nghiệm về sự chết là một sự kiện được chứa đựng trong sự nhận thức, bởi vì ý thức con người hiện hữu độc lập với bộ não và độc lập với không gian và thời gian. Ý thức con người là một hiện tượng phổ quát và được coi như là nguyên nhân cho tất cả mọi sự được ý thức.
Trong những cảm nghiệm về sự chết thì cảm nghiệm mình hiện hữu ở ngoài thể xác - mà ngôn ngữ chuyên môn gọi là «Out-of-body-experience» (OBE) – là một yếu tố có thể kiểm chứng. Trạng huống chính yếu của OBE là sự ý thức trọn vẹn về bản chất của mình. Những người trong cuộc hoàn toàn có thể tự đồng hoá với chính mình. Ở đây chúng tôi xin trình bày một vài dẫn chứng về sự trải nghiệm về tình trạng hiện hữu ở ngoài thể xác như sau:
Một bệnh nhân đã kể lại: «Sau khi tôi bay bổng trên góc trái căn phòng một lúc, tôi nhìn thấy xác tôi đầy máu me đang nằm trên một chiếc ghế nệm cũ đặt ở một góc nhà… Bác sĩ cấp cứu đã đến với cái hộp đựng đồ nghề của ông và tôi nhìn thấy ông ta mở hộp lấy ống chích để chích cho tôi.»(6)
Một nam bệnh nhân 43 tuổi trong lúc mổ mạch máu đã bị đứng tim hai lần. Sau khi tỉnh lại, ông ta đã cho hay: «Bỗng chốc tôi cảm thấy mình ở ngoài thân xác và đang bay lượn cao lưng chừng giữa căn phòng. Tôi nhìn thấy các bác sĩ đang vất vả lo cho xác tôi. Tôi biết được mọi chi tiết và tôi hiểu được những gì họ trao đổi với nhau.» Nhất là anh ta đã kể lại hai chi tiết: «Trong khi tôi bay lượn như thế, tôi nhìn thấy rất rõ cái nhãn hiệu của hãng chế tạo gắn ở dụng cụ y khoa. Tôi đã nói cho bác sĩ những dấu hiệu được ghi một cách rõ ràng trên nhãn hiệu đó.» Sau đó người ta đã kiểm chứng lại và thấy rằng những gì bệnh nhân nói đều hoàn toàn đúng. Viên nữ y tá có mặt trong ca mổ của người bệnh nhân này đã chứng nhận rằng, việc người bệnh nhân trong lúc bị mổ mà còn có thể quan sát một cách chính xác được dụng cụ y khoa bác sĩ sử dụng là một điều hoàn toàn bất khả.(7)
Theo nhà tâm lý học người Anh Susan Blackmore thì những trải nghiệm đặc biệt như thế là sự nhận thức còn sót lại của các giác quan trong khi bất tỉnh và tim ngừng đập hay chỉ là một phỏng đoán gặp may và ảo giác. Trong một cách thức nào đó, những lý chứng của trí năng luôn bày tỏ một sự vật hay ngược lại với một sự vật, dù cho điều đó không nói lên bất cứ điều về nội dung thực tiễn của những trải nghiệm như thế.
4) Trải nghiệm về đường hầm
Ngày nay, trải nghiệm về đường hầm của những người chết được hồi sinh lại, tức sau khi rời bỏ thể xác họ đã phải đi qua một đường hầm tối mù, là một trong những khía cạnh được đề cập đến nhiều nhất. Đường hầm tối và ánh sáng ở cuối đường hầm là hai trải nghiệm đã trở nên đồng nghĩa với những trải nghiệm sự chết. Đường hầm tối là một biểu hiệu cho sự chuyển tiếp bước vào trong thế giới tinh thần.
Lời phát biểu: «Tôi đã đi qua một đường hầm tối. Nhưng càng gần tới cửa ở cuối đường hầm thì càng sáng hơn»(8) hầu như là trải nghiệm chung của tất cả những người sau khi chết đã được hồi sinh.
Nhiều người đã cho hay là họ đã đi qua một nơi tối tăm hay một nơi trống rỗng. Những người khác lại diễn tả những con đường, những hành lang, những con sông, những căn phòng, những đường mòn trên núi, những lối đi dài hay cả những đám mây đen. «Tôi thấy mình ở trong một căn phòng đen và trống rỗng và biết rằng tôi đã chết, nhưng tôi không cảm thấy sợ sệt gì cả. Bỗng nhiên đám sương mù tỏa ra và ngay giữa đám sương mù có một ánh sáng tuyệt đẹp chiếu toả ra. Một sự hiểu biết bao quát được tất cả mọi sự và nỗi ngạc nhiện đã phủ lên tôi.»(9) «Bỗng chốc tôi bay lượn qua một đám mây nửa trắng nửa đen, nhưng càng gần cuối đám mây thì càng sáng lên hơn. Tôi bay lượn trong một căn phòng đầy màu trắng đẹp tuyệt vời không sao diễn tả được.»(10)
Nhiều người khác lại nhận ra được những tiếng động êm nhẹ tựa như hương trầm bay ra hay như tiếng nhạc dịu dàng êm ái. «Tôi cho rằng đó chính là tiếng động… Và theo tôi, tiếng động đó tựa như tiếng của một cuộc hoà nhạc cổ điển từ xa vọng tới, quá xa đến nỗi người ta không thể nhận ra được một cách rõ ràng. Dĩ nhiên, tiếng động đó rất êm ái dễ chịu.»(11) Điều quá rõ ràng khác nữa là trong suốt sự diễn tiến của giai đoạn này người trong cuộc có được một sự ý thức rất bao quát rộng rãi. Và khi vượt qua hết con đường hầm tối hay một hình thức tương tự, với một tốc độ hết sức nhanh, thì bấy giờ người ta mất hết cảm giác về không gian và thời gian, vì thời gian mà người ta sử dụng ở đời này hoàn toàn bị lãng quên. Con đường băng qua đó tạo nên một sự nối kết với một chiều kích hoàn toàn khác.
«Tôi rơi vào trong một vòng xoáy. Tôi hoàn toàn thụ động và bị đưa đẩy vào trong bóng tối dày đặc. Tôi trở nên nhanh nhẹn hơn. Đó là một con đường hầm khổng lồ, và tôi bị lôi cuốn qua con đường hầm đó với một tốc độ mỗi lúc một nhanh hơn… Cuối cùng, khi tôi lướt qua con đường hầm đó với một tốc độ nhanh không kịp thở, tôi hoàn toàn mất hết mọi cảm giác về thời gian và không gian… Tôi hiểu được rằng tôi đang ở trong một trạng thái có được một sự ý thức rất cao, trong một chiều kích không còn sự hiện hữu của thời gian và không gian… Đó là trạng thái tôi đã vượt lên trên cả thời gian và không gian.»(12)
Vâng, qua sự trải nghiệm vượt qua con đường hầm, cảm giác về thời gian của người ấy bị biến đổi. Và cuối con đường hầm tối tăm, người ấy được nhìn thấy ánh sáng kỳ diệu. Tiếp đến, bên cạnh ánh sáng, người ấy còn có thể nhình thấy được cả những thực thể ánh sáng, tức những người đã qua đời, những màu sắc lạ lùng chưa từng nhìn thấy bao giờ hay những phong cảnh tuyệt vời. Tất cả những điều đó không thuộc về thế giới vật chất này, tức đó là những sự nhận chân siêu cảm giác hay ngoài cảm giác.
5) Cảm nghiệm về hỏa ngục
Những trải nghiệm về hoả ngục - mà khoảng 5% trong số những người đã chết và lại được hồi sinh kể lại – xảy ra trong tình trạng vượt qua đường hầm. Những cảm nghiệm tiêu cực là:
• phải đối mặt với chính sự hãi của mình,
• thường phải chống cự lại tình trạng sợ hãi đó,
• sự bất lực để có thể lấy lại được sự tin tưởng,
• thái độ thất vọng buông xuôi.
Sau đó, dù những người này đã được trực tiếp đưa ra khỏi những cảm nghiệm không mấy tốt đẹp về đường hầm, ký ức tiêu cực đầy sợ hãi vẫn luôn ám ảnh họ. Những trải nghiệm với nội dung tiêu cực này xảy ra trong suốt thời gian ở ngoài thể xác, hay nói cách khác, xảy ra nơi trải nghiệm về đường hầm. Họ cảm nghiệm bước vào trong một thế giới thuộc về âm phủ đầy tối tăm, trong đó ma quỷ và những hình người đen đủi khác lên án hay đe dọa họ. Người ta cũng có thể phải trải nghiệm qua một sự trống rỗng tuyệt đối, vô cùng tối tăm lạnh lẽo, một sự trống rỗng mà không ai có thể chạy thoát được, trái lại còn bị đe dọa cả tính mạng. Đó là khi chúng ta vừa rời bỏ thân xác mình và phải đối mặt với chính thế giới nội tâm của mình và tư tưởng của chúng ta trở nên thông suốt minh bạch để nhận chân được mọi hành vi cũng như mọi tâm tư ý nghĩ sâu kín nhất của mình một cách rõ ràng và công minh chứ không còn ngụy biện như khi còn trong thể xác đầy dục vọng trần thế, thì bấy giờ chúng ta mới phải run rẩy chùn bước trước những lãnh vực và khía cạnh đen tối và thiếu rõ ràng trong cuộc đời mình.
Tuy nhiên, xem ra toàn thể sự tiêu cực đều nằm trong một giới hạn nào đó, bởi vì sự cảm nghiệm sau cùng về thế giới tinh thần hay về phía bên kia thế giới luôn luôn được ghi nhận như một sự gặp gỡ tích cực với tình yêu thương. Tất cả những khu vực ở thế giới bên kia được ghi nhận là tối tăm thì tìm gặp ở gần quả đất. Nghĩa là có một ít linh hồn còn phải lưu lại trên con đường chuyển tiếp, và không có dấu gì để có thể biết được họ thực sự đã chết hay họ chưa thể rời khỏi trái đất, dù cho với bất cứ lý do nào. Chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta đang phải trực diện với tình trạng ý thức của mình và luôn luôn có đủ điều kiện để tiếp tục phát huy mình.
6) Gặp gỡ những người quá cố hay những thực thể ánh sáng
Trong khi một người trải qua sự cảm nghiệm về sự chết thì người ấy thường gặp gỡ được những người bà con thân thuộc đã qua đời. Nhiều người trong khi phải băng qua con đường hầm, đã kể lại là họ đã nhận ra được sự hiện diện của những người đã qua đời. Những người quá cố này xuất hiện trong vóc dáng quen thuộc của họ. Nhưng sự trao đổi với họ chỉ qua tư tưởng, chứ không bằng lời nói.
Một điều đáng ghi nhận là thỉnh thoảng có những người đã chết rồi, nhưng những người trong cuộc lại chưa hay tin gì cả, và nay họ nhìn thấy những người đã chết đó trong những cuộc gặp gỡ này. Cũng có người cho hay rằng họ đã gặp được những người mà họ chưa hề quen mặt biết tên, nhưng sau đó khi họ được hồi sinh và trở lại trong cuộc sống thì mới hay rằng đó là những người bà con đã qua đời mà họ chưa quen biết.
Trong cuộc khảo cứu y khoa của giáo sư Pim van Lommel có trích dẫn một trường hợp tương tự: «Có một bệnh nhân đã kể cho tôi nghe là trong khi anh có được trải nghiệm về sự chết gây ra bởi một sự đứng tim, chẳng những anh đã nhìn thấy lại được bà nội anh đã qua đời, nhưng cả một người đàn ông đang trìu mến nhìn anh mà anh không quen biết. Hơn mười năm sau đó, khi mẹ anh đang hấp hối trên giường thì bà đã nói cho anh biết rằng anh là một đứa con ngoại hôn. Cha của anh là một người Do-thái, bị lưu đày và đã chết trong trận thế giới chiến II. Mẹ anh ta cũng đưa cho anh xem tấm hình của cha anh. Quả nhiên đó là người đàn ông lạ mặt mà anh đã nhìn thấy trong khi anh cảm nghiệm sự chết. Và người đàn ông ấy chính là cha ruột của anh.»(13)
Vào năm 1984, bà bác sĩ Elisabeth Kühler-Ross đã khẳng định trong tác phẩm «Kinder und Tod» (Trẻ em và sự chết) của bà, là không hề có đứa trẻ nào trong số các trẻ em hấp hối đã nhìn thấy những người sống động trong khi chúng cảm nghiệm sự chết. Chính nơi trẻ con, người ta phải nhìn nhận là tâm tư chúng chỉ nghĩ đến mẹ hay cha ruột của chúng mà thôi. Mãi cho đến nay, tất cả những nghiên cứu đã chứng minh cho hay rằng trong những thị kiến này thường chỉ đề cập tới các người bà con họ hàng đã qua đời mà thôi.
Vào đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, bác sĩ nhi đồng người Mỹ Melvin Morse đã đưa ra một khảo cứu rộng rãi về những trải nghiệm của trẻ con về sự chết và cho hay rằng một số trong các trẻ em đó đã hàn huyên với các bạn bè hay những người bà con của chúng đã qua đời và cho biết những chi tiết, mà nếu chúng không tiếp xúc với những người chết đó thì chúng đã không thể nào biết được.
Ví du: bé Cory, 7 tuổi, đã bị chứng ung thư máu bất trị từ khi em lên ba, và mấy tháng trước khi em qua đời em đã trải qua nhiều cảm nghiệm ngoài thân xác. Một lần kia em kể cho mẹ em nghe là em đã gặp lại được người bạn cũ của em trong thời kỳ High-School của các em, mà do một tai nạn xe hơi đã bị què hai chân. Mẹ Cory không hề nói cho em biết về người đàn ông đang ngồi đối diện với em… tuy nhiên Cory biết được người đàn ông đó. Ông ta đã đến với Cory trong lúc em đang thị kiến và giới thiệu mình là người bạn cũ của mẹ em khi còn trẻ. Cory nhờ người đàn ông nói dùm cho bà mẹ của bạn em biết là con của bà nay có thể đi được. Quả nhiên, sau đó trao đổi qua điện thoại, người ta chứng nhận được là đúng vào ngày Cory có thị kiến thì người bạn của em đã qua đời(14). Tiếp đến trong một cảm nghiệm khác, Cory đã gặp được một người bạn khác của em mà một tuần trước đó đang được điều trị tại bệnh viện. Và ngày sau đó gia đình mới hay rằng người bạn của Cory đã đột ngột qua đời trong đêm trước đó(15).
Trong những cảm nghiệm về sự chết, thì bên cạnh những cuộc gặp gỡ các người đã qua đời, thường những người trong cuộc cũng được tiếp xúc với những thực thể ánh sáng mà không thể nhận diện một cách rõ ràng được. Một thiếu niên 14 tuổi, khi bị một cơn sốt dữ dội do bệnh tê thấp gây ra, đã xuất ra khỏi xác và em trải qua một cảm nghiệm về sự chết. Trước hết cậu thiếu niên quan sát các bác sĩ đang vất vả tìm cách hồi sinh cho xác mình. Và khi em thấy sự hiểu biết của mình trở nên thông sáng lạ lùng, thì em nhận ra hai thực thể ánh sáng ở bên cạnh em trong lúc em đang quan sát những sự kiện xảy ra phía dưới. Sự hiện diện của những thực thể ánh sáng làm cho cậu thiếu niên có được cảm giác an bình, yêu thương và thông cảm. Sự sống của cậu thiếu niên càng lúc càng thoát khỏi tay các bác sĩ. Các thực thể ánh sáng hỏi cậu thiếu niên là em thích ở lại trên trái đất hay đi theo họ. Cậu thiếu niên quyết định ở lại trong cuộc sống và các thực thể ánh sáng đã mang em trở về trong thể xác của em(16).
Cả những cuộc gặp gỡ được vị Thiên thần Bản mệnh cũng thường được nói tới. Một người kể lại: «Tôi đã nhìn thấy một ánh sáng màu vàng và trên đó có một vị Thiên thần to lớn. Tôi cho rằng đó là vị Thiên thần Bản mệnh của tôi.»(17)
Qua tất cả những trình bày trên chúng ta có thể kết luận là không một ai phải chết lẻ loi cả, vì hoặc chúng ta sẽ được những thân nhân đã qua đời đến tiếp đón, hoặc được những thực thể ánh sáng đầy yêu thương đón nhận. Dù cho có ai đó phải chết đói hay chết khát trong sa mạc hoang vắng đi nữa, thì vẫn có những thực thể thần thiêng đến giúp đỡ. Đàng khác, khi mà năng lực của sự sống rời bỏ thể xác con người thì sự sinh hoạt và cử động của người hấp hối cũng biến đổi. Và do tình trạng ý thức của con người được tăng lên, nên con người đủ khả năng bước vào trong thế giới tinh thần, một thế giới đang bao phủ lấy anh.
Qua quan sát diễn biến cụ thể của sự chết, người ta nhận ra được rằng những người hấp hối thường giơ hai tay lên quờ quạng như muốn nắm bắt một cái gì vô hình nào đó. Người Việt Nam ta thường gọi hiện tượng này là «bắt chuồn chuồn.» Ngoài ra, người ta cũng khám phá thấy được rằng trong giây phút trước khi chết vĩnh viễn, người hấp hối đã trải qua những thị kiến là họ nhìn thấy các người thân đã qua đời hay những thực thể thiêng liêng đến tiếp đón họ. Trong những thập niên vừa qua, những sự kiện xảy ra trên giường chết như thế này đã trở thành đối tượng cho những nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới.
7) Cảm nghiệm nhìn lại toàn bộ cuộc sống của mình
Một trong những yếu tố hoàn toàn cơ bản khác của sự cảm nghiệm về sự chết là sự nhìn lại toàn bộ cuộc sống mình. Trong sự cảm nghiệm này chúng ta sẽ không những phải đối mặt với toàn diện cuộc sống của mình như một tình huống cụ thể mà chúng ta đã trải nghiệm, nhưng chúng ta còn phải trải nghiệm các hậu quả của những tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta nữa.
Một người đã kể lại: «Lúc đó, tôi nhìn thấy cuộc đời tôi tương tự như một cuốn phim đang chạy nhanh từ đầu tới cuối ra trước mắt. Cuốn phim được bắt đầu với sự sinh hạ của tôi… tiếp đến là tuổi trẻ, thời thanh niên và cứ tiếp tục thế mãi cho tới khi tôi có được cảm nghiệm về sự chết mà tôi đã trải qua. Tôi thấy mình đã sống cuộc sống của mình thêm một lần nữa. Tất cả những gì tôi đã từng cảm nhận, tôi lại cảm nhận thêm một lần nữa. Vâng, tất cả những giai đoạn trong cuộc sống, những vui buồn, những cảm xúc và tất cả những gì thuộc về từng giai đoạn của cuộc sống tôi. Đồng thời tôi cũng nhìn thấy được ảnh hưởng của cuộc sống tôi trên những người khác… Tôi đã cảm giác được những gì họ đã cảm giác, và qua đó tôi đã nhận ra được những hậu quả của toàn diện các hành động tôi đã làm, những hành động tốt cũng như những hành động xấu.»(18)
Việc nhìn lại được toàn diện cuộc sống của mình như thế thường giúp nhận chân được những khía cạnh tích cực, nhưng đồng thời những khía cạnh tiêu cực đáng sợ cũng không thể che giấu được. Tất cả mọi tư tưởng của con người đều được phơi bày. Tất cả những hành đông, những lời nói và những tư tưởng của chúng ta đúc kết thành một năng lực trường gây nên ảnh hưởng trên chính chúng ta cũng như trên những người khác.
Tất cả những gì chúng ta làm hay suy tưởng trên trái đất này đều mang một ý nghĩa sâu xa, tương tự như khi chúng ta lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt thật của mình trong gương. Và chuẩn độ dưới áng sáng yêu kiều chính là tình yêu thương. Vì thế, vấn nạn quan trọng duy nhất được đặt ra ở đây là: Tình yêu cần được cho đi hay chỉ giữ lại cho mình! Người trong cuộc sẽ chiếm hữu được hay đánh mất hoàn toàn triết lý sống chân chính và sâu sắc về mục đích cũng như về ý nghĩa sự hiện hữu của mình trên mặt đất này, tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời của người đó cho vấn nạn trên. Tại cửa cổng một Tu Viện Công Giáo ở Lyon, nước Pháp, có đề một hàng chữ mà người ta có thể khẳng định là câu trả lời duy nhất cho vấn nạn đã được đặt ra, đó là: «Những gì bạn cho đi, chứ không phải những gì bạn giữ lại cho mình, sẽ đồng hành với bạn vào chốn vĩnh cửu.»
Tiếp đến, trong khi nhìn lui lại cuộc đời mình như thế, chúng ta dù muốn hay không cũng sẽ thấy mình sống trong sự liên đới với những kỷ niệm, những tình cảm và sự ý thức của những người khác, bởi vì trong thế giới tinh thần những điều đó là những năng lực trường không hề qua đi. Và bấy giờ chúng ta sẽ trực tiếp trải nghiệm những hậu quả của những tư tưởng, của những lời nói và những hành động của mình đã gây ra cho người khác. Những giây phút quá khứ sẽ được trải nghiệm trở lại, và bấy giờ chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự đau đớn của những người mà chúng ta gây ra cho họ. Chúng ta sẽ không những trải nghiệm những lãnh vực và những tình cảm tư riêng qua những biến cố xảy ra cho cuộc sống chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta còn có tương quan với sự ý thức của những người liên hệ nữa. Dù không bị ảnh hưởng ngoại cảnh chi phối, chính chúng ta cũng có thể nhận chân được những hành động mình làm là tốt hay không tốt. Và không một vật gì sẽ mất đi. Tất cả những điều được ý thức và vô ý thức đều được ghi nhận trong năng lực trường của thế giới tinh thần, một nơi không có sự hiện hữu của thời gian và không gian, nghĩa là trước hay sau và to hay nhỏ, nhưng tất cả đều đồng thời và đều hiện tại.
Trong công trình nghiên cứu của giáo sư Pim van Lommel có ghi nhận một người liên hệ đã kể lại: «…Nếu tôi hồi tưởng lại, tôi không thể nói là sự nhìn lui lại toàn cuộc sống kéo dài trong bao lâu. Rất có thể đã kéo dài rất lâu, bởi vì tất cả mọi chi tiết đều được trình bày, nhưng đồng thời cũng có thể chỉ xảy ra trong tích tắc. Trong cùng thời, tôi nhận chân được mọi sự. Thời gian và không gian xem ra như không còn hiện hữu nữa. Cùng một lúc tôi có thể hiện diện ở nhiều nơi chốn khác nhau, và thỉnh thoảng tôi để ý quan sát được nhiều điều khác nhau và sau cùng tôi lại có mặt ở nơi cũ.»(19)
Quả vậy, sau khi rời bỏ thân xác, nghĩa là sau khi chết, con người sẽ chẵng những không còn bị tác động bởi bất cứ điều kiện nào thuộc thế giới vật chất, mà cả các phạm trù thời gian và không gian cũng không còn gây được ảnh hưởng gì trên họ nữa. Bởi vì sau khi chết, con người trở nên sáng láng như các vị Thần linh(20).
_________________
Chú thích:
1. Melvin Morse/Paul Perry: „Verwandelt vom Licht. Uber die transformierende Wirkung von Nah-Todesererfahrungen“. München 1994, trang 10.
2. Kenneth Ring/Evelyn Elsaesser-Valarino: „Im Angesicht des Lichts. Was wir aus Nah-Tod-Erfahrungen für das Leben gewinnen.“ München 1999, trang 27.
3. Günter Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits. Die natürliche und die spirituelle Dimension der Nahtodeserfahrungen.“ Mainz 2001, trang 44.
4. Ring/Valarino, như trên, trang 247.
5. Cùng chỗ, trang 247.
6. Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits.“ Trang 16.
7. Günter Ewald: „Ich war tot. Ein Naturwissenschaftler untersucht Nahtod-Erfahrungen.“ Ausgburg 1999, trang 23.
8. Tất cả mọi trích dẫn thuộc trường hợp này được lấy từ: Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits.“ Trang 70-74.
9. Melvin Morse/PaulPerry: „Zum Licht. Was wir von Kindern lernen können, die vom Tod nahe waren.“ Frankfurt am Mainz 1992, trang 159.
10. Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits.“ Trang 15.
11. Engelbert Winkler: „Begegnung mit dem lebendigen Licht. Nahtod-Erfahrungen als Hilfe zum Leben.“ Güllesheim 2001, trang 40.
12. Winkler, như trên, trang 41.
13. Dr. Pim van Lommel MD, Division of Cardiologie, Hospital Rijnstate, Postbox 9555, 6800 TA Arnhem Netherland, trang 6.
14. Morse/Perry: „Zum Licht“. Trang 70
15. cùng chỗ, trang 71.
16. xem: cùng chỗ như trên, trang 134tt.
17. cùng chỗ, trang 160.
18. Ring/Valarino: „Im angesicht des Lichts.“ Trang 247.
19. Lommel, sách đã trích, trang 5.
20. xem Phúc Âm Mát-thêu, đoạn 22, câu 30b.
Lm Nguyễn Hữu Thy
|