Bài 16: Thăm Viện Dưỡng Lão Tại Garden Grove, California
§ Kim Hà
(Phát thanh trên Giờ Của Mẹ Tin Yêu, số 221, ngày 22/1/2006)
Nhân dịp Tết Bính Tuất sắp đến, vào ngày 14 tháng 1 năm 2006, nhóm thực hiện Radio Giờ Của Mẹ đến thăm viện dưỡng lão Garden Grove Convalescent Hospital ở số nhà 12882 Shackelford Lane, thành phố Garden Grove, CA 92841, điện thoại (714) 638 9470. Tại đây, mỗi tuần đều có Thánh lễ Công giáo vào sáng thứ năm hàng tuần. Vào mỗi thứ bẩy và Chúa nhật hàng tuần đều có người rước Mình Thánh Chúa cho các ông bà cụ trong đó.
Vì là sáng thứ bẩy nên các ông bà cụ còn khoẻ mạnh thì tụ tập ở hai phòng lớn. Môt phòng thì có các thầy tu Phật giáo đến tổ chức tụng kinh với các ông bà lão. Còn phông thứ hai thì có một nhóm giáo dân thuộc Hội Legio Maria đến thăm viếng, cầu nguyện, và trao Mình Thánh Chúa cho các ông bà cụ trong viện.
Nhóm bịnh nhân gồm khoảng 50 người, kể cả người Mỹ và người Việt. Đa số các ông bà cụ đều ngồi xe lăn. Họ tụ tập nhau lại để cầu nguyện, hát thánh ca và rước Mình Thánh Chúa.
Tiện thể, chúng tôi cũng phỏng vấn bà Phạm Hiền Mầu, thuộc Hội Lêgiô Maria ở nhà thờ Tustin, California. Bà cho biết mỗi tuần, nhóm của bà gồm khoảng 12 người thường đi thăm các nhà dưỡng lão để thăm hỏi, an ủi và rước Mình Thánh Chúa cho các cụ già. Ngoài ra, họ còn đi thăm các gia đình có người đau ốm, neo đơn để an ủi, hoặc các gia đình đang rắc rối, bất hoà hay xích mích.
Bà Mầu cho biết rằng bà tưởng mình đến để an ủi người khác, nhưng chính bà lại cảm thấy được an ủi. Đôi khi mình bị bịnh nhưng khi thấy cơn bịnh của người khác, mình lại cảm nhận được ơn Chúa đã cho mình còn khỏe mạnh để phục vụ người khác.
Sau đó, chúng tôi được tiếp xúc riêng với một bà cụ tên là Hồ Thị Dần, năm nay cụ bà được 92 tuổi. Cụ bị gẫy xương chậu. Con của cụ ở vùng núi nên trước đây, cụ phải đi lễ Mỹ. Cụ cho bíết rằng cụ ở viện này trên 6 tháng rồi. Từ khi vào đây, cụ rất vui vì được dự thánh lễ Việt nam, vì cụ luôn khao khát được dự lễ Việt nam, ngoài ra, cụ cảm thấy vui vì có nhiều nhóm đến thăm viếng.
Chúng tôi gặp thêm một cụ bà khác bị liệt nửa người và ngồi xe lăn ở ngay trước cửa. Hôm ấy, có con trai và con dâu đến thăm viếng và săn sóc cho bà. Bà cho biết ở đây rất tốt, nhưng bà nhớ nhà và chỉ muốn về nhà.
Sau đó, chúng tôi được tiếp xúc với cụ ông Nguyễn Văn Triệu, 74 tuổi, cựu trung tá Bộ binh VNCH mà chúng tôi gọi là bác Triệu. Bác Triệu đã ở viện dưỡng lão được hơn 1 năm. Bác cho bíết rằng bác xem viện dưỡng lão này như gia đình của mình.
Sau đây là lời chia sẻ tâm tình của bác Triệu:
Tôi cũng như các người khác đã từng sống vất vả nay đến đây để có thì giờ suy niệm tâm linh. Người Phật giáo thì có thầy đến tụng kinh. Người Công giáo thì có các linh mục đến dâng lễ hàng tuần. Ngày thứ bẩy và Chúa nhật thì có người rước Mình Thánh Chúa cho chúng tôi. Hàng ngày đều có các hội đoàn đến giúp vui. Cho nên tôi nghĩ ở đây còn tốt hơn ở nhà mình. Tôi không thấy buồn vì đây là thời gian cuối đời của tôi, tôi cần có giờ để sám hối và bình tĩnh.
Trong viện dưỡng lão này có nhiều người bị strokes, tai biến mạch máu não nên họ nói không rõ. Họ cũng không còn nhớ rõ. Khi kể chuyện thì họ hay khóc. Có cụ ông có đến 4 người con làm bác sĩ nhưng ông ấy vẫn vào đây vì con cái không có thì giờ săn sóc cho ông.”
Tưởng cũng nên kể ra là bác Triệu cho dù ở trong viện dưỡng lão nhưng bác luôn hướng lòng về các đồng bào đau khổ ở quê nhà. Mỗi năm, bác đều nói con gái gửi tiền về VN để giúp đỡ những trường Khiếm thị như Mái Ấm Thiên Âm ở Tân Phú, SG của thầy Nguyễn Quốc Phong, hoặc Mái Ấm Nhật Hồng ở Thị Nghè, SG của qúy sơ Dòng MTG Thủ đức, các trường mù ở Quảng Tri, VN và gia đình Tình Thương của Tu hội Thiên Phúc ở SG, Củ Chi, và Long Khánh của Sr. Mai Thanh.
Bác Triêu đà từng về thăm viếng các nơi này. Bác cho biết là bác đã tìm các địa chỉ trên là do Radio Giờ của Mẹ cung cấp. Bác Triệu xác nhận là Giờ Của Mẹ luôn cung cấp các tin tức xác thực về các cơ sở xã hội ở VN.
Bác Triệu còn cho biết là tôn chỉ của viện dưỡng lão này là tôn trọng, đối xử tốt với các bịnh nhân, không phân biệt giai cấp. Các nhân viên tập khiêm tốn, hạ mình và xưng con chứ không xưng tôi với các bịnh nhân.
Trước khi từ biệt, tôi thấy có nhiều bà cụ cứ ra ngồi ngoài cửa ra vào như để ngóng trông con cái hay thân nhân đến thăm viếng, trông rất đáng buồn. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bịnh nhân, nhân viên và những ai đã đến thăm viếng và an ủi các bịnh nhân.
Kim Hà, 14/1/06
|