Bài 5: Thăm Người Bị Bịnh Run Tay Chân (Parkinsons)
§ Kim Hà
Bà Trần Thi thường hay kêu điện thoại cho tôi và xin tôi cầu nguyện cho bà. Trước đó, bà chỉ đau chân thôi, nhưng sau đó, bà bị chứng bịnh run tay chân, giống như bịnh của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Vợ chồng chúng tôi và các bạn có đến thăm bà khoảng ba, bốn lần. Giờ đây bà đã theo con đi xa, ở miền bắc của California.
Khi mới nói chuyện với tôi qua điện thoại, bà Thi khóc vì bà tủi thân. Bà bịnh hoạn mà con cái không ở gần. Có một con trai ở ngay trong nhà nhưng anh này vì công việc làm ăn nên chỉ có mặt ở nhà buổi tối. Sau khi ăn uống xong, anh ta đi ngủ sớm nên cũng chẳng giúp đỡ gì cho cha mẹ cả.
Một hôm, bà kêu lại cho tôi và khóc nức nở như một trẻ thơ. Giọng nói của bà run run. Tôi lật đật hỏi:
-Bác Thi ơi, tại sao bác khóc vậy?
-Tôi xin cô đến đây giúp tôi. Tôi muốn gặp cô ngay.
-Có chuyện gì vậy hở bác, xin bác kể cho cháu nghe được không ạ?
-Tôi muốn chết ngay bay giờ. Tôi quá khổ. Tôi cô đơn. Cô đến ngay nhé! Tôi cần cô lắm.
-Vâng, cháu sẽ đến, nhưng xin bác bình tĩnh nhé! Bác có muốn cháu cầu nguyện trên phone với bác không?
-Được, nhưng tôi không thể cầm phone được, tay tôi run lắm.
-Ồ, chàu sẽ cầu nguyện ngay sau khi mình cúp phone. Bác hiệp thông với cháu nhé.
-Dạ, cám ơn cô.
Thế là tôi vội vàng rủ ông xã và chị bạn để cùng đi đến nhá bà Thi. Tới nơi, tôi thấy một cảnh tượng thật là bi đát. Bà Thi ngồi trên lăn. Hai tay run rẩy, chân cũng run. Bên cạnh bà là một bà hàng xóm, từ căn phòng trên lầu xuống để giúp bà Thy.
Vừa thấy mặt chúng tôi, bà òa lên khóc. Khóc thảm thiết, khóc ai oán, khóc tức tưởi, bà làm cho chúng tôi cảm động khóc theo. Một chặp sau, bà hàng xóm kể:
-Tội nghiệp bà Thi lắm các cô chú ơi. Ông chồng của bà ấy bị bịnh thận, một tuần phải đi lọc máu ba ngày mà cũng không ai chở xe cho đi. Túng ngặt quá, ông nhà tôi bèn phải lái xe chở cho ông ấy đi và đợi ở nhà thương để đón ông ấy về. Về nhà, ông ấy chỉ nằm như người chết, không thể cử động tay chân, mà cũng không còn sức để ăn uống. Còn bà Thi thì lúc này run tay chân quá sức, lại phải ngồi xe lăn. Đâu có ai lo cơm nước cho bà đâu? Tôi lại phải lo cho ông bà việc ăn uống. Đến nỗi bà đi tiểu cũng không thể đi được một mình. Vì thế, tôi cứ phải xuống đây chăm sóc cho ông bà ấy.
-Cám ơn bác đã có lòng bác ái lo cho gia đình bác Thi. Chắc chắn, Ơn Trên sẽ trả công bội hậu cho bác. Vậy con cháu bác Thi không đem ba mẹ về nhà săn sóc à?
-Họ đâu có ở vùng này? Họ ở các tiểu bang khác. Có người con gái thì ở miền bắc Cali. Còn anh con trai ở chung nhưng đâu có giờ mà lo cho cha mẹ?
Bà Thi ngồi trên xe lăn, hai tay bà phải cầm hai trái banh nhỏ như trái banh tennis, làm bằng nhựa mềm để kềm chế cơn run. Nếu không cầm banh thì cả người run theo. Chúng tôi nói vài lời an ủi bà Thi. Sau đó, chúng tôi cùng cầu nguyện với bà Thi để xin Chúa chữa lành cho ông bà và giúp giải quyết các sự khó khăn của ông bà.
Tôi hỏi bà Thi:
-Bác ơi, cháu biết có một vị linh mục có ơn chữa lành, bác có muốn cháu mời ngài đến dâng Thánh lễ tại nhà này để xin ơn chữa lành cho hai bác không?
-Toi muốn lắm nhưng có những nỗi khó khăn. Nhà cửa thì dơ bẩn, không ai chăm sóc, lại nữa, chúng tôi ăn tiền già, không cò đủ tiền để mời cha đến nhà dâng lễ.
-Bác đừng lo, có tụi cháu giúp bác lo việc ấy. Vậy giờ này, cháu gọi cho cha để mời cha nghe bác!
-Dạ.
Sau đó, tôi vội kêu điện thoại cho vị linh mục có tiếng là được ơn chữa lành để xin mời ngài đến nhà bà Thi dâng Thánh lễ xin ơn chữa lành cho bà. Khi nói chuyện với tôi, ngài đòi bà Thi phải trực tiếp nói chuyện với ngài. Tôi có trình bày là hai tay của bà run quá nên không cầm được cái phone. Nhưng ngài vẫn muốn nói chuyện với bà. Có lẽ đó là lúc ngài cầu nguyện xin ơn lành cho bà. Thế là tôi phải cầm phone để bà có thể nói chuyện. Sau đó, ngài cho biết là ngài bận, không thể đến được.
Tôi rất thất vọng vì tôi biết ngài đã từng đến các nhà thương cầu nguyện cho nhiều người mà ngài lại từ chối một bà cụ già đau khổ như vậy.
Hôm sau, chúng tôi mời một vị linh mục từ VN mới sang Hoa Kỳ để đến nhà bà Thi và dâng Thánh lễ cầu nguyện cho gia đình bà. Vị linh mục này thật là thánh thiện và tốt lành. Thánh lễ chỉ có 6 người; Vị linh mục, chị bạn của tôi, hai ông bà Thi và vợ chồng tôi. Được rước Mình Thánh Chúa, bà Thi lại khóc nức nở vì cảm động.
Sau đó ít lâu, bà Thi báo cho tôi biết là con gái bà đã chịu đón ông bà lên ở chung với gia đình cô ta tại miền bắc California để săn sóc cho ông bà. Bà nói rằng bà tạ ơn Chúa đã đoái thương gia đình bà mà cho con gái nghĩ lại. Bà cho biết rằng trong tim bà, tôi là một người thân thương mà bà sẽ không bao giờ quên.
Từ đó, tôi không còn có dịp để liên lạc với bà nữa. Tôi nghĩ Chúa Giêsu đã thương xót mà khiến cho con gái của bà mở lòng ra để đón cha mẹ. Tạ Ơn Chúa.
Tôi nghĩ trong các công tác hay mục vụ tông đồ, việc an ủi và thăm viếng người bịnh là một công tác thể hiện tình bác ái nhiều nhất.
Tôi cảm ơn vị linh mục từ VN đã sẵn sàng đến với người bịnh và đem ánh sáng Lời Chúa, đem Chúa Giêsu là Đấng Chữa lành cho những người đau khổ. Xin được cám ơn cha một lần nữa.
Tôi chợt nhớ đến lời của cha Thánh Padre Pio:
”Nhiệm vụ của linh mục là tha thứ và chữa lành, nơi chốn của linh mục là bàn Thánh và toà giải tội.”
Ai cũng có thể làm các công tác điều hành, chỉ huy, xây cất, giao thiệp xã hội, nhưng chỉ có các linh mục mới có thể ban ơn tha thứ và ơn chữa lành của Chúa Giêsu đến cho nhân loại. Nhờ đó, dân Chúa sẽ được ơn tha thứ và ơn chữa lành.
Kim Hà, 7/2/06
|