(172) 5. Khí giới thứ năm chống lại Satan: Phép Thánh Thể
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Cha Jozo làm chứng: Đức Mẹ đã khóc khi nói đến Thánh Thể và Thánh Lễ. Mẹ nói năm 1985:
“Các con không mừng kính Phép Thánh Thể như đáng phải làm. Nếu các con biết được những ơn huệ nào và quà tặng nào các con sẽ lãnh được (từ Thánh Lễ), các con sẽ dọn mình mỗi ngày ít nhất một tiếng đồng hồ trước khi tham dự.”
Thánh Lễ buổi chiều ở Mễ Du là khoảng khắc quan trọng nhất trong ngày, vi Đức Mẹ cũng hiện diện ở đó và Mẹ trao ban Con Mẹ cho ta một cách đặc biệt. Thánh Lễ còn quan trọng hơn việc Mẹ hiện ra. Marija nói: Nếu phải chọn giữa dự Thánh Lễ và diện kiến Mẹ hiện ra, cô sẽ chọn việc đi dự Thánh Lễ. Đức Mẹ nói:
“Hãy duy trì Thánh Lễ buổi chiều này luôn mãi.”
(6-10-1981)
Đức Mẹ cũng xin người ta cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trước Thánh Lễ.
Đức Mẹ muốn chúng ta coi Thánh Lễ như “việc cầu nguyện cao đẹp nhất ” và “như trung tâm đời sống chúng ta” (theo lời Marija thuật lại). Vicka cũng nói Đức Mẹ coi Thánh Lễ “Là giờ phút quan trọng nhất và là giờ phút thánh thiêng nhất trong đời ta. Chúng ta phải dọn mình và có lòng trong sạch để rước Chúa Giêsu với lòng trọng kính. Thánh Lễ phải là trung tâm đời sống chúng ta ”. Đức Mẹ đã khóc vì dân chúng không tôn kính Phép Thánh Thể cho đủ. Mẹ Thiên Chúa tỏ ra buồn và khóc đặc biệt bởi vì chúng ta không nhận thức được vẻ cực sang cực tốt của huyền nhiệm Thánh Lễ.
“Ước gì Thánh Lễ, hỡi các con nhỏ, đừng trở thành một thói quen nhàm chán, nhưng phải là một sự sống. Sống Thánh Lễ mỗi ngày, các con sẽ... lớn lên trong sự thánh thiện. Mẹ ở bên các con và cầu bầu cho mỗi người các con trước mặt Thiên Chúa, hầu Người ban cho các con sức mạnh thay đổi trái tim mình.”
(25-1-1998)
Có lần Mẹ vui mừng vì:
“Có nhiều người trong các con đã cảm nhận được sự cao sang của Thánh Lễ... Chúa Giêsu ban các ơn sủng của Ngài trong Thánh Lễ... Hãy làm cho mỗi lần đến dự Thánh Lễ là một niềm vui. Hãy đến trong yêu thương...”
(3-4-1986, số 596)
Trong Thánh Lễ, ta đón nhận Chúa Giêsu đã phục sinh và đang sống:
“Chớ gì Thánh Lễ trở thành sự sống các con.”
(25-4-1988)
“Thánh lễ là ơn huệ lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại”.
Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, đó là một cuộc phục sinh của riêng mỗi người chúng ta: mỗi người trở nên bánh, ánh sáng và đường đi trong thế gian, một thế gian đang tự hủy mình bằng lương thực đưa đến sự chết và tối tăm. Khi tham dự Thánh lễ, tín hữu được chữa lành, phục hồi sức khoẻ, được thánh hóa, vì được kêu gọi sống thánh thiện. Họ có nhiệm vụ đem bình an đến cho mọi người.
Cho nên, vào cuối lễ, linh mục nói: “Hãy ra đi bình an!”
Thế nghĩa là hiến tế và phục sinh của Chúa Kitô phải thành sự sống của ta, cùng với niềm trông cậy Ngài sẽ Tái lâm vinh quang. Trong Thánh Lễ, chúng ta lãnh lấy Chúa Kitô sống động và nơi Ngài, chúng ta lãnh nhận trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ chúng ta để biến đổi ta, để biến hình ta. Thánh Lễ diễn tả hoàn hảo huyền nhiệm Chúa Kitô, trong đó, ta được thông phần trọn vẹn vào sự sống Ngài:
“Thánh Lễ là lời cầu nguyện cao cả nhất dâng lên Thiên Chúa. Các con sẽ không bao giờ có thể hiểu nổi sự cao trọng của Thánh Lễ. Chính vì lẽ đó, các con phải nghiêm chỉnh và khiêm tốn khi dự Thánh Lễ, và các con phải dọn mình trước đó.”
- Cảm nghiệm Thiên Chúa trong Thánh Lễ:
Đức Mẹ muốn chúng ta đầy tràn niềm vui và hi vọng lúc dự lễ. Mẹ muốn chúng ta làm một nỗ lực để khoảnh khắc ấy
“trở nên một cảm nghiệm được Thiên Chúa”
(16-5-1985)
Trong cuốn sách của một vị tu rừng, chúng tôi tìm thấy được một ví dụ: Một người thợ sống xa nhà thờ, nên anh ta thường xuyên bỏ lễ Chúa nhật. Mùa hè thì nóng, đông thì lạnh, thu thì bùn lầy, xuân thì sương mù! Chúa nhật này thì mệt mỏi, Chúa nhật sau thì cảm thấy đau ốm, Chúa nhật thứ ba thì lại có nhiều việc quan trọng phải làm cho xong. Anh ta viện đủ cớ để bớt đi lễ. Đáng lẽ chỉ cần chút cố gắng và thiện chí là anh ta có thể đến dự lễ.
Sau một thời gian bỏ lễ khá lâu, một ngày Chúa nhật kia, anh cất bước lên đường đến nhà thờ. Khi anh ra khỏi nhà vài bước, anh nghe có người theo sau lưng anh, lớn tiếng đếm:
-Một, hai, ba, bốn, năm,...
Anh ngoái đầu lại để xem có ai. Anh thấy một thanh niên đẹp đẽ, mặc áo dài trắng, một tay cầm quyển sách lớn, một tay cầm bút vàng.
-Anh là ai, tại sao anh đếm? - Người thợ hỏi.
-Tôi là thiên thần của Thiên Chúa - Người thanh niên đáp - Thiên Chúa sai tôi đến đếm các bước chân của anh ghi vào sổ này. Anh nên nhớ: mỗi bước anh đến nhà thờ dự lễ sốt sắng sẽ được Thiên Chúa chúc phúc dưới đất cũng như trên trời!
Quả là một bài học!
Sau đây là vài gợi ý (phỏng theo Echo de Medj. số 124, 12-1995). Đức Mẹ luôn nhắc cho ta:
“Thánh Lễ là trung tâm đời sống thiêng liêng. Đó là hồng ân cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Các con phải dọn mình dự lễ cho sốt sắng và sau khi rước lễ, phải cám ơn Chúa cách xứng đáng.”
Thế mà chúng ta lại thấy rằng, các tín hữu thường có thói quen xấu là sau khi rước Chúa vào lòng thì ra về ngay, vừa khi xong lễ.
Khi rước lễ, chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Dưới hình bánh nhỏ, Mình Thánh chỉ tan biến trong mình ta sau 10 phút. Trong thời gian ấy, chúng ta trở thành những Nhà tạm sống động của Chúa Giêsu, và cũng là Thiên Chúa, đang là khách trọ trong mình ta. Vừa xong lễ, khoảng 3 đến 5 phút kể từ khi rước lễ, là đại đa số các giáo hữu ra khỏi nhà thờ (nhiều khi với bộ điệu nhởn nhơ hoặc trò chuyện, cười đùa với nhau, coi như không biết gì đến mầu nhiệm họ đang mang trong mình).
Khó chấp nhận được một người có đức tin lại có thái độ ơ thờ như thế trước sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mình họ, ơ thờ đến mức gần như một sự phạm thánh..., khiến chúng ta mất những giây phút hồng ân đặc biệt, chưa kể nó có thể là gương mù cho kẻ yếu đức tin và kẻ vô đạo! Chúng ta đã biết Thánh Philiphê Nêri phản ứng thế nào khi thấy một bà ra khỏi nhà thờ ngay khi vừa rước lễ xong: Ngài sai các trẻ em giúp lễ cầm nến đi theo chầu hai bên, vì bà đang mang Mình Thánh.
Đề nghị các linh mục chủ tế kéo dài việc giữ thinh lặng sau rước lễ độ 5-10 phút, để giáo dân có thể thờ phượng Chúa đang ngự trong lòng họ. Các ngài có thể gợi cho giáo dân vài cách dùng thời gian ấy có ích lợi, chẳng hạn nhắc lại vài lời Chúa đã nghe trong Thánh Lễ..; giúp họ lắng nghe các ước muốn của Chúa... ; dâng cho Chúa các công việc bận bịu của ngày hôm đó, các người họ sẽ gặp gỡ..., các biến cố sẽ xảy đến... ; hoặc lần 10 kinh Kính Mừng để cùng Đức Mẹ tạ ơn Chúa ; hoặc đọc một Thánh Vịnh... ; hát những bài tạ ơn...
Các ngài sẽ thấy các giáo hữu hưởng ứng thay vì phàn nàn hay chống đối như các ngài e ngại. Chính nhờ việc ấy mà giáo hữu tìm lại được đức tin vào giá trị của Phép Thánh Thể. Và họ sẽ cảm nhận được những hiệu quả lạ lùng cùng các ơn sủng vô vàn từ đó mà ra, khiến cho đời sống đạo họ càng ngày thêm chín chắn và trưởng thành. “Kẻ có rồi, sẽ được ban thêm.”
*
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|