(107) Con cầu tự
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Tháng 2-95, Rémi và Claire, sống gần Paris, đang mang hai thánh giá nặng nề: 1- Rémi thất nghiệp từ hai năm nay, buộc lòng vợ anh phải đi làm kiếm ăn cho gia đình. 2- Họ không thể có đứa con thứ hai mà họ hằng mong mỏi từ 6 năm rồi. Các bác sĩ đều nói: chỉ có thể có con nếu bằng lòng cho thụ thai trong ống nghiệm.
Hai vợ chồng Rémi thì lại nhất định sống theo luật Hội Thánh về vấn đề sinh sản. Thế là bao tiếng ra tiếng vào xầm xì, chê trách của những kẻ nghĩ rằng con người khôn hơn Thiên Chúa trong vấn đề sự sống. Hai vợ chồng cũng đã thấy mấy cặp vợ chồng quanh họ đã tan rã cũng chỉ vì đã thử lối thụ thai nhân tạo ấy, vừa đắt tiền lại vừa nhục nhã. Khi họ cưới nhau, họ đã đồng ý muốn có nhiều con. Và họ nghĩ: “Biết bao thai nhi vô tội bị phá hủy, bị nạo thai mỗi ngày. Còn chúng tôi muốn có con, chẳng lẽ lại bị thất vọng? Và Bé Inès của chúng tôi sẽ không bao giờ có những đứa em mà nó hằng mơ ứơc bao lâu nay sao?” Nỗi buồn đau của hai vợ chồng Rémi thật xót xa vô hạn.
Nhưng một năm sau, Claire tâm sự với tôi (Sơ Emmanuel):
- Cùng một niềm tin, chúng tôi đã trao cho Chúa nỗi quẫn bách của chúng tôi, và nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ quyền phép, là Mẹ trên trời của chúng tôi, chúng tôi xin Chúa thương tình và nhậm lời chúng tôi. Chính trong thời gian cầu cứu ấy mà chúng tôi nghĩ đến Mễ Du. Kinh tế gia đình kiệt quệ, mọi hoàn cảnh khác xem ra lại ngáng cản. Dù vậy chúng tôi quyết định: Rémi, lúc ấy thất nghiệp, sẽ đi một mình, còn tôi mắc đi làm không đi được.
Thế mà ngày 25-3, chính lúc Rémi bay qua Mễ Du, tôi được các bác sĩ báo tin chắc chắn là tôi đã mang thai. Khó tin song có thực. Khi Rémi nghe tin, anh đã làm cuộc hành hương ấy trong nước mắt vui sướng và tạ ơn Đức Mẹ. Bé gái sinh ra tháng 11, và chúng tôi đặt tên cho nó là Maria laetitia: Maria niềm vui!”
Câu chuyện của Claire chỉ là một trong vô vàn trường hợp con cầu tự ở Mễ Du, tức là chúng chào đời nhờ người thân đi hành hương hoặc cầu khấn Đức Mẹ Mễ Du. Nếu bạn đến gặp Marija hay Vicka mà hỏi về các trường hợp này, hai cô ấy sẽ thuật cho bạn suốt một ngày về các chuyện ấy, không chuyện nào kém hấp dẫn cả! Không phải vô tình mà lần đầu tiên hiện ra ở Mễ Du (24-6-81) Đức Trinh Nữ bế trên tay một bé sơ sinh (chắc là Chúa Giêsu Hài đồng). Đức Mẹ đem Chúa Giêsu là sự sống đến!
Dầu vậy không phải cặp vợ chồng nào hiếm muộn cầu khấn Đức Mẹ cũng đều được nhậm lời như ý muốn cả đâu. Mẹ đã nói nhiều lần ở Fatima: “Mẹ sẽ chữa một số người, còn số khác thì không!” Ở Mễ Du cũng thế. Tại sao vậy?
Cha Tardiff –vừa quá cố tháng 6 năm nay (1999) (Xin Chúa đón linh hồn ngài về trong vinh quang Chúa!) - vị linh mục có đặc sủng làm phép lạ chữa bệnh thời danh nhất hiện nay(5), cũng luôn bị người ta hỏi “Tại sao” như thế, trong các cuộc chữa bệnh nhờ quyền năng của Chúa Giêsu ThThể, khi thấy có người được khỏi có người không, và nhiều lần người không được khỏi lại có những tâm trạng tốt nhất, có lòng đạo đức nhất, tức là đáng được Chúa chữa lành nhất.
Và cha đã trả lời cách khiêm tốn rằng(6): “Khi nào tôi về trời, đó là điều thứ nhất mà tôi hỏi Thiên Chúa. Một điều chắc là ngay cả những người ngoài đạo, không có đức tin cũng đã nhiều người được khỏi bởi phép lạ. Tôi đã từng thấy chuyện đó ở Châu phi và Ấn Độ. Bạn thấy đó, chúng ta đụng tới mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Nếu quả Chúa chỉ chữa một số người thì trái lại, với tất cả chúng ta, Chúa hiến cho một sự chữa lành chung cuộc: đó là sự sống đời đời, ở đó không còn bệnh tật, tang tóc, khóc lóc (x. Kh 21.4). Chữa lành là một ơn huệ dưng không mà ta lãnh được, nhưng nào ta là ai mà dám hỏi Thiên Chúa: tại sao Ngài lại chữa người này mà không chữa người nọ? Người ta được chữa lành không vì người ta xứng đáng, mà vì đây là một ơn huệ Thiên Chúa ban cho ai tùy ý Ngài”
Phần tôi, Sơ Emmanuel nói tiếp, đã thấy tận mắt: Không người phụ nữ nào đến Mễ Du khẩn cầu ơn sinh nở mà ra đi không được nhậm lời cách này hay cách khác: người thì được làm mẹ một đứa bé phần xác, người thì được làm mẹ dưới hình thức khác không kém cụ thể và thực sự, vì Đức Trinh Nữ không phải là người mơ mộng viễn vông trên trời. Người sẽ thầm thì vào tai họ: “Con xem đứa trẻ kia, nó thuộc về Mẹ, song không có ai yêu thương nó, nói chuyện với nó... Con có thấy cậu thiếu niên nọ không?... Con có thấy một cuộc đời đang tan vỡ kia không?...v.v... Mẹ trao phó cho con đó!”
Vì khi một phụ nữ cầm lấy tay Mẹ Maria để nhìn thế giới như chính Đức Mẹ nhìn, họ sẽ khám phá ra trong thẳm sâu lòng họ nảy nở một tình yêu từ trước đến nay không ngờ tới, và trước mỗi một con người trên thế giới, họ sẽ tự nhủ: “Đây là con của tôi!” Thành ra tấm lòng của Mẹ Đ.C.Trời đang ở trong họ.
“Mẹ muốn các con yêu thương mỗi người trên trần gian với chính tình Mẹ yêu thương họ”, Gospa nói.
*
(5) Xem mấy cuốn: “Chúa Giêsu đang sống” và Đức Yêsu là Đấng Thiên sai.
(6) “Đức Yêsu là Đấng Thiên sai”, ch. 4, câu hỏi 13.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|